Nghệ sĩ piano Lưu Hồng Quang: Dương cầm không cô đơn
Nếu ai đó từng thưởng thức tiếng đàn của Lưu Hồng Quang, ngắm nhìn Quang chìm đắm trong thế giới âm thanh của anh, mới hiểu được, thế nào là tình yêu. Một tình yêu vô điều kiện với âm nhạc.
1. Và bằng tình yêu đó, Quang đã đi rất xa trong hành trình của mình. 10 năm rời Hà Nội, khi Quang 17 tuổi, sở hữu một giải thưởng danh giá của âm nhạc cổ điển, giải đặc biệt tại cuộc thi Piano Chopin quốc tế châu Á tại Tokyo, Nhật Bản năm 2006, Quang tìm đường du học. Đó không đơn giản là một cuộc ra đi, mà là hành trình tìm chính mình, để hiểu mình có thực sự yêu âm nhạc.
10 năm là một hành trình dài của chàng trai Lưu Hồng Quang, luôn truy vấn và tự hỏi, mình là ai, mình sinh ra trên cuộc đời này để làm gì. Quang đã có lúc hồ nghi chính mình. Chính sự hồ nghi đó đã mang đến cho anh câu trả lời chân thực nhất, Quang sinh ra để dành cho âm nhạc, cho cây đàn piano. Âm nhạc phủ kín tâm hồn Quang, một thứ âm nhạc đủ đầy chiều sâu và trí tuệ chứ không chỉ bằng bản năng.
Quang nói: "10 năm học ở Úc, những thất bại nhiều hơn giải thưởng. Và tôi tự hỏi, mình có thực sự yêu âm nhạc không, có cần âm nhạc không, hay chỉ cần những hào nhoáng bên ngoài của nó". Vì thế, dù khi ở trên đỉnh của vinh quang, là giảng viên một trường danh tiếng ở Úc, Quang vẫn quyết định, dù khó khăn, trở lại làm học trò, giam mình trong phòng tập. Đến bây giờ nhìn lại, Quang vẫn cho rằng, đó là quyết định sáng suốt nhất trong cuộc đời, khi sang Canada làm học trò của NSND Đặng Thái Sơn.
Tôi cũng may mắn có nhiều dịp được gặp NSND Đặng Thái Sơn khi ông về Việt Nam biểu diễn. Và khi gặp Quang, phong thái ấy, tâm hồn ấy, nhân cách ấy, khiến tôi cảm giác giữa Quang và ông có một sự đồng cảm kỳ lạ.
Quang thú nhận: "Quãng thời gian 2 năm tôi học với NSND Đặng Thái Sơn, tôi học được ở ông nhiều thứ, không chỉ là ngón đàn mà là kinh nghiệm sống, là chiều sâu văn hóa, triết học. Tôi hiểu thực sự mình là ai, có thể hiện mình một cách chân thực nhất trong âm nhạc không hay chỉ đang diễn mà thôi".
Quang là vậy, dám đối diện với thử thách, dứt bỏ hào quang để đi đến tận cùng con đường của mình, khám phá những vỉa quặng sâu thẳm trong tâm hồn mình. Sự khổ luyện đó, Quang coi như một hành trình tu thân để đạt tới trạng thái giác ngộ, tự do và an nhiên, tự tại trước cây đàn, với nghệ thuật. Và Quang đã chạm tới những giá trị của một nghệ sĩ đích thực, khi người nghệ sĩ ấy không chỉ là một nhạc công chơi đàn, mà trong họ ẩn chứa một tâm hồn, một nhân cách.
2. Lưu Hồng Quang sinh ra trong một gia đình truyền thống âm nhạc, bố là PGS NSƯT Lưu Quang Minh, giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia. Quang vốn là cậu học trò ít nói, không thích giao tiếp. Nhưng nền nếp và định hướng gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời Quang, từ khi anh bắt đầu chạm tay tới cây đàn. Lúc đầu, không thể nói là tình yêu, vì Quang còn quá nhỏ để hiểu rằng, mình yêu hay say mê một điều gì đó.
Quang đã lớn lên với những năm tháng tuổi thơ bình yên bằng những cuốn sách gối đầu giường mà mẹ anh tặng và sự hà khắc kỷ luật của bố. Hành trang đi du học ở Úc của Quang là cuốn sách danh ngôn của những người nổi tiếng mẹ mua tặng Quang, với anh, nó như những pháo đài tâm hồn, để Quang đi tiếp hành trình của mình, không hoang mang, gục ngã trước những cám dỗ, hay sự phù phiếm của danh lợi, hào quang. Đến giờ, Quang vẫn giữ cuốn sách đó, dù nó đã cũ mòn theo thời gian.
Hai đêm Quang về Việt Nam diễn cùng Dàn nhạc Giao hưởng trong đêm nhạc Tchaikovsky. Quang chơi lại bản Concert to số 1 viết cho piano của nhà soạn nhạc lừng danh, bản nhạc anh đã từng chơi cách đây 10 năm, nhưng vẫn đầy mới mẻ và khám phá mà càng đi qua nhiều trải nghiệm mới cảm thấu được những vẻ đẹp bí ẩn của nó.
Quang nói, mỗi lần đi vào thế giới ấy là một hành trình khám phá tri thức của nhân loại. Quang coi mình là sứ giả cầm chìa khóa mở những cánh cửa tri thức vô tận đó. Âm nhạc đã đưa Quang đến những cảm xúc đa chiều của đời sống, mà ở đó, người nghệ sĩ phải có sự lịch lãm về văn hóa và tri thức mới có thể thấu nhận.
"Có những bản nhạc có nội tâm rất ghê, chơi 10 năm mới vỡ ra, bởi nó là những câu hỏi giằng co, có hai giọng nói bên trong, một quả quyết, nồng nhiệt, một mong manh dễ vỡ, đẩy chúng ta đến những biên độ tột cùng của cảm xúc, khi là những ảo tưởng về thiên đàng, có lúc chìm xuống địa ngục và từ đáy địa ngục vươn lên dữ dội.
Có những bản nhạc bị thôi thúc như có tiếng trống trong tim, day đi day lại không giải quyết được, có khi lại là những lời thầm thì lạnh lẽo như lá mùa thu mong manh, dễ vỡ, bị lay động bởi gió. Nghệ sĩ chơi đàn piano thành công nhất từ 40-60 tuổi vì họ đủ trải nghiệm và tri thức để thấu hiểu, họ nói điều muốn nói mà không bị câu nệ bởi điều gì".
Quang mong muốn có nhiều hơn những đêm diễn như thế ở Việt Nam. Tôi nhớ trong đêm kỷ niệm 60 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia, Quang cũng về Việt Nam và đêm diễn của Quang đã thực sự làm khán giả xúc động. Tôi nhìn thấy tình yêu, đam mê và sự tận hiến của người nghệ sĩ trước cây đàn.
Như con tằm rút ruột nhả tơ. Có lẽ vì thế, khi rút hết tâm can mình để biến những nốt nhạc chết lặng trên cây đàn thành nỗi buồn, niềm vui, trải nghiệm sống, thôi miên họ, hạnh phúc hay khổ đau, để khiến khán giả có thể rung động, người nghệ sĩ ấy đã dồn nén cả tâm tư của mình. Họ quá đủ đầy với thế giới mà họ đang sống.
Quang cũng vậy, hơn 10 năm một mình ở một nơi xa xôi như Úc, tự đi con đường của mình. Nhưng đó là khoảng cô đơn cần thiết của người nghệ sĩ, để nạp lại năng lượng, để tĩnh lặng và để thấu hiểu mình hơn. Tôi nói với Quang về nỗi cô đơn của người nghệ sĩ dương cầm, trước ánh đèn sân khấu. Quang cười, ánh mắt buồn lặng sau cặp kính cận.
Và không chỉ tình yêu, tôi cảm trong tiếng đàn của Quang một ý chí, một sự mạnh mẽ muốn quẫy đạp, phá bỏ mọi giới hạn. Nó khác với vẻ ngoài hiền lành của Quang. Những năm tháng một mình ở Úc, nếm trải đủ những thất bại và cũng đủ những vinh quang, đó là một hành trình không ngừng cố gắng để lưu lại một cái tên.
Để có thể góp tiếng nói nhỏ bé của mình trong dòng chảy vô tận của âm nhạc. "Sự cô đơn, một mình cho tôi hiểu, điều cần nói trong âm nhạc. NSND Đặng Thái Sơn có nói, cái gì không tốt cho trái tim sẽ tốt cho nghệ thuật".
Quang đã đi một hành trình khá dài, nhưng đối với anh mọi sự mới chỉ là bắt đầu cho hành trình gian khó của nghệ thuật. Đôi lúc Quang hoang mang tự hỏi, mình dang làm vì cái tên của mình hay vì âm nhạc, bởi nếu chỉ vì cái tên sẽ chớp nhoáng rồi cũng tan thành bọt bèo.
Quang hiểu, mình cần âm nhạc, như một chốn nương thân cho tâm hồn mình. Và tôi hiểu vì sao, Quang già dặn, sâu sắc đến thế. Bởi Quang đã yêu âm nhạc bằng sự chân thành của mình, không màu mè, hình thức. Quang nói nhiều về sự tử tế, thiện lành. Mà chẳng cần nói, chỉ gặp Quang, nhìn ánh mắt ấy, tôi hiểu, Quang là người tử tế. Đó cũng là một chân giá trị đưa nghệ sĩ lên một đẳng cấp nào đó trong xã hội, không chỉ bằng tài năng, cá tính mà bằng chính trái tim, sự tử tế của họ.
Quang thích những ngày tĩnh lặng, lang thang trên phố Hà Nội, tìm lại ký ức của mình. Nhà Quang đó, tuổi thơ Quang ở đó. Hà Nội là nơi cho Quang trở về. Bởi mong muốn của người nghệ sĩ, đi xa để được trở về.
Những dự định ở Úc, ở Malaysia, những lời mời giảng dạy khiến Quang bận rộn. Nhưng Quang chưa từ chối bất cứ lời mời nào về Việt Nam. Chúng ta nói quá nhiều đến sự chảy máu chất xám và khi trò chuyện với Quang, tôi cảm thấy thật hạnh phúc khi những tài năng bé nhỏ của Việt Nam có cơ hội được gặp Quang, làm học trò của anh. Nhưng có vẻ như con đường đó còn khá xa...
Nhưng, hạnh phúc của người nghệ sĩ là tự xây cho mình một khu vườn, khởi nguyên có thể giản đơn chỉ là một khoảnh đất bé xíu, ươm mầm những hạt giống đầu tiên. Nhưng khu vườn ấy mang dấu ấn riêng của mình. Và Quang, trong thế giới âm nhạc rộng lớn và quá nhiều những tài năng ấy, anh đã tự xây cho mình một khu vườn, bằng đam mê, bằng sự tận tụy và bằng cả tri thức. Và trong khu vườn ấy, anh không cô đơn, vì nó đã vượt qua biên giới của một quốc gia.
(Nguồn: http://antgct.cand.com.vn)