Nghệ sĩ nhân dân Trung Kiên: 80 năm đi trong ánh sáng sao vàng
Là một trong những giọng ca hàng đầu của đất nước, từng làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhưng đến nay, dù đã gần 80 tuổi, nghệ sĩ nhân dân (NSND) Trung Kiên vẫn tất bật với công việc giảng dạy tại Học viện Âm nhạc quốc gia, Việt Nam.
Tranh thủ trò chuyện với chúng tôi trong phút giải lao ít ỏi, bên cây đàn piano quen thuộc tại trường, người nghệ sĩ lão luyện, người thầy của nhiều giọng ca nổi tiếng trải lòng rằng, giảng dạy là công việc ông say đắm nhưng cũng là trách nhiệm ông nguyện mang suốt cuộc đời, là cách ông trả ơn cuộc đời.
NSND Trung Kiên quê ở Thái Bình. Ông là con trai của nhà cách mạng Nguyễn Danh Đới. Cha bị bắt rồi hy sinh từ những tháng năm ông mới bi bô tập nói nên việc nuôi dưỡng đều dựa vào đôi vai gầy của mẹ.
NSND Trung Kiên kể rằng, Hà Nội những năm 1954 – 1956 còn nhiều khó khăn. Khi ấy, ông sinh hoạt trong các ban ca thanh niên, sinh viên: Tuổi xanh, Rạng đông của Sở Văn hóa và Thành Đoàn Hà Nội. Phát triển từ phong trào ca hát quần chúng nên khi Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) thành lập, ông đăng ký dự thi.
Kết quả báo đỗ nhưng mẹ ông nhất định không cho con theo học. Trong suy nghĩ của bà, ca hát chỉ để vui chơi, không phải một công việc lao động nghiêm túc. Thời điểm ấy, mẹ ông phải thổi cơm thuê hàng tháng cho cán bộ. Bà cứ lầm lũi nuôi con, không than phiền, cũng không xin xỏ ai điều gì bao giờ.
Một hôm, có người khách tới ăn cơm, thấy trên tường nhà có bằng Tổ quốc ghi công của cha Trung Kiên nên hỏi thăm. Sau này, ông được biết, người khách ấy là thư ký của Tổng bí thư Trường Chinh. Có lẽ người thư ký này có kể chuyện này nên Tổng bí thư cho mời mẹ ông đến. Khi bà nói đến chuyện không cho con trai vào trường nhạc, Tổng bí thư hỏi ngay là tại sao bà lại có suy nghĩ như thế? Ông còn khuyên nên cho Trung Kiên theo học nhạc theo đúng sở thích, năng khiếu vì vào trường nhạc sẽ được đào tạo, ra làm nghệ sĩ, không phải ai cũng làm nghệ sĩ được. Vì vậy, bà mới đồng ý cho con trai vào Trường Âm nhạc Việt Nam.
Học được 2 năm, sang năm thứ 3 thì cậu sinh viên xuất sắc của trường nhạc – Trung Kiên được đi học ở Liên Xô. Những ngày gắn bó với việc học hành, mở mang kiến thức nơi xứ người của ông cũng bắt đầu.
NSND Trung Kiên cho biết, ông sang Liên Xô học đến 3 lần: học đại học, cao học và trường Đảng. Đi học đại học ở Liên Xô từ năm 1962, năm 1964, ông phải về nước theo chủ trương chung. Ba năm sau đó, ông cùng các văn nghệ sĩ tập hợp thành các đoàn xung kích, đi chiến trường, biểu diễn cho bộ đội, thanh niên xung phong. Đoàn cứ đi 2,3 tháng rồi về.
Chiến trường ác liệt, hy sinh nhiều nên có khi các nữ thanh niên xung phong đi làm còn mang theo cả áo quan. Cuộc sống thiếu thốn trăm bề. Bản thân họ nhiều khi không có gì ăn nhưng văn nghệ sĩ đến biểu diễn, có gì ăn được là họ mang tất ra chiêu đãi… Chứng kiến cuộc sống gian khổ, ăm ắp tình thương yêu, đùm bọc của bộ đội, thanh niên xung phong, nghệ sĩ như ông xót xa lắm.
Nhớ về những tháng ngày gian khổ mà hào hùng trong quá khứ, người nghệ sĩ lão làng tự hào bảo rằng, ngày ấy, cả nước cùng hướng về chiến trường. Có lần, vợ ông, nghệ sĩ Thanh Nga không được đi cũng lén trốn theo, suýt nữa bị kỷ luật. Cuộc sống chung của thanh niên ngày ấy là thế. Ai lạc ra khỏi quỹ đạo giống như lạc loài. Hơn nữa, ông còn luôn tâm niệm, bản thân được đi học, được đào tạo ở nước ngoài thì phải về phục vụ đồng bào, phục vụ Tổ quốc. Vì vậy, cứ được gọi là đi, tổ chức bảo ở lại phục vụ là ở lại, không có viện lý do gì để từ chối.
Năm 1972, khi cả 2 vợ chồng ông đang theo đoàn biểu diễn phục vụ đơn vị tiếp viện lương thực thì được lệnh phải trở lại Hà Nội ngay. Đúng ngày có mặt ở nhà thì chiến dịch Điện Biên Phủ trên không bắt đầu. Mỹ ném bom rải thảm miền Bắc. Nhà ông ở đường Tuệ Tĩnh. Giặc ném bom ngay ở Khâm Thiên. Đối diện với cuộc sống khắc nghiệt nơi chiến trường đã quen nên vợ chồng ông vẫn khá bình tĩnh. Sau đợt bom đầu, ông phải vào Mai Dịch, Cầu Giấy lấy lương thực. Về nhà, vợ chồng vẫn hì hụi nấu ăn. Thế nhưng, lúc ngồi vào mâm cơm, nghĩ đến đồng bào, đồng đội hy sinh vì bom đạn, không ai bảo ai, 2 vợ chồng không sao nuốt nổi.
Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, những chuyến đi dài phục vụ chiến trường của 2 vợ chồng vẫn diễn ra liên miên. Đến cuối tháng 4/1975 thì ông trụ hẳn ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Thời điểm này, tin chiến thắng dồn dập dội về. Các ca khúc được sáng tác từ khắp nơi ồ ạt chuyển đến. Ngay tại đài cũng có một bản đồ theo dõi chiến sự. Bộ đội tiến đến đâu thì dán cờ đến đấy. Ông và nghệ sĩ Quý Dương suốt ngày ở đài để thu bài hát mới.
Nhiều cảm xúc nên việc thu, đọc tác phẩm rất nhanh. Thường chỉ sau 1 tiếng đồng hồ đọc tác phẩm là tiến hành thu mà hát ca khúc mới cũng không xuể. Cả nước hướng về tiền tuyến. Quân đi ào ào. Bộ đội giải phóng tỉnh, thành nào là lập tức có bài hát từ tỉnh thành ấy gửi về. Cảm xúc chiến thắng thôi thúc như thế nên dù máy móc thu âm chưa hoàn chỉnh, nghệ sĩ vẫn thăng hoa.
Riêng ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” của nhạc sĩ Hoàng Hà, ông hát ngay trong đêm 30 tháng tư lịch sử và thành công chỉ bằng đúng một lần thu. NSND Trung Kiên thừa nhận, cảm xúc khi ấy rất mãnh liệt. Sau này, dù có hát đi hát lại nhiều lần “Đất nước trọn niềm vui”, ông cũng không bao giờ tìm lại được cảm xúc của thời khắc đặc biệt ấy. Với ông, thời điểm cất cao khúc khải hoàn ca của đất nước là thời khắc cảm xúc òa vỡ sau rất nhiều năm dồn nén, ngóng trông…
Chỉ sau 10 ngày đất nước thống nhất, NSND Trung Kiên cùng vợ nhận lệnh lên đường vào miền Nam phục vụ về văn hóa, nghệ thuật. Toàn bộ văn công vào để giải quyết tư tưởng, đời sống tinh thần cho bộ đội, nhân dân.
Đoàn của ông gồm 150 người. Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh ngày mới giải phóng, người dân bị tuyên truyền sai lệch, có những hình dung về người cộng sản rất kinh khủng. Văn nghệ sĩ miền Bắc vào biểu diễn. Dân đi xem nghệ thuật thấy vui, gần gũi và thấy cộng sản khác với những gì Mỹ ngụy tuyên truyền nên thái độ cũng thay đổi dần, chuyển từ tò mò sang nô nức, háo hức. Các nghệ sĩ, trong đó có vợ chồng NSND Trung Kiên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng con trai Quốc Trung thì phải tiếp tục xa cha mẹ.
Chia sẻ về Quốc Trung (nay là nhạc sĩ Quốc Trung), NSND Trung Kiên tự hào rằng, Quốc Trung là con trai duy nhất của ông với nghệ sĩ Thanh Nga. Vì thời chiến, bố mẹ đi liên miên phục vụ chiến trường. Mới hơn 1 tuổi, Quốc Trung đã phải thường xuyên xa cha mẹ. Vì vậy, chuyến đi của 2 vợ chồng vào miền Nam ngay khi đất nước thống nhất với Quốc Trung cũng bình thường như những thời gian trước. Vợ chồng ông còn rèn dạy con rất nghiêm khắc. Quốc Trung là con trai duy nhất nhưng phải biết làm tất cả mọi việc trong gia đình. Đến bây giờ, ông và người vợ thứ hai là NSND Thu Hà nuôi dạy cháu nội cũng theo cách ấy: Nghiêm khắc, kỷ luật nhưng đầy yêu thương. Hiện tại, người cháu nội này đã trưởng thành, chuẩn bị đi học nước ngoài. Hành trang mang theo có đến 4,5 giải thưởng âm nhạc trong nước và quốc tế.
Riêng ông và vợ, ngày nào cũng dậy từ 5h sáng, hơn 7h là có mặt tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Theo chế độ quy định, cả hai vợ chồng đã được nghỉ hưu nhưng nghĩ mình được Đảng, Nhà nước, nhân dân cho đi học, được đào tạo bài bản nên luôn xác định, nếu còn sức, còn thời gian thì phải có trách nhiệm lao động, truyền dạy kiến thức cho thế hệ trẻ.
NSND Trung Kiên khẳng định, với công tác giảng dạy, ông lao động không phải để kiếm tiền. Vì một Giáo sư, Tiến sĩ, NSND như ông hiện nay, mỗi giờ dạy ở nhạc viện cho sinh viên đại học được trả 75.000 đồng, dạy cao học thì được trả hơn 100.000 đồng. Nếu cứ so đo tính toán thì không thể làm công việc này được. Nhưng với vợ chồng ông thì khác. Giảng dạy là vì sự nghiệp giáo dục. Dạy học là cách để trả ơn cuộc đời. Nhưng đây cũng là công việc ông say đắm.
“Nếu bây giờ không được dạy, chắc tôi chết” - NSND kết thúc câu chuyện bằng câu nói vui và tiếng cười như không thể nào ông được thoải mái với mình hơn như thế…
(Nguồn: http://vnca.cand.com.vn)