Nhạc trưởng Trần Nhật Minh tham vọng lấp hết điểm yếu chuyên môn

02/10/2017

Ấy vậy đã 10 năm kể từ ngày Trần Nhật Minh về nước hoạt động âm nhạc. Ngày đó, anh được báo chí "săn đón" như một nhân tố mới, tài năng, điển trai và được đặt nhiều kỳ vọng.

Nếu ở nước ngoài sự cạnh tranh là rất lớn, không phải mình không đủ sức cạnh tranh với nghệ sĩ quốc tế mà đôi khi chính đó điều làm nghệ sĩ không có nhiều thời gian sáng tạo mà chỉ lo suy nghĩ vượt qua những áp lực.

Trần Nhật Minh

Trần Nhật Minh nói rằng dẫu đã có những dự án thành công, có thất bại, có nhiều may mắn, không thiếu khó khăn thử thách, song anh vẫn đang đi tìm chính mình trên con đường âm nhạc. 

Và tham vọng duy nhất của người nhạc trưởng tài năng này là luôn học hỏi để lấp đầy điểm yếu chuyên môn.

Gặp Trần Nhật Minh vào buổi chiều Sài Gòn đầy nắng, anh đang còn dở dang việc phối bài cho dàn nhạc, nhưng vui vẻ gom mớ giấy tờ còn ngổn ngang nốt nhạc để bắt đầu cuộc trò chuyện cùng Tuổi Trẻ Online.  

* Cơ duyên nào đã giúp Trần Nhật Minh trở thành sinh viên Nhạc viện Quốc gia Magnitogorsk Liên bang Nga?

- Tôi học nhạc song song với học phổ thông, nhưng ngày đó chuyện học nhạc chỉ để giải trí cho vui chứ chưa bao giờ suy nghĩ nghiêm túc sẽ gắn bó với nó như một cái nghề cái nghiệp.

Năm 1999 tôi tốt nghiệp phổ thông, tuổi trẻ mà muốn "bay" khỏi gia đình, tự lập cuộc sống nên thông qua một giáo sư âm nhạc - người bạn của gia đình, tôi biết đến trường Magnitogorsk Liên bang Nga rồi đăng kí du học tự túc.

Gia đình tôi không có ai theo nghệ thuật, nhưng mẹ cũng hướng tôi theo học nhạc. Mọi chuyện diễn ra rất nhanh chóng.

Phải nói rằng, tôi may mắn vào đúng môi trường học tập: sáng tạo nghệ thuật, nghiêm túc, giáo viên tận tâm không chỉ dạy về nhạc mà còn dạy tôi cách trở thành nghệ sĩ, con người tốt.

Khi ấy, rất ít, hầu như không có du học sinh Việt tại Magnitogorsk, tôi sống chung với cộng đồng bạn bè người Nga, người Hàn Quốc. Ngôn ngữ là rào cản lớn nhất tôi cần phải cố gắng vượt qua. Giảng viên thường phải nói chậm lại mỗi khi giảng bài cho tôi.

Tôi nghĩ xem làm sao để "bơi" cho kịp bạn bè, rồi đặt mục tiêu vượt lên bạn bè, sau đó ngó nghiêng xem xung quanh các trường khác học thế nào. 

Nhiệm vụ của sinh viên là học giỏi, biểu diễn tốt và đăng kí tranh tài ở các cuộc thi để thử thách mình và còn được ghi tên vào bảng vinh danh của trường nữa.


Nhạc trưởng Trần Nhật Minh đã có 10 năm hoạt động âm nhạc - Ảnh: NVCC

* Sau khi đã học tập và đạt được thành tích đáng nể như giải nhì cuộc thi quốc tế dành cho chỉ huy trẻ tại thành phố Vladivostock (2004), giải khuyến khích cuộc thi chỉ huy hợp xướng chuyên nghiệp toàn Nga lần 5…thì Trần Nhật Minh có đắn đo chuyện "ở lại hay về nước" như nhiều tài năng trẻ khác của Việt Nam ở nước ngoài? 

- Những tháng cuối cùng hoàn thành bằng thạc sĩ, nói thật tôi cũng ngó qua ngó lại trong những chuyến đi biểu diễn, hội thảo ở Mỹ hay các nước các nước châu Âu. Nhiều cơ hội mở ra, nhiều đơn vị uy tín mời đích danh tôi về hợp tác nhưng tôi chọn về nước.

Một năm trước đó, năm 2007, tôi được nhà hát TP.HCM mời về biểu diễn Giai điệu mùa thu và cảm nhận được nơi đây đang bắt đầu phát triển có tiềm năng cho mình phát huy. Với lại, tôi cũng muốn ở cùng gia đình nên không nhiều đắn đo.

Nếu ở nước ngoài sự cạnh tranh là rất lớn, không phải mình không đủ sức cạnh tranh với nghệ sĩ quốc tế mà đôi khi chính đó điều làm nghệ sĩ không có nhiều thời gian sáng tạo mà chỉ lo suy nghĩ vượt qua những áp lực.

Trong khi đó ở Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) hoạt động chuyên nghiệp và trình độ khá cao, thường xuyên mời nghệ sĩ quốc tế về hợp tác biểu diễn, học hỏi lẫn nhau.


Trần Nhật Minh (bên trái hình) cùng đồng nghiệp - Ảnh: NVCC

Nghệ thuât không phải như một bài toán, giải được kết quả là xong. Mỗi đêm nhạc, mỗi lần biểu diễn tôi được khám phá thêm những điều mới mẻ mà chính tôi cũng ngạc nhiên về điều đó. Với tôi buổi biểu diễn tốt nhất luôn luôn là buổi biểu diễn sắp tới vậy.

Trần Nhật Minh

* Những ngày đầu mới về nước Trần Nhật Minh đã được báo giới "săn đón" như một nhân tố mới, tài năng, điển trai mang nhiều kỳ vọng đóng góp cho âm nhạc hàn lâm nước nhà. Thế rồi anh có vài dự án đưa âm nhạc hàn lâm vào gần hơn đời sống âm nhạc đại chúng được khán giả quan tâm, nhưng nói thật nó chưa mạnh mẽ về đường dài?

- Mới về nước tôi nhận sự phân công của lãnh đạo Nhà hát nên chưa có nhiều dự án cá nhân. Không nghĩ nhiều về những thứ lớn lao, tôi đặt ra mục tiêu năm đầu tiên là làm sao áp dụng những gì học được bên Nga vào trong môi trường âm nhạc nước nhà. Tôi thích làm hơn là nói.

Những năm 2010 nhiều ca sĩ, ngôi sao nhạc nhẹ có mời tôi kết hợp chỉ huy dàn nhạc trong liveshow của họ. Tôi xem đó là một thử thách bản thân. 

Nhảy vào cuộc chơi đã là thành công bước đầu rồi. Bởi tôi có kỹ năng, học thuật, kinh nghiệm ở nhạc hàn lâm nhưng với nhạc pop thì không giỏi nên cần phải thử nghiệm để học hỏi.

Kết hợp với ca sĩ nhạc nhẹ không phải là hoạt động nghệ thuật chính của tôi mà nó là một phần công việc. Nhờ đó, tôi mới nhận ra thực chất không phải việc đưa dòng nhạc hàn lâm đến với dòng nhạc đại chúng, hay ngược lại, mà đó chính là âm nhạc giao thoa.

Thôi nói về những điều lớn lao, tôi thích làm việc nhỏ, làm thật tốt. Như cách tôi vẫn thường tổ chức chương trình nhạc hàn lâm cho giới trẻ, sinh viên song song với các chương trình ở Nhà hát. 

Đi dạy ở Nhạc viện tôi cũng truyền đạt hết mình cho học trò. Tôi làm giám đốc âm nhạc cho chương trình Thần đồng âm nhạc cũng vì muốn đẩy mạnh tính giáo dục âm nhạc cổ điển cho trẻ em, đồng thời đó cũng là cách thuyết phục phụ huynh cho con em tiếp xúc với âm nhạc cổ điển.

* Hiện là Phó đoàn phụ trách, quyền trưởng đoàn nhạc kịch của HBSO, là thuyền trưởng con tàu âm nhạc, nhạc trưởng trẻ tuổi (Minh sinh năm 1981) Trần Nhật Minh làm sao để dung hòa mấy chục con người mà nghệ sĩ tính thường khá mạnh như thế?

- Đó là sự chân thành. Tôi bước lên bục chỉ huy với sự chân thành, lắng nghe và  thuyết phục mọi người cùng chung cảm hứng để thực hiện buổi biểu diễn tốt nhất.

Ý kiến trái chiều là điều không tránh khỏi, cũng có cá nhân lên tiếng vì thích thể hiện, hay có người làm vì đoán mò chứ chưa thực sự hiểu…thì những trường hợp đó, tôi với tư cách nhạc trưởng phải sử dụng kỹ năng, quyền hạn của một nhạc trưởng xử lý.

Đúng là có những cách đánh hay hơn nhưng trong hoàn cảnh cả dàn mấy chục con người thì cách đó không còn phù hợp. 

Bạn không thể một mình chơi trội mà hãy nhìn lại phía sau còn nhiều nghệ sĩ khác đang cùng chơi. Cũng giống như đàn chim bay hình chữ "V", cần phải có sự đồng điệu mới về tổ ấm an toàn.

Với tôi thú vị nhất và dường như mọi cảm xúc thăng hoa nhất đều ở phòng tập. Trên sân khấu là phần nổi của tảng băng thôi.

Trần Nhật Minh

* Dường như Trần Nhật Minh không có nhiều tham vọng thì phải? Sắp tới anh có dự án gì không?

Tôi ấp ủ làm nhạc kịch Broadway đúng chất ở Việt Nam. Trước giờ, cụm từ nhạc kịch Broadway vẫn thường được lạm dụng khiến giả nghĩ không đúng về Broadway.

Đây là dự án dài hơi, tôi đang tìm biên kịch hay nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc nào đó có cùng cảm hứng để thực hiện. Nội dung chắc chắn là sẽ câu chuyện thuần Việt, cảm tác từ tác phẩm văn học Việt để gần gũi khán giả trong nước.

Tham vọng của tôi ư? Là luôn học hỏi để lấp hết những điểm yếu của tôi trong chuyên môn.


Trần Nhật Minh luôn tìm được cảm hứng làm việc trong lúc phối nhạc, dựng bài - Ảnh: NVCC

(Nguồn: http://tuoitre.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...