Nhạc giao hưởng là lựa chọn của số phận
Là nhạc công chính thức của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam (DNGHVN) năm 1990, từ 2014 NSUUT Tuyết Trinh là bè trưởng Violoncelle của dàn nhạc này. Chị đã tham gia cùng đoàn biểu diễn thành công các chương trình âm nhạc Giao hưởng, thính phòng, và các tiết mục solo khắp cả trong và ngoài nước như Nga, Ý, Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Thái lan, Lào, Campuchia, và được đông đảo khan giả đón nhận.
Ngoài là nhạc công Giao hưởng, NSUT Đào Tuyết Trinh còn là người chơi nhạc thính phòng, đã được mời tham gia các festival âm nhạc thính phòng ở Phillipine . Chị là thành viên nhóm Sông Hồng – một trong những nhóm thính phòng được yêu thích hàng đầu Việt Nam và biểu diễn rất nhiều ở trong và ngoài nước. Chị cũng là nhạc công tham gia Hanoi New Music Ensemble như là một sự đam mê. Chị tùng chơi solo và các tiết mục nhóm trong các chương trình biểu diễn. Chị đứng ra thành lập nhóm Cello&Friens, coi đó như món quà chị muốn tặng cho bạn bè, những người đã từng học Cello nhưng ít có cơ hội biểu diễn, cũng như muốn mang tặng những âm thanh tuyệt vời của cây Cello đến cho khan giả.
- Chị có thể cho biết sơ qua về quãng thời gian học đàn của chị? Bao nhiêu năm thì có thể có được một vị trí trong một dàn nhạc Giao hưởng?
+ Tôi đã học đàn Cello từ khi lên 9 tuổi, trải qua 6 năm Sơ cấp, 4 năm Trung cấp và 5 năm Đại học. Vậy là tròn 15 năm khổ luyện cùng cây đàn để trở thành một nhạc công. Sau khi trở thành nhạc công chính thức của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, tôi lại quay lại Nhạc viện Hà Nội để hoàn thành chương trình Thạc sỹ chuyên ngành Biểu diễn đàn Violoncelle.
Theo tôi để trở thành nhạc công của Dàn nhạc Giao hưởng, người nhạc công phải có đủ thiên hướng, kỹ năng và đam mê cộng với khổ luyện hàng chục năm. Với chương trình học như hiện nay, đa phần sau khi tốt nghiệp Đại học Âm nhạc (tức là sau 15 năm) là sinh viên đã được trang bị đủ kỹ năng để trở thành nhạc công Dàn nhạc Giao hưởng. Tuy vậy, họ vẫn phải tiếp tục học, tập luyện và nâng cao kỹ năng để trở thành nhạc công giỏi có thể chơi trong những dàn nhạc lớn hay biễu diễn âm nhạc thính phòng.
- Vâng, tức là ít nhất phải mất 15 năm để học sử dụng được cây đàn... Và mất cả đời để luyện tập cùng nó. Nhưng tôi thấy cây đàn Cello khá cồng kềnh, vậy mà chị đã mang vác nó gần như cả cuộc đời mình. Với phụ nữ học Cello có quá khó không?
+ Cây đàn Cello đối với phụ nữ nói chung là quá to, nhưng trót gắn bó với đàn, nên tôi đủ sức mang nó theo suốt cả cuộc đời. Tôi thấy mình ôm đàn đã cồng kềnh, nhưng chẳng thấm gì với việc mẹ tôi, người phụ nữ bé nhỏ đã bao năm đưa đón tôi và cây đàn khổng lồ này chỉ bằng chiếc xe đạp bé tẹo.
NSƯT Tuyết Trinh trong một chương trình biểu diễn.
Tôi đã từng có kỷ niệm cay đắng, đó là khi học ở Trường Nghệ thuật Hà Nội, chỉ còn vài ngày nữa sẽ thi, hôm đó tôi học xong và buộc đàn sau xe đạp đi về nhà. Vào đến sân nhà tôi chỉ chống chân xe đạp và để cả đàn và xe giữa sân để ra cài cổng. Bỗng một cơn gió to thổi tới, chỉ trong chớp mắt cái xe lăn kềnh ra đè lên cả cái đàn! Tôi tái mặt lao đến dựng xe và dỡ cái đàn ra thì ôi thôi, cổ đàn gẫy gập, mặt đàn thì vỡ làm mấy mảnh! Tôi bị cô giáo và mẹ khiển trách rất nặng… Anh biết đấy, tìm được cây đàn tốt và đủ tiền để mua nổi cây đàn đã khó, cây đàn đó còn phải hợp với người chơi nữa! Bởi cây đàn giống như cây súng của người lính, là vật bất ly thân…
- Được biết, gần đây chị mới được phong danh hiệu NSƯT, tôi thấy khá muộn màng và cảm thấy các chị thiệt thòi hơn so với các nghệ sĩ ở lĩnh vực nhạc nhẹ và nhạc dân tộc! Cá nhân chị thấy sao?
+ Tôi được phong NSƯT năm 2012. Tôi nghĩ những nhạc công của các DNGH công tác trên 10 năm đều xứng đáng được phong tặng NSUT! Làm việc trong DNGH rất vất vả... tiếng ồn, sự căng thẳng và sự tập trung cao độ trên sân khấu khi luyện tập cũng như khi biểu diễn... Cả trăm con người phải chung nhịp thở, phải kết hợp hết sức ăn ý từng nốt nhạc một...
Bên nhạc dân tộc và nhạc nhẹ đã có thể tổ chức được nhiều cuộc thi, hội diễn ngành hay toàn quốc, nên dễ xác định được thành tích để phong tặng danh hiệu. Còn âm nhạc cổ điển và Giao hưởng thính phòng thì đã lâu lắm không có hội diễn hay thi thố gì, mà các quy định về thành tích để xét phong tặng là phải có giải. Thực ra với chúng tôi, những nghệ sĩ cả đời gắn bó với nhạc Giao hưởng thính phòng, thứ âm nhạc bác học và kén chọn người nghe, thì cứ còn sức khoẻ để chơi đàn, chơi ở đâu cũng được, là chúng tôi vui lắm rồi.
- Với tư cách là người mẹ và cũng là một nghệ sĩ biểu diễn Cello, chị có muốn nói gì về trào lưu cho con học đàn Piano hoặc các nhạc cụ cổ điển, gần đây của khá nhiều phụ huynh?
+ Gần đây, các trung tâm âm nhạc được mở ra khá nhiều, có số lượng học sinh đăng ký học lên đến con số hàng nghìn! Mà đa số là học sinh học Piano, thứ đến là Guitar, Violin... Trong khi đó Flute đếm trên đầu ngón tay, Cello thì hầu như vắng bóng. Có thể nói đây là một trào lưu dạy cho trẻ em tìm hiểu âm nhạc và có thể chơi được một loại nhạc cụ ở người Việt hôm nay là rất mạnh mẽ!
Đó là điều tốt, vì các phụ huynh dù hiểu hay không hiểu âm nhạc song đã mong muốn con em mình tiếp cận với các loại nhạc cụ và âm nhạc tinh hoa. Việc các trung tâm âm nhạc được mở ra như vậy lẽ ra ngành giáo dục đã phải làm từ lâu, nên phổ cập trong các trường phổ thông! Không những nâng cao nhận thức văn hoá cho các em, âm nhạc còn giáo dục và giúp các em tính thiện, tính sáng tạo và tư duy logic. Tuy nhiên chúng ta cũng cần tự phân biệt giữa sự đòi hỏi được tiếp cận âm nhạc cổ điển và việc chạy theo trào lưu.
- Từng là một thành viên của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, thời gian luyện tập và biểu diễn của chị diễn ra thế nào? Chị còn bao thời gian cho gia đình và nghỉ ngơi? Chị thấy nghệ sĩ biểu diễn với thiên chức làm vợ, làm mẹ có gì xung đột nhau không?
+ Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và các Dàn nhạc Giao hưởng là những đơn vị có tính chất đặc thù, luyện tập theo chương trình... Mỗi chương trình tập và diễn trong khoảng 1 tuần, ngày 2 buổi (sáng từ 8h45 -11h30, chiều từ 14 h - 16h30)...
Các chương trình đều đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, phải luyện tập cá nhân thêm ở nhà. Nhưng có một sự trớ trêu là kể từ khi Nhà nước quy định lại mức lương cho tất cả các ngành nghề vào khoảng những năm 90, thì các nhạc công Giao hưởng (bất luận tốt nghiệp bậc học gì, kể cả Thạc sỹ hoặc có bằng đại học nước ngoài) đều được xếp chung "rọ" lương Trung cấp!!
Với đồng lương ít ỏi, tôi và các đồng nghiệp đều phải tự tìm những việc làm thêm để giúp cho việc chi tiêu gia đình và học hành của con cái. Tôi còn tham gia một nhóm thính phòng và buổi trưa là thời gian thích hợp nhất để tôi luyện tập cùng nhóm mỗi khi có chương trình. Khi các con còn nhỏ, vợ chồng tôi quyết định thuê người giúp việc để cả hai có thời gian làm việc.
Làm việc liên tục, được làm công việc yêu thích, đúng sở trường, cùng những người đồng nghiệp, người bạn tốt, bên cạnh đó là gia đình ổn định, mọi người đều yêu quí và tôn trọng nhau, có trách nhiệm với nhau, với tôi, đó là liều thuốc tốt nhất cho sức khoẻ. Tôi cảm thấy khá may mắn khi gia đình và nhất là chồng tôi hỗ trợ tốt cho công việc của tôi. Mấy bố con đều sẵn sàng giúp đỡ khi tôi cần, có mặt để cổ vũ khi tôi biểu diễn, nấu nướng (đơn giản thôi) khi tôi bận chương trình.
- Nếu phải lựa chọn lại từ đầu, chị có lựa chọn trở thành một nhạc công Cello trong Dàn nhạc Giao hưởng?
+ Nhìn lại chặng đường đã qua, cả khó khăn vất vả, và cả những niềm vui, tôi thấy thật may mắn và không hối tiếc khi cầm trong tay cây đàn cello. Tôi cảm ơn bố, người đã đưa tôi đi tuyển sinh lớp học hè Trường Nghệ thuật Hà nội! Tôi cảm ơn mẹ¸ dù bà không biết tí gì về nhạc cổ điển và Giao hưởng là gì, nhưng vẫn tạo mọi điều kiện để tôi học hành tốt, tôi cảm ơn các thầy, cô đã gieo vào trong tôi vẻ đẹp và sự thánh thiện của âm nhạc!! Mọi nghề nghiệp đều có những thử thách và vinh quang! Con đường âm nhạc lại càng không phải êm ái, nhất là với các bạn nữ! Sẽ rất nhiều khó khăn, nhưng trải qua chông gai phần lớn chúng ta sẽ tìm thấy trái ngọt! Nó không có nghĩa là vật chất đơn thuần, mà là thấy được vẻ đẹp vĩnh hằng, cao quí của âm nhạc!
(Nguồn: http://vnca.cand.com.vn/)