"Khoác áo" đương đại cho nhạc dân tộc
Tham vọng đưa nhạc dân tộc Việt tiệm cận với nền công nghiệp âm nhạc thế giới, tiếp cận lớp khán giả trẻ hiện tại, nhiều sản phẩm âm nhạc dân gian đương đại ra mắt trong sự ngỡ ngàng của công chúng bởi tính "vô nguyên tắc" nhưng rất hợp lý của nó
Thử nghiệm hình thức hát giao duyên quan họ Bắc Ninh với những nhạc cụ phương Tây thông qua tứ tấu đàn dây, "Nam nhi - đối thoại Đông - Tây" của nghệ sĩ trẻ Ngô Hồng Quang, vừa mới ra mắt, là một trong những sản phẩm nhạc dân tộc mang hơi thở đương đại điển hình của hành trình đưa nhạc dân tộc Việt tiệm cận với nền công nghiệp âm nhạc thế giới hiện nay. Đây là sản phẩm tiếp theo dự án "Hà Nội Duo", hợp tác với nghệ sĩ Nguyên Lê, cũng gặt hái nhiều thành công của nghệ sĩ trẻ Ngô Hồng Quang trước đó.
Sắc thái mới cho nhạc dân tộc
Album "Nam nhi" gây ấn tượng với người nghe bởi màu sắc âm nhạc quan họ và âm nhạc dân gian miền núi phía Bắc Việt Nam quen thuộc trong đó. Đặc biệt hơn, Ngô Hồng Quang giữ đúng các luyến láy và phát âm, nhả chữ đậm chất Bắc Bộ dù "không hát đúng chuẩn theo lối cổ" như nhận định của nhạc sĩ Minh Châu. Các sắc màu âm nhạc đó được nhào nặn thêm một lần nữa với thanh âm của ngũ tấu đàn dây phương Tây. Vậy nên, người nghe có cảm nhận rõ nét về những gì rất lạ và cũng rất quen này. Giới chuyên môn nhận định: "Đây là sắc thái mới của những giai điệu quan họ quen thuộc, mang giá trị truyền thống hòa vào sáng tạo âm nhạc đương đại".
Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang với hành trình bảo tồn và phát triển nhạc dân tộc mang hơi thở đương đại.
(Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
Ngô Hồng Quang bộc bạch rằng anh thích làm những sản phẩm kết hợp giữa truyền thống và hiện đại như vậy, hơn là những công việc mang tính bảo tồn. Đó cũng là một cách để tiếp cận công chúng trẻ với mong muốn giới trẻ tìm hiểu về âm nhạc dân tộc, văn hóa truyền thống Việt Nam càng nhiều càng tốt.
Sau "Nam nhi", Ngô Hồng Quang kết hợp chất liệu âm nhạc dân tộc trên lời thơ của Phan Lê Hà - giáo sư ĐH Honolulu (Hawaii - Mỹ) - ra mắt giữa năm nay và dự án album âm nhạc dân tộc Việt Nam, thực hiện cùng 2 nghệ sĩ người Senegal và Iran, chuẩn bị ra mắt. Anh là nghệ sĩ gắn liền với âm nhạc dân tộc Việt Nam với khả năng chơi được nhiều nhạc cụ cùng giọng hát đậm màu sắc dân gian. Tốt nghiệp tại Học viện Âm nhạc Hoàng gia Hà Lan, Ngô Hồng Quang đã phát triển nhiều dự án để đưa âm nhạc dân tộc đến với bạn bè thế giới bằng cách của riêng mình.
Cầu nối văn hóa
Từ lâu, nghệ thuật dân gian như chèo, tuồng, hát chầu văn, cải lương, kịch dân ca... gắn liền đời sống văn hóa người Việt. Nhưng trong cuộc sống hiện đại, các loại hình nghệ thuật dân gian đang ngày bị lãng quên, nhất là đối với giới trẻ. Khán giả từng được thưởng thức quan họ chuyển soạn cho dàn nhạc thính phòng hoặc dùng giai điệu quan họ để làm ra các tác phẩm khí nhạc.
Thật ra, cách làm của Ngô Hồng Quang không mới vì đã có một thời nhạc dân gian đương đại lên ngôi. Thậm chí, những ca khúc này lấn át các thể loại âm nhạc khác nhờ trường lực quá mạnh mẽ và ấn tượng. Những Phó Đức Phương, Trần Tiến, Nguyễn Cường, Lê Minh Sơn, Giáng Son, Lưu Hà An, Lưu Thiên Hương... đều có các tác phẩm dòng dân gian đương đại xuất sắc. Họ đã tạo nên những món ăn tinh thần đáng giá với những giai điệu thấm hồn dân tộc nhưng vẫn gần gũi với cuộc sống hiện đại. Bên cạnh những tác giả điển hình là những giọng ca tiêu biểu ở dòng nhạc này như Tùng Dương, Ngọc Khuê, Thành Lê, Tân Nhàn, Lê Đình Thanh Tâm...
Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang bày tỏ: "Tôi muốn tạo cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và châu Âu thông qua âm nhạc. Nhạc ngũ cung được sống và hòa trong không gian âm nhạc đa chiều về hòa âm và sắc thái mới của âm nhạc hiện đại; cũng như tính đa dạng trong biểu hiện cảm xúc của những nhạc cụ phương Tây; ngũ tấu dây".
Ngô Hồng Quang tâm sự: "Tôi luôn thích sự trao đổi và cả thay đổi. Chính vì thế, tôi luôn có nguồn cảm hứng mới trong từng sự kết hợp. Nhiều nghệ sĩ quốc tế cũng thấy lạ khi tôi có thể hòa vào văn hóa âm nhạc của họ nhanh và nhạy một cách lạ thường. Điều này lại càng làm tôi bị kích thích thêm mỗi lần có dự án mới, đặc biệt là các dự án âm nhạc đương đại".
Chưa sâu sắc và thiếu chuẩn mực
Dòng nhạc dân gian đương đại bên cạnh giá trị giải trí còn đóng vai trò quan trọng trong việc tôn vinh tinh hoa âm nhạc, văn hóa các vùng miền của đất nước, đang dần mai một do nhịp sống hiện đại. Nhiều nhạc sĩ đã thành công khi không chỉ công chúng trong nước mà người nước ngoài, người Việt xa xứ đã cảm nhận được "chất Việt" trong những sáng tác vừa mang tính giải trí, vừa hội nhập được với các dòng nhạc khác.
Với những thành công này, người trong giới tin rằng nhạc dân gian đương đại được đà sẽ tiến tới nhưng thực tế thì ngược lại. Vài năm trở lại đây, rất ít những nhạc sĩ và ca sĩ tạo được ấn tượng mạnh với dòng dân gian đương đại như trước. Lý giải cho điều này, giới chuyên môn cho rằng nó giống như ngọn lửa bùng cháy rồi sớm tàn. Lý do là một dạo, nhạc dân gian đương đại mang sắc màu Tây phương xuất hiện quá nhiều, đến nỗi người Việt Nam còn không nhận ra đâu là âm sắc của nhạc dân tộc Việt? Khán giả vì thế cũng chóng chán, đi tìm món ăn khác mà họ cho là ngon hơn. Theo nhạc sĩ Minh Châu: "Nhạc dân gian đương đại cần đủ 2 yếu tố: bảo tồn và phát huy. Thời gian qua, đa số các tác phẩm đều bị rơi vào tình huống phát triển quá đà nên mất đi hồn cốt dân tộc trong ca khúc. Nhạc dân gian đương đại cần phát triển một cách sâu sắc và chuẩn mực nhưng nhiều sáng tác hiện nay gần như thiếu những điều đó".
Tác giả: Thùy Trang