Nhật Huyền: Giọng nữ trung hiếm có của nền nhạc cổ điển Việt Nam

02/10/2018

Nhật Huyền là một trong những giọng nữ trung tài năng và hiếm có của nền nhạc cổ điển Việt Nam hiện nay.

Dòng nhạc cổ điển – thính phòng ở Việt Nam từ trước đến nay vẫn chuộng các giọng nữ cao (soprano), mà chủ yếu là các light lirico soprano (nữ cao trữ tình sáng mảnh).

Tính chất bay bổng, nhẹ nhàng và thánh thót của loại giọng này tỏ ra phù hợp với xu hướng và thẩm mỹ nhạc cổ điển, cách mạng của người Việt. Có thể kể đến một số light lirico soprano nổi tiếng như Lê Dung, Rơ Chăm Pheng, Tân Nhân, Bích Việt, Lan Anh...

Ít thấy hơn là sự xuất hiện của một số nữ cao màu sắc (coloratura soprano) như Tường Vy, Đào Tố Loan… Hay, nữ cao đầy đặn (full lirico soprano) như Hà Phạm Thăng Long.

Do cơ địa và thể trạng riêng của người Việt nên nhạc cổ điển Việt Nam không có nữ trầm (contralto), và nữ trung (mezzo soprano) cũng không nhiều. Một trong những nữ trung (mezzo soprano) hiếm thấy và đặc biệt tài năng của nền nhạc cổ điển hiện nay phải kể đến Nhật Huyền – người được mệnh danh là Tiếng hát thiện lành.

Giọng nữ trung hiếm có của nền nhạc cổ điển Việt Nam

Khác với hầu hết các giọng nữ cổ điển ở Việt Nam, Nhật Huyền sở hữu giọng nữ trung trữ tình với âm sắc ấm áp, đầy đặn và giàu cảm xúc.

Ở Việt Nam hiện nay, đa số giọng nữ hát nhạc cổ điển, cách mạng là nữ cao, nên đều hướng tới sự thánh thót, bay bổng. Điều này vô hình trung tạo nên sự bằng phẳng, thiếu màu sắc trong lối thể hiện, vì ai cũng giống ai.

Nhật Huyền thì khác, nhờ được học hành bài bản, cô đã tìm đúng vị trí âm thanh thích hợp để phát huy được chất riêng biệt trong màu giọng của mình.

Nhật Huyền không tập trung phô diễn quãng cao như nhiều ca sĩ khác, dù có thể dùng giả thanh để lên tới C#6, D6 một cách thoải mái, ngang với một nữ cao. Thay vào đó, cô phát triển tốt quãng trung và trầm của mình.

Nhật Huyền hát Ave Maria

Nhật Huyền có thể xuống quãng trầm tận E3, F3 một cách dễ dàng, không bị đè hay hạ thanh quản. Trên quãng trầm G3, A3, cô thậm chí vẫn giữ được vị trí âm thanh vùng đỉnh trán và passagio cân bằng, tạo độ vang tốt, chứ không hề bị đè xuống chest voice quá nhiều. Đây là cách mà cô học được từ giọng nữ trung huyền thoại Marylin Horne.

Nhờ đó, Nhật Huyền có thể hát legato uốn lượn thoải mái trên quãng trầm, hoặc chuyển từ trầm lên trung, lên cao, rồi lại xuống trầm liên tục một cách nhẹ nhàng, lanh lợi và điều khiển âm thanh mềm mại như một dòng suối. Đây là điều mà hầu hết các nữ cao cổ điển khác không làm được.

Head voice của Nhật Huyền phát triển tốt ở quãng trung tầm G4, A4, B4. Đây là quãng khá thấp và không thuận lợi cho head voice của giọng nữ, nhưng Nhật Huyền vẫn thực hiện được một cách mượt mà, trôi chảy trên từng legato và phrase.

Không những vậy, cô còn cộng hưởng âm thanh một cách tối ưu trên quãng trung này, giúp nó có được độ rền lớn, lan tỏa khắp không gian và lưu lại trong lòng người nghe những dư âm khó quên.

Nhờ đó, Nhật Huyền tạo được những quãng âm sâu thẳm, hun hút và có độ dày, cuốn người nghe vào sự trầm lắng, huyền bí, đầy mê hoặc của những bản nhạc từ hàng trăm năm trước. Có thể nói, đây là một giọng hát mang đậm trầm tích và dễ dàng tạo được không khí đầy cổ kính, sử thi cho âm nhạc bác học.

Quãng head voice đẹp nhất của Nhật Huyền là từ E5 tới G5. Trong quãng âm này, cô đạt tới độ vang và rền tối đa của giọng hát, nhờ support cột hơi, hơi thở vững chắc, hoạt động cơ hoành đúng cách và đẩy được đúng vị trí cộng hưởng vùng đỉnh trán lan ra gần sau gáy.

Khi lên tới F5, G5, A5, Nhật Huyền có thể phóng âm thanh thẳng ra trước mặt với âm lượng lớn và độ vang dàn trải, nhưng vẫn rất dày, đầy đặn, sâu hun hút như kéo cả không gian lại phía mình.

Đặc biệt, các âm đóng của cô vẫn rất đẹp, ấm, không bị chói, gắt. Đây là điều hiếm thấy ở một giọng nữ cổ điển tại Việt Nam.

Nhật Huyền hát Ở rừng nhớ anh

Vibrato không phải kĩ thuật khó, nhưng ở Nhật Huyền, đó là một sự chuẩn mực về kiểm soát và sử dụng vibrato, mà không phải ai cũng làm được.

Trong supported range của mình, chưa bao giờ Nhật Huyền bị lack hay rướn, mất control vibrato, dù trên head hay mixed.

Lúc nào vibrato của cô cũng tròn trịa, đều đặn, ổn định, không suy chuyển. Có thể nói, nếu vibrato là một chuỗi xích dài, mà ở các ca sĩ khác thường có thể bị cong một vài mắt xích, thì vibrato của Nhật Huyền lại cứ đều tăm tắp.

Cũng như những ca sĩ cổ điển khác, legato của Nhật Huyền rất tốt, nó đều đặn, mềm mại và liền mạch, ít gợn. Nhờ đó, cô có thể hát những bản nhạc cổ điển một cách trôi chảy, đúng sắc thái, cảm xúc.

Các kĩ thuật về kiểm soát âm lượng của Nhật Huyền như piano, pianissimo, cressendo… cũng khá tốt. Cô có thể kéo dài piano nhỏ li li kèm theo vibrato đầy mịn màng, ấm áp tới hàng chục giây mà không bị đứt quãng, hoặc chuyển messa di voce đầy điêu luyện. Nó cho thấy một khả năng điều tiết hơi thở và làm chủ thanh quản vững vàng.

Không những vậy, Nhật Huyền còn thực hiện được một số kĩ thuật màu sắc như staccato, diminuendo… một cách dễ dàng. Tuy nhiên, cô chủ yếu vẫn hát một cách chân phương để bảo toàn cảm xúc và màu giọng đặc trưng của mình.

Đặc biệt hơn cả, ngoài những kĩ thuật cổ điển truyền thống, Nhật Huyền còn sử dụng được một số kĩ thuật hiện đại. Mixed voice giọng thật của cô có thể lên tới E5 sáng chói như Thu Minh.

Nữ ca sĩ thiện lành, có học thức, đẹp cả về ngoại hình lẫn tâm hồn

Ấn tượng đầu tiên của công chúng khi tiếp xúc với Nhật Huyền là một ca sĩ rất đẹp, có dáng hình của người mẫu. Nhật Huyền sở hữu chiều cao tương đối, lên tới gần 1m7, khung xương nhỏ nhắn, thon thả và tầm vóc thanh thoát.

Nhờ đó, Nhật Huyền mặc đồ khá đẹp và bắt hình, đặc biệt là những bộ đầm dài theo hơi hướm diva. Không thể phủ nhận, cô có một vóc dáng tương đồng với các diva lớn như Maria Callas, Whitney Houston, Celine Dion.

Gương mặt của Nhật Huyền rất khải ái, ưa nhìn. Cô đẹp nhất ở đôi mắt to, sâu thẳm và đen láy, rất lôi cuốn và chứa đựng nhiều tầng đa chiều, gợi nên nhiều xúc cảm, suy tư. Đôi mắt này khiến cô có được chiều sâu giống những minh tinh màn ảnh Việt thập niên trước như Lê Vân, Việt Trinh, Trà Giang…

Nụ cười của Nhật Huyền cũng rất đẹp, tươi tắn và rạng rỡ, luôn truyền được năng lượng tích cực cho người đối diện.

Nhật Huyền sinh ra trong một gia đình nề nếp, được giáo dục kĩ càng từ lời ăn tiếng nói đến học thức. Bản thân cô cũng là người luôn phấn đấu và biết học hỏi, rèn luyện.

Nhờ vậy, Nhật Huyền sớm có được trình độ chuyên môn cao trong thanh nhạc và giảng dạy. Cô đã có bằng Thạc sĩ, đạt một số giải thường và hiện đang là giảng viên tại Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

Nhật Huyền chia sẻ: "Từ nhỏ Huyền đã rất yêu thích ca hát nên lớn lên đã đăng ký thi vào Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Cũng giống như hầu hết các bạn đồng trang lứa ở môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp, Huyền cũng thử sức mình ở một số cuộc thi và may mắn giành được một số thành tích nhỏ".

Để có được những thành công đó là cả một quá trình rèn luyện và phấn đấu của Nhật Huyền. Bản thân cô không phải người có nội lực hay giọng hát quá thiên phú để lấn át được mọi thứ.

Giống như Hà Trần, Nhật Huyền cũng trải qua quá trình khổ luyện đầy gian khổ, có cả máu và nước mắt. Thời sinh viên, Nhật Huyền thường phải dành tới hơn 10 tiếng mỗi ngày để luyện thanh và trau dồi kiến thức sách vở. Cô thường phải đi rất xa mới tới được trường học.

Đã có lúc, Nhật Huyền suýt ngất trên giảng đường vì kiệt sức do luyện tập quá nhiều, nhưng vẫn không nản chí. Cô không muốn thua kém bạn bè và muốn theo đuổi bằng được dòng nhạc bác học.

Nhật Huyền cũng là một ca sĩ cầu tiến, dù dã 35 tuổi, nhưng chưa bao giờ ngừng học hỏi. Cô chia sẻ: "Thật ra phụ nữ bao giờ yêu cũng sẽ không màng đến những khó khăn, vì Huyền yêu âm nhạc cổ điển, nên Huyền chấp nhận. Vẫn biết sẽ có nhiều khó khăn, nhưng đây chính là món quà Huyền muốn đánh dấu sự trở lại của mình đúng với nền tảng của mình. Chặng đường tiếp theo thì Huyền chưa dám nghĩ đến, nhưng Huyền sẽ thực tế và cố gắng tiếp thu mọi lời góp ý tích cực để trở nên hoàn thiện nhất trong những thứ mình làm sau này".

Tuy nhiên, giữa lúc sự nghiệp đang chớm nở thì Nhật Huyền lại gác lại đam mê để trở về chăm lo gia đình. Cô cho rằng, thiên chức phụ nữ và tình yêu gia đình khiến mình phải có trách nhiệm với nó.

Sau hơn 10 năm vắng bóng sân khấu để tập trung giảng dạy và lo cho gia đình, Nhật Huyền đã trở lại với album đầu tay mang tên Eva Maria. Album cổ điển này được xem là hiếm hoi trong thời buổi nhạc số hiện nay, và được giới chuyên môn đánh giá khá cao.

Thông điệp của album nói riêng và âm nhạc Nhật Huyền nói chung là hướng tới sự thiện lành, truyền đi năng lượng tích cực. Đó là "âm nhạc chữa lành vết thương".

Bằng sự trong sáng, thiện lành trong tâm hồn và luôn muốn cống hiến những điều tích cực cho xã hội, Nhật Huyền đã và đang gặt hái được nhiều thành công nhất định. Cô được nhiều người yêu quý vì tài năng, cách sống, lối ứng xử của mình.

Trong đó, cố nhạc sĩ An Thuyên từng coi Nhật Huyền như con gái mình. Cô chia sẻ: "Người mà Huyền biết ơn nhất chính là cố nhạc sĩ An Thuyên, người đã bằng mọi cách động viên Huyền trở về trường và tiếp tục học lên đại học, cao học. Thầy chính là người thắp lửa, truyền đam mê cho Huyền, khiến Huyền cảm thấy mình thực sự nên đi theo con đường này".

(Nguồn: Trí Thức Trẻ)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...