Ca sĩ Đăng Dương: Sự nổi tiếng, âm nhạc và những góc khuất
Có sự nghiệp nhiều người mơ ước, hát hay, vợ đẹp, con ngoan….Khán giả nhìn thấy ở Đăng Dương cuộc sống của một ngôi sao thành đạt, nhưng ít người biết đến những góc khuất của nghệ sĩ này.
Phóng viên: Nghệ sĩ dù có được "trời thương" đến đâu thì vẫn có những góc khuất với những trắc trở, khó khăn ít người biết đến. Anh có muốn chia sẻ với khán giả những góc khuất của mình?
Ca sĩ Đăng Dương: Thực ra thì ai cũng có những giai đoạn khó khăn riêng của mình. Dòng nhạc của tôi rất khó và vất vả, buổi đầu gian nan vô cùng. Mười ba tuổi, tôi đã sống xa gia đình. Bố mẹ tôi thấy cậu con trai mê hát, lại có chút năng khiếu nên đồng ý để tôi khăn gói lên Nhạc viện Hà Nội học. Nhưng ngày ấy tôi còn bé quá, chưa vỡ giọng, nên cô giáo dạy đàn bầu là Thanh Tâm đã khuyên tôi chuyển sang học loại nhạc cụ nào đó trước, hoặc nếu học đàn bầu thì cô dạy.
Vì yêu âm nhạc, nên tôi học đàn bầu. Tiếng đàn nghe cũng được, mỗi tội bị cô giáo chê cái dáng ngồi chơi đàn xấu không ai bằng.
Đăng Dương cho hay đã phải rất đam mê để vượt qua những khó khăn ban đầu
Lúc ấy khó khăn lắm, tôi nhớ tầm năm 1992. Khổ lắm. Ai bé mà xa nhà cũng đều vất vả vì tự lập. Thời đó, mỗi lần thấy con trai về, mẹ tôi lại khóc vì thương con gầy quá. Ăn uống thiếu thốn, gạo cũng không có đủ mà ăn nên nhiều lúc đang ngồi mà đứng lên cũng ngã vật ra vì đói. Chưa kể là hầu như ai cũng bị ghẻ vì dùng nước sinh hoạt trong khu nội trú. Cứ hè về quê là tôi lại đi chữa ghẻ, nhưng cứ chữa xong lên học lại bị.
Lúc đó mở cửa, người người học nhạc nhẹ để kiếm sống dễ hơn. Tôi thì lại đam mê dòng thính phòng cổ điển. Cũng không dám bỏ cách hát của mình để đi theo xu hướng chung hồi ấy. Rất khó để vượt qua những buổi đầu. Đó thật sự là sự kiên định. Phải rất đam mê để vượt qua những khó khăn đó. Đến năm 1995-1996, tôi có giải, bắt đầu được mọi người biết đến, cuộc sống bắt đầu đỡ dần.
Từng bị nói ngọng, rồi chọn đàn bầu để khởi nghiệp chứ không phải thanh nhạc, đó là chưa nói đến hình thức cũng không phải quá đẹp, thế nhưng Đăng Dương vẫn là một trong những giọng ca hàng đầu. Có bao giờ anh nhìn lại, để nhận ra rằng, không phải chọn nghiệp hát mà nghiệp hát chọn anh?
Đúng như vậy, càng ngày tôi càng nhận thấy, là nghiệp chọn tôi, dành cho tôi những cơ hội.
Từ nhỏ tôi đã thích hát, đã hát rất nhiều. Nhưng nếu hồi ấy tôi không không được đi học ở trường nhạc thì tôi cũng không phát triển chuyên nghiệp được. Cả việc bị ngọng nữa, nếu không vì đam mê hát, chắc gì tôi đã dành nhiều thời gian để tự chữa ngọng? Mọi điều trong cuộc sống này, tôi tin đều là do số phận. Tôi tin số phận đã dành cho tôi những ưu ái trong sự nghiệp của mình, để tôi có giọng hát và sống với niềm đam mê của tôi.
Ca sĩ Đăng Dương chia sẻ, nghiệp chọn anh, chứ không phải anh chọn nghiệp
22 năm sau khi đi hát, anh mới có "Mặt trời của tôi" liveshow đầu tiên vào năm 2017. Bao giờ là thời điểm của liveshow tiếp theo?
Tôi chưa dám nói trước nhưng không lâu như thế. Tôi đã có một lần đầu tiên, đã có kinh nghiệm và cảm nhận được khán giả ủng hộ tâm huyết của mình. Concert tiếp theo sẽ không lâu nữa đâu, nhưng sẽ theo một mô hình khác. Nếu làm giống mọi người, tôi sẽ không thích, không đam mê.
Một câu chuyện khiến khán giả khá là quan tâm. Đó là dòng nhạc đỏ, nhạc trữ tình cách mạng, không phải lúc nào cũng đông người nghe, nhưng thu nhập của ca sĩ nhạc đỏ thì nghe đồn là rất khá. Anh là người trong cuộc, anh có thể nói rõ hơn về những đồn thổi này?
Thật sự là những năm gần đây ca sĩ dòng nhạc cách mạng rất hạnh phúc khi thường xuyên được diễn, tham gia các chương trình lớn của đất nước. Cũng đúng thôi vì những ngày lễ lớn thì dòng nhạc cách mạng được tôn vinh. Những event lớn người ta cũng dùng dòng nhạc của chúng tôi vì nó phù hợp. Nhưng quan trọng nhất, tôi nghĩ, là nghệ thuật của mình đã lên tới đâu, đã tốt chưa. Dòng nhạc nào, nếu mình làm tốt nhất thì vẫn có khán giả, có thu nhập.
Lâu nay khán giả chỉ thấy Đăng Dương hay hát song ca với ca sĩ Lan Anh, gần đây anh chuyển sang hát với sao mai Thuỳ Dung. Nhiều người đặt câu hỏi về mối quan hệ ấy và anh kỳ vọng gì ở sự kết hợp này?
Quan điểm của tôi là người nghệ sĩ không nên tự nhốt mình "tháp ngà" nghệ thuật, cần phải có sự cởi mở hơn với những điều mới mẻ ở thế hệ sau. Thuỳ Dung là một ca sĩ trẻ có nhiều tố chất. Cô ấy có giọng hát, có sức trẻ, và đặc biệt có niềm đam mê với âm nhạc, lại hoạt động nghệ thuật rất nghiêm túc.
Tôi sẽ kết hợp với Phạm Thuỳ Dung trong concert "Trăng hát" của cô ấy tại Nhà hát Lớn Hà Nội cuối tháng này. Đó sẽ là một liveshow thính phòng, cổ điển tôi tin là hấp dẫn với sự tham gia của Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời – dàn nhạc uy tín mà bản thân tôi cũng mong có một ngày mình thực hiện được concert riêng kết hợp với họ.
Quan điểm của nam ca sĩ là không nên tự nhốt mình "tháp ngà" nghệ thuật
Cũng giống như anh, Thùy Dung phải sau rất nhiều năm mới tổ chức concert thính phòng mang tên "Trăng hát". Điều gì ở Dung đã thuyết phục được anh tham gia concert của cô ấy?
Sự kết hợp với các ca sĩ thế hệ đàn em để làm phong phú thêm dòng nhạc thính phòng, cổ điển cũng là một điều cần thiết trong âm nhạc, tôi nghĩ thế.
"Mốt" của ca sĩ hiện nay là hát cùng dàn nhạc giao hưởng. Nhưng thực lòng mà nói, không phải ai cũng thành công với điều này. Anh có nghĩ hát với dàn nhạc giao hưởng thật sự là một thử thách không nhỏ với Phạm Thuỳ Dung?
Hát với cả dàn nhạc giao hưởng là thách thức rất lớn với nghệ sĩ, đòi hỏi ca sĩ không chỉ có chất giọng tốt mà cần phải có bản lĩnh sân khấu. Tôi thấy nhiều nghệ sĩ trẻ hiện nay khá mạnh dạn thể hiện cùng dàn nhạc, đó là điều đáng khích lệ.
Khi đặt ra thử thách biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng thì người nghệ sĩ cũng sẽ phải nỗ lực, rèn luyện hơn nữa. Nếu chỉ là "làm sang" bằng dàn nhạc giao hưởng mà năng lực chưa đủ thì chính ca sĩ đó sẽ tự làm khó mình, bao nhiêu khuyết điểm sẽ lộ hết trước khán giả. Tôi tin vào năng lực và sự cầu thị của Phạm Thùy Dung. Tôi cũng chờ đợi sự cố gắng và đột phá của bạn ấy.
Anh có hỗ trợ nhiều cho một ca sĩ trẻ như Thuỳ Dung trước một thử thách thật sự với cô ấy?
Tôi có nói với Phạm Thùy Dung về vấn đề tâm lý. Quan trọng nhất là tâm lý, bản lĩnh sân khấu vì có đông nhạc công, lớn và tầm cỡ như Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời, điều này rất quan trọng. Âm thanh lớn, nếu không bản lĩnh, người nghệ sĩ sẽ bị "khớp", hỏng chương trình ngay. Tôi chia sẻ với Phạm Thùy Dung những kinh nghiệm của mình và nhận thấy cô ấy tự tin hơn sau những chia sẻ ấy.
(Nguồn: https://nld.com.vn/)