Ca sĩ Bông Mai: Âm nhạc dành cho thiếu nhi là mảnh đất màu mỡ
Sing Channel - dự án âm nhạc dành cho thiếu nhi của ca sĩ Bông Mai bắt đầu nhận được nhiều sự ủng hộ của giới nhạc sĩ và đặc biệt là trẻ em. Lần đầu tiên có một kênh âm nhạc thiếu nhi đúng nghĩa.
Đây là nơi khai phá gần 3.000 bài hát thiếu nhi gần như bị bỏ quên trong kho tàng âm nhạc Việt Nam. "Tôi bị choáng ngợp trước mảnh đất màu mỡ nhưng rất hoang sơ của âm nhạc thiếu nhi", Bông Mai nói.
- Chúc mừng Bông Mai với dự án âm nhạc cho thiếu nhi của chị trên kênh Sing Channel. Động lực nào khiến chị thực hiện dự án khó khăn này?
+ Khi còn sống, ba tôi, nhạc sĩ An Thuyên và các bác Hoàng Long, Hoàng Lân, bác Phan Phương cùng thực hiện dự án làm tổng tập các bài hát cho thiếu nhi.
Ba tôi mất khi mới hoàn thành tập 1, lúc đầu tôi chỉ nghĩ đơn giản là mình sẽ tiếp nối công việc ba đang làm. Nhưng khi trực tiếp làm việc với bản thảo, tôi phát hiện ra rất nhiều điều thú vị.
Tôi hoàn thiện xong tập 2, đó cũng là quãng thời gian tôi được tiếp xúc với các nhạc sĩ. Nhiều câu chuyện rất xúc động, các bác tuổi cao, già yếu, có bác vừa qua cơn tai biến, nói còn khó khăn. Họ rất cảm động khi cầm trên tay cuốn sách.
Tôi thấy trách nhiệm của mình không chỉ dừng lại ở đó. Bởi tôi hiện nay đang có hơn 3.000 bài hát mà trong đó chỉ 20% mọi người biết, còn 80% chưa ai khai phá.
Các nhạc sĩ nổi tiếng như nhạc sĩ Huy Du, nhạc sĩ Hồ Bắc, nhạc sĩ Trần Hoàn đều có rất nhiều bài hát dành cho thiếu nhi, nhưng không ai biết đến. Đó là một kho tàng vô giá gần như bị lãng quên.
- Và chị đã nghĩ đến một cách phát hành khác, để những bài hát đó được vang lên, đến với công chúng theo cách tiếp cận mới?
+ Đó không còn là câu chuyện giữa ba tôi và các bác nhạc sĩ nữa mà là câu chuyện của thế hệ sau với thế hệ trước. Quá nhiều tình cảm và động lực để tôi tiếp nối dự án còn dang dở của ba tôi nhưng mỗi thế hệ sẽ có cách tiếp cận khác nhau.
Khi đi tặng tập 2 cho các bác nhạc sĩ, tôi phát hiện ra nhiều nhạc sĩ tên tuổi không có tập ca khúc riêng. Tôi tự hỏi, khi tặng sách, có bao nhiêu người sẽ đọc được văn bản bài hát.
Trong thời đại ngày nay digital là một hình thức phát hành hay nhất. Nhưng đây là một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ đối với tôi. Tôi nghĩ mình phải làm gì đó nhưng bắt đầu như thế nào thì tôi chưa hình dung ra.
Tôi bị stress 2, 3 tháng trời, cả một khoảng trống phía trước và mình đứng một mình, hoàn toàn cô độc, tôi phải tự quyết định có đi tiếp hay không. Nếu đi tiếp sẽ phải mày mò học. Và tôi quyết định đi tiếp. Nhiều người cho rằng tôi điên rồ. Nhưng tôi biết rõ việc mình làm nên rất ung dung, tự tại.
Sau hai năm, Sing Channel ra đời và hiện tại đã có hơn 20 sản phẩm phát trên kênh này và sắp tới sẽ có nhiều sản phẩm thú vị khác nữa. Sing Channel sẽ như một cửa hàng tạp hóa có nhiều món hàng khác nhau cho từng đối tượng khán giả lựa chọn.
- Tôi ấn tượng với con số hơn 3.000 bài hát thiếu nhi mà chị đang có trong tay, trong đó chỉ một phần rất nhỏ được mọi người biết đến. Vậy mà bao năm qua, trẻ em Việt Nam cứ gồng mình lên hát bài người lớn. Vì sao có nghịch lý này, theo chị?
+ Tôi vẫn bị choáng ngợp vì bước vào mảnh đất quá màu mỡ mà rất hoang sơ. Tôi làm dự án này với mong muốn không chỉ thời điểm này mà mãi mãi về sau mọi người có một kho dữ liệu tìm kiếm về âm nhạc thiếu nhi.
Trước đây không ai làm vì nó không mang lại lợi nhuận. Không ai dám làm. Có người quan niệm làm âm nhạc cho thiếu nhi phải làm hấp dẫn một chút, xôi thịt một chút.
Tôi cảm thấy bị xúc phạm. Không thể do nhu cầu khán giả mà mình chạy theo. Nếu chúng ta làm văn hóa, phải định hướng một cách văn hóa. Tôi không chỉ dừng lại trên Sing Channel mà sẽ có cách thể hiện khác nữa, tuy nhiên, không yêu chiều theo thị hiếu mà hướng tới sự trong sáng, gần gũi.
Trẻ con bây giờ và sau nay vẫn nên hát bài hát trẻ con. Chúng ta đừng trách trẻ con mà hãy trách người lớn đã định hướng cho các em. Các cuộc thi biến trẻ em thành người lớn.
Quá thiếu bài thiếu nhi và không ai dám đứng lên tổ chức cuộc thi sáng tác cho thiếu nhi. Vì thế, không có gì hay hơn là tự mình làm. Bây giờ các bài hát đang phát trên youtube, facebook…
Các tác giả có bài hát trong dự án này được tặng 1 tài khoản trên youtube để có thể truy cập tìm bài. Đó là nơi đưa bài hát đến với khán giả và nhạc sĩ cũng phải biết bài hát của họ đang chạy đến đâu, gặp những ai.
Tôi ký hợp đồng với các nhạc sĩ, xin họ khai thác phi lợi nhuận trong vòng 3 năm. Tất nhiên, nếu có bất cứ mục đích thương mại nào khai thác từ các bài hát, tôi sẽ lấy tiền tác quyền để trả cho các bác.
Đây là dự án lớn, đòi hỏi mức độ điên kinh khủng hơn vì nhạc thiếu nhi từ trước đến nay vốn dĩ không thu được tiền, các nhạc sĩ sáng tác cho thiếu nhi rất thiệt thòi.
Dự án này có thể không giúp cho các nhạc sĩ có đời sống tốt hơn nhưng giúp cho họ có niềm tin vào những tác phẩm mình viết ra không chỉ mang lại giá trị tinh thần mà còn cả giá trị vật chất nữa. Tôi biết, rất nhiều nhạc sĩ già sống trong nghèo khó, bệnh tật.
Những bài hát trên Sing Channel đều được thu live.
- Sing Channel của chị chọn cách tiếp cận mộc mạc, hát live từ phòng thu, chị có nghĩ điều đó sẽ thiếu hấp dẫn đối với trẻ em?
+ Sing Channel hát live từ studio. Sẽ không có những MV mà các ca sĩ nhí mặc đồ xinh đẹp lộng lẫy để hát nhép. Cho dù là các em nhỏ hay nghệ sĩ lớn tham gia đều hát live không làm màu bản phối.
Tôi chọn cách đi này cũng có lý do, vì những bài hát đó là ký ức của nhiều người về tuổi thơ của mình, thời đó không quá phức tạp màu sắc về âm thanh. Còn với khán giả ngày nay, tôi muốn họ có cách nhìn khác hơn về âm nhạc thiếu nhi, nó trong sáng, hồn nhiên và có thể hát bất cứ lúc nào.
Tôi muốn mọi người sẽ có thói quen mỗi buổi sáng vào Sing Channel nghe bài hát và bắt đầu một ngày mới rất thư thái, nhẹ nhõm. Chúng tôi hình dung một gia đình ngồi quây quần với nhau để nghe, hát và xem.
Ông bà có thể kể cho các con nghe ông bà hát thế nào và các con cũng có thể nói về cách tiếp cận của người trẻ về bài hát. Tôi làm dự án này cũng từ những trải nghiệm của một người mẹ thấu hiểu con cái mình, biết các con muốn gì.
- Chị có tin Sing Channel sẽ tiếp cận rộng rãi với trẻ em Việt Nam mọi lứa tuổi, khi bây giờ, bọn trẻ có thói quen nghe nhạc Tây, nhạc Hàn nhiều hơn nhạc Việt. Liệu Sing Channel có đủ hấp dẫn để kéo các em đến?
+ Tôi tin vào sự lan tỏa của chính những ca khúc trong dự án này. Và tôi muốn, trẻ em Việt Nam phải hát bài hát Việt Nam. Vì trước đây không có nhiều bài hát nên các em quay ra nghe nhạc ngoại, hát bài người lớn. Còn bây giờ, các em có nhiều lựa chọn hơn.
Các bài hát không chỉ hát bằng tiếng Việt mà sẽ dịch ra nhiều thứ tiếng Anh, Pháp, Nhật. Và không chỉ mang thông điệp hãy để cho trẻ em được hát bài hát Việt Nam mà dự án này sẽ mang bài hát thiếu nhi Việt Nam ra cả thế giới.
Tôi muốn có một dự án giúp các bạn ở nước ngoài biết đến quê hương Việt Nam. Rất thú vị nếu một bạn Việt kiều có thể hát "Hạt gạo làng ta" - một bài hát gần gụi, quê hương.
Trẻ em gồng mình hát bài người lớn vì thiếu bài hát thiếu nhi.
- Một dự án âm nhạc với mong muốn làm thay đổi thói quen của người Việt nhưng lại do tiền túi của một cá nhân. Chị có nghĩ đến chặng đường khó khăn phía trước?
+ Về lâu dài, tôi cần người đồng hành có cùng chung quan điểm, mục đích. Tín hiệu mừng là có nhiều nhạc sĩ trẻ đã liên hệ với tôi và muốn tham gia một cách cống hiến bởi các bạn biết mục đích phi lợi nhuận của dự án. Tôi khá chắc chắn với hướng đi của mình.
Nếu không xác định dài hơi, dễ xôi hỏng bỏng không. Ngay thời điểm hiện tại có nhiều nhà đầu tư muốn đổ tiền vào, thậm chí muốn mua lại. Nhưng tôi vẫn nói với các nhân viên của mình rằng, mình phải là người có tính sỹ diện cao, "đói cho sạch rách cho thơm", kể cả thời điểm này không có tiền thì cũng không thể bán dự án này cho ai được, vì người đi cùng phải hiểu dự án.
Đến thời điểm hiện tại, hoàn toàn là tiền của một cá nhân bỏ ra sản xuất, khá tốn kém nhưng tôi vẫn đầu tư chất lượng cao nhất có thể. Tôi muốn trong 6 tháng đầu tạo thói quen cho người nghe và sắp tới sẽ là những dự án nhỏ khác đi cùng dự án này. Các bố mẹ có thể cho con truy cập vào mà không cần nghi ngại trang web này có sạch không.
- Tôi thấy chị tràn đầy năng lượng cho một sự khởi đầu. Điều gì giúp chị có tinh thần của một người khởi nghiệp, dù tuổi không còn trẻ?
+ Tôi nghĩ là từ ba tôi, ông luôn yêu trẻ và mang tinh thần của một người trẻ. Tại sao không nếu chúng ta không sợ dốt và giấu dốt, không ngại học hỏi. Tôi nghĩ, khởi nghiệp ở tuổi 40 có những lợi thế, mình sẽ chọn đúng điểm dừng, điểm rơi.
- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị.
Tác giả: Lan Tường