Ca sĩ Tuấn Ngọc: Càng sống càng biết ơn cuộc đời
Những nghệ sĩ có sự nghiệp lâu bền thường không chỉ giỏi nghề mà còn mẫn tiệp, có nhân sinh quan rạch ròi. Tuấn Ngọc là người như vậy. Cuộc trò chuyện với giọng ca không tuổi diễn ra khi ông về Hà Nội chuẩn bị cho chương trình Đêm Việt Nam 7 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia 17/1/2019.
Tuấn Ngọc trò chuyện với phóng viên tại Hà Nội tháng 10/2018
Anh định hát đến khi nào thì nghỉ?
Hồi xưa, tôi đi hát với các bác, các chú, rồi đến các anh chị, các bạn... Tôi chỉ mong hát với các con của các cháu rồi nghỉ (cười). Bên Mỹ có ông Tony Bennett 92 tuổi vẫn hát, năm cả trăm show. Tôi nghĩ mình ít nhất còn 10 năm nữa.
Anh không ngại, thậm chí thích hát ở những sân khấu nhỏ 100 đến 200 khán giả. Ở những nơi đó, có bao giờ anh gặp tai nạn nghề nghiệp?
Về kỹ thuật thôi... Người ta cứ nghĩ những đêm thính phòng như vậy khó. Với tôi dễ. Họ quảng cáo đêm Tuấn Ngọc, khán giả đến với mình đã là phe mình, bạn mình rồi. Chỉ cần mình đừng quá tệ. Nhiều người vẫn yêu mình dù mình khan tiếng, hát dở. Người ta làm cho mình cảm thấy may mắn, không xứng đáng với tình yêu thương của họ. Bởi vậy, tôi đền ơn khán giả bằng cách càng cố gắng làm việc đúng đắn bao nhiêu tốt bấy nhiêu.
Vì khán giả “tội” lắm, mỗi người một nghề, làm sao họ nghiên cứu âm nhạc bằng chúng tôi được. Thành ra nghệ sĩ dẫn dắt khán giả đi đâu thì người ta đi đó thôi. Mà khi người ta tin tưởng mình, mình làm gì dở, có khi họ cũng cho là: “Chắc ông ấy muốn làm như vậy…”!
Đối với tôi, một nghệ sĩ trước tiên phải đúng đắn về nghệ thuật. Người ta thương mình, đến với mình. Nếu mình không làm việc đúng đắn cũng như lừa gạt họ.
Anh sang Mỹ từ rất sớm, có khi nào anh mơ mộng thành nghệ sĩ nổi tiếng trong công chúng Mỹ?
Chuyện đó không thể nào xảy ra được, giống như một người Mỹ muốn nổi tiếng ở… Tôi thấy ở Việt Nam hay ở đâu bây giờ cũng khó. Bây giờ có nhiều phương tiện truyền thông, thành ra có những hiện tượng sớm nở tối tàn. Chúng tôi ngày xưa hát 10 năm không ai biết, hát xong đi về, đâu có thông tin nào. Giờ chỉ cần hát cho Thúy Nga một buổi hay tham gia gameshow là cả thế giới biết… Nổi tiếng là một chuyện, giữ được mới khó. Tôi hay khuyên các ca sĩ trẻ, nổi tiếng là điều may mắn nhưng nó chưa là gì hết, mới chỉ là bắt đầu, còn phải biết giữ cái tiếng của mình. Thành thật với khán giả, làm việc đúng đắn, hết mình, cho khán giả những gì tốt nhất của mình. Mình chỉ làm được như thế khi mình trau dồi nghề của mình. Lỡ khán giả có “tai trâu” cũng là lỗi của nghệ sĩ. Tại vì chỉ cho người ta đến thế, làm sao người ta biết hơn được.
Tuổi anh để diễn được như vậy hẳn không đơn giản?
Tôi nói bạn không tưởng tượng được… Tuổi trẻ rất quý. Càng lớn, mình càng thấu hiểu điều đó. Như ông Tony Bennett ngoài 90 tuổi mà ông nói một tuần ít nhất 3 ngày ông ấy ở phòng gym. Siêng năng, kỷ luật, trách nhiệm rất quan trọng. Đồ vật muốn xài được lâu, mình phải giữ. Mình chạy cái xe tốt, mình phải mang ơn nó. Phá cái xe đó mình cũng thấy tội, huống chi là sức khỏe của mình. Nhiều người tức cười, giữ xe rất kỹ, nhưng bản thân lại không gương mẫu, uống rượu, cờ bạc, hút xách đủ thứ, trong khi sức khỏe của mình mới quan trọng. Nhất là cái nghề của tôi, nhất là cách tôi hát nữa. Có những loại giọng mũi, giọng cổ. Tôi hát bằng giọng ngực, giọng thật- thành ra phải có sức khỏe.
Nói chung tôi rất may mắn. Van Gogh khi mất đi, người ta mới mua tranh. Có nghĩa là khi ông sống, người ta nghĩ ông ấy vẽ dở. Bây giờ nhiều người yêu tranh ông ấy, thì ai đúng ai sai?! Cũng giống như bây giờ tôi được nhiều người khen hát hay, chắc đã đúng chưa?! Càng hát, tôi càng không dám tự phụ, vì càng thấy mình dở.
Trong sự nghiệp, anh từng bị chê?
Có chứ. Nghề này tức cười, hồi xưa tôi mắc cỡ lắm. Đến khi tôi nghĩ, mình đứng trên sân khấu tức là mình khẳng định mình hát tốt, không tại sao dám bán vé, rồi lại mắc cỡ, có phải mâu thuẫn không. Mình phải chiến đấu với sự mắc cỡ của mình.
Ngày xưa lên sân khấu, tôi không dám nói một câu nào hết. Tôi nghĩ bổn phận là hát. Anh đi coi tôi, anh đâu liên quan gì đến tôi. Anh thích nghe anh đến, tôi thích hát tôi làm ca sĩ. Nhưng cái đó sai. Sai ghê lắm. Nghệ sĩ rất cần khán giả. Mặc dầu khán giả cần nghệ sĩ về vấn đề nghệ thuật này kia, nhưng không có khán giả, không có nghệ sĩ. Thành ra mình càng sống, càng biết ơn cuộc đời.
Một số ca sĩ cùng thời anh thành công một phần nhờ nhạc sĩ sáng tác và hướng dẫn họ hát. Còn anh thì sao?
Tôi học nhạc, tôi hòa âm lấy luôn… Là ca sĩ, nếu biết nhạc, biết chơi nhạc sẽ giúp cho việc hát của mình. Hát không đơn giản, hát là khó nhất. Là vì cái này (chỉ vào cổ họng) là nhạc cụ của mình. Có tiền, mình đi mua cái đờn tốt nhất được. Còn cái nhạc cụ này càng ngày nó càng tệ mà phải sống với nó, mình phải biết quý.
Lần song ca với “đàn cháu” Sơn Tùng của anh cũng bị một số người phản ứng. Lúc đó anh cảm thấy thế nào?
Tôi là người may mắn, rất nhiều người muốn hát chung với tôi. Có người mời mình hát chung, tại sao mình từ chối, trừ khi sự kết hợp đó kỳ quá. Tôi nói chuyện với Sơn Tùng thấy cậu đó rất thông minh. Còn nếu bảo bắt chước nhạc của người khác thì tôi nói thật, trên đời này có ai mà không bắt chước ai. Có người nào vỗ ngực mình làm ra cái chưa từng có?! Ngay những cách nói năng, nhún vai, đi đứng đều bắt chước. Quần áo này đâu phải của mình, người Việt xưa đâu mặc quần áo như thế này... Miễn làm sao đừng có bắt chước như copy thì kỳ. Mình ảnh hưởng, nhưng vẫn phải có cái riêng của mình. Còn đi hát phải chấp nhận khen chê thôi. Tại sao người ta khen lại thích, người ta chê lại buồn. Không có người nào phê bình tôi mà tôi sợ bằng tôi. Tại tôi biết cái dở của tôi rõ nhất. Người ta khen mình thì tốt, nhưng đừng nghĩ mình là cái gì ghê gớm. Lời khen chẳng làm thay đổi giá trị con người mình. Phải biết mình ở đâu, phải vui với chính mình lúc đó.
Anh sinh ra trong gia đình giàu truyền thống âm nhạc, biết chơi nhiều nhạc cụ, hát hay rồi, anh có thử sáng tác không?
Cám ơn, cứ khen đi, tôi thích lắm (cười). Sáng tác là một khiếu khác. Giỏi nhạc chưa chắc đã sáng tác được. Giống như tiến sĩ về văn chương chưa chắc đã viết được cuốn tiểu thuyết hay. Muốn sáng tác phải có đam mê. Tôi thích hòa âm hơn. Mặc dù khi hòa âm, tôi cũng phải tự viết những đoạn nhạc dạo. Nhiều CD tôi hát là tôi hòa âm. Ví dụ bài Về đây nghe em hay Phôi pha tôi tự làm hết.
Anh có cẩn thận hơn khi hát bài của bố vợ- nhạc sĩ Phạm Duy? Bố vợ tôi rất phóng khoáng. Ông nói: “Cậu muốn hát sao thì hát...”. Mà tôi thấy cái đó rất đúng cái ý của người Mỹ. Nghệ sĩ Mỹ mỗi người trình diễn bài hát theo kiểu của họ. Còn mình nhiều khi cứ: “Anh đó hát nổi tiếng, mình cứ theo anh ấy đi!”. Như vậy không phải nghệ thuật, mà là buôn bán. Thí dụ về kinh tế, món hàng gì được ưa chuộng thì người ta sẽ sản xuất thêm nữa... Về nghệ thuật, mình phải có cái riêng. |
Tuấn Ngọc trình diễn tại Hà Nội tháng 5/2011 Ảnh: Nguyễn Mạnh Hà
(Nguồn: https://www.tienphong.vn)