Nghệ sĩ Đăng Dương: Sự khám phá trong nghệ thuật là không giới hạn

20/08/2018

Năm 2017, kỷ niệm 20 năm theo đuổi con đường ca nhạc, Đăng Dương tổ chức live show "Mặt trời của tôi" và được nhận giải thưởng Cống hiến cho hạng mục "Chương trình của năm". Năm nay, anh tiếp tục một liveshow, nhưng với một ý nghĩa khác, kỷ niệm 20 năm tam ca hát nhạc chính ca nổi tiếng Việt Hoàn - Đăng Dương - Trọng Tấn kết hợp ăn ý cùng nhau trên sân khấu.

Mộc mạc, giản dị nhưng không kém phần sâu sắc, Đăng Dương chia sẻ về cuộc sống "tam ca nhạc đỏ" cũng như quan điểm nghệ thuật của cá nhân anh…

- Chào Đăng Dương, trước thềm live show "Đường chúng ta đi", đêm diễn đặc biệt của tam ca nhạc đỏ (Việt Hoàn - Đăng Dương - Trọng Tấn) sau 20 năm kể từ buổi đầu các anh "tam kiếm hợp bích", anh có cảm xúc như thế nào?

+ Đối với tôi, liveshow "Đường chúng ta đi" sắp tới đây có một cảm xúc vô cùng đặc biệt. Đây là một chương trình kỷ niệm 20 năm ngày bộ ba chúng tôi: Việt Hoàn, Trọng Tấn, Đăng Dương kết hợp thành một tam ca trên sân khấu. 

Tuy không phải là một nhóm nhạc, hay một bộ ba gắn bó thường xuyên trên sân khấu, vì mỗi người có một con đường riêng, một sự nghiệp riêng, nhưng trong lòng công chúng, chúng tôi vẫn luôn là một bộ ba hài lòng, ăn ý. Vì thế, mặc dù hát nhiều trên sân khấu nhưng với tôi, cảm xúc của lần biểu diễn này vô cùng bồi hồi, xen lẫn cả chờ mong, xúc động nữa.

Đăng Dương trước khi theo con đường ca hát chuyên nghiệp đã theo học đàn bầu tại Nhạc viện Quốc gia Việt Nam.

- Ngoài sự kết hợp ăn ý của 3 anh em trên sân khấu âm nhạc, Đăng Dương - Trọng Tấn - Việt Hoàn còn được công chúng yêu mến bởi tình bạn gắn bó thủy chung rất hiếm có. Anh có thể chia sẻ đôi chút với công chúng về tình bạn của 3 gia đình hiện nay?

+ Thời trẻ, khi chưa có gia đình, chúng tôi đã là những người bạn gắn bó thân thiết với nhau rồi. Đến lúc có gia đình, cả 3 gia đình chúng tôi lại càng thân thiết hơn nữa. 3 gia đình thường xuyên đi chơi với nhau. Mỗi khi đi diễn, chúng tôi thường hay đưa cả gia đình đi cùng nên các thành viên có nhiều cơ hội gần gũi, hiểu nhau. 

3 bà vợ thì có gu thẩm mỹ cũng như sở thích khá giống nhau nên cũng dễ dàng tìm được tiếng nói chung. Tôi thấy thật tuyệt vời khi mà tình bạn keo sơn từ thuở 3 người giờ đây đã nhân số thành viên lên gấp nhiều lần mà vẫn keo sơn như vậy.

- Với riêng Đăng Dương, anh đã có một sự nghiệp riêng rất đáng nể, với giải thưởng Cống hiến danh giá cho live show cá nhân "Mặt trời của tôi". Sau 20 năm ca hát, nhìn lại những thành tựu của mình, liệu đã phải là một cảm giác hài lòng, thỏa mãn, thưa anh?

+ Giải thưởng "Cống hiến" đối với tôi là một mốc son lớn trong sự nghiệp. Sự ghi nhận của giới làm nghề chuyên nghiệp và giới truyền thông đã cho tôi một nguồn động lực để tiếp tục con đường của mình, tin tưởng vào lựa chọn của mình. 

Tôi có chút hài lòng về thành quả mình có được sau hai mươi năm làm nghề. Nhưng nếu nói là thỏa mãn thì chưa. Tôi chưa bao giờ cho phép mình thỏa mãn với những gì đã đạt được. 

Nghệ thuật là con đường dài sẽ không bao giờ có điểm cuối. Sự khám phá, khai mở trong nghệ thuật là không giới hạn. Một khi người nghệ sĩ thỏa mãn với những gì mình đạt được, tức là họ đang dừng lại. Mà dừng lại cũng đồng nghĩa với tụt lùi, lạc hậu. 

Mỗi dòng nhạc luôn có những thử thách mà người nghệ sĩ phải vượt qua. Mỗi giai đoạn của cuộc đời làm nghệ thuật cũng luôn có những thách thức mà người nghệ sĩ phải vượt qua. Tôi luôn hiểu điều đó và âm thầm cố gắng mỗi ngày.

Tam ca Đăng Dương - Trọng Tấn - Việt Hoàn tổ chức live show kỷ niệm 20 năm hát cùng nhau.

- Người trong giới đã quá quen thuộc hình ảnh một người phụ nữ phía sau Đăng Dương. Chị không chỉ đẹp mà còn là người chấp nhận hy sinh sự nghiệp riêng, lùi lại phía sau để chăm chút cho sự nghiệp của chồng, chăm con, giữ gìn tổ ấm. Nếu dành một câu hỏi cho anh để nói về người vợ của mình, điều anh muốn nói là gì?

+ Tôi rất may mắn khi có được một người vợ cùng làm nghề, nhưng lại khác với những người khác là biết hy sinh cho gia đình, vì gia đình mà lui về phía sau làm hậu phương vững chắc cho chồng phát triển sự nghiệp. 

Năm ngoái, để làm được liveshow "Mặt trời bé con", tôi rất biết ơn bà xã. Kể cả bạn bè của tôi, e-kip làm việc cùng tôi đều nói rằng, nếu tôi có một bà vợ khác đi, không sẵn sàng chấp nhận mọi thua thiệt, thì chưa chắc tôi đã tổ chức được một show diễn thành công đến như vậy. 

Thực sự mà nói, với công việc của một người nghệ sĩ như tôi, nếu không có một người vợ đồng lòng nhất trí, thấu hiểu công việc của chồng thì rất khó làm được việc lớn. 

Để nói một từ về vợ, tôi chỉ nói là tuyệt vời. Tôi và cô ấy đã có một cái duyên gặp nhau rất khác thường. Tôi không biết tình yêu sét đánh là thế nào nhưng tôi tin tôi đã có một tình yêu như vậy. Chỉ có 2 lần gặp nhau đã yêu nhau mất rồi. 

Ông Trời đã se duyên lành cho chúng tôi. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Chúng tôi bên nhau đã gần 20 năm, nhưng mọi cảm xúc dành cho nhau vẫn luôn như ngày đầu tiên vậy.

- Chúng ta hay thấy điều này: Các nghệ sĩ thường gặp sóng gió trong tình riêng. Anh may mắn có người vợ sẵn sàng giã từ sự nghiệp để lui về chăm chút cho sự nghiệp của chồng. 

Có khi nào anh nghĩ, nếu không có sự "quên mình" đó của vợ, gia đình anh có thể sẽ không bình yên như hôm nay? Hoặc nếu một ngày chị ấy nhớ nghề muốn quay lại công việc ca hát, liệu anh có ủng hộ?

+ Vợ tôi xuất phát điểm là một ca sĩ, nhưng cô ấy đã hy sinh sự nghiệp, sở thích của mình vì sự nghiệp của chồng, của con. Cô ấy đã lựa chọn như vậy, và đã trở thành hậu phương vững chắc của gia đình tôi. Thỉnh thoảng vợ tôi vẫn thích hát, tôi để cho cô ấy hát, nhưng là hát cho tôi nghe thôi, hay cho bạn bè nghe trong những cuộc gặp gỡ, hội họp. 

Nhiều khi buồn hai vợ chồng tôi vẫn hát cùng nhau. Tôi sắm cho vợ một dàn âm thanh tuyệt vời nhất để cô ấy giải trí khi muốn. Nếu một ngày cô ấy muốn quay trở lại việc đi hát, chắc chắn là tôi sẽ ủng hộ cô ấy. Cô ấy có thể hát ở bất cứ cuộc vui nào cô ấy muốn, nhưng nếu để quay lại đi biểu diễn trên sân khấu kiếm tiền như xưa thì chắc cô ấy sẽ không quay lại đâu, tôi hiểu tính cô ấy. Cô ấy có lựa chọn của cô ấy rồi.

Đăng Dương và vợ trong họp báo live show “Đường chúng ta đi”.

- Có thể thấy, Đăng Dương hát hay, nhưng không phải là một người lợi khẩu lắm khi đứng trước báo giới, truyền thông. Cũng ít khi thấy anh phát ngôn về nghệ thuật, âm nhạc. Quan điểm của anh trong làm nghề là gì?

+ Tôi là một người, về khâu ăn nói là kém nhất trong nhóm tam ca nhạc đỏ đấy. Tôi không có cái khéo léo của một người xuất hiện trước công chúng. Nhưng bù lại, cái thật và cái mộc của tôi cũng nhận được sự cảm mến của mọi người. Tôi nghĩ mình cứ sống đúng với những gì vốn có của mình thôi, có thế nào thì thể hiện như vậy. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây tôi cũng có cố gắng để sửa mình. 

Bà xã cũng giúp tôi căn chỉnh nhiều về chuyện ăn nói sao cho tinh tế, khéo léo hơn. Về vấn đề phát ngôn, tôi chỉ nói những điều gì liên quan đến dòng nhạc đỏ, còn các vấn đề riêng tư hay không liên quan đến nghệ thuật, tôi sẽ không nói vì thực sự tôi không quan tâm nhiều đến những câu chuyện ngoài nghệ thuật.

- Nhạc đỏ có một sức sống bất diệt qua thời gian, vì ở đó lưu chứa các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của cả dân tộc. Tuy nhiên, mỗi thế hệ qua đi, những ca sĩ hát hay dòng nhạc này luôn còn lại rất ít. 

Thế hệ 7X may mắn có những tên tuổi như Đăng Dương, Trọng Tấn, Việt Hoàn, Anh Thơ, Lan Anh… nhưng nhìn xa hơn về thế hệ sau anh thì dường như không được lạc quan cho lắm. 

Dường như chưa có những yếu tố tiềm năng có thể kế cận thế hệ các anh. Nói như vậy liệu có chủ quan không, và là một người trong nghề, quan sát của anh về câu chuyện này ra sao?

+ Tôi rất đồng cảm với vấn đề mà nhà báo vừa đặt ra. Chúng ta thấy gần đây có rất nhiều cuộc thi âm nhạc dành cho các bạn trẻ. Rất nhiều nhân tố mới xuất hiện. 

Nhiều bạn trẻ có ngoại hình, có giọng hát, lại được học hành bài bản, nhưng vẫn chưa để lại dấu ấn rõ ràng trong khán giả. Hình như các bạn còn thiếu một vài yếu tố, như chiều sâu trong cảm nhận bài hát. Hình như các bạn vẫn bị những yếu tố thị trường kéo đi, chưa thực sự bình tâm, an tâm với lựa chọn của mình. 

Dòng nhạc đỏ là dòng nhạc có nhiều cái khó. Khó nhất là sự trau dồi rèn luyện cần thời gian, cần một quá trình. Cùng với đó là sự am hiểu kiến thức từ lịch sử đến âm nhạc, đến văn hóa. Mọi sự vội vàng, nôn nóng đều không dẫn người nghệ sĩ đi đúng con đường đã chọn buổi đầu. 

Tôi rất tiếc cho một số bạn trẻ tài năng đã không thẩm thấu hết những điều này. Hy vọng là trong tương lai chúng ta sẽ nhìn thấy sự hiện diện của nhiều nghệ sĩ trẻ, những người hội tụ đủ những yếu tố để có thể đi lâu dài với dòng nhạc chính ca.

- Cảm ơn nghệ sĩ Đăng Dương về cuộc trò chuyện.

"Đường chúng ta đi" - Live concert không chỉ kỷ niệm 20 năm đồng hành của tam ca Đăng Dương - Trọng Tấn - Việt Hoàn mà còn là món quà âm nhạc ý nghĩa tri ân tình yêu mến mộ của công chúng yêu nhạc nói chung và khán giả dòng nhạc chính thống nói riêng trong dịp Tết Độc lập 2/9. Chính tình yêu của khán giả đã giúp neo giữ di sản tam ca độc đáo cho dòng chính ca và âm nhạc Việt Nam. Chương trình diễn ra một đêm duy nhất tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt-Xô Hà Nội ngày 26/8.

(Nguồn: http://cstc.cand.com.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...