Giữ gìn tài sản âm nhạc dân tộc cho tương lai
Nghệ sĩ Đức Dậu biểu diễn âm nhạc trong bảo tàng của mình. Ảnh: Thanh Thương |
Nằm trên con đường nhỏ ở Gò Vấp, ngôi nhà của nghệ sĩ Đức Dậu như một bảo tàng âm nhạc Tây Nguyên thu gọn với hàng trăm nhạc cụ khác nhau. Chỗ này là bộ trống H’gơr của người Ê Đê, chỗ kia là trống Cao Lan của người Dao; góc nọ là cây sáo mèo, phía kia là cây đàn Chapi... Mỗi nhạc cụ mang trong mình một câu chuyện văn hóa và ẩn sau đó là tình yêu của một người nặng lòng với tài sản âm nhạc vô giá của dân tộc. Trò chuyện thân tình bên tách trà, nghệ sĩ Đức Dậu nhớ lại những năm đầu thập niên 1990. Lúc đó, một số bà con dân tộc Tây Nguyên ít nhiều chịu sự ảnh hưởng của tôn giáo mới, một số giá trị cổ truyền bị xem nhẹ, không ít nhạc cụ bản địa bị đem đi bán, thậm chí bị chẻ nhỏ làm củi. |
“Nhìn cảnh ấy, tôi xót xa. Về nhà, thấy có cái gì bán được là tôi bán, rồi vay mượn thêm từ bạn bè, gia đình, gom góp tiền mua lại nhạc cụ từ bà con”, nghệ sĩ Đức Dậu kể. Có lẽ nhờ vậy mà giờ đây trong ngôi nhà của người nghệ sĩ có hơn 50 chiếc trống H’gơr hai người ôm không xuể; gần trăm loại trống khác bên cạnh cồng, chiêng, đàn, mõ...
Chỉ vào một chiếc trống voi đường kính khoảng 1,2 mét, nghệ sĩ Đức Dậu cho biết đó là một nhạc cụ đặc trưng của người Ê Đê. Thân trống được chọn từ một cây cổ thụ trong rừng. Hai mặt trống lớn nhỏ khác nhau, một mặt được bịt bằng da con voi cái, mặt còn lại nhỏ hơn được bao phủ bằng da con voi đực. Khi gióng trống, người ta đánh vào mặt cái, tiếng trống vang lên. Theo cách ví von lý giải của các cụ trên đó, nguyên tắc này tương tự khi đánh vào con voi cái thì con voi đực la lên. Nói chung, làm gì cũng phải có đực có cái. Hay nói khác đi, mọi việc phải có sự hòa hợp âm dương. Đó là một phần trong văn hóa, triết lý sống của người dân.
Trống càng nhiều tuổi thì càng quý. Quý theo nghĩa trống không đơn thuần là một nhạc cụ mà còn là chứng nhân theo thời gian mang trong mình hồn thiêng dân tộc. Độ tuổi của trống phần nào thể hiện qua lớp da trống cũ kỹ, phủ bụi đất. Nhiều người không hiểu nên đem lau chùi lớp bụi đất đi, vô tình làm giảm giá trị của chiếc trống. Khó xử hơn là trong một vài sự kiện thể thao lớn, người ta còn yêu cầu phải sơn phết lại!
Kể dài dòng những điều liên quan đến chiếc trống voi để thấy rằng mỗi nhạc cụ đều mang trong mình văn hóa và tư tưởng của tộc người ở nơi nhạc cụ ấy ra đời. Chỉ khi hiểu được như vậy, cộng với sự tôn trọng, người ta mới có thể chấp nhận những giá trị khác biệt so với nếp nghĩ thông thường.
Từ chuyện mấy chiếc trống, nghệ sĩ Đức Dậu chuyển sang nói về cây sáo mèo của người Mông Tây Bắc, bộ sênh sứa xứ Quảng, đàn K’ní Gia Rai... Với mỗi nhạc cụ, ông không chỉ kể về lịch sử hình thành mà còn có thể biểu diễn, “phiêu” cùng âm nhạc. Với mỗi nhạc cụ sưu tầm, nghệ sĩ Đức Dậu đều dành thời gian học hỏi từ chính những nghệ sĩ bậc thầy của nhạc cụ đó.
Vài dòng chia sẻ về nghệ sĩ Đức Dậu, xin mượn lời của cố Giáo sư Trần Văn Khê: “Đức Dậu là một nghệ sĩ đa năng, may mắn được trời phú cho tài năng âm nhạc bẩm sinh, đôi tai thính nhạy và đôi bàn tay khéo léo, lại chịu khó luyện tập, học hỏi. Mọi thứ xung quanh Đức Dậu đều có thể biến thành nhạc cụ. Tài năng thôi chưa đủ, chính niềm đam mê âm nhạc dân tộc cháy bỏng một cách tuyệt đối mới có thể vẽ ra chân dung một nghệ sĩ Đức Dậu như ngày nay...”.
Lắng nghe Đức Dậu trình diễn nhạc cụ này sang nhạc cụ khác, người nghe cảm tưởng người nghệ sĩ này cũng là một bảo tàng trong chính bảo tàng mà ông đã sưu tầm, gìn giữ bấy lâu nay.
Nhưng gìn giữ để làm gì? Theo nghệ sĩ Đức Dậu chia sẻ, trong quá trình phát triển kinh tế, con người ta dễ đánh mất đi những giá trị cổ truyền quý báu của dân tộc. Đến khi kinh tế phát triển rồi, người ta lại quay về tìm kiếm, trân trọng, học hỏi, bảo tồn những giá trị tinh thần khi xưa. Chuyện này chẳng lạ, cứ nhìn vào các nước phát triển là biết ngay. Biết vậy nên người nghệ sĩ đã dày công bảo tồn. Với ông, đây là của để dành cho thế hệ mai sau, cho những người mà nếu họ quan tâm thì họ cũng có một nơi để tìm đến.
Nơi để tìm đến ấy thỉnh thoảng đón vài đoàn khách nước ngoài đi theo các tour du lịch. Họ đến, xem, nghe, chạm, sờ... và trầm trồ về sự phong phú độc đáo của gia tài âm nhạc Việt Nam. Rồi sau những giây phút tự hào với bạn bè thế giới, người nghệ sĩ nay đã bước sang tuổi 60 lại quay về với cuộc sống thường nhật.
Mỗi tối, ông vẫn đều đặn đi biểu diễn nhạc dân tộc để có “đồng ra đồng vào”. Cuộc sống với người nghệ sĩ như vậy có thể xem là nhẹ nhàng. Nhưng rồi những trăn trở với âm nhạc dân tộc thúc đẩy ông ấp ủ một giấc mơ khác: giấc mơ xây dựng một bộ từ điển âm nhạc dân tộc Việt Nam trên nền tảng số hóa. Ở đó, mỗi nhạc cụ không chỉ là những thông tin giản lược như người ta thường thấy như trên “giấy chứng minh dân nhân”, mà kèm theo đó là những câu chuyện riêng về kỷ niệm, hồi ức của tác giả đi kèm với những câu chuyện chung về văn hóa, lịch sử và cả âm thanh của chính nhạc cụ đó.
Làm sao để có thể biến giấc mơ thành hiện thực? Về mặt công nghệ, điều này hoàn toàn khả thi. Nhưng nếu chỉ mỗi mình nghệ sĩ Đức Dậu thì mọi thứ vượt quá tầm tay. Mong sao một giấc mơ vì cộng đồng sẽ được bàn tay từ cộng đồng chung sức dựng xây.
(Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn)