Âm nhạc truyền thống dân tộc - Nét đẹp cần được bảo tồn

24/01/2018

 

Dân ca quan họ, chèo, hát xẩm, chầu văn... cùng các nhạc cụ độc đáo tạo nên một dòng nhạc dân tộc rất riêng, một dòng nhạc phản ánh đời sống tinh thần phong phú của ông cha ta bao đời nay.

Cái nhìn từ thực tiễn

Một thực tế là giới trẻ ngày nay đang dần lãng quên đi dòng nhạc dân tộc mà thay vào đó là chạy theo các loại âm nhạc hiện đại được du nhập từ các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ,... Ở các trường phổ thông, chúng ta không khó để bắt gặp hình ảnh các em nhảy hiphop, nhạc sàn, hay nhảy và hát các bài hát Hàn Quốc của những nhóm nhạc đình đám như SNSD, BIGBANG, GFRIEND... Tuy nhiên, hình ảnh các em chơi dụng cụ âm nhạc truyền thống là không dễ dàng thấy.

Chúng ta không khỏi chạnh lòng khi thấy ngày càng nhiều những người nước ngoài tìm đến Việt Nam để tìm hiểu văn hóa truyền thống của nước ta. Trong khi đó, chính người Việt Nam chúng ta, đặc biệt là giới trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước lại đang quay lưng, thờ ơ với nghệ thuật truyền thống đó. Theo Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Đời (Nhạc viện TPHCM), thời kỳ trước giải phóng, âm nhạc dân tộc được đưa vào giảng dạy trong các trường học, rất bổ ích cho học sinh. Nhưng sau giải phóng đến nay, âm nhạc dân tộc nói riêng, các nhạc cụ dân tộc nói chung không còn được đưa và giảng dạy phổ biến như trước đây nữa.

Lớp học đàn tranh của cô giáo Nguyễn Thùy Dung.

Một điều trăn trở hơn đó là ngày nay, sách vở cũng như các lớp giảng dạy nhạc cụ dân gian rất hiếm. Hầu hết, cách chơi các nhạc cụ này được lưu truyền bằng phương pháp truyền khẩu dân gian qua từng thế hệ. Nhưng hiện nay rất nhiều nghệ nhân dân gian sở hữu một kho kiến thức về nhạc cổ truyền đang ở cái độ tuổi thất thập mà không có học trò nối nghiệp.

Góc nhìn từ người trong cuộc

Để giúp độc giả có được góc nhìn khách quan và sâu sắc hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện ngắn với cô giáo Nguyễn Thùy Dung, một nghệ sĩ đàn tranh và hiện tại giảng dạy cho nhiều bạn trẻ yêu thích bộ môn nhạc cụ truyền thống này.

PV: Chị nhìn nhận thế nào về chỗ đứng của âm nhạc truyền thống trong dòng chảy âm nhạc hiện nay?

Cô giáo Nguyễn Thùy Dung: Theo quan điểm cá nhân của tôi thì thị trường âm nhạc hiện nay rất sôi động và có sự pha trộn giữa âm nhạc truyền thống và hiện đại, điều đó khiến giới trẻ dễ đón nhận âm nhạc truyền thống hơn, nhiều nghệ sĩ trẻ đã mạnh dạn sử dụng chất liệu âm nhạc truyền thống vào tác phẩm của mình như nhạc sĩ Nguyên Lê, nghệ sĩ Đức Minh, ca sĩ Tùng Dương,..

PV: Nhiều người cho rằng âm nhạc truyền thống cần được bảo tồn, tránh sự pha tạp, lai căng. Chị có nhận định như thế nào về ý kiến đó?

Cô giáo Nguyễn Thùy Dung: Đúng là có không ít ý kiến như trên, nhưng cá nhân tôi thì nghĩ không hẳn vậy, tôi cho rằng dòng chảy lịch sử thì không ngừng nghỉ, cách bảo tồn tốt nhất là đưa âm nhạc truyền thống hòa quyện được vào dòng chảy âm nhạc hiện đại, để người trẻ dễ dàng đón nhận hơn. Chúng ta nên cổ vũ những nghệ sĩ tâm huyết với việc khám phá, sáng tạo nghệ thuật để đưa chất liệu âm truyền thống vào âm nhạc hiện đại, dù có thể chưa thực sự “tới nơi” nhưng có đi thì mới tới nơi được. Chứ cứ giữ nguyên quan điểm “đặc sệt truyền thống” thì tôi sợ rằng một ngày nào đó chúng ta chỉ biết đến âm nhạc truyền thống thông qua sách vở mà thôi.

PV: Nhằm gìn giữ và phát huy được nét đẹp truyền thống của nghệ thuật đàn tranh nói riêng cũng như âm nhạc dân tộc nói chung, theo chị đâu là giải pháp cho vấn đề này?

Cô giáo Nguyễn Thùy Dung: Nói giải pháp thì hơi to tát, nhưng là một nghệ sĩ âm nhạc truyền thống, tôi cũng không khỏi trăn trở về vấn đề trên nên cũng có một vài ý kiến như sau. Thứ nhất là nên khuyến khích việc học nhạc cụ truyền thống trong các trường phổ thông, tôi được biết một số trường đã thử nghiệm ý tưởng trên và được sự hưởng ứng khá tích cực từ phụ huynh và học sinh như trường đại học FPT, trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đoàn Thị Điểm,..

Thứ hai là nên có một tổ chức đứng ra kêu gọi các quỹ tài trợ trong nước cũng như ngoài nước để nhiều nghệ sĩ có tâm huyết có thể toàn tâm vào việc truyền dạy âm nhạc truyền thống đến các bạn trẻ. Nói thật lòng, trong thời buổi kinh tế thị trường này, gánh nặng cơm áo gạo tiền đôi khi cũng tác động ít nhiều đến người nghệ sĩ.

Thứ ba là bản thân người nghệ sĩ cũng nên thực sự cởi mở, chia sẻ hết mình những kinh nghiệm, tri thức mình có, không nên giấu nghề, làm sao để thế hệ sau phải tốt hơn thế hệ trước. Các bạn cứ nghĩ thử xem, nếu tôi biết 3 chỉ dạy lại 2, rồi người sau biết 2 lại chỉ dạy có một thì nền âm nhạc truyền thống sẽ đi về đâu. Tôi đã từng được công tác tại Hàn Quốc, ở đó trẻ em rất hào hứng trong việc học tập các nhạc cụ truyền thống nói riêng và các văn hóa truyền thống nói chung mà đất nước họ vẫn phát triển, hiện đại đó thôi. Chúng ta cũng nên học tập kinh nghiệm của nhiều nước khác.

PV: Cảm ơn chị vì bài chia sẻ ngắn rất tâm huyết và cởi mở vừa rồi. Chúc chị thành công hơn với những dự định sắp tới của mình.

(Nguồn: http://giadinhvaphapluat.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...