Những điều ít biết về một giọng ca vàng
Giọng ca vàng
Người có giọng ca vàng đó là Trần Khánh - nghệ sĩ đơn ca của Đài Phát thanh TNVN. Tên tuổi ông gắn liền với sự phát triển, nở rộ của nền ca khúc Việt Nam giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta sau hòa bình lập lại (1955-1964), đặc biệt là giai đoạn chống Mỹ cứu nước (1964-1975). Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, giọng hát của ông đang ở độ sung mãn nhất. Lúc này Đài TNVN có những giọng hát trẻ mới xuất hiện, nhiều triển vọng như: Tiến Thành, Ngọc Tân, Huy Hùng, Hữu Nội, ông đã dìu dắt họ, để họ thu thanh nhiều bài thay mình. Còn bản thân ông đi ô tô biểu diễn, phục vụ tại nhiều nơi. Và ngày 15 tháng 6 năm 1981, ông vĩnh biệt người hâm mộ do một tai nạn đột ngột. Ông ra đi khi mới 50 tuổi, giữa lúc giọng hát ở độ hoàn chỉnh nhất cả về kinh nghiệm thể hiện, lẫn độ chín, đằm của tình cảm và sự từng trải của cuộc đời.
Công chúng hẳn là không thể quên những bài Trần Khánh đã hát: Tình Ca (Hoàng Việt), Mời anh đến thăm quê tôi (Nguyễn Đức Toàn), Nhớ đàn xe nước (Vân Đông), Tiếng hát gửi dòng sông quê hương (Phan Nhân), Tiếng loa đêm (Đặng Đình Lâm), Thành phố hoa phượng đỏ (Lương Vĩnh), Hà Nội niềm tin và hy vọng (Phan Nhân), Người chiến sĩ ấy (Hoàng Vân) v.v… Những bài Trần Khánh đã hát khó có ca sĩ khác gây được ấn tượng. Gần như cái bóng của ông quá lớn đã che lấp hết mọi sáng tạo sau ông. Điều đó được chứng minh rõ ở hai tác phẩm đặc biệt: Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam! (Chu Minh) và Bài ca người thợ lò (Hoàng Vân). Sau khi Trần Khánh qua đời, tôi đã nghe một vài ca sĩ thể hiện hai bài trên, nhưng không thể nào so được với ông. Vậy giọng hát Trần Khánh có gì đặc biệt khiến ông đạt được hiệu quả trình diễn và sự hâm mộ của người nghe như vậy? Quả là ông đã có một chất giọng trời phú: sáng, đẹp, ấm áp. Giọng của ông thuộc loại nam cao (ténor), đặc biệt có âm vực rất rộng, tới hơn hai quãng 8. Ông có thể lên cao tới nốt lá và xuống thấp tới nốt sòn (dòng kẻ phụ) mà nghe vẫn rất nét, thoải mái, lên cao không bị gắt, chói; xuống thấp không bị xỉn, mờ.
Thực ra, không phải đến khi làm việc ở Đoàn ca nhạc đài Tiếng nói Việt Nam, tài năng Trần Khánh mới phát huy tác dụng. Ngay từ nhỏ, ông đã là một cậu bé hát rất hay ở Hải Phòng. Ông vốn quê gốc ở Nam Định, nhưng cha mẹ đã rời thành Nam về sinh sống, lập nghiệp tại Hải Phòng. Thuở đi học, Khánh đã hát hay, nổi tiếng toàn trường với bài Bạch Đằng giang của Lưu Hữu Phước. Lần đầu tiên xuất hiện đã thành công mỹ mãn khiến Trần Khánh tự tin để từ đó, hễ cứ có dịp và tổ chức cần là sẵn sàng phục vụ. Cái tên Trần Khánh lan đi, trở nên nổi tiếng từ đó.
Nỗi oan về tận suối vàng
Trần Khánh sinh năm 1931 trong một gia đình trí thức. Năm 13 tuổi, khi còn đang đi học, Khánh đã làm liên lạc cho một tổ chức cách mạng ở Hải Phòng rồi thoát ly hẳn gia đình để hoạt động ở đệ tứ chiến khu Trần Hưng Đạo (còn gọi là chiến khu Đông Triều). Ngày nay, sử liệu của Đảng bộ Hải Phòng vẫn còn ghi lại được những chiến công huyền thoại của đội danh dự tiễu trừ Việt gian, trong đó có đóng góp của Trần Khánh.
Năm 1945, Khánh đã trợ thủ đắc lực cho nhạc sĩ Văn Cao bắn chết tên Việt gian trùm khủng bố Đỗ Đức Phin. Đó là một ngày cuối tháng 6 năm 1945, cậu bé Trần Khánh được giao nhiệm vụ quan sát nơi ở, nghiên cứu quy luật đi lại, hoạt động của tên Phin để Văn Cao có thể hạ thủ. Khánh thực thi tận tụy. Cậu báo cho Văn Cao biết chính xác Đỗ Đức Phin đang có mặt tại một sòng bạc đường Đông Kinh (nay là phố Phan Bội Châu). Nhận được ám hiệu của Văn Cao, Khánh tiến đến ngôi nhà mà trên gác đang có sòng bạc. Văn Cao nói Khánh ra về, vì không muốn cậu bé 14 tuổi chứng kiến cảnh bắn giết. Nhưng Khánh rất lo lắng cho Văn Cao, cứ nấn ná ở lại quan sát từ dưới đường. Đến khi Văn Cao nổ súng giết chết tên Phin một cách rất mau lẹ, bí mật, bất ngờ, Khánh mới yên tâm là mình đã hoàn thành nhiệm vụ.
Sau cách mạng Tháng Tám, người chiến sĩ Việt Minh nhỏ tuổi Trần Khánh lại tình nguyện lên đường chiến đấu trong đoàn quân Nam tiến. Lúc ấy, Khánh là người bé nhất của đơn vị. Cậu cất cao giọng hát bài Đoàn vệ quốc quân của Phan Huỳnh Điểu khiến hàng trăm chiến sĩ như được truyền thêm sức mạnh, đã gọi cậu là “chim sơn ca” của đơn vị.
Sau một thời gian đánh giặc ở chiến trường khu 5, Trần Khánh được điều ra hoạt động bí mật trong lòng Hà Nội tạm chiến từ năm 1951 với bí số SKZ 50 dưới sự chỉ đạo, điều hành của Sở Công an Hà Nội. Một lần, Khánh bị địch bắt giam ở nhà tù Hỏa Lò. Chàng trai trẻ cắn răng chịu đựng, một mực không khai báo hoạt động của mình. Khánh nhớ mãi một kỷ niệm: Khi bị tống giam vào trại, mọi người cùng bị giam đã xiết chặt vòng tay quây lấy Khánh, hứng chịu cho anh những trận mưa roi vọt, dùi cui của bọn cai ngục, để anh cất lên tiếng hát giữa trại giam: “Vùng lên! Hỡi các nô lệ ở thế gian. Vùng lên! Hỡi ai cực khổ bần hàn!...”.
Không khai thác được gì, kẻ thù buộc phải thả Trần Khánh. Anh lại tiếp tục hoạt động, cung cấp nhiều tin tức có giá trị cho ta. Lúc ấy, Sở Công an Hà Nội đóng ở đất khu 3 cũ. Trần Khánh đã lên Bắc Giang để tìm cách liên lạc về cơ quan. Người chiến sĩ tình báo trẻ mới ngoài 20 tuổi không thể ngờ một tai họa đã ập xuống đầu mình khi tìm đường về với căn cứ lần ấy. Số là để hoạt động thuận lợi trong vùng địch hậu, đồng chí phụ trách Khánh đã mua cho anh một giấy thông hành của phòng nhì Pháp cho phép đi lại ở thành phố. Chính nhờ có giấy này mà Trần Khánh đã che được mắt địch và hoạt động có hiệu quả trong vùng Hà Nội tạm chiến. Nhưng khi lên đến Bắc Giang, anh đã bị công an ở đây bắt và giam giữ vì bị nghi là gián điệp cho địch (bằng chứng chính là cái giấy thông hành của phòng Nhì kia). Trần Khánh thanh minh thế nào cũng không được. Anh bị xử phạt 8 năm tù. Việc liên lạc với Sở Công an Hà Nội khi đó không dễ dàng. Tình ngay nhưng lý gian. Những người bắt và xử tù Trần Khánh khi ấy đâu có để tâm đến việc đi tìm hiểu, xác minh xem đương sự có bị oan hay không. Chỉ biết trong người chàng thanh niên có bằng chứng của việc làm mờ ám. Họ cũng chẳng có thù oán gì Khánh. Chỉ là một sự lười biếng. Vả lại, khi ấy đang kháng chiến chống Pháp nên việc điều tra, xem xét, xác minh không dễ dàng gì. Thế là người chiến sĩ tình báo trung kiên của Đảng, người ca sĩ được bao người hâm mộ, con chim sơn ca của đoàn quân Nam tiến năm xưa phải ngồi tù. Trớ trêu thay, nếu chỉ vài tháng trước đó anh ngồi trong nhà giam của địch thì lúc này lại ngồi trong trại giam của ta.
May thay, chỉ sau đó một thời gian ngắn, hòa bình lập lại, rồi quân ta về tiếp quản thủ đô. Tất nhiên, cùng với nhiều người bị giam giữ khác, Trần Khánh được thả (theo sự biến động của thời cuộc, chứ vẫn chưa được minh oan). Sau đó, được Văn Cao, Đỗ Nhuận giới thiệu, Trần Khánh được vào làm việc ở Đoàn ca nhạc Đài Phát thanh TNVN mãi tới lúc qua đời. Ít ai biết người nghệ sĩ có giọng hát vàng ấy, từng có công cổ vũ bao người giữa chiến hào nơi trận mạc, làm say đắm trái tim bao người lao động ở khắp các hầm mỏ, xí nghiệp, ruộng đồng đã gần như suốt đời chỉ làm việc theo hình thức hợp đồng mãi tới năm 1979 mới được vào biên chế chính thức. Lý do chỉ vì “lý lịch không rõ ràng”. Về cái vụ án oan khuất nói trên thì đã có nhiều công văn của những cơ quan có trách nhiệm xác nhận, minh oan cho Trần Khánh từ lâu. Nhưng bỏ qua những “chứng nhân lịch sử”, người ta vẫn không tiến hành thủ tục để Trần Khánh được vào biên chế chính thức, mặc dù ông đã nổi như cồn và giọng hát đã đứng ở ngôi số 1. Khi mà cái lý do về “lý lịch không rõ ràng” trở nên chẳng còn mấy thuyết phục vì đã có những cơ quan luật pháp xác nhận, người ta lại đổ cho Trần Khánh mắc khuyết điểm về sinh hoạt. Vậy cụ thể là gì? Ông sống hiền hòa, khiêm nhường. Chỉ phải mỗi tật uống nhiều rượu. Nhưng không nát rượu. Người ta chỉ thấy cái nhược điểm ấy là to, trong khi lại quên rằng ông là người luôn sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ gì, không bao giờ từ chối bất cứ cuộc phục vụ nào, ở đâu theo sự phân công của tổ chức.
Trần Khánh cứ lặng lẽ chịu đựng, cho mãi đến một ngày kia… Lần đó, ông về Quảng Ninh hát nhân ngày truyền thống vùng mỏ. Tại buổi lễ này, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng có mặt, đã thăm hỏi người nghệ sĩ, mới biết Trần Khánh vẫn ở ngoài biên chế nhà nước. Thế là bác Đồng cho người sang can thiệp với Đài và sau đó Trần Khánh được vào biên chế chính thức. Đó là cuối năm 1979, trước khi ông mất không đầy hai năm.
Và ngày 15/6/1981... Hôm ấy, Trần Khánh nhận trách nhiệm về Quảng Ninh thu xếp, chuẩn bị trước cho cuộc biểu diễn của một số anh chị em Đoàn ca nhạc của Đài TNVN. Ông bảo rằng sẽ đi tiền trạm lần cuối cùng cho cơ quan. Và đây là chuyến đi địnhh mệnh của ông, đúng như ông đã nói “gở”: “Đi tiền trạm lần cuối cùng”. Ông đã tử vong do tai nạn ô tô trên đường.
Trần Khánh đi xa đến nay đã được gần 40 năm. Nhưng giọng hát của ông vẫn sống mãi trong lòng người hâm mộ. Thiết nghĩ, với tài năng, công lao và sự mến mộ đặc biệt của công chúng, tên ông xứng đáng được đặt cho một đường phố nào đó ở Hà Nội hoặc Hải Phòng.