Âm nhạc - Cảm nhận và thụ hưởng
Âm nhạc, cảm nhận và thụ hưởng - Đó là thông điệp chính của môn học CẢM THỤ ÂM NHẠC, do Nhạc trưởng – NSƯT Hoàng Điệp biên soạn và trực tiếp hướng dẫn. Đây cũng là chương trình tập huấn đặc biệt dành cho giáo viên Trường Tương Lai, kéo dài liên tục trong 03 tháng và là một nội dung quan trọng của liên môn Nghệ thuật mà học sinh trường Tương Lai sẽ được làm quen ngay từ năm học đầu tiên 2018 – 2019.
Một số hình ảnh buổi tập huấn
“Cảm thụ âm nhạc” (Music Appreciation) là một môn học còn mới lạ ở Việt Nam nhưng ở các nước Âu Mỹ, môn học này đã được hình thành và phát triển từ 1946 cho đến nay. “Cảm thụ âm nhạc” dạy con người cách sử dụng âm nhạc làm phương tiện để khám phá, tìm hiểu về cuộc sống xung quanh cũng như thể hiện những cảm nhận về cuộc sống. Biết nghe, biết khám phá và thưởng thức cái đẹp trong âm nhạc là cách nuôi dưỡng trí tưởng tượng phong phú và khả năng sáng tạo của trẻ. Đây chính là tiền đề cho trẻ theo học tiếp các môn năng khiếu nhạc cụ hay thanh nhạc một cách thuận lợi. Bên cạnh đó, môn học này sẽ mang lại những tác động quan trọng trong việc giúp trẻ đón nhận những hiện tượng xung quanh một cách tích cực. Đây cũng không chỉ là môn học dành riêng cho trẻ em hay những người có năng khiếu âm nhạc, môn học này dành cho tất cả mọi người.
Một số hình ảnh tại buổi hội thảo
Tại hội thảo Bàn tròn Giáo dục do Trường Tương Lai tổ chức từ ngày 26 – 28/4/2018, chủ đề Dạy nhạc cho trẻ em đặc biệt thu hút sự quan tâm của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu giáo dục trong và ngoài nước. Nhiều vấn đề được đặt ra và thảo luận sôi nổi về cách thức tổ chức thực hiện: Dạy nhạc cho trẻ VIP (trẻ gặp khó khăn trong điều chỉnh hành vi và hội nhập cộng đồng), Tích hợp Âm nhạc trong việc giảng dạy các môn học khác như Tiếng Anh, Toán, Tin học, Khoa học, Ngôn ngữ,… Tất cả đều thống nhất với nhận định: Môn Âm nhạc nếu được dạy và học theo đúng chuẩn quốc tế, sẽ giúp cho trẻ hình thành và phát triển rất nhiều những kỹ năng bổ trợ cho học tập lẫn cuộc sống, hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện.
“Các trường phổ thông ở ta hàng chục năm rồi vẫn kiên trì dạy nhạc theo lối xưa cũ, chưa thay đổi được gì đáng kể ngoài cuốn sách giáo khoa ngày càng dày lên, tăng thêm trọng lượng ba lô trĩu nặng trên những đôi vai bé nhỏ. Cứ xướng âm như con vẹt mà không thuộc mặt nốt, cứ làu làu như đọc bảng cửu chương một nốt tròn bằng mấy nốt trắng, một nốt trắng bằng mấy nốt đen…, mà không được học cảm nhận cái hay trong âm nhạc, nhất là nhạc không lời, chả trách con cháu chúng ta thấy sợ, ghét và coi thường môn nhạc ở trường đến thế! Ghét thì ghét, điểm nhạc vẫn cao. Điểm luôn cao, nhưng các con vẫn mù nhạc! Giáo dục âm nhạc phổ thông và môi trường âm nhạc thiếu nhi còn chưa được đầu tư đúng hướng đúng mức, nói chi đến không gian âm nhạc đặc biệt dành cho những đứa trẻ đặc biệt, “đặc biệt” ở đây bao gồm cả hai nghĩa: hoặc tài năng xuất chúng, hoặc tâm thần bất ổn”. (Cảm nhận một tấm lòng qua chương trình cảm thụ âm nhạc)
Nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu
|
(Nguồn: http://future.edu.vn)