Trích tự truyện của nghệ sĩ Ái Vân: Chồng giả chồng thật
Kiếm chồng giả khó hơn chồng thật
Chị Thảo, quản lý của Trung tâm Thúy Nga, nói: “Chết rồi, gay quá rồi, chắc phải nhờ người có quốc tịch làm giấy tờ bảo lãnh cho em”. Rồi chị bắn tin: “Có ai sẵn lòng làm giấy tờ cứu cho em tôi được ở lại đây không?”.
Ái Vân bên người chồng thứ 3 và các con
Có một số ứng cử viên “hy sinh đời giai” để cứu Ái Vân. Một vài người là thân hữu của Thúy Nga, số còn lại là cộng tác viên của Thúy Nga ở Mỹ, Canada, Pháp… Tôi loay hoay không biết chọn ai. Kiếm một ông chồng giả có khi còn khó hơn kiếm một ông chồng thật, người đó phải đủ tin cậy làm đúng một ông chồng giả chứ không được lộng giả thành thật, đấy là chuyện nói dễ làm khó.
Lúc này tôi đang ở nhà anh Cát, là du học sinh từ Huế đi trước 1975. Anh đang làm assistant (kỹ sư nghiên cứu và phụ tá giảng dạy) đồng thời làm luận án tiến sĩ tại Đại học Bochum (Tây Berlin). Từ ngày tôi sang Đức, anh Cát vừa là bạn, vừa lái xe vừa là người đại diện của tôi về nghệ thuật vì anh thông thạo cả tiếng Anh lẫn tiếng Đức. Với cái xe hơi cũ kỹ màu xanh da trời rất là nhà quê, hằng tháng anh chở tôi sang Dresden thăm Ái Thanh, Ngọc Thanh và tổ chức ăn uống vui vẻ, có khi anh lại sang Dresden đón Ái Thanh và các bạn về Tây Berlin thăm tôi. Tôi tin tưởng anh và chúng tôi đối với nhau như hai anh em trong nhà vậy. Khi tính tới việc kiếm chồng giả, tôi cũng bàn với anh, không thấy anh nói gì, chỉ “Ok ok, rứa rứa ừ ừ”.
Anh Lê Văn Cát giữa các bạn bè tại Berlin năm 1990
Trong số “ứng cử viên chồng giả” tôi chọn anh Lê Hiệp, người mà năm 1980 tại chợ Hôm đã rủ tôi vượt biên. Anh Lê Hiệp rất nhiệt tình, bảo sẵn sàng làm giấy tờ hôn thú với tôi. Tôi tin cậy Lê Hiệp vì anh chơi thân với anh Hà Quang Sơn nên cũng thân thiết luôn với gia đình tôi. Lê Hiệp gọi điện cho tôi, nói: “Một tuần nữa anh sẽ bay sang làm giấy tờ cho em”. Tôi khoe việc này, anh Cát bỗng nhiên có ý kiến. Anh nói: “Đằng nào cũng làm giấy tờ giả sao không làm với anh luôn? Em đang ở Đức cưới một ông Đức chẳng tiện sao? Đi cưới một ông Mỹ lại phải liên lụy bao nhiêu giấy tờ khác”. Tôi cười: “Em đâu biết anh muốn làm chồng giả của em”.
Tôi vui vẻ nói với anh Cát: “Rồi nhé. Em sẽ làm giấy tờ với anh. Nhưng với hai điều kiện. Một là dù cưới nhau nhưng em chỉ làm em gái của anh thôi đấy. Hai là khi “em gái” có người thương thì “anh trai” phải khẩn trương làm giấy tờ ly dị, ok?”. Anh Cát vui vẻ đồng ý. Vài hôm sau anh Cát và tôi dắt nhau ra tòa thị chính. Có hai người bạn thân, cũng là dân du học với anh, làm chứng. Xong giấy tờ tôi không còn lo bị đuổi về mà toàn tâm toàn ý vào việc ca hát.
Gặp người tri kỷ
Tôi có cô con gái nuôi tên Hằng ở Munchen. Hằng là vận động viên điền kinh quốc gia đã từng giành huy chương vàng SEA Games năm 1988 chạy cự ly 100 m. Năm 1989 sang Đức tập huấn vừa lúc Bức tường Berlin đổ, Hằng chạy sang Tây Đức và ở Munchen luôn từ đó. Hằng và tôi vẫn thường liên lạc với nhau qua điện thoại. Một hôm trong lúc nói chuyện với Hằng, tôi ngỏ ý muốn tập lái xe. Hằng bảo: “Con biết một chú có thể giúp mẹ được, nhưng mẹ phải về Munchen”.
Hôm tôi về Munchen, nghe bạn bè ở đấy giới thiệu, có tay này hay lắm, nào là doanh nhân thành công, nào là hát hay lắm, nào là giai tơ... Tôi chỉ cười cười không nói gì. Bây giờ còn mơ “giai tơ” có buồn cười không? Một lần, Hằng gọi điện và cho tôi nói chuyện trực tiếp qua điện thoại với “thầy giáo” tương lai. Hóa ra đó chính là người mà bạn bè giới thiệu. Hằng bảo: “Chú ấy đang buồn lắm vì vừa chia tay cô hôn thê. Hai người đính hôn rồi cô ấy đi Mỹ học... hai người chia tay nhau”.
Khi biết tôi muốn nhờ chàng dạy lái xe, chàng đồng ý ngay. Lần đầu gặp, thấy chàng thật hiền, ít nói. Chàng có mái tóc hơi bồng bềnh và đôi mắt thông minh ẩn sau cặp kính cận. Tôi chỉ biết chàng đang làm Giám đốc kỹ thuật của SPEA, một hãng chuyên về IT do chàng đồng sáng lập. Những ngày sau đó anh Huệ, bạn thân của chàng, tổ chức hôm thì đến nhà ăn cơm, khi thì kéo nhau đi nghe nhạc jazz ở Schlachthof Munchen, dường như có ý vun hai đứa lại với nhau.
Một bữa cơm tối, khi đã đủ tin cậy và quyến luyến, được chàng hỏi han và khuyến khích, tôi đã kể với chàng về quãng đời đã qua, hoàn cảnh hiện tại, về nỗi nhớ nhà, nhớ con... Trong câu chuyện nhiều lúc tôi không thể nén được cảm xúc, cứ khóc. Chàng lặng đi không nói, chỉ nhẹ nhàng áp bàn tay lên tay tôi, giọng thật ấm áp: “Đừng buồn, bây giờ em đã có anh, mình sẽ cùng chia sẻ với nhau tất cả, em nhé”. Chỉ một câu ngắn ngủi thế thôi, tôi xúc động nhận ra đây chính là người mình muốn tìm. Ơn trời lần này tôi đã không lầm.
Tôi khoe với anh Cát: “Em sắp có chồng thật rồi”. Anh trợn mắt: “Thật không?”. Tôi kể về chàng, hóa ra hai người cũng là chỗ quen biết, cùng là dân du học với nhau. Anh Cát chúc mừng tôi, còn nói thêm: “Chàng của em gốc Quảng Trị, là con trai của kiến trúc sư Nguyễn Thụy, một trong hai người thiết kế Dinh Độc Lập, dân du học đi từ Sài Gòn năm 1968. Ghê lắm đó”. Việc ly dị với anh Cát diễn ra suôn sẻ.
Ít lâu sau, chúng tôi làm đám cưới. Hôm cưới, cảm động nhất là tuy ở bên Đức có một mình, nhưng cuối cùng tôi cũng có hẳn một đoàn đại diện nhà gái, đó là chị Thúy của Trung tâm Thúy Nga với một vài người bạn ở Pháp sang, vợ chồng anh Thành - Thảo ở Munchen, Giàu, Bích ở Berlin cũng về. Điều đó khiến tôi được an ủi rất nhiều.