Tài năng hàn lâm ở Việt Nam còn thiệt thòi
Ở Việt Nam, các gia đình có con theo học nghệ thuật hàn lâm buộc phải hy sinh về tài chính, thời gian và cả tâm sức. Rất cần chính sách đặc biệt cho cả thầy và trò trong lĩnh vực đào tạo tài năng này
Sau đúng 10 năm trở về Việt Nam, mới đây, Bùi Công Duy được bổ nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, chuyên trách tổ chức biểu diễn. Mặc dù ngồi trên "ghế nóng" và anh lường trước những khó khăn đang đợi mình nhưng có được vị trí này cũng là bước thăng tiến khá nhanh của Bùi Công Duy, cho thấy anh được đền đáp phần nào cho quyết định trở về và cống hiến cho âm nhạc hàn lâm Việt Nam của mình thời gian qua.
Thiệt thòi nhưng phải sống với đam mê
Hồi tưởng lại quãng thời gian ở nước ngoài, Bùi Công Duy kể khi đó chỉ mang đàn đi lưu diễn vòng quanh thế giới, công việc tổ chức đã có người khác lo, nên rất vô tư: "Còn bây giờ là một sự pha trộn khủng khiếp. Tôi phải đóng rất nhiều vai, lúc làm nhà quản lý, khi làm thầy giáo, là nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu, làm "ông bầu" bất đắc dĩ cho học trò và bạn bè đồng nghiệp để chúng tôi có được những chương trình nghệ thuật đẳng cấp, xứng tầm như: "Vietnam Music Connection", "Festival Âm nhạc Việt - Mỹ", ballet "Hồ thiên nga" với Nhà hát ballet Tallarium et Lux (Nga)…".
Làm tổ chức, tiền thì rất ít nhưng luôn đòi hỏi quy mô, đẳng cấp, xứng tầm… Còn làm nghề ở Việt Nam như Bùi Công Duy, tài năng trưởng thành và tỏa sáng ở nước ngoài trở về, chỉ nhận những đồng lương ít ỏi, mức cát-sê thấp đến mức khó tưởng tượng. Một nghệ sĩ - giáo sư cello ở Mỹ được trả 130 USD/giờ học (45 phút). Khi đến với Liên hoan Giai điệu mùa thu ở TP HCM, một liên hoan có quy mô lớn nhất ở Việt Nam, họ nhận được tiền tập và diễn suốt cả chục ngày chỉ bằng tiền họ đi dạy vài giờ. Chỉ vì rất yêu quý Việt Nam và muốn mang âm nhạc đến cho mọi người, chia sẻ những thông điệp, những giá trị nên các nghệ sĩ quốc tế vẫn đến.
Dẫu vậy, Bùi Công Duy khẳng định không bao giờ hối tiếc vì đã quay về. "Ngoài là một nghệ sĩ, tôi còn có trách nhiệm dẫn dắt lớp học trò, nếu không có chúng tôi, các em sẽ rất thiệt thòi. Hơn nữa, đi qua tất cả những khó khăn, bộn bề đó, tôi càng nhận thấy vẫn sống được với đam mê của mình mới là điều quan trọng. Nói gì thì nói, tôi vẫn thích nhất những lúc được đứng trên sân khấu chơi đàn, bằng tất cả đam mê, chân thật, vô vụ lợi" - NSƯT Bùi Công Duy nói.
Văn hóa hàn lâm chỉ là thứ tô điểm
Học viện Âm nhạc quốc gia giữ vai trò trọng trách là "cánh chim đầu đàn" của cả nước về đào tạo học sinh - sinh viên nghệ thuật nhưng ngân sách đào tạo mỗi năm bị cắt giảm dần, thời gian đào tạo rút ngắn lại, trong khi yêu cầu là vẫn phải đào tạo đỉnh cao. Vừa phải đào tạo đỉnh cao vừa phải đào tạo số lượng lớn để cung cấp cho cả nước. "Do hoàn cảnh hiện tại của chúng ta là thiếu nhân sự chuyên biệt tài năng và thiếu cả nhà quản lý, thiếu cả nhân sự nghiên cứu khoa học cho các cơ quan văn hóa nghệ thuật nên đúng ra với các trường nghệ thuật khác thì buộc phải chuyên biệt nhưng ở đây lại bị giằng xé và chúng tôi không thể giải quyết được mâu thuẫn này" - NSƯT Bùi Công Duy trăn trở.
Rất cần chính sách đặc biệt cho cả thầy và trò trong lĩnh vực đào tạo tài năng. Chẳng hạn như ở Trung Quốc, mỗi học sinh tài năng đi thi quốc tế mà được giải, khi về sẽ được tặng thưởng ngay 10.000 USD. Nhưng ở Việt Nam, các gia đình đang có con theo học nghệ thuật buộc phải tự hy sinh về tài chính, thời gian và cả tâm sức.
Ngay chính gia đình nghệ sĩ Bùi Công Thành từng phải quyết tâm chuyển hẳn sang Nga sinh sống khi phát hiện ra tài năng của con, để Duy được theo học ở môi trường tốt nhất về âm nhạc hàn lâm.
"Các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật ở ta đều chưa có sự quan tâm của nhà nước, thậm chí chưa nằm trong khu vực được quan tâm, mà giống như đang tồn tại ngoài rìa ở đâu đó. Trước đây, chúng ta được nước bạn đào tạo cho một hệ thống nền móng gồm các nghệ sĩ thời kỳ đầu rất tốt. Còn bây giờ, con người ta thông minh lên, học nhanh hơn nhưng đam mê lại rất ít nên rất khó truyền đam mê đến cho cộng đồng, giới trẻ. Điều này ảnh hưởng đến công chúng số đông, khiến họ thờ ơ và nhạt nhẽo, biến văn hóa hàn lâm trở thành thứ tô điểm, làm sang" - NSƯT Bùi Công Duy phân tích.
"Văn hóa nghệ thuật cần chiến lược và đầu tư lâu dài. Tôi nghĩ quan trọng nhất là định hướng chiến lược quốc gia" - NSƯT Bùi Công Duy khẳng định.
Cốt lõi vẫn là làm vì đam mê Không quá lời khi nói Bùi Công Duy là nghệ sĩ tầm vóc nhất của Liên hoan Giai điệu mùa thu 2017, không chỉ bởi kinh nghiệm biểu diễn dày dạn mà còn trong vai trò nhà sư phạm quốc tế và nhà tổ chức các chương trình nghệ thuật. Bùi Công Duy được phong NSƯT khi mới 35 tuổi và sau đúng 10 năm trở về Việt Nam, anh trở thành tân Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. NSƯT Bùi Công Duy cho biết làm quản lý phải đối đầu với quá nhiều thứ, nhất là vị trí phụ trách về tổ chức biểu diễn, vừa liên quan đến đào tạo, biểu diễn và cả tài chính, marketing… "Nhưng tôi nghĩ mọi thứ trong cuộc sống đều liên quan đến nhau. Nếu làm thầy, đào tạo học trò mà không có đầu ra, không có "đất" cho trò biểu diễn thì không được. Chuyện tạo ra "đất" đó còn liên quan đến việc giữ nghề cho chính bản thân mình. Để giữ được tay đàn, buộc phải đứng trên sân khấu. Thế nên, biết là phức tạp, khó khăn nhưng buộc phải đi qua" - Bùi Công Duy khẳng định. Bùi Công Duy nói rằng danh hiệu và chức vụ với anh không quá quan trọng. Cái được lớn nhất khi anh về Việt Nam là có những trải nghiệm, những bài học rất sâu sắc. Cốt lõi những gì anh làm vẫn là vì thích, vì đam mê. |
(Nguồn: http://nld.com.vn)