Nghe “Tiếng thơ tranh”
Nghệ sĩ đàn tranh tài danh Nguyễn Thanh Thủy không chỉ được nể phục về kỹ thuật chơi đàn điêu luyện mà còn bởi đã có nhiều năm miệt mài theo đuổi các dự án nghệ thuật nhằm đưa âm nhạc truyền thống Việt Nam ra thế giới. Tối 11-12, chị sẽ có buổi biểu diễn mang tên “Tiếng thơ tranh” tại Heritage Space (Dolphin Plaza, 28 Trần Bình, Hà Nội).
Năm 1998, Nguyễn Thanh Thủy từng đoạt giải nhất và giải diễn tấu nhạc cổ truyền hay nhất cuộc thi Tài năng trẻ đàn tranh toàn quốc. 7 năm sau đó, chị gây ấn tượng với CD “Nguyễn Thanh Thủy độc tấu đàn tranh vol 1”. Khi đó, hiếm có nghệ sĩ chơi nhạc cổ truyền phát hành nguyên một album độc tấu. Một nửa CD là các bản nhạc tài tử miền Nam, một nửa là làn điệu chèo miền Bắc rất quen thuộc, nhưng lại ít khi được nghe bằng đàn tranh.
Cố GS Trần Văn Khê từng nhận xét: “Tiếng đàn nỉ non, uyển chuyển, dìu dặt, khi khoan khi nhặt, đưa đến một không gian êm đềm, như gặp luồng gió mát trong buổi trưa hè, nếm một chén trà thơm dưới ánh trăng vằng vặc”. Ngay lập tức, Nguyễn Thanh Thủy được chú ý, không chỉ với công chúng trong nước mà cả giới âm nhạc nước ngoài. Từ đây, chị gặp gỡ và kết hợp với nhiều nghệ sĩ biểu diễn nước ngoài. Thay vì chỉ chơi nhạc cổ truyền, Thanh Thủy đã có những cách tân táo bạo. Chị nói rằng: “Những nghệ sĩ nước ngoài cho tôi thấy với piano, violon, họ có thể chơi những thể loại âm nhạc khác nhau một cách sáng tạo, kết hợp chúng với nhạc cụ điện tử. Và tôi nghĩ nhạc cụ dân tộc mình cũng vậy, cần phải được bảo tồn bằng cách phát triển nó”.
Thanh Thủy sáng tạo kỹ thuật chơi đàn tranh mới như chơi với tư thế đứng, quỳ, nghiêng..., hoặc kéo bằng cần đàn violon thay vì gảy bằng ngón tay. Chị cũng chơi được nhiều thể loại nhạc với đàn tranh như nhạc điện tử, world music, nhạc thể nghiệm… Những sản phẩm âm nhạc như “Signal in Noise” với nhóm The Six Tones gồm các nghệ sĩ thể nghiệm từ nhiều nước, hay “Ngẫu hứng tranh” cùng nghệ sĩ Đan Mạch Jakob Riis và hàng loạt dự án nghệ thuật biểu diễn được đón nhận tại nhiều nước trên thế giới cho thấy sự sáng tạo không ngừng của nghệ sĩ Nguyễn Thanh Thủy. Hiện chị là giảng viên của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, thành viên cố vấn Ban Châu Á của Đại học Goldmiths (Anh). Từ năm 2012 đến nay, chị là nghiên cứu sinh tại Học viện Âm nhạc Malmo (Thụy Điển), chuyên sâu về cử chỉ trong trình diễn âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Trở về Việt Nam lần này, Nguyễn Thanh Thủy muốn đem đến cho khán giả một cuộc gặp gỡ giữa thơ và đàn tranh, làm bật lên chất thơ trong nhạc và chất nhạc trong thơ, nét truyền thống trong đương đại. Nhân vật khách mời, đối thoại với tiếng đàn tranh của nghệ sĩ Nguyễn Thanh Thủy là giọng ngâm trữ tình của NSƯT Đoàn Thanh Bình. Hai nghệ sĩ sẽ thể hiện những làn điệu thơ cổ trên tiếng đàn tranh với lối chơi không hẳn là truyền thống nhưng vẫn giữ được thanh âm uyển chuyển, dìu dặt đặc trưng.
Nghệ sĩ Nguyễn Thanh Thủy tiết lộ, chị sẽ giới thiệu ba tác phẩm mới nhất viết cho đàn tranh cũng mang đậm chất thơ trong chương trình này. Đó là “Bài ca Thị Mầu” được chính nghệ sĩ soạn với sự kết hợp giữa đàn tranh, giọng đọc và băng ghi âm. Tác phẩm tiếp theo mang tên “Kẻ sầu viễn xứ thổ lộ về nụ hồng trong tim” do nhà soạn nhạc người Mỹ Bill Brooks viết riêng cho nghệ sĩ Thanh Thủy với phần lời Việt được dịch bởi Tiêu Dao, và tác phẩm “Uống rượu” của nhạc sĩ Henrik Frisk người Thụy Điển.
Những nỗ lực và sáng tạo của nghệ sĩ Nguyễn Thanh Thủy nhiều năm qua đã đem đến một cách nhìn mới về cây đàn tranh - có khả năng hòa nhập, phát triển theo dòng chảy âm nhạc thế giới. Đêm nhạc tới đây, công chúng Việt Nam sẽ thấy rõ hơn về điều đó.
(Nguồn: http://hanoimoi.com.vn)