NSND Rơ Chăm Phiang: “Họa mi của núi rừng” vẫn vang tiếng hót
Gần 40 năm cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc nước nhà, ở tuổi 60, nghệ sĩ, Đại tá Rơ Chăm Phiang vẫn tham gia biểu diễn phục vụ cho nhân dân ở các vùng sâu, vùng xa. Vừa qua, Đại tá Rơ Chăm Phiang được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND) vì những đóng góp của chị cho nghệ thuật.
Nghệ sĩ nhân dân Rơ Chăm Phiang.
Ca sĩ, Đại tá Rơ Chăm Phiang là một người con của dân tộc Gia Rai, từng được mệnh danh là "Họa mi của núi rừng Tây Nguyên" từ 40 năm trước. Rơ Chăm Phiang có giọng hát lảng lót, khỏe khoắn và được nhà giáo Hồ Mộ La đánh giá là “của hiếm” trong làng nhạc Việt. Đi hát bao nhiêu năm tháng ở các sân khấu lớn nhỏ, rong ruổi biểu diễn ở nhiều địa phương, Rơ Chăm Phiang là cái tên khó nhầm lẫn khi thể hiện những ca khúc về Tây Nguyên đại ngàn.
Chị được đào tạo chính quy dòng nhạc thính phòng cổ điển tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) và giành học bổng tu nghiệp tại Nhạc viện Tchaikovsky thuộc Liên Xô (cũ). Rơ Chăm Phiang là một trong những cái tên mang lại tự hào cho âm nhạc Việt Nam khi đoạt nhiều giải thưởng vàng tại các cuộc thi âm nhạc trong nước và quốc tế.
Dù nhiều vinh quang trong nghệ thuật nhưng ở đời sống ngoài sân khấu, Rơ Chăm Phiang là một nghệ sĩ sống giản dị, mộc mạc và chân thành. Gần 60 tuổi, nhưng chị vẫn thường xuyên đi biểu diễn từ những hải đảo xa xôi cho đến những vùng biên giới hẻo lánh của Tổ quốc. Tiếng hát của chị đã chiếm được trái tim biết bao nhiêu khán giả, góp phần động viên tinh thần chiến sĩ, đồng bào nơi biên giới và hải đảo.
Nhà giáo ưu tú Hồ Mộ La và các ca sĩ trẻ chúc mừng Đại tá Rơ Chăm Phiang được nhận danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.
Từ khi làm công tác giảng dạy ở Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội, NSND Rơ Chăm Phiang giảm ca hát để chú tâm vào việc đào tạo, truyền dạy kinh nghiệm cho thế hệ trẻ. Chị đã trực tiếp giảng dạy nhiều giọng hát, trong đó có nhiều sinh viên khi ra trường đã trở thành những ca sĩ ở các nhà hát, đoàn nghệ thuật có tiếng.
“Việc đào tạo các nghệ sĩ theo dòng nhạc cổ điển, opera đòi hỏi sự kiên trì và hơn hết là phải biết truyền lửa để các em yêu thích dòng nhạc này. Dòng nhạc thính phòng, cổ điển có cái khó riêng, đòi hỏi nghệ sĩ phải dành nhiều thời gian học tập, tu rèn nhưng khi ra trường chưa hẳn đã có chỗ đứng ngay. Có nhiều em học xong, khi biểu diễn nhận được mức cát xê thấp hơn ca sĩ nhạc pop nên rất nản. Tôi từng trải qua cảm giác ấy và giờ giữ vai trò giảng dạy, tôi luôn cố gắng giữ cho các em ngọn lửa đam mê với dòng nhạc này”, NSND Rơ Chăm Phiang bày tỏ.
Chia sẻ về vinh dự được phong tặng danh hiệu NSND vừa qua, đại tá Rơ Chăm Phiang nói: “Cho đến bây giờ, tôi vẫn lâng lâng cảm giác hạnh phúc và sung sướng. Đối với những người làm nghệ thuật chân chính như chúng tôi, NSND là danh hiệu cao quý nhất mà Nhà nước tặng cho nghệ sĩ. Đây không chỉ là sự đánh giá, ghi nhận của Nhà nước đối với các nghệ sĩ mà còn là động lực mạnh mẽ để giúp chúng tôi có thêm niềm đam mê cống hiến cho nghệ thuật nước nhà”.
NSND Rơ Chăm Phiang cho biết, dù đã ít biểu diễn trên sân khấu hơn nhưng chị vẫn chưa bao giờ thôi ca hát. Chị cũng đang lên kế hoạch thực hiện liveshow của riêng mình kỷ niệm chặng đường 40 năm ca hát.
(Nguồn: http://www.hanoimoi.com.vn/)