Glenn Gould
Glenn Gould sinh ra ở Toronto vào ngày 25 tháng 9 năm 1932 trong một gia đình truyền thống âm nhạc: Edvard Grieg là em họ của cụ ngoại của ông, bố ông là một nghệ sỹ biểu diễn violin nghiệp dư, và mẹ ông chơi đàn piano và đàn ống trong nhà thờ. Mẹ của Gould là người thầy duy nhất của ông cho tới tận khi ông 10 tuổi. Khi mới 3 tuổi, ông đã thể hiện một năng khiếu âm nhạc đặc biệt, xướng âm chuẩn và thậm chí còn đọc được các ký hiệu nhạc. Lên 5 tuổi, ông bắt đầu sáng tác và chơi những bản nhạc nhỏ của riêng ông cho gia đình và bạn bè. Khi 6 tuổi, Gould lần đầu tiên được tới xem một buổi hoà nhạc cổ điển, đó là buổi biểu diễn cuối cùng của Josef Hofmann ở Toronto. Điều này đã đem đến cho cậu bé một ấn tượng mạnh mẽ và mang tính quyết định.
Robert Fulford, một nhà văn lớn của Canada, đã gặp Gould khi cả hai cùng 9 tuổi và hai gia đình là hàng xóm cạnh nhà nhau. Ông viết: “Kể cả khi còn là một đứa trẻ, Glenn luôn tỏ ra khác biệt vì ông làm việc chết thôi để trở thành một người đàn ông vĩ đại. Ông có sự nhạy cảm mạnh mẽ và tình yêu âm nhạc tha thiết… Đó là một cảm xúc mạnh mẽ và thật hoàn hảo. Gould biết mình là ai và đang đi đâu.”
Lên 10 tuổi, Gould bắt đầu học tại Nhạc viện hoàng gia ở Toronto. Alberto Guerrero là giáo viên dạy piano của ông, ông học đàn organ với Frederick C.Silvester và học lý luận với Leo Smith. Vào năm 1944, khi 12 tuổi, Gould tranh tài trong Festival âm nhạc Kewanis được tổ chức hàng năm và đoạt giải. Đó là cuộc thi duy nhất mà ông tham gia, vì sau đó ông phản đối quyết liệt sự cạnh tranh giữa các nhạc sỹ trẻ với nhau và cạnh tranh ở bất cứ mặt nào. Vào năm 1945, ông đã vượt qua kỳ thi liên kết cho nghệ sỹ độc tấu tại Nhạc viện hoàng gia, cho thấy ông đã được đẳng cấp chuyên nghiệp. Vào năm 1946, khi 14 tuổi, ông đã hoàn thành bài thi lý luận và được cấp chứng chỉ với mức cao nhất. Gould tiếp tục theo học piano với Alberto Guerrero cho tới năm 1952.
Người có ảnh hưởng quan trọng đối với tuổi thơ của Gould là: Artur Schnabel (Gould nói: “Cây đàn piano là cứu cánh của ông và mục đích của ông là đạt được gần bằng Beethoven”), các bản ghi âm những tác phẩm của Bach do Rosalyn Tureck biểu diễn (“thẳng thắn, với một cảm giác thật yên tĩnh và dứt khoát”) và Leopold Stokowski, là người mà sau này Gould đã viết và giới thiệu về Stokowski trong chương trình “Chân dung” của Hội đồng Phát thanh Canada (CBC).
Buổi trình diễn trước công chúng đầu tiên của Gould là biểu diễn đàn ống vào năm 1945, một buổi hòa nhạc được viết dưới nhan đề: “Một cậu bé, 12 tuổi, thiên tài biểu diễn đàn organ”.
Vào năm 1946, năm 14 tuổi, ông lần đầu tiên ra mắt công chúng trong vai trò một người độc tấu với dàn nhạc tại buổi hòa nhạc Nhạc viện Hoàng gia trình bày Concerto số 4 viết cho piano của Beethoven. Đề cập về vấn đề này, Gould đã viết rằng ông không cần chuẩn bị nhiều vì ông có bản thu của Schnabel cách đây hơn hai năm và biết tường tận từng sắc thái. Năm tiếp theo Gould cũng chơi bản concerto đó với Toronto Symphony và một nhà phê bình đã viết: “Một cậu bé ngồi bên chiếc piano giữa những vị giáo sư và anh nói chuyện với họ với tư cách một chuyên gia như họ vậy”. Buổi độc tấu piano đầu tiên của ông là vào năm 1947 khi Gould trình bày các tác phẩm của Scarlatti, Beethoven, Chopin và Liszt, một nhà phê bình đã nhấn mạnh: “thiên tài uyên thâm, sâu sắc như chính tác giả đang ngồi trước những phím đàn”. Gould đã trao bản thu âm lại đầu tiên trên đài truyền thanh của CBC năm 1950, khởi đầu cho một mối quan hệ lâu dài của ông với đài truyền thanh và thu âm.
Một buổi tối ngày 11 tháng 1 năm 1955, Gould trình diễn lần đầu tiên ở New York (theo cách ông gọi là “Debutown”) và ngày hôm sau ký hợp đồng thu âm với Columbia Masterworks (CBS). Bản thu âm biến tấu Goldberg của Bach được thu âm đầu tiên ở phòng thu CBS vào năm 1955. Bản thu âm ngay lập tức nhận được rất nhiều lời tán dương, trở thành đĩa bán chạy nhất, và đã khởi đầu sự nghiệp của một nghệ sỹ quốc tế hoàn toàn trưởng thành của Gould. Gould tiếp tục thu âm hơn 60 đĩa.
Năm 1957, Gould biểu diễn vòng quanh châu Âu lần đầu tiên, khởi đầu bằng hai tuần ở Liên Xô. Vì vậy mà ông trở thành nghệ sỹ Canada (và nghệ sỹ Bắc Mỹ đầu tiên) lần đầu biểu diễn ở Liên Xô, và ông đã làm như vậy – trong khi chiến tranh lạnh vẫn đang diễn ra – để dành cho những khán giả và nhà phê bình thực sự nhiệt tình, tâm huyết. Cũng trong chuyến lưu diễn quanh châu Âu của ông, Gould biểu diễn Concerto số 3 viết cho piano của Beethoven với Berlin Philharmonic và nhạc trưởng Herbert von Karajan, và hai nghệ sỹ sau này vẫn thường ngợi ca lẫn nhau. Năm 1960, Gould lần đầu tiên xuất hiện trên đài truyền hình nước Mỹ với Leonard Bernstein và New York Philharmonic. Lúc đó ông đã là một người nổi tiếng trên đài truyền hình Canada và thường xuyên được giới thiệu trên đài truyền thanh ở quê hương ông trong suốt những năm 1960 và 1970.
Gould được biết đến với khả năng tưởng tượng âm nhạc thật mạnh mẽ, và người nghe nhận thấy sự trình diễn của ông là cả một sự sáng tạo tuyệt vời và đôi khi hoàn toàn lập dị. Người ta nói rằng Gould chưa từng chơi một đoạn nhạc với cùng một cách chơi đến lần thứ hai. Lối chơi đàn của ông thật trong sáng, đặc biệt ở những đoạn đối âm. Gould sống trong thời mà cách trình diễn các tác phẩm của Bach thật nghiêm khắc, đặc biệt nhấn mạnh tính hoành tráng của tác phẩm vốn có sẵn từ thế kỷ XIX vẫn đang ngự trị. Khi được so sánh, rất nhiều người nhận thấy cách tiếp cận của riêng Gould với những tác phẩm của Bach thật tươi mới, thậm chí là một cuộc cách mạng. Người ta có thể cho rằng phong cách của Gould đã ảnh hưởng nặng nề tới các nghệ sỹ dương cầm chơi nhạc của Bach sau này, đặc biệt là Andras Schiff và Angela Hewitt.
Gould có một trình độ kỹ thuật thật ấn tượng và nó cho phép ông có thể đánh ở tốc độ rất nhanh trong khi người nghe vẫn cảm nhận từng nốt thật rõ ràng. Một phần trong kỹ thuật của ông do cách ông chọn ngồi rất thấp so với đàn và nhờ vậy ông có thể điều khiển phím đàn tốt hơn. Ông chỉ chơi đàn khi ngồi trên chiếc ghế cao chỉ 32 cm mà bố ông đóng. Và ông vẫn sử dụng cái ghế này ngay cả khi nó đã gần như hỏng hoàn toàn. Chiếc ghế rất đỗi thân thuộc với ông và hiện đang được đặt ở một vị trí trang trọng trong tủ kính ở Thư viện Quốc gia Canada. Mặc dù theo quan điểm của nhà lí luận âm nhạc, nghệ sĩ piano người Mĩ Charles Rosen vị trí ngồi thấp sẽ không phù hợp với việc trình diễn âm nhạc đòi hỏi kỹ thuật cao của thế kỷ XIX, nhưng điều này không cản trở gì tới việc chơi nhạc của Gould. Ông tham dự các buổi hòa nhạc với một thái độ coi thường các nghệ sỹ dương cầm đương thời dễ dàng chấp nhận các tác phẩm thời kỳ Lãng mạn (có lẽ Gould chỉ tỏ ra khâm phục mỗi Sviatoslav Richter) và ông thường không chơi những đoạn nhạc phô diễn kỹ thuật thông thường của thời kỳ này khi khán giả yêu cầu. Tuy nhiên, trình độ kỹ thuật của Gould mang lại cho ông những kết quả tuyệt vời, trong những bản nhạc đối âm và cách chọn các tác phẩm nghiêng hẳn về âm nhạc phức điệu. Trong các tác phẩm của ông trình diễn chủ yếu là tác phẩm của Bach, và đây cũng là điều mà ông nhớ nhất.
Với việc trình diễn các tác phẩm của Bach trên đàn piano, Gould nói “cây đàn piano không phải là nhạc cụ mà tôi yêu thích… nhưng tôi đã chơi nó suốt cả đời và thấy rằng cây đàn là phương tiện diễn đạt tuyệt vời nhất tình cảm của tôi”. Về việc chơi các tác phẩm của Bach, Gould thú nhận rằng: “Tôi đã sửa nhiều trong cách trình diễn trên các nhạc cụ tôi chơi - và cây đàn tôi dùng để ghi âm hiện giờ cũng được sửa đổi nhiều - tới mức mà tiếng của nó nghe nông hơn và dứt khoát hơn bình thường. Điều này hướng tới việc có một kỹ xảo tương tự như một chiếc ô tô không có thiết bị lái bằng điện: Bạn nắm quyền điều khiển nó; nó không điều khiển bạn, mà chính bạn lái nó đi. Đây chính là điều bí mật về việc trình diễn các tác phẩm của Bach trên piano. Bạn phải có phản ứng ngay lập tức và nó sẽ giúp bạn có được âm thanh rõ nét đến tuyệt vời”.
Có một điều đặc biệt đó là Gould thường xuyên ngân nga hát nhẩm theo khi chơi đàn. Người phụ trách việc thu âm của ông sau này đã loại bỏ được giọng của ông trong các ghi âm. Ông cũng thừa nhận rằng việc hát theo chỉ là vô thức.
Gould cũng thu âm một số tác phẩm của nhiều tác giả viết cho đàn piano nổi tiếng, dù ông thẳng thắn chỉ trích một số tác phẩm của họ, ví dụ như ông không mấy quan tâm tới Chopin chẳng hạn. Trả lời một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh, khi được hỏi ông có cảm thấy muốn chơi nhạc của Chopin hay không, ông đã đáp lại rằng: “Không, tôi không muốn. Tôi chỉ chơi trong những phút yếu lòng – có thể một hoặc hai lần một năm. Nhưng điều này không khiến tôi suy nghĩ nhiều lắm”. Mặc dù Gould đã ghi âm tất cả các sonata của Mozart nhưng ông vẫn phê phán mạnh mẽ âm nhạc của Mozart, cho rằng nhạc của Mozart đơn giản và rập khuôn. Ông thích những tác phẩm ở các lĩnh vực ít được biết đến, như các tác phẩm của Orlando Gibbons, người mà ông rất yêu thích. Ông cũng ghi âm nhiều tác phẩm viết cho piano ít được biết đến của Jean Sibelius, Richard Strauss và Paul Hindermith được mọi người hoan nghênh nhiệt liệt. Các ghi âm những tác phẩm viết cho piano của Arnold Shoenberg của ông cũng được đánh giá cao.
Sự nghiệp của Gould tiếp tục thăng hoa trong những năm đầu của những năm 1960 cho tới khi, không một sự phô trương ầm ĩ nào, ông biểu diễn lần cuối cùng vào ngày 10 tháng 4 năm 1964 tại buổi độc tấu ở Los Angeles.
Sự giải nghệ sớm này được quyết định một phần do ông nhận ra rằng cuộc sống căng thẳng của một nghệ sỹ thường xuyên lưu diễn đã khiến ông không thể quan tâm đến những thú vui khác của mình. Thực tế, Gould trước hết không nghĩ mình là nghệ sỹ dương cầm; ông cũng ghi chép, phát thanh, sáng tác, chỉ huy và thử nghiệm kỹ thuật công nghệ. Gould cũng thừa nhận rằng ông đã vô cùng chán ghét việc biểu diễn (Gould nói: “tại các buổi hòa nhạc trực tiếp, tôi cảm giác như tự hạ mình, giống như trò hề” ) và cảm thấy rằng ông thà thu âm trong phòng thu còn hơn ở các buổi hòa nhạc.
Người ta gọi Gould là “nhà tu khổ hạnh” và người ẩn dật. Không phải như vậy. Ông chọn một cuộc sống cô độc để có một khoảng cách an toàn, chỉ thể hiện mình qua các ghi âm, các chương trình phát thanh, và các bài viết, tự bảo vệ mình nhưng cũng đồng thời bộc lộ rõ được bản thân nhất. Ông ghét những cuộc họp quan trọng, ông có ác cảm với việc được người khác quan tâm và trong những năm tháng sau này, ông đã từ chối trò chuyện với bất cứ ai, chỉ trao đổi qua điện thoại và thư từ.
Triết lý của Glenn Gould và nhân cách của ông được thể hiện rõ ràng nhất trong chương trình phát thanh/ghi âm “Ý tưởng phương Bắc”. Với ông, phương Bắc tượng trưng cho sự cô độc, độc lập, lý tưởng, lòng can đảm, tâm hồn, cá tính, cư xử có đạo đức và hòa bình. Ông cảm thấy không thoải mái khi tính khí vùng Địa trung hải hiện ra với màu sắc rực rỡ, sự bộc lộ niềm đam mê và điều riêng tư.
Năm 1981, Gould bỏ quên mất thói quen của mình khi không ghi âm một tác phẩm nào và 26 năm sau khi ghi âm những biến tấu Goldberg, ông đã tới một phòng thu ở New York để thu âm tác phẩm lần thứ hai mà nhờ đó ông đã trở nên nổi tiếng.
Gould đã suy nghĩ về hai cách thể hiện khác nhau cơ bản bởi vì ông đã xem các khúc biến tấu không phải là các bài tập riêng biệt mà xem nó trong tổng thể trọn vẹn, với một giai điệu, sự hòa âm, hệ tư tưởng ẩn chứa bên dưới toàn bộ tác phẩm và tạo nên một sự hòa hợp của tác phẩm. Luôn nhận thức rõ ràng về khả năng kỹ thuật mang lại, Gould có động lực để quyết định ghi âm lại các khúc biến tầu Goldberg với sự thay đổi lớn trong công nghệ ghi âm trong suốt 25 năm trước.
Khi vẫn còn biểu diễn, ông đã có một buổi hòa nhạc với Cleveland Orchestra mà sau đó nhạc trưởng George Szell đã nhấn mạnh: “Không còn nghi ngờ gì nữa, kẻ gàn dở này là một thiên tài”.
Vài tháng trước khi mất, Glenn Gould thành lập một phòng hòa nhạc ở Toronto gồm một số thành viên của dàn nhạc giao hưởng Toronto mà bản thân ông chính là nhạc trưởng. Ông đặc biệt tự hào về tác phẩm Siegfried Idyll của Wagner mà họ đã thu âm với nhau, một tác phẩm đặc biệt với ông và ông đã chuyển soạn cho piano và thu âm.
Do có một trình độ tự nhận thức và hiểu rõ bản thân mình, Glenn Gould biết mình muốn gì và nên sống như thê nào – và ông đã hoàn toàn thành công ở cả hai mặt này. Những gì mà một vài người cho là lập dị thì thực tế, đó chỉ là sự khác biệt. Với những sự kiện hàng ngày của thế giới, ông không bao giờ ngừng quan tâm như một đứa trẻ, với đôi mắt mở to với những gì diễn ra quanh mình.
Glenn Gould tập hợp một nhóm lớn những người bạn mà ông vẫn liên lạc qua điện thoại và tiếp đãi họ ở Toronto với tấm lòng nhiệt tình, hăng hái. Những người bạn này miêu tả ông là một người hòa nhã, tốt bụng, vui vẻ, cuốn hút, nhiệt tình và trung thành. Glenn Gould quả đúng là một người có cá tính, không bao giờ đi chệch khỏi lý tưởng và một người quan tâm sâu sắc. Ông là một người đàn ông cô độc, nhưng ông đã làm bao người xúc động và giúp cuộc sống của họ ý nghĩa hơn. Glenn Gould mất ở Toronto vào ngày 4 tháng 10 năm 1982, sau một cơn đột quỵ.
(Nguồn: http://www.nhaccodien.vn)