Nhạc trưởng Lê Ha My – người chạm tay vào âm nhạc
Chủ nhân tấm bằng đỏ từ nhạc viện danh tiếng Tchaikovsky đồng thời sở hữu gần như tất cả những gì quyến rũ ở một người đàn ông trưởng thành: sự nghiệp vững chãi, phong thái lịch lãm, ánh nhìn tự tin, giọng nói ấm trầm, ý tứ khúc triết, những động tác tay khoáng đạt – đúng điệu một nhạc trưởng... Nhưng để bị hút hồn hơn cả, phải là lúc nhìn anh “cầm đũa”.
Vũ điệu của cánh tay
Đêm nhạc đầu tiên trong sự nghiệp 20 năm ca hát của Đăng Dương (tối 14.10 vừa qua tại Nhà hát Lớn Hà Nội), sự chú ý ngoài đổ dồn vào chủ nhân “bữa tiệc”, còn hướng tới một nhân vật thứ 2: Nhạc trưởng Lê Ha My. Không chỉ vị nhạc trưởng đương nhiên là linh hồn của một live concert, mà còn vì phong cách chỉ huy đặc biệt và đầy lôi cuốn của anh: Thay vào chiếc đũa, là vũ điệu đầy mê hoặc của cánh tay, là cách anh chạm tay vào âm nhạc, một cách mềm mại và nam tính
Cái tên Lê Ha My lần đầu tiên “đóng đinh” vào đầu tôi là khi nhà báo Thủy Phạm (vợ nhạc sĩ Dương Thụ) – cây bút đặc biệt nhạy cảm với những chuyển động mới của nhạc Việt, kể cho tôi nghe về “một nhạc trưởng trẻ hay lắm, con nhà, “dân Tchaikovsky xịn”, vừa về nước...”. Sau đó, tôi được nhìn thấy anh, đĩnh đạc và duyên dáng, tại đêm nhạc “Những câu chuyện kể của tôi” - live show riêng đầu tiên do nhạc sĩ Dương Thụ tự tổ chức cho mình sau hơn 50 năm làm nghề, và ông mời Lê Ha My, lúc đó mới về nước được hơn 2 năm, hầu như chưa ra tới rộng dài công chúng. Biết anh lúc đó cũng đã là hơi muộn, vì trước đó, ở tuổi 30, khi vừa mới cầm trong tay tấm bằng đỏ của Nhạc viện Quốc gia Moskva, anh cũng đã kịp có một đêm diễn “chào sân” ấn tượng với khán giả trong nước, cùng nghệ sĩ cello nổi tiếng người Nga Igor Gavrysh...
Dõi theo nhạc trưởng Lê Ha My suốt từ đó tới các chương trình lớn về sau như “Bài ca không quên”, “Khúc giao hòa ngày xuân”, “Plaisir d’Amour” - “Tình yêu & đam mê”..., và nhất là live concert mới nhất của Đăng Dương, ấn tượng mỗi lúc một mạnh dần về một phong cách đã định hình rõ nét, đủ để chỉ cần nhìn từ sau lưng thôi là cũng đã đủ để nhận ra Ha My và luôn mong chờ anh quay lại. Ấy là một Ha My vừa lãng mạn vừa nghiêm cẩn trong phong thái, với những động tác cầm đũa đầy mê hoặc: lúc bồng lên mơ màng tựa một cánh hạc, lúc ào xuống quyết liệt như một bóng chim ưng...
Đáng nói, trong cuộc song hành ăn ý cùng nhạc sĩ phối khí Trần Mạnh Hùng với những tác phẩm chuyển soạn đầy mới mẻ và táo bạo cho dàn nhạc giao hưởng (trộn nhiều không gian âm nhạc không dễ gì hòa điệu được với nhau), đề ra cho nhạc trưởng hẳn nhiên là khó nhằn, nếu như anh không thẩm thấu đủ kiến văn cả về nhạc dân tộc. “Dưới sự dẫn dắt của bạn, Dàn nhạc giao hưởng Thăng Long đã chơi những bản nhạc không thể hay hơn được...” – NSƯT Đăng Dương xúc động cảm ơn vị nhạc trưởng trẻ, cũng là người mà anh gọi là “tri kỷ”, sau live concert thành công trên cả tưởng tượng của mình.
“Đồng thanh tương ứng...”
Giọng thính phòng nổi tiếng đã phải chờ quá lâu để có được một đêm nhạc riêng cho mình sau 20 năm theo nghề, cũng là một live concert đúng nghĩa hiếm hoi của nhạc Việt. Đã lâu lắm, công chúng Thủ đô mới lại được rưng rưng xúc động trước một bầu không khí giản dị mà sang trọng; ấm cúng và tươm tất, chỉn chu đến thế tại thánh đường Nhà hát Lớn, để được nghe những tác phẩm quen mà lạ nhờ những bản phối mới, những phép kết hợp mới, bởi một êkip đạt chuẩn, và trên hết là ăn rơ hết sức.
Xem diễn là đủ biết họ đã tập luyện kỹ lưỡng và tâm huyết ra sao với đêm diễn được cho là “không của riêng ai” này. Trong một đời sống âm nhạc bây lâu phần nghe lấn át phần nhìn, chiêu trò và ảo giác lắm lúc đè lên mỹ cảm và thị hiếu, sự chờ đợi của giọng thính phòng hàng đầu phải nói là kiên tâm và dũng cảm, khi anh nhất định phải chờ tới lúc đạt được ước vọng thuần khiết của mình thì mới làm show: Hoặc là không, hoặc phải được hát cùng dàn nhạc giao hưởng.
Trong sự chờ đợi đó của Đăng Dương, có cả sự chờ đợi Ha My, người bạn nghề chí cốt đã từng có với anh những năm tháng dài gắn bó với Nhạc viện Hà Nội rồi sau này là Dàn nhạc Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam và lại tiếp tục song hành cả khi hai người đã “kẻ Nam người Bắc”...
“Buổi họp báo lẽ ra đã phải tổ chức sớm hơn nhưng tôi vẫn cố chờ bằng được bạn mình đi công tác về. Vai trò của một nhạc trưởng là rất quan trọng, trong một live concert, hiển nhiên rồi! Nhưng trên hết, sự hiện diện đó là cả một giá trị tinh thần đối với tôi, trong một quyết định làm nghề quan trọng hơn bao giờ này...” - Đăng Dương nói.
Hai người, nhìn cung cách bên ngoài thì rõ là “chẳng có gì liên quan”, ngoài âm nhạc. Một tay thì đúng điệu “giai phố”, “con nhà” (Người cha của anh là NSƯT Văn Hà, đạo diễn opera), “sành điệu” từ ăn mặc tới ăn nói, dưới ánh đèn sân khấu thế nào thì tính cách ngoài đời cũng vậy: vừa mềm dẻo vừa quyết đoán. Một anh thì đúng kiểu “giai quê”, chất phác, mộc mạc, không mấy lợi ngôn và thậm chí còn rất dễ rơi nước mắt cả trên sân khấu lẫn ngoài đời, một khi bị xúc động quá.
Ít ai biết là khởi đầu của tình bạn đẹp ấy là một... ấn tượng xấu. Ấy là lúc Ha My mới về nước và đầu quân cho Dàn nhạc Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, nơi Đăng Dương là Phó đoàn ca nhạc. Buổi thu đầu tiên tại Đài, dưới sự chỉ huy của vị nhạc trưởng tài năng, vốn đã quen cung cách làm việc bài bản tại Nga, hầu hết cộng sự của anh, trong đó có Đăng Dương, tới muộn cả tiếng.
Tận tới giờ, đó vẫn là điều Ha My khó chấp nhận, dù với bất kỳ lý do nào (cái này thì tôi cũng vừa nếm, khi bị anh nhã nhặn mà kiên quyết từ chối cuộc gặp). Hai anh “quặc” nhau một trận ra trò, Dương thế mà nóng, và My thì nguyên tắc. Ấy vậy mà về sau thân nhau như “chấy cắn đôi”, khi cùng nhìn thấy lửa nghề ở nhau, trong một điều kiện làm nghề đòi hỏi ý chí và cả sự hy sinh.
Dương từng học đàn bầu trong suốt 10 năm, rồi chuyển qua thanh nhạc. My từng học piano, rồi học lên chỉ huy, thay vì lựa chọn trở thành một pianist. Nếu như giấc mơ cầm mic của Đăng Dương được chắp cánh bởi người thầy đầu tiên - NSND Quang Thọ thì giấc mơ “cầm đũa” của Ha My là được khích lệ bởi GS TS Trần Thu Bạch Hà (nguyên giám đốc Nhạc viện Hà Nội). Khi bà sớm nhìn thấy ở Ha My hội tụ đầy đủ những phẩm chất cần có của nhạc trưởng: tốt nghiệp xuất sắc Piano – một nhạc cụ gần gũi nhất với dàn nhạc giao hưởng, kiến thức âm nhạc (xuất sắc ở các môn khác như hòa âm, phức điệu, hình thức âm nhạc... – điều tối cần với một nhạc trưởng), tố chất nghệ sỹ từ tai nghe tới tâm hồn, cùng tác phong nhanh nhẹn, quyết đoán khi vào việc...
Lúc Đăng Dương sốt xình xịch sau cánh gà Nhà hát Lớn vì một vai nhạc kịch quá nặng, hát gần như từ đầu tới cuối, lại diễn liên tục trong 3 đêm liền, ấy là lúc Ha My đang rét run cầm cập dưới tuyết trắng trời Nga, cho 9 năm đằng đẵng theo học chỉ huy và bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ tại Nhạc viện Tchaikovsky.
Những cái khó Đăng Dương từng trải qua khi phải nuốt vào đầu những bản aria dài dằng dặc bằng tiếng Ý hay tiếng Đức mà “đôi lúc chẳng hiểu hết nghĩa của nó”, thì sau đó Ha My cũng phải vật lộn làm quen với thứ ngôn ngữ xa lạ, với muôn vàn thuật ngữ âm nhạc, khi chuyên ngành chỉ huy đòi hỏi người học phải sở hữu một vốn ngôn ngữ nhất định thì mới có thể “khai hoang tác phẩm”... Hơn ai hết, họ quá hiểu cái gọi là “hành lộ nan” khi theo đuổi thính phòng – cổ điển, trong điều kiện làm nghề tại Việt Nam.
“Đăng Dương lạ lắm, ở ngoài đời thì trông rất dễ tính, xuề xòa, thậm chí là còn rất dễ bối rối, thế nhưng khi bước lên sân khấu, lại thoắt biến thành một người khác hẳn: Đĩnh đạc, tự tin, nghiêm cẩn...” – Chơi bao năm, Ha My vẫn chưa hết lạ về bạn mình.
“Tài năng đã đành, nhưng đáng giá nữa là bầu nhiệt huyết, chỉ có thể có ở một nghệ sỹ đích thực. Không có hành trang ấy, chắc chắn My không thể theo đuổi được cả những vệt dài như thế trong sự nghiệp của mình và truyền cảm hứng mạnh đến thế tới bạn diễn và cộng sự...”, Dương nói anh thích My nhất ở điểm ấy.
Trong live concert “Mặt trời của tôi”, cứ sau mỗi tiết mục thăng hoa của Đăng Dương, Ha My lại trìu mến choàng vai ôm lấy bạn mình, hoặc nồng nhiệt vỗ tay tán thưởng. Trên cả những giao đãi thông thường giữa một nhạc trưởng và một solist, đó còn là cái nắm tay thân ái của tình bằng hữu, nơi cái mỉm cười của bạn đôi lúc song hành cùng giọt nước mắt hạnh phúc của mình...
Nhạc trưởng Lê Ha My sinh năm 1976 tại Hà Nội, trong một gia đình âm nhạc. Tốt nghiệp nhạc viện Hà Nội, chuyên ngành piano, anh sang Nga học tiếp chuyên ngành chỉ huy tại Nhạc viện Tchaikovsky và giành được tấm bằng đỏ danh giá. Trước khi về nước đầu quân cho Dàn nhạc Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam vào năm 2010 và sau đó là đảm trách vai trò Phó Giám đốc Nhà hát Lớn TP HCM từ năm 2016, anh từng làm việc tại nhiều dàn nhạc lớn của Nga như: Dàn nhạc nhạc viện mang tên Glinka – thành phố Magnitagorsk – CHLB Nga (2004), Dàn nhạc thành phố Yaroslav (2005), Dàn nhạc nhạc viện quốc gia Moskva (2006)... Tại Việt Nam, anh được coi là trường hợp hiếm bởi là chỉ huy nhưng được đào tạo 15 năm Piano chuyên nghiệp...
(Nguồn: https://laodong.vn)