Chào bạn, tuổi 60!
Chúc mừng
NSND Đặng Thái Sơn tròn 60 tuổi
NGND Thái Thị Liên tròn 100 tuổi
Ở tuổi 60, mọi người hoàn thành nghĩa vụ cống hiến xã hội, rũ bỏ mọi áp lực công việc đã đeo đẳng suốt phần lớn cuộc đời để bắt đầu giai đoạn thảnh thơi nghỉ ngơi gác kiếm.
Ở tuổi 60, có người làm thơ hoặc làm vườn, chơi hoa hay chơi chim, chụp hình và khiêu vũ, đi spa rồi shopping, họp lớp hay học thiền, tập dưỡng sinh hoặc tập yoga, hát karaoké và chơi facebook…
Ở tuổi 60, nhiều người được phép sống hoàn toàn cho mình và vì mình, tha hồ lên kế hoạch đến những nơi mình muốn và làm những gì mình thích, không đi du lịch trong nước ngoài nước thì ở nhà hưởng niềm vui bên con cháu.
Tuổi 60 của danh cầm Đặng Thái Sơn lại chẳng có gì giống như vậy.
Đặng Thái Sơn và Nguyễn Thị Minh Châu (ảnh: Đặng Hữu Phúc)
Biểu diễn, dạy học, thu đĩa, chấm giải… - những chuyến bay ngược xuôi giữa các châu lục, một chương trình hoạt động còn dày đặc và căng thẳng hơn cả trước cái mốc “60 năm cuộc đời”, đến mức chính bạn tôi cũng không kịp kể hết kế hoạch trong năm của mình cho tôi nghe trong vài giờ nghỉ trưa bất ngờ í ới “gặp nhau nhé bạn già”.
Chỉ biết sơ qua lịch biểu diễn thôi cũng đủ choáng rồi. Tháng 4 hòa tấu cùng Dàn nhạc Giao hưởng Nhật tại Tokyo và Omiya. Liền một mạch từ giữa tháng 5 đến gần cuối tháng 6 là chương trình recital (độc diễn) mở đầu tại Mỹ (Boston), vòng quanh một loạt nước châu Á (Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản), rồi kết thúc ở Mỹ (Miami). Tháng 7 đến tháng 8 tiếp tục tour diễn ở châu Âu (Pháp, Ba Lan, Hungarie), tháng 9 trở lại Ba Lan, tháng 10 tới Nam Mỹ (Brazil)…
Cài xen giữa các đợt diễn là chương trình masterclass ở Hồng Kông, Singapore, Việt Nam. Không chỉ đắt “sô” trong nghiệp diễn, Đặng Thái Sơn đang là một “thương hiệu” hàng đầu trong lĩnh vực đào tạo. Hơn ba chục năm dạy học tại nhiều nhạc viện danh tiếng thế giới, Sơn vẫn chỉ nhận làm giảng viên “khách mời”, gắn bó nhất là Đại học Âm nhạc Kunitachi ở Tokyo (Nhật Bản), Đại học Quốc gia Ðài Bắc (Đài Loan) và Đại học Montréal (Canada). Đến tuổi nghỉ hưu thì Sơn lại “chơi ngược đời”: chấp nhận lời mời vào biên chế chính thức của Nhạc viện Oberlin, bang Ohio (Mỹ). Có được Đặng Thái Sơn, Khoa Piano của Nhạc viện Oberlin rất hào hứng vui mừng bởi họ thật sự tin tưởng vào kiến thức, kinh nghiệm và tinh thần trách nhiệm của một nghệ sĩ xuất sắc, một người thầy tài giỏi, một giám khảo uy tín của nhiều cuộc thi piano danh giá thế giới.
Cũng với tâm trạng hào hứng như thế, “dân” piano chuyên nghiệp Việt Nam đang mong đợi chuyến trở về của giáo sư Đặng Thái Sơn - Giám đốc nghệ thuật, một trong năm thành viên Hội đồng Giáo sư của Festival Piano Quốc tế được tổ chức ở Hà Nội vào tháng 8 năm nay. Nhờ danh tiếng Đặng Thái Sơn mà số lượng thí sinh tham gia mau chóng vượt quá dự kiến (70 người, trong đó có hơn 20 người Việt, còn lại là Nga, Ba Lan, Mỹ, Canada, Úc, Nhật, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Thái Lan, Malaysia…). Số lượng học sinh đăng ký học thầy Sơn quá đông, tới mức thầy đã phải lên lớp từ hai tháng trước ngày khai mạc Festival.
Vai trò giám khảo cũng được tiếp tục trong hoạt động năm nay của Sơn với bốn cuộc thi quốc tế: Cuộc thi Âm nhạc Harbin tại Trung Quốc vào tháng 1, Cuộc thi Piano Quốc tế tại Takamatsu - Nhật Bản vào tháng 3, Cuộc thi Chopin ở Daigu - Đại Hàn vào tháng 5, Cuộc thi Chopin trên đàn piano cổ được tổ chức lần đầu tiên tại Varsava - Ba Lan vào tháng 9.
Năm 2015, Đặng Thái Sơn với danh nghĩa người thầy đã làm nên một “sự kiện lịch sử” cho Concours Chopin: người đầu tiên có tới ba học trò đoạt giải trong một kỳ thi (chiếm một nửa số giải chính thức). Không ngạc nhiên nếu như tới kỳ thi năm 2020 Đặng Thái Sơn lại lập thêm kỷ lục nữa: là người ngoại quốc đầu tiên trong lịch sử Concours Chopin được Ba Lan mời làm giám khảo lần thứ tư.
NGND Thái Thị Liên và NSND Đặng Thái Sơn (ảnh: Nguyễn Thị Minh Châu)
Còn trong lĩnh vực thu đĩa, danh sách trên hai chục album của Đặng Thái Sơn do nhiều hãng nổi tiếng thế giới phát hành vừa được bổ sung thêm hai CD mới. Ngoài “tác giả ruột” là Chopin, Sơn còn ra đĩa tác phẩm của các nhạc sĩ khác như: Mozart, Lizst, Mendelssohn, Tchaikovsky, Debussy, Ravel… Hai đĩa mới cũng không thuộc về Chopin, mà chàng Chopinist Đặng Thái Sơn lại tiếp tục làm mới mình qua Schubert và Paderewski.
Album Schubert là lời tâm tình thầm thì trong tĩnh lặng. Càng có tuổi Sơn càng gần gũi hơn với âm nhạc của Schubert. Sự cô đơn đến đau đớn ở Schubert dường như đã thấu tận cùng vào nỗi đau trong cô đơn của chính Sơn. Kịch tính nhất là Sonate số 21 (B-Flat Major D960) được viết trước khi Schubert qua đời hai tháng, vào lúc Schubert dường như đã linh cảm thấy cái kết cục buồn thảm của cuộc đời đầy bi kịch và quá ngắn ngủi của mình. Bản Sonate cuối cùng của Schubert luôn ám ảnh nhiều thế hệ nghệ sĩ, như một thách thức kiếm tìm sự thể hiện trọn vẹn cho một tác phẩm phức tạp trong nhiều cung bậc cảm xúc, từ trầm tư, cô quạnh, u sầu, đến dịu dàng, thanh thoát, đầy khát vọng… Câu chuyện diễn ra trong không gian trầm lắng tĩnh tại, tưởng như rất an nhiên thanh thản, nhưng vẫn không dấu được chấn động từ những mạch ngầm uẩn ức, để rồi cuồn cuộn trong thẳm sâu là cả một nỗi niềm khát khao bị dồn nén. Tiếng lòng ấy được giãi bày bằng âm thanh quyến rũ trong vẻ đẹp tự nhiên, hài hòa, thánh thiện. Sơn đã diễn giải Schubert theo cách của mình như thế, và ấn tượng đặc biệt về cái tôi bản lĩnh sâu sắc tính triết lý là chương chậm (Andante Sostenuto).
Với album Paderewski, Đặng Thái Sơn một lần nữa chứng tỏ đẳng cấp bậc thầy trong tiếng đàn điệu nghệ tinh tế về màu sắc và cường độ âm thanh, trong cách biểu hiện giản dị nhất có thể, luôn có sự tiết chế và tự kiểm soát liều lượng cảm xúc. Bản thu được thực hiện cùng nhạc trưởng Vladimir Ashkenazy cùng Philharmonia Orchestra - cả chỉ huy và dàn nhạc đều thuộc top đầu thế giới hiện nay. Đây là màn trình tấu hoàn hảo những tác phẩm có giai điệu đẹp đẽ, trữ tình, giàu chất hát và tính dân tộc của một nhà soạn nhạc, một pianist kiêm chính khách của Ba Lan thế kỷ XX.
Album luôn bán chạy, dạy học luôn đắt sô, các cuộc hòa nhạc luôn cháy vé… Chẳng phải ngẫu nhiên Đặng Thái Sơn được mời độc tấu trong lễ kỷ niệm 150 thành lập Nhạc viện Tchaikovsky tại Moskva vào năm 2016, và cùng năm đó anh còn là người chiến thắng danh mục “Concert của năm” trong giải Opus - tương đương với giải Grammy tại Canada. Cũng chẳng hề ngẫu nhiên Đặng Thái Sơn được chọn vào danh sách 32 pianist hàng đầu thế giới sẽ trình tấu 32 sonate Beethoven. Đây là một dự án quy mô lớn do TV France2 thực hiện nhân kỷ niệm 250 ngày sinh Beethoven vào năm 2020, được quay phim ở nhiều nước khác nhau và sẽ phát sóng khắp toàn cầu, phần về Đặng Thái Sơn ghi hình ở Việt Nam sẽ lồng cả cảnh tuổi thơ sơ tán thời chiến tranh.
Vậy là ở tuổi 60 chẳng những không được lui vào hậu trường như lẽ thường, Đặng Thái Sơn vẫn liên tục tỏa sáng trên sân khấu âm nhạc thế giới, vẫn là người được công chúng các nước yêu mến ngày càng sâu đậm, vẫn hàng trăm người hâm mộ xếp hàng cả giờ đồng hồ sau đêm diễn để có được chữ ký của anh. Cuối đêm diễn tại phòng hòa nhạc 1500 chỗ ở Đài Loan, khán giả đã căng biểu ngữ nồng nhiệt chúc mừng tuổi 60 của Sơn khiến anh vô cùng cảm động, nhưng liền sau đó anh lại năn nỉ ban tổ chức đừng để lặp lại như họ đã dự tính trong các buổi tiếp theo.
Một nghệ sĩ tầm cỡ quốc tế phải tiếp xúc với rất nhiều người mỗi ngày, phải diễn trước hàng trăm hàng nghìn người mỗi đêm, vậy mà Sơn vẫn giữ nguyên bản tính e thẹn. Anh không công khai ngày sinh trên facebook vì rất sợ sự chúc tụng ồn ào. Anh muốn sinh nhật chỉ thuộc về riêng mình, không khoa trương ầm ĩ. Những đợt bay về Hà Nội liên tiếp gần đây cũng rất kín tiếng, không mấy ai hay, mà ai có hay thì cũng được dặn trước “đừng post hình lên facebook nhé”.
Khoảng một năm nay dù bận mấy Sơn vẫn sắp xếp về thăm má thường xuyên hơn. Sau đại lễ mừng thọ NGND Thái Thị Liên bước sang tuổi 100 vào cuối năm ngoái, sức khỏe của má bỗng suy giảm: nói năng khó khăn, không đi lại được… Đúng lúc thể trạng má bất ổn nhất thì lại xảy ra sự cố cháy căn hộ tầng chót chung cư Golden Westlake. Sơn cùng anh trai và hai người giúp việc (ơn giời lúc đó lại có mặt đủ bốn người!) mỗi người nhấc một góc xe lăn loay hoay đưa má Liên từ tầng 10 qua cầu thang bộ xuống mặt đất an toàn.
Muốn dành nhiều hơn thời gian bên má, Sơn đã từ chối một vài dự án. Trong các hợp đồng xuất hiện thêm một điều kiện: anh có quyền hủy chương trình nếu có gì bất trắc xảy ra. Dù má Liên là người phụ nữ kiên cường hiếm thấy, nhưng không phép màu nào hiệu nghiệm cho sức khỏe của má bằng chính Sơn. Mỗi lần “Quý Tử của má” về thăm là má như được uống thuốc tiên, sắc diện khác hẳn, ăn ngon, ngủ tốt và thể trạng cứ thế khá dần lên. Nhờ “thuốc thần” chăm về nhà nên má Liên đã hồi phục một cách đáng kinh ngạc: má lại đọc báo, chơi bài, đi siêu thị, đi thưởng ngoạn ngắm hoa, giọng nói lại sang sảng, trí nhớ lại minh mẫn… Má có thể ngồi ô tô hàng trăm cây số không mệt mỏi, thậm chí còn trò chuyện cho người cầm lái được tỉnh táo, trong khi hai anh con trai đều lăn ra ngủ.
Đa đoan với lắm trách nhiệm, bận rộn với nhiều chương trình, dồn dập với các chuyến bay… Chẳng biết sức mạnh nào đã giúp Sơn vẫn luôn cân bằng, luôn là người nhẹ nhàng, dí dỏm, ân cần, chu đáo với người thân, học trò, bạn bè và công chúng? Chẳng biết năng lượng nào đã thúc đẩy Sơn không ngừng tự khám phá mình, không ngừng sáng tạo với một bản lĩnh rất Đặng Thái Sơn?
Ở tuổi 60, Đặng Thái Sơn vẫn là một ẩn số.
21-06-2018