Tùng Dương, liveshow lần thứ 10 với “Bộ tứ sông Hồng”
(Ảnh: nguồn internet)
Ngày thứ hai của Chương trình (6.06.2018), kết thúc vào lúc nửa đêm với liên khúc Hồ trên núi - Nét ca trù ngày xuân - Đánh thức tầm xuân - Mặt trời bé con của 4 nhạc sĩ Tùng Dương đã khóc vì khán phòng chật kín, cả chỗ đứng, mọi người vẫn ở lại đến phút cuối cùng. Về thế nào được, chân nhấc làm sao được, bởi chương trình quá hay và cơn say quá sâu. Không cơn say nào say bằng âm nhạc.
Tùng Dương đã làm nên điều đó. Vẫn là những tác phẩm của những tên tuổi gắn liền với khởi đầu của nền nhạc nhẹ Việt Nam: Trần Tiến - Nguyễn Cường - Dương Thụ - Phó Đức Phương, đã từng được nhiều người “khám phá”, “khai thác” và trình diễn nhưng với Tùng Dương, thì khác. Khác hẳn. Nguyễn Cường bảo với tôi: “Tùng Dương nó vĩ đại thật đấy”.
Không chỉ Nguyễn Cường, Minh Đạo (nhạc sĩ phối khí) cũng từng nói: “Nó - Tùng Dương lại một hội tụ của đất trời, phải lâu lắm mới có được một đứa như nó”. Ngay cả đến người kỹ tính như Phó Đức Phương, cũng phải thừa nhận: “Cứ phải đến Tùng Dương, mọi sự mới về đúng vị trí. Mình chỉ nói sơ một cái nó hiểu liền cả những điều khó diễn đạt nhất trong âm nhạc của mình”. Lần thứ 10, tổ chức liveshow trong sự nghiệp âm nhạc của mình riêng, Tùng Dương chọn 4 tên tuổi: Tiến - Phương - Cường - Thụ, những sắc màu, cá tính khác nhau, đứng cạnh nhau, hòa quyện và tôn vinh nhau, với các bản phối “ma quỷ” vô cùng ám ảnh của Thanh Phương, Lưu Hà An... làm nên một khác biệt, có khả năng làm tan cái nóng khủng khiếp của Hà Nội, có sức mời gọi và níu giữ những gương mặt không thể khó tính hơn của người thưởng thức. Tôi nhìn thấy cả những tên tuổi lớn của giới trí thức.
Tùng Dương tâm sự rằng, đây là ý tưởng anh đã nghĩ đến từ lâu. Bốn nhạc sĩ, những người đã làm nên ký ức âm nhạc của một thời ở miền Bắc. Những người mà anh gọi là bố, là chú, đã ảnh hưởng tới anh rất nhiều về tư duy và âm nhạc, anh muốn làm liveshow như một cuộc đối thoại, một chuyển giao thế hệ, một câu chuyện ký ức thấm đẫm tình người, tình yêu đất nước được kể trong một không gian nghệ thuật đặc biệt do những giấc mơ của anh thúc đẩy tạo ra.
Chương trình có những ca khúc đã quen với người nghe được làm mới lại như Sao em nỡ vội lấy chồng, Cho em một ngày, Chảy đi sông ơi, Ly cà phê Ban mê… Cũng có nhiều ca khúc được hát lần đầu, có những ca khúc các tác giả vừa mới viết xong, hầu hết trong chương trình là những bài lần đầu tiên Tùng Dương hát. Các bài được phối theo phong cách Jazz, Pop, Rock và thêm vào một ít giao hưởng… hợp với sự cách tân mạnh mẽ của Tùng Dương
Ca sĩ tổ chức show không nhiều vì độ khó của nó. Nhưng làm show như Tùng Dương thì không ai làm được. Không chỉ bởi số lượng lớn các tác phẩm của Thụ- Phương- Cường-Tiến, sẽ được chọn lựa sao cho tiêu biểu mỗi cá nhân, “đứng” đẹp trong “đội hình”, tôn vinh chủ đề/ý tưởng của người tạo show mà còn là sự thể hiện tác phẩm của 4 người, 4 chất liệu, cá tính, giọng điệu khác nhau trong chỉ một ca sĩ chính là điều không phải ai cũng có can đảm thực hiện. Chưa kể, liệu 4 tác giả đó có đồng ý cho Tùng Dương, một người cũng đầy cá tính, chắc chắn sẽ đưa cái tôi đầy sáng tạo thứ hai vào tác phẩm hay không. Nhưng Tùng Dương đã được 4 ông hứng khởi nhận lời, hưởng ứng một cách đầy cảm động.
Bốn gương mặt tài năng khác nhau: Dương Thụ buồn man mác, sâu lắng, khắc khoải và đẹp; Trần Tiến mượt mà, dịu dàng nhưng sâu cay; Nguyễn Cường rắn rỏi, hồn nhiên và chân chất; Phó Đức Phương mênh mang, triết lý, trầm hùng…
Tự viết kịch bản, Tùng Dương gọi 4 ông là những tráng sĩ sông Hồng, tái hiện câu chuyện cuộc đời của những “tráng sĩ” ấy, từ điểm khởi hành đơn độc, đau đớn và mất mát tới những thành công trên con đường nghệ thuật, cùng gặp nhau ở sự vượt qua cái nhỏ bé tầm thường để đến cái lớn hơn của mỗi cá nhân và của dân tộc... 4 nhạc sĩ đều có những năm tháng tuổi xuân gắn bó với Hà Nội, bên sông Hồng, âm nhạc của các ông sử dụng, khác thác tài tình các chất liệu dân gian Việt các vùng miền. Mỗi người mỗi vẻ, các ông đã vẽ nên bức tranh thời đại bằng âm nhạc.
Mở đầu, bằng một bản mash-up tổ hợp ca khúc của bốn người với: “Bay vào ngày xanh” - “Trên quê hương quan họ” - “Sắc màu” - “Ly cafe Ban Mê”, Tùng Dương đã “lôi tuột” người nghe vào mê lộ của anh. Khách mời trong đêm diễn là Bằng Kiều và Trần Thu Hà (Hà Trần). Hai giọng ca hàng đầu, có nhiều fan hâm mộ. Trên 20 bài thì có 1 phần 3 trong số đó có sự tương tác của khách mời, còn lại là Tùng Dương với sự "phân thân" hết sức thú vị: vừa nồng nhiệt, hào sảng, lại vừa tĩnh tại mênh mang, vừa nồng nàn say đắm lại vừa mãnh liệt, trầm hùng. Bằng Kiều cho biết anh luôn bình tĩnh khi hát trong live show của mình, nhưng khi làm khách mời trong "Tùng Dương hát “Bộ tứ sông Hồng", anh lại "run từ cánh gà run ra. Nam ca sĩ kết hợp ăn ý với Tùng Dương trong liên khúc Sao em nỡ vội lấy chồng, Lý qua cầu của nhạc sĩ Trần Tiến, trong Cho em một ngày (Dương Thụ) và Chảy đi sông ơi (Phó Đức Phương). Ngoài kết hợp với Tùng Dương, Bằng Kiều còn solo Vẫn hát lời tình yêu (của Dương Thụ).
Hà Trần là khách mời thứ hai xuất hiện ở nửa sau chương trình. Diva tung hứng với Tùng Dương trong những sáng tác nổi tiếng của Trần Tiến như Mẹ tôi, Ra ngõ tụng kinh, Mưa bay tháp cổ. Hà Trần, với tư cách cháu gái, đã gọi âm nhạc của Trần Tiến là "của nhà trồng được". Ngoài song ca với giọng ca chính của đêm nhạc, Hà Trần còn solo Lữ khách sông Hồng và lần đầu hát ca khúc Im lặng của nhạc sĩ Dương Thụ.
Có thể nói những ca khúc làm nên tên tuổi của 4 ông và những tác phẩm khó hát nhất đã được Tùng Dương với nhạc cảm tinh tế, khả năng xử lý thông minh, giọng hát đầy nội lực và một bản lĩnh nghệ thuật đã đưa: “Mái đình làng biển” “Bi ca Trọng Thủy”, “Hò biển”… của Nguyễn Cường; “Bên dòng sông Cái”, “Trên đỉnh Phù Vân”… của Phó Đức Phương và các bài của Dương Thụ “Bài hát ru mùa đông”…; Trần Tiến “Một mình”… lên một đỉnh mới, thỏa mãn những nhu cầu khắt khe nhất của khán giả đương thời.
Đêm diễn còn hết sức cuốn hút bởi sự độc đáo, mới lạ bởi màn phụ họa các nghệ sĩ múa đương đại nam, với bè đệm của 3 nghệ sĩ thanh nhạc, Dàn nhạc bán cổ điển, với nghệ thuật ánh sáng, và bởi những trang phục của Tùng Dương.
Một cú nổ thực sự, như nhạc sĩ Phó Đức Phương đã dự cảm.