Cùng Dương Minh Đức về miền sóng nước
Ngày kỷ niệm 60 năm cuộc đời và 40 năm ca hát, đại tá - NSƯT Dương Minh Đức, một người bạn thân thiết của tôi đã tổ chức một đêm diễn ngay trong khuôn viên Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội, nơi nhiều năm anh là giảng viên và là hiệu phó của nhà trường. Thoạt đầu ý định chỉ là một đêm thôi, nhưng rồi sau lại phải thêm đêm nữa, thoạt đầu chỉ định tổ chức ở Hà Nội, nhưng bạn bè ở TPHCM kêu rần rần, thế là thầy trò lại vào TPHCM. Mà đâu cũng đã xong, anh em lính tráng QK9 mới đồng thanh rằng: Anh quên chúng tôi, quên miền sông nước này rồi hay sao. Thế là Đức lại cùng các bạn mình - trong đó có tôi - từ TPHCM xuôi về miền Hậu giang…
***
Dương Minh Đức trở thành người lính từ lúc mới 15 tuổi, khi anh cùng nhiều con em của các sĩ quan quân đội được tập trung học tập tại Trường thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi (cha mẹ Đức là những người lính can trường của mặt trận Bình Thuận ác liệt. Sau này cha anh là giám đốc Xưởng phim Quân đội).
Tuổi này Đức vẫn còn là con nít thích nghịch ngợm, bởi thế ngày nhập học, chẳng hiểu thế nào sau một trận đá bóng, Đức lại thành mục tiêu cho bọn trong lớp tính chuyện đánh hội đồng. Người được bạn bè giao trách nhiệm “trùm chăn” không ai khác là Võ Dũng (con trai đồng chí Võ Văn Kiệt khi ấy đang chiến đấu ở miền Nam), cũng nổi tiếng về quả cảm và tinh nghịch. Nhưng trò đánh đấm cuối cùng bất thành vì dù giờ G đã điểm, Võ Dũng và anh em đã sẵn sàng, nhưng bỗng nhiên Đức lại cất lên tiếng hát, một tiếng hát cao vút, trong sáng và thuyết phục làm cả bọn ngây người ra nghe, quên béng chuyện phải đánh hội đồng cho tay lính mới này một trận. Chiếc chăn định trùm lên đầu Đức cũng rơi khỏi tay Võ Dũng tự lúc nào…
Đức và Dũng cùng lũ con trai nghịch ngợm trong lớp thành thân thiết từ buổi đó. Rồi trải qua rất nhiều những năm tháng luyện rèn, học tập, đến ngày chúng phải chia tay nhau. Nhiều bạn bè lên tàu tiếp tục đi học tập ở nước ngoài. Nhiều người vào giảng đường đại học. Còn Võ Dũng thì nằng nặc xin về quê hương miền Nam chiến đấu. Và anh đã lặng lẽ ra đi trong một đêm mùa đông, vì lý do bí mật gần như rất ít bạn bè được biết…
Cho đến một ngày trái tim Đức và bạn bè nhói lên khi tin từ chiến trưởng đưa ra: Võ Dũng đã hy sinh. Chiếc chăn mùa đông năm ấy đắp trên người Đức dường như ướt đầm nước mắt thương bạn. Kể từ ngày ấy, mỗi khi vào phương Nam biểu diễn, lòng Đức lại khôn nguôi nhớ về Võ Dũng, trái tim anh luôn hướng về nơi người bạn thân yêu và những đồng chí đồng đội của mình đã nằm xuống nơi này.
Tôi nghĩ đây là một trong những lý do để Dương Minh Đức xuôi về miền sông nước hôm nay. Một lần nữa anh muốn chia tay Võ Dũng và bạn bè…
***
Vốn thân quen với nhiều nghệ sĩ, tôi có thể đoan chắc rằng Dương Minh Đức của tôi có thể chưa là người hát hay nhất, nhưng chắc chắn là ca sĩ có nhiều ban bè (ngoài đời) nhất, và là ca sĩ được nhiều người lính yêu thích nhất, từ những vị tướng dạn dày trận mạc, đến nhừng chàng binh nhất binh nhì còn lông tơ trên má… Cả một cuộc đời hát cho những người chiến sĩ, những người lính, dường như Đức đã hát cho toàn quân tại hầu hết các đơn vị, các binh đoàn, quân khu. Anh là một trong những nghệ sĩ thân yêu nhất của những người lính, kể cả những người đang cầm súng,cũng như những người đã nằm xuống…
Mỗi lần vào Nam, tôi biết dù đứng ở sân khấu nào, hát cho thế hệ chiến sĩ nào, thì trong tâm khảm, Dương Minh Đức cũng nghĩ là hát cho các bạn của anh, từ thuở Trường Nguyễn Văn Trỗi năm xưa, những bạn học giờ đây tóc đã điểm bạc trải qua nhiều năm tháng quân ngũ như Lê Việt Bắc, Dương Thanh, Trần Kiến Quốc, Võ Văn Tuấn, Chu Văn Thành, Toàn Thắng, Thái Lê Thắng, Vĩnh Định… hay những người bạn đã ngã xuống như Võ Dũng thân yêu. Đức yêu bè bạn, đồng chí, và bè bạn, đồng chí yêu anh. Anh hát cho cả những người đang sống và cả cho những người không còn nữa. Và bởi vậy, tiếng hát anh luôn tràn đầy cảm xúc và có một vẻ đẹp riêng không trộn lẫn với ai, luôn được công chúng, đặc biệt những người lính yêu mến và trân trọng.
Đêm nay, trong mênh mang sóng nước Hậu Giang, các bạn tôi Dương Minh Đức, Quang Thọ, Quang Huy, Doãn Tần, Hoàng Chè và cả tôi nữa, đang cất cao tiếng hát của mình:
Miền Nam ơi miền Nam
Hỡi những dòng sông soi bóng dừa xanh
Những đỉnh núi chen mây mờ xa tắp
Ta sẽ đến nơi nào còn giặc
Ta chưa về khi tổ quốc chưa yên..
Miền Nam miền Nam
Nghe từng tiếng vang vang…
Ở hàng đầu nhà hát ấy có những người cựu chiến binh như anh Hoàng Ngọc Chấp của tôi, có những người lính trẻ lữ đoàn 226 cao xạ của tôi, những người lính của QK9 miền sông nước Cửu Long, có những bạn học trường Trỗi của Đức, đương nhiên có cả Võ Dũng thân yêu…đang lặng người đi trong tiếng hát tuyệt vời của của Đức và các bạn của anh.
Miền Nam ơi miền Nam… Cả tiếng hát và cả lời hát đều như bóp nghẹt trái tim người.
Và ngoài kia, là mênh mang sóng nước Hậu Giang, như một dàn giao hưởng hòa cùng các anh.