Ca sĩ Đăng Dương: Vẫn còn những "chạnh lòng"

23/04/2018

Niềm vui lớn với người nghệ sĩ đã hơn 20 năm đứng trên sân khấu theo đuổi dòng nhạc thính phòng cổ điển Đăng Dương là anh vừa giành giải thưởng Cống hiến cho hạng mục "Chương trình của năm".

Đã rất lâu rồi, đời sống biểu diễn mới gọi tên một người nghệ sĩ của âm nhạc truyền thống trong một giải thưởng uy tín thường niên được bầu chọn bởi giới  báo chí, truyền thông.

Đăng Dương giống như một người bộ hành trên con đường dài, cặm cụi, kiên trì nuôi dưỡng tình yêu và niềm đam mê của mình để có thể hái những quả ngọt từ khu vườn nghệ thuật. Đối với anh, giải thưởng cao quý vừa đạt được là không chỉ cho riêng anh...

- Chúc mừng Đăng Dương với giải thưởng lớn anh vừa giành được. Khi bắt tay vào làm live show "Mặt trời của tôi", anh có nghĩ đến giải thưởng này?

+ Đối với tôi, mỗi lần được đứng trên sân khấu thì phần thưởng lớn nhất là khán giả. Một khán phòng chật người xem, những tiếng vỗ tay của khán giả là phần thưởng không gì quý bằng.

Quyết định làm một show diễn của riêng mình sau hơn 20 năm ca hát, tôi chỉ nghĩ một điều duy nhất, là mình phải dốc toàn bộ tâm huyết của mình vào chương trình. Những gì tốt nhất mình có thể làm cho một đêm diễn giàu tính nghệ thuật, "đã" tai nghe, mắt nhìn của khán giả thì mình phải làm.

Tôi đã may mắn được hợp tác với những cộng sự giỏi nhất. Và tôi đã đến với công chúng trong tâm thế của một chiếc bình có thể dốc cạn giọt rượu cuối cùng, không đắn đo, không suy tính. Như thể đó là show diễn duy nhất trong đời mình vậy.

Tôi chỉ quan tâm làm sao về mặt chuyên môn, nghệ thuật, mình sẽ không có gì phải tiếc nuối sau khi chương trình đã khép lại. Ngoài ra, tôi không nghĩ đến bất cứ điều gì khác.

- Vậy anh có ngạc nhiên khi mình được gọi tên trong giải thưởng Cống hiến vừa rồi?

+ Chương trình của tôi được lọt vào danh sách đề cử giải thưởng tôi cũng vui, nhưng tôi không nghĩ mình được giải. Không phải vì tôi không tự tin, mà tôi nghĩ các giải thưởng thường hay tập trung chú ý vào các dòng nhạc thị trường, mang tính giải trí nhiều hơn. Còn dòng nhạc thính phòng cổ điển của tôi vốn bình lặng, ít được chú ý hơn...

- Vâng, đúng là lần đầu tiên có một show diễn của một ca sĩ hát thính phòng cổ điển được dư luận quan tâm đánh giá cao như vậy. Lần đầu tiên một ca sĩ theo dòng nhạc chính thống như anh thuyết phục được lá phiếu của các nhà báo cao như vậy. Anh nghĩ gì sau khi nhận giải thưởng đặc biệt này?

+ Tôi rất cảm ơn các nhà báo đã bầu chọn cho mình. Giải thưởng vừa rồi cho tôi một cảm nhận, rằng mình hãy đi con đường của mình với đam mê và nỗ lực hết sức. Hãy tận cùng với nó, đừng nửa vời, thì mình sẽ nhận được sự quan tâm của mọi người, sẽ tới đích.

Câu nói "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh" mà bố tôi, thầy tôi nói vẫn luôn đúng. Tôi cảm thấy vui và hạnh phúc vô cùng. Niềm vui không chỉ cho riêng tôi, mà cho cả một dòng nhạc từ lâu đã gắn liền với đời sống lịch sử, văn hóa của dân tộc.

Ca sĩ Đăng Dương biểu diễn trong chương trình Mặt trời của tôi.

Đây là dòng nhạc mang tính truyền thống, lưu giữ những giá trị tinh thần quan trọng của đất nước. Nhiều thế hệ đã được nuôi dưỡng, lớn lên bởi chính những ca khúc, những bài hát của dòng nhạc này.

Trong đời sống hiện đại, với sự xâm lấn của các dòng nhạc mang tính thị trường, giải trí, người ta dễ quên đi, hay xem nhẹ các giá trị truyền thống, trong đó có âm nhạc hàn lâm, đó là điều khiến cho những người nghệ sĩ như tôi không khỏi có phút chạnh lòng.

Chúng tôi đã chọn theo đuổi âm nhạc thính phòng cổ điển nghĩa là chọn con đường khó để đi, xác định sứ mệnh của mình như những người giữ lửa. Nếu chúng tôi nghĩ nhiều đến giải thưởng hay những giá trị nhất thời khác, hẳn chúng tôi sẽ lựa chọn theo cách dễ dàng hơn.

Vì thế, giải thưởng là sự động viên khích lệ không chỉ cho tôi, mà cho cả những người trước tôi, sau tôi kiên trì dấn thân theo đuổi dòng nhạc này. Nhiều bạn trẻ đang theo học ngành thính phòng cổ điển có thể có niềm tin hơn vào con đường mình mới bắt đầu.

Niềm tin vào việc được đánh giá đúng, được ghi nhận là rất quan trọng, nó sẽ truyền cảm hứng để họ yên tâm hơn với lựa chọn của mình mà không "nhìn ngang ngó dọc" xung quanh.

Ca sĩ Đăng Dương hạnh phúc bên người vợ hết lòng vì sự nghiệp của chồng.

- Nghĩa là anh đã từng nhìn thấy không ít bạn trẻ "bỏ cuộc chơi" trên con đường này?

+ Không ít bạn trẻ theo học thính phòng cổ điển ra, họ không đủ lòng tin để đi tiếp. Họ thấy công sức bỏ ra vất vả quá, nhưng ra đời sống kiếm tiền khó hơn, vị thế không xứng đáng, đời sống biểu diễn của họ không sôi động như các ca sĩ của dòng nhạc khác.

Họ thấy nhiều ca sĩ giải trí được truyền thông săn đón, dễ dàng kiếm tiền và dễ dàng nổi tiếng hơn, và họ chuyển hướng. Một người sống lâu trong nghề như tôi có thể cảm thông được với lựa chọn của những người trẻ đó, nhưng không thể không lo lắng về tương lai của dòng nhạc.

Tôi không thể không suy nghĩ khi thấy những người trẻ tài năng được đào tạo bài bản nhưng chạy theo những xu hướng nhất thời khác. Tôi sợ nhìn lại phía sau mình là một khoảng trống. Điều này là đáng tiếc vô cùng, vì dòng nhạc thính phòng cổ điển vốn là những giá trị nền tảng của văn hóa dân tộc.

Nếu mai một đi, không có người kế cận, giữ lửa, thì tương lai của dòng nhạc sẽ ra sao? Cho nên tôi nghĩ sự khích lệ của báo chí, truyền thông, của xã hội sẽ là động lực để những ai đến với dòng nhạc này ở lại lâu dài.

- Nghe như Đăng Dương quá nặng lòng với câu chuyện tương lai của dòng nhạc. Theo anh, phải làm gì để dòng nhạc thính phòng cổ điển ngày càng có nhiều người nghe, nhất là khán giả trẻ?

+ Tôi nghĩ âm nhạc hay bất kỳ một lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nào khác cũng vậy thôi, muốn phát triển phải đi hài hòa trên đôi chân truyền thống và hiện đại. Truyền thống là những giá trị lâu đời, ổn định, những giá trị đã được hình thành qua năm tháng, cần được tiếp sức, nuôi dưỡng, không thể xem nhẹ hay bỏ qua.

Vẫn biết là mọi loại hình nghệ thuật đều bình đẳng, nghệ sĩ thì ai cũng phải cống hiến, nhưng tôi thấy hiện nay, trong âm nhạc và trong một số lĩnh vực nghệ thuật, chúng ta đuổi theo cái bên ngoài quá nhiều, tiếp thu cái mới không có chọn lọc. Trong khi đó lại dễ lãng quên các giá trị truyền thống.

Ở nhiều nước, các loại hình nghệ thuật truyền thống thường được nhà nước, chính phủ bảo trợ. Họ không để nghệ sĩ đi theo loại hình này bị cô đơn, bơ vơ, loay hoay một mình trong việc học tập và biểu diễn. Họ hiểu rằng giữ các giá trị truyền thống là giữ cho tương lai.

Ca sĩ Đăng Dương nhận giải thưởng Cống hiến cho hạng mục Chương trình của năm.

Nhưng ở ta thì điều này không được quan tâm đúng mức. Nghệ sĩ phải tự mày mò từ A đến Z. Học hành vất vả, ra trường tự lo công việc, tồn tại hay không là do mình. Với một loại hình nghệ thuật kiếm tiền không dễ, không nhiều, thì việc làm một show diễn riêng đối với người nghệ sĩ như tôi đôi khi chỉ là giấc mơ. Vì một show riêng thì tốn lắm.

Trước tôi bao nhiêu người thầy, người anh đã không thể làm vì không có điều kiện, dù họ có đủ tài năng. Báo chí, truyền hình hiện nay dành sự quan tâm cho loại hình âm nhạc này còn hạn chế. Tràn ngập truyền thông là các thông tin về giải trí, các loại hình nghệ thuật cổ điển, truyền thống bị lép vế.

Truyền hình quốc gia cũng chỉ thấy game show, giải trí, thảng hoặc mới có các chương trình tôn vinh nghệ thuật truyền thống. Như vậy thì làm sao khiến cho tầng lớp khán giả mới, khán giả trẻ tiếp cận được nghệ thuật truyền thống, nuôi dưỡng tình yêu của họ dành cho nghệ thuật truyền thống.

Hai chữ nghệ sĩ giờ dễ quá. Nhiều người không học hành gì nhiều, nhưng nhờ công nghệ PR mà dễ dàng nổi tiếng, và tự xem mình là nghệ sĩ. Trong khi nghệ sĩ thực sự thì hiếm hoi và khó khăn hơn nhiều, gian khổ hơn nhiều.

Tôi nói điều này không phải cho cá nhân tôi, vì tôi chỉ là một nhân tố rất nhỏ trong đời sống biểu diễn rộng lớn này. Tôi nói điều này vì tình cảm của tôi, nhiệt huyết của tôi với cả một dòng nhạc mà tôi đang theo đuổi.

- Hơn 20 năm kiên trì trên đường để có một show diễn, một giải thưởng như hôm nay, hỏi thật, có khi nào anh sốt ruột?

+ Tôi không sốt ruột. Vì tôi xác định rõ đường mình đi ngay từ đầu. Dòng nhạc mình theo đuổi không có những yếu tố bề nổi để hấp dẫn công chúng kiểu như nhạc trẻ. Cuộc sống của người ca sĩ như mình cũng không quá quan trọng cái bên ngoài, những xì- căng-đan hay chiêu trò.

Dòng nhạc này không kiếm được nhiều tiền như dòng nhạc giải trí, nên mình cũng không sốt ruột chuyện nhà to, xe đẹp. Nói chung là tôi bình thản được trước việc xung quanh người ta đi nhanh hơn mình, tốc độ hơn mình. Những người thân yêu bên cạnh mình cũng hiểu và chia sẻ được với mình điều đó nữa.

- Nghe nói vợ anh không những không sốt ruột chuyện "nhà to, xe đẹp", mà còn sẵn sàng bán nhà làm show cho chồng nữa...

+ Tôi phải cảm ơn vợ mình rất nhiều. Có cô ấy ở cạnh, tôi yên tâm tuyệt đối. Cô ấy quá hiểu công việc của chồng và luôn tạo cho tôi một tâm thế tốt nhất để làm nghề. Nếu không có cô ấy, tôi chưa chắc đã làm được show diễn vừa rồi.

Cô ấy vất vả chạy đôn chạy đáo, lo lắng từ việc nhỏ đến việc lớn, để tôi có thể tập trung vào việc tập luyện và biểu diễn. Nhờ tinh thần sẵn sàng bán nhà cho chồng làm show của cô ấy mà chúng tôi đã chơi một cuộc với âm nhạc có thể nói là mọi thứ đều tối đa, đều ở mức độ cao nhất, xuất sắc nhất có thể. Và giải thưởng vừa rồi dành cho tôi cũng chính là dành cho cô ấy.

- Xin cảm ơn Đăng Dương về cuộc trò chuyện.

Tác giả: Vũ Quỳnh 

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...