Mirella Freni: Nàng Mimì đã ra đi
Tin giọng soprano huyền thoại Mirella Freni qua đời tại quê nhà ngày 9 tháng 2 sau một thời gian đau yếu nặng đã làm rúng động tất cả các tờ báo, trang tin opera và nhạc cổ điển. Các nhà hát tên tuổi cùng nhiều ca sĩ opera nổi tiếng như Placido Domingo, Angela Gheorghiu, Renee Fleming,... cùng chia sẻ nỗi mất mát về sự ra đi của một trong những giọng ca xuất sắc bậc nhất của thế kỉ XX và hơn nữa, một nàng Mimì khiến người ta không thôi thổn thức.
Mirella Freni. Nguồn: The Guardian
Nhìn lại cả cuộc đời hiến dâng cho sân khấu opera, đặc biệt là opera truyền thống Ý, của Mirella Freni, New York Times gọi bà là một “prima donna Ý vô song”. Câu nhận xét trên New York Herald Tribune nhân dịp bà lần đầu ra mắt sân khấu Metropolitan Opera vào ngày 29/9/1965 trong vai Mimì với Gianni Raimondi (Rodolfo) dường như cũng đúng với sự nghiệp sân khấu của bà “Sức quyến rũ không thể cưỡng lại của Freni sẽ là một khởi đầu tốt cho sự nghiệp sân khấu. Không chỉ đẹp để ngắm nhìn, hồn nhiên và thông minh để thu hút, cô còn có một chất giọng và diễn xuất để tạo ra một Mimì nữ tính và duyên dáng mê hồn. Giọng hát tự nó đã thuần khiết và tươi mát, những màu sắc tuyệt điệu ở mọi góc độ của nó dường như bật ra một cách tự nhiên trước sự giục giã của lời ca”.
Mimì của Karajan
Mirella Freni tên thật là Mirella Fregni (bà lấy nghệ danh là Freni để dễ phát âm hơn) sinh ngày 27 tháng 2 năm 1935 tại Modena, miền Bắc nước Ý. Tài năng của Freni được phát lộ từ khá sớm, ngay từ hồi 5 tuổi, trong một lần nghe giọng soprano huyền thoại Toti Dal Monte hát một aria hoa mĩ của Lucia di Lammermoor qua một bản ghi âm, Freni đã “hát lại không thiếu một nốt”. Freni từng kể lại, “mọi người trong nhà tôi đều thích thú, duy chỉ có cha tôi là thấy không bình thường. Ông ấy chỉ là một ‘barbiere’ (thợ cạo) giống Figaro thôi, ông ấy tát yêu tôi và nói ‘con làm gì vậy thế, con bé ngốc nghếch này’. Tôi tức lắm, nhiều năm sau đấy tôi chẳng chịu hát một nốt nhạc nào”.
Năm 12 tuổi, một người chú đã dẫn Freni tới một cuộc thi hát quốc gia của Đài RAI, và cô bé đã chinh phục khán giả bằng aria nổi tiếng “Un bel di”. Mặc dù được đánh giá cao, một trong số giám khảo, giọng tenor huyền thoại Beniamino Gigli đã khuyên cô bé hãy cẩn trọng và không nóng vội phát triển sự nghiệp. May mắn thay, Freni đã nghe theo lời khuyên đó, tiếp tục tầm sư học đạo tự trui rèn bản thân.
Khác với nhiều ca sĩ opera nổi tiếng, sự nghiệp biểu diễn của Freni rất thuận lợi. Chiến thắng tại một cuộc thi khiến Freni nhanh chóng có một vai diễn chuyên nghiệp, vai Micaela (Carmen) trong một dàn dựng tại sân khấu quê nhà khi mới tròn 20 tuổi. Sau một vài vai diễn đáng chú ý tại Italia, Freni bắt đầu phát triển sự nghiệp quốc tế, và bắt đầu có những thành công bước đầu với những Zerlina (Don Giovanni), Susanna (Đám cưới Figaro), Adina (Rượu tình) tại Glyndebourne Festival.
Năm 1961, Freni hát thay vai Nanetta cho Renata Scotto bị ốm (Falstaff) tại nhà hát La Scala - thánh đường Opera. Đêm diễn đủ thành công để La Scala tiếp tục mời giọng soprano trẻ thử sức bằng vai nữ chính Mimì (La Boheme) hai năm sau, trong một dàn dựng siêu phẩm của đạo diễn Franco Zeffirelli dưới đũa chỉ huy của một trong những nhạc trưởng vĩ đại nhất mọi thời đại - Herbert von Karajan.
Khi lần đầu tiên thử giọng với cô ca sĩ trẻ có vóc người nhỏ nhắn, có chút nghi ngại, Karajan yêu cầu Freni hát một trích đoạn màn cuối, thay vì aria đinh “Si mi chiamano Mimì”. Freni hiểu rằng vị nhạc trưởng lỗi lạc muốn cô thể hiện mình hiểu và cảm nhận vai diễn đến đâu chứ không chỉ là một giọng hát. Ngay sau khi Freni vừa dứt hơi, Karajan biết rằng ông đã tìm được Mimì của đời mình. Mimì không chỉ trở thành vai diễn đóng đinh với tên tuổi của Mirella Freni, mà còn là khởi đầu của mối lương duyên trong âm nhạc giữa vị nhạc trưởng tài năng và một trong những giọng soprano trữ tình đẹp nhất lịch sử ghi âm. Karajan không ngại ngần thú nhận: “Trong cuộc đời, chỉ có hai lần tôi khóc, một lần khi mẹ tôi qua đời và một lần nghe Freni hát Mimì”.
Mirella Freni trong buổi diễn tập vở “Don Giovanni” cùng đạo diễn Franco Zeffirelli tại Nhà hát Royal Opera House, Covent Garden, London. Ngày 30/1/1962. Nguồn: Nhà hát Royal Opera House
Là một trong những giọng soprano yêu thích nhất của nhạc trưởng số một trong giới biểu diễn, Freni được Karajan hết mực ưu ái và nâng đỡ trong sự nghiệp. Ông mang bà đến với những festival âm nhạc và nhà hát danh tiếng, đưa bà vào những dự án ghi âm studio quan trọng và giúp bà mở rộng kịch mục. Trong một lần cao hứng, vị nhạc trưởng vốn nổi tiếng chuẩn xác và cực kỳ khắt khe đã dừng đũa chỉ huy, để mặc dàn nhạc chạy theo giọng hát của Freni.
Nhưng sự ưu ái ấy cũng đến cùng với những áp lực không hề nhỏ. Karajan thường bắt các giọng hát yêu thích của mình như Christa Ludwig, Gundula Janowitz hát những vai nặng, thậm chí trái với cữ giọng của họ, và Mirella Freni cũng không là ngoại lệ. Karajan ép giọng hát trữ tình tuyệt đẹp của Freni hát các kịch mục Verdi hạng nặng như Aida, Elisabetta hay Desdemona – vai diễn mà ông cho rằng phải mất nhiều năm mới kiếm được một người hát tinh tế như Freni. Cũng chính Karajan là chỉ huy dàn dựng La Traviata năm 1964, buổi diễn hiếm hoi trong sự nghiệp lừng lẫy của Freni tại La Scala mà bị khán giả la ó. Và cho đến khi Karajan gợi ý Freni hát Turandot (vai diễn được cho là “sát thủ giọng hát” thường chỉ dành cho những giọng kịch tính đặc biệt), Freni đã nói lời từ chối thẳng thừng. “Cô định qua mặt tôi à?”, Karajan hỏi vặn. “Em không muốn qua mặt thầy, nhưng em không thể hát nó được”, Freni khăng khăng. “Nhưng cô hát được những nốt cao ấy kia mà” - “Maestro, vấn đề không phải là những nốt cao. Thứ nhất là vai diễn ấy cần những âm sắc khác với giọng hát của em, thứ hai, em đã từng hát Lìu nhiều lần cùng Nilsson và em biết là Turandot phải như thế nào.”
Sự khăng khăng cố chấp ấy đã làm phật lòng Karajan, nhưng Freni cũng hiểu rằng được sự sủng ái của của Karajan cũng như là chơi với con dao hai lưỡi: “Mọi người thường nghĩ rằng Maestro von Karajan thường biệt đãi với tôi, như là điều khiển dàn nhạc nhỏ nhẹ hơn hay là gì đó kiểu vậy. Điều đó hoàn toàn không đúng. Đó chỉ là cách ông ấy mong muốn khi chỉ huy tác phẩm đó chứ chẳng hề có biệt đãi nào với tôi cả. Hát theo cách Karajan muốn không hề dễ chút nào. Tôi từng hát Otello với nhiều nhạc trưởng, và hát với họ dễ hơn nhiều, bởi vì Karajan luôn muốn pianissimo (rất nhỏ nhẹ) thậm chí willississimo (sương khói) – nhưng với sức căng. Legato cũng với sức căng. Nó rất đẹp. Nhưng cũng rất khó hát, chẳng hề dễ chút nào.”
Freni luôn tôn trọng và ca ngợi vị nhạc trưởng tài danh, dầu họ không còn chung đường trong âm nhạc, nhưng sự chia cách ấy hoàn toàn chỉ vì những kịch mục nặng mà Karajan muốn không phù hợp với giọng hát bà mà thôi. Bà kể lại rằng, nhiều năm sau, Karajan có gọi điện hỏi thăm. “ Mirella, cô dạo này thế nào? Tôi nhớ cô lắm.” Freni nghịch ngợm trêu trọc “Maestro, nếu thầy không đổi kịch mục diễn đi thì thầy sẽ còn nhớ em cả đời”. Lời nói đùa ấy, đáng tiếc lại trở thành sự thật, kể từ sau lời từ chối Turandot, Karajan không bao giờ mời Freni tham gia một buổi diễn nào của ông nữa.
Mắt xích cuối cùng của truyền thống Ý
Không chỉ từ chối Turandot với Karajan, Freni còn từ chối rất nhiều vai diễn có nguy cơ ảnh hưởng đến giọng hát của mình, trong đó có cả Madama Butterfly dù bà từng ba lần ghi âm studio cùng ba giọng tenor thế kỉ (Pavarotti, Domingo, Carreras). Sự cả trọng đó giúp bà giữ được vẻ đẹp tươi trẻ của giọng hát trong suốt hơn nửa thế kỉ sự nghiệp đằng đẵng, giống như biệt danh của bà “La Prudentissima” (người thận trọng khôn ngoan nhất). “Tôi thường nghĩ thoáng lắm, nhưng khi thấy điều gì có thể làm tổn hại với giọng hát tôi thì không bao giờ. Nhiều ca sĩ cứ nghĩ họ là thánh thần, cái gì cũng có thể làm được. Nhưng tôi thì luôn trung thực với bản thân và năng lực của chính mình”. Sự khôn ngoan ấy không hề tự nhiên mà có, đó là điều bà lĩnh hội được từ chính thất bại với Violetta năm xưa. “Khi tôi trẻ, tôi hát rất bản năng. Theo thời gian, và trên tất cả, sau sai lầm với La Traviata tại La Scala, tôi đã tìm thấy chính mình tại chính khúc ngoặt sự nghiệp. Trên những cơn sóng thành công ồ ạt chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, tôi đã nóng vội nhận một vai diễn khi mà năng lực thanh nhạc của tôi chưa đủ đáp ứng vào thời điểm ấy. Đó là một bài học khiến tôi phải nghiên cứu nhiều hơn để hoàn thiện kỹ thuật chắc chắn hơn và đặc biệt là, nó khiến tôi nhận thức được hoàn toàn giọng hát của mình.”
Giọng hát bền bỉ theo năm tháng với vẻ đẹp tròn mịn thuần chất Ý với nhạc cảm tuyệt vời không chỉ là điều duy nhất khiến khán giả nhớ đến Mirella Freni. Khả năng nhập vai dễ dàng, sự cảm nhận tinh tế với lời hát khiến cho những vai diễn của bà hết sức tự nhiên và gần gũi đến với khán giả. “Công việc sáng tạo của người biểu diễn là mang lại đời sống thật cho những chấm đen nhỏ trên tổng phổ, điều chỉ có thể nằm trong khả năng của những nghệ sỹ âm nhạc, để đưa chúng chạm tới đôi tai khán giả, hay đúng hơn là trái tim và trí óc họ, vượt qua mọi sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ hay đẳng cấp”, bà chia sẻ. Sự phô diễn những âm thanh đẹp thuần túy không phải phong cách mà Freni hướng tới, bà luôn tìm cách khơi gợi những xúc cảm tinh thần dưới từng nốt nhạc, lời hát trong mỗi vai diễn. “Giọng hát đẹp chỉ là một thành tố thôi, và tôi dám nói rằng nó không phải thứ quan trọng nhất, khi người ca sĩ xem mình là một nghệ sỹ thực sự… Sự thấm đẫm nhân bản với tôi mới là thứ quan trọng hơn cả giọng hát. Làm sao có thể nói một cách thuyết phục về tình yêu, cái chết, bội phản, danh dự, tình bằng hữu - những tình cảm con người ấy lại chính là những thứ thường xuyên xuất hiện trong opera, nếu như chúng ta không hiểu hay chưa từng trải qua chúng?”
Trở thành ngôi sao opera trong suốt thời kỳ hoàng kim từ thập niên 1960-1980, dù đứng chung sân khấu với nhiều huyền thoại opera như Birgit Nilsson, Franco Corelli, Joan Sutherland, Placido Domingo,… nhưng với Freni, Luciano Pavarotti luôn là người bạn diễn đặc biệt nhất. Không chỉ bằng tuổi và cùng quê, Freni và giọng tenor thế kỉ còn là một đôi bạn thanh mai trúc mã.
Mirella Freni và Luciano Pavarotti trong duet Cherry của vở “L’Amico Fritz” (Mascagni). Nguồn: Reg Wilson/Rex/Shutterstock
Mẹ của Freni và Pavarotti vốn cùng làm việc trong một nhà máy thuốc lá, họ thân nhau đến nỗi thường cho hai con mặc đồ giống nhau và cùng gửi một bà nhũ mẫu chăm sóc. Freni thường hài hước bông đùa về giọng tenor có vẻ ngoài cao lớn “hãy xem ai đã giành hết sữa của tôi kìa”. Đến tuổi trưởng thành, chung một ước mơ theo đuổi nghệ thuật, Freni và Pavarotti lại cùng theo học giảng viên Ettore Campogalliani - người từng đào tạo nên những giọng hát đỉnh cao như Renata Tebaldi, Carlo Bergonzi trước đấy. Trong những năm tháng thanh xuân, họ nhồi mình trong chiếc xe FIAT bé tí, thường là cùng với Leone Magiera (vị nhạc trưởng, người huấn luyện thanh nhạc và sau này cũng là người chồng đầu tiên của Freni), qua nhưng con đường mù sương đến tận Mantua để tầm sư học đạo.
Tình bạn bền chặt của Freni và Pavarotti còn được minh chứng bằng những bản thu âm hay những lần xuất hiện bên nhau trên khắp các thánh đường opera trên toàn thế giới. Hai người chưa bao giờ ngừng trao cho nhau những lời nói thân tình, dù là trực tiếp hay gián tiếp trên truyền thông. Chỉ hai năm trước khi qua đời, Pavarotti đã dành những lời có cánh cho người bạn thân thiết, ca ngợi bà là “một nghệ sỹ, một con người có tầm vóc lớn lao và đẹp đẽ”.
“Trong cuộc đời, chỉ có hai lần tôi khóc, một lần khi mẹ tôi qua đời và một lần nghe Freni hát Mimì”. (Herbert von Karajan)
Người bạn diễn thứ hai, gắn bó trong suốt nửa sau sự nghiệp của Mirella Freni là giọng bass huyền thoại người Bulgaria – Nicolai Ghiaurov – người chồng thứ hai của bà . Hai người từng nhiều lần diễn chung với nhau, dù không thường xuyên là cặp tình nhân trên sân khấu, trước khi kết hôn cùng nhau năm 1981 và kéo dài tới tận cuối sự nghiệp. Với Ghiaurov người vốn xuất phát từ trường phái thanh nhạc Nga, Freni lại tìm được nguồn cảm hứng mới là những kịch mục opera trữ tình của Tchaikovsky như Tatyana (Evgheni Oneghin), Lisa (Con đầm pích) hay Joan d’arc (Thiếu nữ Orleans).
Trái với những mối quan hệ trái ngang hoặc khập khiễng trên sân khấu, ngoài đời Freni và Ghiaurov là một đôi vợ chồng hạnh phúc. Không chỉ âm nhạc, họ có cùng niềm đam mê cuồng nhiệt với bóng đá, và niềm đam mê thứ hai này, đôi khi cũng tạo nên sóng gió. Khi đội tuyển Ý và Bulgaria đối đầu nhau tại World Cup 1994, Freni tuyên bố “Nếu ông cứ ngồi ở phòng khách rồi thì tôi sẽ vào phòng ngủ xem”. Cuộc hôn nhân êm ấm của họ kéo dài cho tới tận khi khi Nicolai Ghiaurov qua đời năm 2004.
Sau khi chồng mất, Freni vẫn tiếp tục hát nhưng các buổi diễn thưa thớt hơn, dù giọng hát không hề có dấu hiệu suy suyển. Lần xuất hiện chính thức cuối cùng của bà là trong đêm diễn gala tại nhà hát Metropolitan. Sau buổi diễn, bà chia sẻ “ Tôi nói rằng tôi bận. Nếu như tôi cứ đồng ý hát tiếp, tôi sẽ cứ hát suốt mỗi ngày – hát tất cả mọi ngày mất. Thật kinh khủng. Tôi muốn một cuộc sống bình thường thôi. Giờ thì tôi có thời gian cho bản thân mình, cho gia đình của tôi và cho cả khu vườn của tôi nữa.”.
“Công việc sáng tạo của người biểu diễn là mang lại đời sống thật cho những chấm đen nhỏ trên tổng phổ, điều chỉ có thể nằm trong khả năng của những nghệ sỹ âm nhạc, để đưa chúng chạm tới đôi tai khán giả, hay đúng hơn là trái tim và trí óc họ, vượt qua mọi sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ hay đẳng cấp”. (Mirella Freni)
Đối với nhiều người Mirella Freni là “Prima donna” cuối cùng của Opera, như Placido Domingo đã chia sẻ, “Cái truyền thống ấy đã kết thúc. Mirella Freni là mắt xích cuối cùng của nó. Bạn chẳng thể tìm được ai thực sự tiếp nối cô ấy cả.” Do đó, sự ra đi của bà là một mất mát lớn đối với nước Ý nói riêng và nền nghệ thuật Opera thế giới nói chung. Tất cả những khán giả yêu opera sẽ đều luôn nhớ đến bà, người ca sĩ vĩ đại “chỉ với giọng hát mà làm thổn thức cả thế giới” – như lời Dario Franceschini, Bộ trưởng bộ Di sản văn hóa và Du lịch Ý.
(Nguồn: http://www.tiasang.com.vn/)