Giáo sư Trần Quang Hải: Người đưa âm nhạc Việt Nam đến khắp các châu lục
Hơn 40 năm làm việc, nghiên cứu tại Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học tại Bảo tàng Con Người ở Paris (Pháp) và tham gia giảng dạy tại nhiều trường đại học trên thế giới, Giáo sư Trần Quang Hải đã có những đóng góp lớn trong việc giới thiệu, quảng bá âm nhạc Việt Nam ra nhiều nước trên thế giới. Ông cũng là người sáng tạo ra nghệ thuật gõ muỗng độc đáo, người truyền dạy cho mọi người cách chơi đàn môi của dân tộc Mông…
Sinh ra trong gia đình có nhiều đời hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật-âm nhạc, lại là con trai trưởng của cố GS.TS âm nhạc Trần Văn Khê (1921-2015), Giáo sư Trần Quang Hải sớm được cha định hướng đi theo con đường nghiên cứu âm nhạc cổ truyền của dân tộc. Tốt nghiệp khoa violin tại Trường Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn, ông sang Pháp tiếp tục học nâng cao về violin, sau đó đổi sang học các loại nhạc cụ dân tộc và lấy bằng Tiến sĩ âm nhạc dân tộc của người Việt tại Pháp.
Giáo sư Trần Quang Hải biểu diễn kèn môi.
Trong thời gian làm việc, định cư ở Pháp, Giáo sư Trần Quang Hải tham gia hoạt động trong nhiều tổ chức âm nhạc, đặc biệt là Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Pháp và Trung tâm Nghiên cứu nhạc Đông phương-nơi cha ông từng công tác. Từ vị thế này, ông có điều kiện đưa âm nhạc dân tộc của Việt Nam đến với công chúng hơn 70 nước trên thế giới; đặc biệt là môn nghệ thuật gõ muỗng và đàn môi của dân tộc Mông.
Từ những chiếc muỗng bình thường vốn được làm ra để phục vụ nhu cầu ẩm thực, qua bàn tay tài nghệ và cách xử lý nhạc học độc đáo của mình, Giáo sư Trần Quang Hải mang đến cho người xem những cung bậc kinh ngạc rồi thán phục. Để giúp mọi người tiếp cận dễ dàng với nghệ thuật gõ muỗng, GS.TS Trần Quang Hải đã tận tình hướng dẫn từ kỹ thuật căn bản như bẻ hai muỗng hơi cong, cho chúng đối đáy vào nhau, lấy ngón trỏ để vào chính giữa hai cán và nâng lên để hai chiếc muỗng luôn giữ một khoảng cách 2,5mm để tạo nên cao độ. Từ những kỹ thuật ban đầu này, những chiếc muỗng được sử dụng thành nhiều cách gõ khác nhau với các ngón tay, rồi kéo lên hết cánh tay hay đánh lên đùi, đánh lên miệng, đánh thành bài bản…
Ngoài gõ muỗng, Giáo sư Hải còn truyền dạy cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài cách chơi đàn môi của dân tộc Mông. Ông giải thích, đàn môi là một loại nhạc cụ độc đáo có mặt ở 30 nước trên thế giới chứ không phải chỉ có ở Việt Nam. Ở châu Âu, đàn môi rất thông dụng với nhiều tên gọi khác nhau. Ở Anh người ta gọi đàn môi là jew’s harp, Pháp là guimbarde, ở Đức và Áo được gọi là maultrommeln…. Đàn môi có nhiều hình dáng và chất liệu khác nhau nhưng đều có hai bộ phận chính là khung cố định và lưỡi gà di động. Đàn môi ở các nước châu Mỹ được làm bằng thép, sắt, đồng hoặc nhôm, kiểu dáng giống nhau. Còn tại châu Á, tùy theo truyền thống và bản sắc từng dân tộc mà đàn môi ở mỗi nước có độ dài ngắn khác nhau với tên gọi rất đa dạng: mukkuri (Nhật Bản), genggong (Bali), kubing (Philippin). Ở Việt Nam, đàn môi là một trong những nhạc cụ được đồng bào các DTTS ưa chuộng. Thời xa xưa, đàn môi của dân tộc Jrai được làm bằng kim khí, của dân tộc Mông làm bằng đồng thau và dân tộc Ba Na, Ê-đê được làm bằng tre…
Năm 2017, nhân chuyến về nước, ông đã trao tặng cho Viện Âm nhạc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam 40 kiện gồm: 1.000 quyển sách, từ điển, 500 đĩa nhạc cùng một số tư liệu khác của tất cả các tác giả nghiên cứu về âm nhạc dân tộc ở các nước trên thế giới. Giáo sư Trần Quang Hải chia sẻ: “Tôi đã làm công việc mà ba tôi đã từng trao gửi, để góp phần với quê hương, để lại những gì tốt đẹp nhất cho âm nhạc dân tộc thông qua những công trình nghiên cứu của tôi”.
Để gìn giữ và phát triển nhạc cổ truyền dân tộc, Giáo sư Trần Quang Hải cho rằng, điều cấp thiết nhất là cần có sự đào tạo tốt tại Việt Nam, làm thành một phong trào để có nhiều người tiếp nối, giảng dạy, theo nghề. Nên tổ chức những hội thảo, phác họa chương trình giáo dục âm nhạc trong nhà trường, quan tâm đến việc giáo dục âm nhạc từ nội thành đến vùng sâu, vùng xa, để ngay từ nhỏ các em học sinh đã có một kiến thức căn bản về âm nhạc Việt Nam, sau đó học thêm về nhạc cổ điển Tây phương và các nước láng giềng…
Bên cạnh đó, các đài truyền hình nên thực hiện những chương trình giáo dục âm nhạc, định hướng âm nhạc, giới thiệu những nét tinh hoa, độc đáo, tiêu biểu của nhạc truyền thống dân tộc Việt Nam và các nước trên thế giới đến với công chúng cả nước.
Tác giả: Ngọc Ánh