Câu hò bên bờ Hiền Lương trên sân khấu nước ngoài
...Tôi đứng đó… giữa những sân khấu ngoài trời, ánh đèn pha rọi sáng, dưới kia là biển người tít tắp: họ là da vàng, da trắng, da đen? Tôi không còn biết… Dàn nhạc tấu khúc dạo đầu… Tôi đứng đó, lòng se lại, nôn nao nhớ về một miền đất, nơi con sông Thạch Hãn chảy qua làng đổ về Cửa Việt, sóng vỗ rì rầm càng rõ về đêm, tiếng thuyền chài gõ lưới dọc triền sông, tiếng hò mênh mông trên sóng nước…
Tôi đứng đó như đã bao lần bên bến Hiền Lương, nhìn về bờ Nam đăm đắm; ngọn cây thông làng tôi nhìn còn rõ mà sao chân không qua nổi mấy nhịp cầu?! Bên kia là mái ấm tổ tiên với bao nhiêu kỉ niệm êm đềm tuổi thơ ấu, mỗi sáng cha bế tôi đặt lên đùi, ngâm thơ, uống nước chè; mẹ đi chợ về với miếng quà tấm bánh. Những ngày tung tẩy tới trường, những buổi chui rào lẻn về với ngoại. Mùa hè lên hói hái móc, sim, uống nước giếng chùa. Đêm đêm tụ tập trước gò ngắm trăng sao, nghe các anh chị bàn chuyện mộng mơ cho tới khi sương lạnh…
Nơi miền đất ấy, cha mẹ, các em đã hàng chục năm trời xa cách.
Lida, cô gái Mỹ, đã tâm sự với tôi trong lần gặp mặt ở Đại hội Thanh niên Sinh viên Thế giới tại Helsinki: “Mới có mấy ngày xa mẹ mà mình nhớ mẹ quá!”. Tôi bùi ngùi: “Đã mười hai năm mình chưa gặp lại mẹ…”
Cả đoàn Mỹ đã rưng rưng,có bạn nấc lên thành tiếng khi nghe tôi hát Câu hò bên bờ Hiền Lương. Họ hô lớn: “Việt Nam phải tự do; Việt Nam phải thống nhất”.
“Xa xa một đàn chim, so mây giang cánh lưng trời
Hỡi cánh chim hãy dừng cho ta gửi tới phương xa vời”.
Những bó hoa, những dòng nước mắt, những vòng tay ôm, những hoan hô cổ vũ.
Ôi! Quê hương – Mẹ hiền. Dù gió mưa có đổi phai màu thì làn gió nhẹ từ sóng biển cũng khiến lòng tôi xốn xang, cho tiếng hát tôi mãi mãi đượm vị mặn nồng…
(Trích hồi ký NSUT Tân Nhân. Nguồn: nhà văn Châu La Việt)