Lilli Lehmann, “chiến thần” đầu tiên của Wagner

13/05/2020

Dưới góc nhìn của khán giả, những nghệ sĩ vào vai trong các vở opera của Wagner thường có hiện tượng “chết vai”, tức là ấn tượng khi nhắc đến tên ca sĩ thì những nhân vật trong opera của Wagner là thứ đầu tiên hiện ra trong đầu. Riêng Lilli Lehmann thì khác.

Nghệ sĩ Lilli Lehmann.

Ngoài danh tiếng là một trong những nghệ sĩ giọng soprano vào vai của Wagner xuất sắc nhất, bà có giọng hát linh hoạt và nhạc cảm tốt khi xử lý xuất sắc cả những nhân vật của Mozart hay Norma của Bellini, chưa kể 170 trích đoạn khác trong 119 vở opera, oratorio, thậm chí cả các lied mà bà thường hát trong những buổi hòa nhạc trước khi nghỉ hưu ở tuổi thất thập.

Đáng tiếc kỹ thuật ghi âm chưa được phát triển hoàn thiện vào lúc Lehmann còn ở đỉnh cao, nên hiện giờ chỉ còn vài bản thu trước Thế chiến I, thuộc nửa sau sự nghiệp của bà. Dù chúng vẫn rất ấn tượng nhưng vẫn thật khó để dựa vào đó mà đánh giá chính xác khả năng của bà khi còn đỉnh cao. Cũng chính vì lý do này, thông tin về Lehmann trên internet không có nhiều, nếu so với những hậu bối như Kirsten Fladstag hay Birgit Nilsson. Chúng ta chỉ có thể dựa vào lời các nhà phê bình thời ấy, theo đó âm sắc, độ vang giọng hát và thể chất Lehmann vô cùng phù hợp với những nhân vật thần thoại Bắc Âu trong opera của Wagner. Walküre, chiến thần vùng Scandinavia, dưới tay Lehmann trở thành hình mẫu trong nghệ thuật ca hát mà không ai vượt qua nổi.

Bản hợp đồng mơ ước năm 22 tuổi

Lehmann sinh ngày 24/11/1848 tại Würzburg, Đức, trong gia đình nghệ thuật với cha mẹ đều là ca sĩ. Mẹ bà, Maria Theresia Löw vốn là prima donna dưới thời nhạc trưởng Spohr. Bà Maria đã hướng dẫn con gái những bài học đầu tiên. 

Sau một thời gian ngắn hát những vai nhẹ, Lilli lần đầu xuất hiện trên sân khấu ở tuổi 17 bằng vai phụ trong Cây sáo thần của Mozart. Một điều không tưởng đã diễn ra trong buổi diễn: ca sĩ hát vai Pamina đổ bệnh nên Lehmann lên thay thế. Dưới khán phòng, bà Maria suýt ngất xỉu khi thấy con gái trên sân khấu, vì bà biết Lilli không hề học vai Pamina, nhưng lại không biết rằng con gái mình có khả năng thị tấu.  Với tài năng như vậy thì việc Lilli ký hợp đồng trở thành prima donna cho dàn nhạc Hoàng gia Berlin năm 22 tuổi hoàn toàn dễ hiểu. Đó là bản hợp đồng mơ ước, vì nó đồng nghĩa với bước nhảy vọt trong sự nghiệp trọn đời. Đến ngay sau đó là Kammersänger, tước vị tương đương Hiệp sĩ vào năm 1876. Cũng trong năm này, ở tuổi 28, bà tham gia Festival Bayreuth, nơi lần đầu trình diễn toàn vẹn chùm tác phẩm Der Ring des Nibelungen (Chiếc nhẫn của Nibelung), gồm bốn vở Das Rheingold (Vàng sông Rhine), Die Walküre (Valkyrie), Siegfried và Götterdämmerung (Hoàng hôn của các vị thần) do chính Wagner chỉ huy. 

Wagner, vốn là bạn thơ ấu của bà Maria, vô cùng hài lòng với màn trình diễn của Lehmann. Ít ai biết rằng, Wagner đã vật vã 26 năm trời với Ring of the Nibelung chỉ vì nữ chính Brünnhilde. Hết lần này tới lần khác, ông nâng lên đặt xuống cây viết của mình. Trong tự truyện, ông kể lại cảm giác là sự can đảm trong sáng tác đã khiến ông thất bại, vì có thể chẳng ai có khả năng vào vai nữ anh hùng này. Brünnhilde đầu tiên thật khó tìm, vì hầu hết các prima donna ông từng gặp đều có cái hào quang “nữ sinh trung học ẻo lả”. Ông đã chọn Amalie Materna với giọng hát dày và âm lượng lớn. Do đó, một Lehmann đầy tiềm năng xuất hiện trong vai phụ đã khiến ông chú ý và bày tỏ ý muốn đào tạo. Nhưng mẹ cô nhất quyết phản đối vì lúc bấy giờ giọng cô mới chỉ có chất trữ tình. Chẳng ai nghĩ rằng cô gái cũng có chất “nữ sinh trung học” ấy sớm nhận các vai kịch tính và đương nhiên trở thành huyền thoại với vai Brünnhilde. Giọng hát đủ sức xuyên dàn nhạc chính là thứ mà Wagner tìm kiếm. Gần 10 năm sau, tại buổi biểu diễn năm 1888 ở Mỹ, Lehmann trở thành tiêu chuẩn mà các hậu bối sau này khó mà đạt được. “Những ai có mặt trong khán phòng ngày hôm ấy không bao giờ có thể quên cảm giác choáng ngợp trước cảm xúc của Brünnhilde thể hiện qua giọng hát dữ dội”, một nhà phê bình đã viết như vậy trên tạp chí Time vào tháng 3/1935.

Lilli Lehmann vào vai Brunnhilde.

Năm 1885 là bước ngoặt lớn thứ 2, khi Lehmann đặt chân vào nhà hát Metropolitan Opera danh tiếng. Trong suốt gần 10 năm, bà đã giúp âm nhạc của Wagner được phổ biến ở Mỹ. Tại đây, Lehmann biểu diễn 600 aria trong 170 vở opera các loại và trở thành một siêu sao. Tuy nhiên bà đã phải đối mặt với án phạt vì ở nước ngoài quá thời gian cho phép khi vẫn đang là prima donna của Berlin Court Opera. Nhờ được đích thân Hoàng đế Wilhelm II, vốn là người rất ngưỡng mộ can thiệp, Lehmann vẫn được giữ hợp đồng với nhà hát.

Việc hợp tác trực tiếp với các nhà soạn nhạc như Wagner, Verdi và Mahler khi còn trẻ đem lại cho bà vị trí nhất định trong giới nghệ thuật. Từ năm 1899, bà mở rộng hoạt động tại châu Âu, gồm Royal Opera House, Covent Garden tại Anh, rồi lần lượt sang Paris và Vienna trong các năm 1903 và 1909, nhận nhiều danh hiệu như Llitteris et artibus của hoàng gia Thụy Điển. Trước đó vào 1905, bà tham gia Salzburg Festival và sau này trở thành giám đốc nghệ thuật. Với lịch trình dày đặc, bà dần tách khỏi thế giới opera và chủ yếu góp mặt trong các buổi hòa nhạc nhỏ (recital) cho tới khi rời hẳn khỏi sân khấu vào những năm 1920 nhằm tập trung cho nghiên cứu và giáo dục.

Không chỉ có giọng ca hoàn mỹ

Giọng hát không phải là điều duy nhất làm nên tên tuổi Lehmann. Cuốn Appletons’ Cyclopædia tổng hợp tiểu sử những nhân vật làm nên lịch sử của Thế giới Mới (châu Mỹ) cho biết bà có khả năng nhập vai tuyệt vời. Với tố chất toàn năng, bà cũng thành công trong sự nghiệp giáo dục khi thành lập Học viện Mùa hạ chuyên về thanh nhạc tai Đại học Mozarteum, Salzburg, năm 1916, và cho ra lò những ca sĩ danh tiếng như soprano Geraldine Farrar, Viorica Ursuleac, Edytha Fleischer, Olive Fremstad và giọng nữ trung Marion Telva. Hằng năm, Đại học Mozarteum cũng trao huân chương mang tên Lilli cho những sinh viên đạt thành tích xuất sắc. Hiện Học viện Mùa hè vẫn đang được đại học này quản lý với hơn 60 khóa nâng cao đào tạo chuyên sâu mỗi năm.

Cuốn Meine Gesangskunst (Nghệ thuật Thanh nhạc của tôi của bà thường được biết đến với tựa đề tiếng Anh How to Sing) được đề cập rất nhiều bởi những chuyên gia thanh nhạc. Tuy nhiên bản dịch tiếng Anh không thể truyền tải hết những gì Lehmann biểu đạt trong bản gốc bằng tiếng Đức. Cách duy nhất để biết chính xác phương pháp dạy của Lehmann là tìm tới các học sinh cũ của bà mà giờ đều đã thành người thiên cổ. May mắn là có thể tìm thấy một số thông tin trong cuốn sách của John Frederick Lissfelt. Không hiểu cách luyện giọng hát chỉ bằng việc đọc giáo trình, Lissfelt quyết định tới Đức học hỏi. May mắn sao người hàng xóm Minna Kaufman Ruud, cũng là học trò của Lehmann, đã viết thư giới thiệu, nhờ đó Lissfelt có cơ hội phỏng vấn trước khi bà mất ở tuổi 81, rồi tiếp tục học dưới sự chỉ dẫn của Ruud và bà Marie, em gái Lehmann.

Bìa cuốn Meine Gesangskunst của Lilli Lehmann. 

Lehmann rất phản đối dùng từ “phương pháp”. Bà cho rằng mỗi nghệ sĩ chân chính đều có mong muốn giúp đỡ mọi ca sĩ đạt được cái đích tối thượng là tạo ra âm thanh hoàn mỹ. Không thể có một công thức chung nào cho điều đó. Bà xây dựng giáo án riêng cho từng học trò, và uốn nắn giọng hát của họ sao cho phù hợp nhất với cấu trúc cổ họng, đầu và ngực. Với cách thực nghiệm này, bà luôn đưa ra những tư vấn chuẩn xác về sự nghiệp cho mỗi người. Đối với bà, sự tập trung rất cần thiết để mọi cơ quan đều phối hợp ăn ý, dễ dàng thích nghi với sự thay đổi. Bài tập hát các nguyên âm “a, i, e, o, u” để nắn các cơ mặt, cổ và đầu thành một chiếc “mặt nạ” phóng đại âm thanh (giống như mặt trước của loa ampli) đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt với các ca sĩ có ngôn ngữ mẹ đẻ không phải các ngôn ngữ âm nhạc (tiếng Ý, Pháp...) vì cách phát âm cũng ảnh hưởng không ít tới nhả chữ. Bản thân bà dành một tiếng rưỡi mỗi ngày để luyện với âm giai nửa cung và các gam khác nhau. Lissfelt nhận xét rằng bài tập tuy đơn giản và có thể làm cho các nhà sư phạm khác bật cười, nhưng rõ ràng nó không chỉ giúp giọng hát linh hoạt hơn, có âm lượng lớn hơn mà còn cải thiện cả giọng nói.

Đời sống thầm lặng 

Không có nhiều thông tin về đời tư Lehmann. Ngay tại Bayreuth festival đầu tiên, “chiến thần” gặp Fritz Brandt, con ông Carl Brandt chuyên dàn dựng sân khấu và họ nhanh chóng đính hôn. Càng về sau này, Fritz lộ ra là người có nhiều vấn đề tâm lý khiến Lehmann quyết định hủy hôn. 14 năm sau mối tình đầu, bà có hôn nhân khá bình lặng với Paul Kalisch, một tenor thời đó, và họ không có con. Có thông tin nhầm lẫn cho rằng soprano Lotte Lehmann là con Lilli vì bà sinh năm 1888 đúng lúc Lilli kết hôn lần 2, nhưng cả hai thực chất không có họ hàng. Ngoài vài bản ghi âm hiếm hoi thì tất cả những gì Lehmann để lại là cuốn giáo trình, tự truyện hiện đang ở chế độ public domain (không ai giữ bản quyền), được phổ biến rộng rãi sau khi bà mất đã 80 năm. Còn rất nhiều tài liệu cá nhân của bà vẫn được lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Berlin nhưng rất khó tiếp cận chúng vì sự nghiêm ngặt với thư tín cổ của luật bảo tồn di sản Đức. 

Lehmann có lối sống tối giản, trầm lặng và kín tiếng. Với ngoại hình rắn rỏi thường thấy ở các ca sĩ giọng kịch tính, kèm thêm ánh mắt cương nghị và khí chất mạnh mẽ có thể khiến người đối diện bị lấn át, nhưng có thể thấy bà có tâm hồn mỏng manh. 8 năm sau lần hôn nhân đầu thất bại, bà vẫn sợ phải gặp lại người xưa tới nỗi từ chối lời mời của chính Wagner khi biết chồng cũ tham gia đạo diễn. Cuộc phỏng vấn duy nhất của bà được ghi chép trong “Dự án Gutenberg” khi bà đã gần 60. Dù mệt mỏi vì ngủ muộn sau một đêm diễn, bà vẫn tiếp nhà báo vào sáng sớm. Ca sĩ chủ động mở đầu bằng năm sinh khiến người này bối rối, vì tiết lộ tuổi là điều phụ nữ thời đó ít khi làm. Bà thậm chí còn tự tay tốc ký trên bút giấy và đưa lại cho anh ta cuối buổi phỏng vấn. Không hết ngạc nhiên, nhà báo hỏi:

“Làm thế nào mà bà vẫn có năng lượng để làm mọi thứ như vậy?” 

“Tôi đã ăn chay hơn 5 năm rồi. Và mỗi ngày tôi vẫn tập luyện và học hỏi. Xét cho cùng thì sự học là muôn vàn.”

Có lẽ chính nhờ phong cách sống và làm việc như vậy mà Lehmann đã đặt nền móng cho kỹ thuật thanh nhạc hiện đại, opera Wagner và mở đường cho các thế hệ ca sĩ tiếp theo từ châu Âu như Kirsten Flagstad phát triển sự nghiệp tại Thế giới Mới, một cách âm thầm, không phải ai cũng biết tới.

Dù nghe Wagner than phiền về việc không thể theo đuổi chế độ ăn chay do thể chất không cho phép, Lehmann đã cho rằng đây chính là bí quyết của cuộc sống trường thọ, nhưng tới năm 1892, qua một đợt bạo bệnh, bà mới thực hiện điều này theo khuyến cáo của bác sĩ. Trong hai năm điều chỉnh khẩu phần ăn, Lehmann nhận xét rằng ăn chay đã có tác động vô cùng tích cực tới cả thể chất lẫn tinh thần. "Tâm trí tôi bình thản lạ kỳ. Tôi không còn dao động cảm xúc nhiều khi xuất hiện trước công chúng hay những sự kiện đời thường. Tôi khỏe mạnh trở lại, dẻo dai hơn và dễ dàng chịu đựng áp lực công việc vốn ngày càng lớn". Tới tháng 4/1899, bà chuyển hẳn sang ăn chay trường: "Tôi ăn ít và vẫn thấy ổn dù làm việc không ngưng tay, ban ngày ở nhà hát và tối về viết cuốn Meine Gesangskunst".

(Nguồn: https://www.tiasang.com.vn/)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...