Ngọc Tân – giọng ca vàng một thuở
Ngọc Tân có nhiều người bạn mến mộ. Những người đó vừa là fan hâm mộ, vừa là người sẻ chia với anh những khó khăn thành bại trong đời. Rồi vào 1 ngày, người ca sĩ thuộc “thế hệ vàng” của Hà Nội, đã nhẹ gót trần ai bởi bệnh hiểm nghèo để về cõi vĩnh hằng...
Hồi nhỏ tôi học nhạc qua chiếc loa truyền thanh gắn ở trên tường. Chiếc loa có trong mỗi nhà, và hầu như là kênh thông tin duy nhất thời bấy giờ. Cứ sau các bản tin thời sự, thời tiết là đến chương trình văn nghệ. Một tuần ba buổi trong văn nghệ có dạy ký xướng âm. Ngọc Tân một dạo đảm trách chương trình này. “…Rê móc đơn, mi móc đơn, fa nốt đen gạch nhịp… đồ, mi, fa, sol hai móc kép gạch nhịp…”. Anh đọc cho thính giả chép. Xong nhạc, đến lời. Hướng dẫn cẩn thận để những người mới học cũng có thể viết lời dưới mỗi note không sai. Hết bài, anh hát mẫu.
Hồi đó, nghèo, nhưng con người giàu năng lượng sống, ai cũng lãng mạn và mơ mộng. Tôi mơ một ngày gặp được người có giọng nói ấm và hát rất hay đó, nhưng phải đến 15 năm sau tôi mới có dịp...
Không chỉ là thần tượng của tôi, thiếu nữ tuổi mười sáu mà của nhiều người, nhất là dạo anh nổi tiếng với Chiều trên bến cảng (Nguyễn Đức Toàn), Con kênh ta đào (Phạm Tuyên) song ca với Thanh Hoa. Nhờ tiếng hát ấy mà anh được cử đi và đoạt Giải đặc biệt Cuộc thi nhạc nhẹ Con người và biển cả diễn ra tại Cộng hòa Dân chủ Đức năm 1979. Thế rồi, ở Đức, những người hâm mộ đã hứa hẹn với anh một tương lai... Vào một ngày, một suy tính bồng bột nhất thời đã đưa Ngọc Tân đến một sai lầm: anh cùng cả gia đình góp tiền, xuống tàu, ra biển...
Hồi đó, nước ta còn nghèo, việc xếp lại học hành hay những mơ mộng viển vông để ra nước ngoài được nhiều người nghĩ đến, nhưng khác với Ngọc Tân, nhiều người đi theo con đường hợp tác lao động giữa chính phủ ta và các nước xã hội chủ nghĩa. Tôi cũng sang châu Âu sau một năm theo cách đó. Tôi không biết tin gì về Ngọc Tân. Hành trang mang theo là những chiếc băng casset, với nhạc Trịnh Công Sơn, Trần Long Ẩn (hồi đó ngoài Bắc các phòng thu cá nhân còn chưa có)…
5 năm sau, tôi trở lại Việt Nam, ngày xuống Hải Phòng nhận hàng gửi tàu biển, trong lúc chờ đợi, thấy Nhà hát Tháng 8 có chương trình ca nhạc có tên Ngọc Tân và Thanh Hoa nên tôi đã mua vé vào xem. Lúc này tôi đã hơn ba mươi tuổi. Diện bộ cánh mới rất bảnh, tôi tự tin vào hẳn phía sau sân khấu, nơi sau khi các diễn viên hát xong vào nghỉ. Phòng nghỉ đó, bốn bề gắn gương. Tự tin thế nhưng khi Ngọc Tân bước vào tôi vẫn không dám, không muốn… làm quen trước. Tôi ngồi nói chuyện với Thanh Hoa, người vừa hát rất hay bài Hoa sữa của Hồng Đăng.
Nhưng, bỗng tôi phát hiện qua gương, ánh mắt của Ngọc Tân nhìn tôi sau lưng rất chăm chú. Tim đập rộn ràng, cử chỉ luống cuống. Sau này, anh bảo, anh cũng nhận ra ở tôi, qua gương điều ấy. Sau đó, người bạn đi cùng của tôi đã mời Ngọc Tân cùng đi ăn tối. Bữa ăn ở tầng hầm Hải quân, chả biết uống gì, uống bao nhiêu mà đến gần sáng chúng tôi mới đứng lên.
Hôm sau đến hẹn, tôi phải đi cảng lấy hàng. Ngọc Tân bảo anh có quen nhiều người làm ở Hải quan, anh sẽ giúp cho tôi không phải chờ đợi lâu, không bị soi xét (ngày đó bất cứ hàng gì dù mua hợp pháp ở nước ngoài về cũng vẫn có thể bị tịch thu), tôi mừng quá. Tôi và anh thân nhau từ đó.
Anh ở trong Nam, tôi ở Hà Nội. Chúng tôi đều có gia đình. Anh mới lấy vợ. Vợ trước của anh mất hồi anh vượt biển, chị tên là Hà, nhà ở ngõ chợ Khâm Thiên, trước đó chị từng làm ở Bệnh viện Đống Đa. Anh có số lấy vợ đẹp. Người vợ sau cũng rất xinh, kém anh gần 10 tuổi. Hai đứa con với 2 người, đứa nào cũng xinh trai đẹp gái vào hàng nam vương, hoa hậu.
Thân nhau, tôi thân luôn với vợ con anh. Chúng tôi tôn trọng cuộc sống riêng của nhau. Nhưng, hễ có dịp ra Hà Nội là gặp nhau, không uống được rượu thì bún riêu, sắn luộc, chè chén vỉa hè. Trong số đó có 2 danh ca Lê Dung,Thanh Hoa và nhà báo Vũ Mạnh Cường, Nguyễn Thụy Kha, Đỗ Quang Hạnh, vợ chồng ca sĩ Đức Bình. Hễ tôi vào thành phố Hồ Chí Minh tôi cũng đến thăm vợ chồng anh ở khu chung cư Nguyễn Thị Minh Khai sau khi thăm vợ chồng anh Trần Tiến ở gần Bệnh viện Từ Dũ...
Vũ Mạnh Cường, lúc đó đang làm ở Đại sứ quán Nga, chưa làm ở Báo Lao động. Người Nga ở Hà Nội rất thích nghe Lê Dung hát. Thế là họ mời Lê Dung làm một recitan. Lần đầu tiên khái niệm recitan (đêm nhạc cá nhân) ở Hà Nội được nhắc đến.
Đêm diễn của Lê Dung tràn ngập tiếng vỗ tay, thành công trên mức tưởng tượng. Ngọc Tân cũng muốn làm recitan riêng như vậy, nhưng tiền không có. Tôi bảo tôi sẽ vay hộ. Anh mừng lắm, nói vay hộ anh, chúng ta cùng làm, lỗ lãi gì anh cũng trả em, Cường và Thụy Kha theo cát xê, vốn vay thì làm xong anh sẽ trả hết. Thế rồi, chỉ sau một chương trình, Ngọc Tân đã không còn phải vay ai nữa. Cứ Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh, mỗi chương trình 5 ngày liền, vé bán không còn một tấm…
Trước đó mấy năm, trong một buổi chiều, sau khi cùng Trần Tiến và tôi làm chương trình bài hát sinh đẻ có kế hoạch, Trần Tiến đã đi nhậu cùng mấy nhà thơ trẻ, tôi và Ngọc Tân ngồi uống cà phê ở phố Trần Nhân Tông. (Ngọc Tân rất nghiện cà phê), anh đã kể về mình: “Quê gốc Thanh Hóa, sinh ra ở Hà Nội, cha có nghề sửa đồng hồ, nhà ở phố Huế, mẹ hát trong ca đoàn nhà thờ Hàm Long, được mẹ tập hát từ nhỏ và năng khiếu bẩm sinh nữa khiến anh mê ca hát. Đời anh có thể sẽ mãi mãi là thợ sửa đồng hồ, nếu đồng hồ của anh Trần Khánh không hỏng. Anh Khánh đến chữa. Nhận ra Trần Khánh, anh không lấy tiền.
Anh kể với anh Trần Khánh anh mê hát lắm, anh Khánh bảo đó là con đường khổ ải, nhưng mà vui. Hát thử nếu được thì sẽ giới thiệu. Từ đó anh vào Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Hơn mười năm anh chỉ được hát đồng ca và lặng lẽ làm nhiệm vụ dạy hát trên làn sóng đài phát thanh thôi... Sau mới được hát với Thanh Hoa đấy”.
Ngọc Tân say sưa kể, cốc cà phê còn nguyên, nhưng hết 2 bao thuốc lá. Giọng nói của anh trùng xuống khi kể đến đoạn: “… anh đã sai lầm… anh đã chệch một nhịp… thuyền đi trong đêm để tránh kiểm tra của Hải quan, ra đến gần phao số 0 gặp bão. Thuyền bị bão đánh tan nát ở gần biển Hà Tĩnh. Chới với ngoài khơi, của cải mất hết, nhờ bơi giỏi nên mới tìm được vợ con. Đưa được vợ con vào bờ, cứu sống được con trai mà không cứu được vợ. Anh không muốn sống, nhưng thấy con đang đói, anh phải gượng dậy.
Người Hà Tĩnh rất tốt, họ cũng đói nghèo lắm nhưng đã giúp cho bố con anh ăn bữa đầu tiên. Còn chưa biết làm thế nào để chôn cất vợ thì một ông bảo, hãy vào trong làng bán chiếc đồng hồ đeo ở tay kia để đổi lấy áo ván. Hồi đó, đồng hồ Thủy quân lục chiến rất có giá, vật duy nhất còn lại trên người, anh cởi ra khỏi tay đổi ván… Sau đó anh và con trai quay lại Hải Phòng, trên một chiếc xe “nhập kho” Trần Phú. Con được đưa về bên ngoại.
Ở đây, quản giáo họ cũng rất tốt với anh… Ra khỏi nhà tù, anh tưởng đời mình thế là hết. Anh còn sống lông bông nhờ vả bạn bè một dạo, thì gặp nhạc sĩ Trần Hoàn, ông viết cho cái thư vào Đoàn Bông Sen… Về Bông Sen anh còn được phân nhà tập thể. Nhưng, tình hình văn nghệ hồi đó cũng khó khăn như kinh tế vậy, anh phải đổi tên mới được lên sân khấu, mà cũng ít lên lắm, nên anh còn đi buôn xe máy…”.
Một số album nhạc của ca sĩ Ngọc Tân.
Trước đó và sau này, Ngọc Tân còn có nhiều người bạn mến mộ nữa. Những người đó vừa là fan hâm mộ, vừa là người sẻ chia với anh những khó khăn thành bại trong đời. Có những người giúp anh rất nhiều nhưng lặng lẽ. Có những người bỏ tiền riêng ra mua vé cho cả cơ quan đi xem. Lại có người một mình đêm nào cũng đến nhà hát, lên sân khấu tặng hoa, rồi khi tan rạp, lặng lẽ nhìn theo Ngọc Tân lên xe cùng với vợ con, cho đến khi xe đi khuất mới ra về. Là người trong êkip tổ chức, tôi cũng ra về sau cùng.
Chứng kiến những điều đó, tôi kể lại cho Ngọc Tân nghe, anh xúc động lắm: “Anh đã sai lầm một vài lần rồi, khổ cũng đã chịu rồi, nhưng không nỡ làm ai khổ vì mình nữa. Đành âm thầm cảm ơn tất cả thôi... Nhưng, em đừng có nhìn gà hóa cuốc, rồi suy diễn mà lầm, họ yêu âm nhạc chứ chắc gì đã yêu anh?...”. Chuyện ấy không bàn được, tình cảm là chuyện riêng mỗi người. Ngọc Tân không chỉ được phụ nữ quý mến mà nhiều cặp vợ chồng, nhiều gia đình cũng là “bồ” ruột của anh.
Trong sự nghiệp, Ngọc Tân là người luôn khắt khe với chính mình. Anh thường trách tôi, không phát hiện kịp những sáng tác mới báo cho anh biết. Anh muốn là người đầu tiên “khai phá” tác phẩm. Những bài hát đã từng thành công rồi cứ để đó, cần phải có thêm nhiều khám phá mới.
Kể từ Chiều trên bến cảng và Con kênh ta đào anh đã hát thêm nhiều bài khác, vô cùng thành công. Chỉ kể một vài trong số đó: Ngẫu hứng sông Hồng (Trần Tiến), Tìm tên anh trên bờ cát (Duy Thái), Biển của một thời (Phú Quang), Chảy đi sông ơi (Phó Đức Phương), Hà Nội và tôi (Lê Vinh), Hà Nội đêm trở gió (Trọng Đài - Chu Lai), Truyền thuyết Hồ Gươm (Hoàng Phúc Thắng), Anh sẽ đến (Lương Hải)…
Tình bạn cứ ấm nồng như thế. Nhưng khi anh mắc bệnh ung thư gan, rồi nằm xạ trị ở TP Hồ Chí Minh, anh chỉ cho một vài người gặp, còn với tất cả anh bảo anh không có bệnh. Tôi đoán những người anh cho biết sự thật về bệnh, cho gặp trong bệnh viện là những người anh thân quý hơn cả. Trong số đó không có tôi. Tôi buồn nhưng không thể trách.
Thế rồi, không ngờ ngày 6-9-2004, 11h36 tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) người ca sĩ thuộc “thế hệ vàng” của Hà Nội, đã nhẹ gót trần ai để về cõi vĩnh hằng... Theo nguyện vọng của anh, linh cữu được chuyển ra Hà Nội, làm phép tại nhà thờ Hàm Long và cử hành tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông Hà Nội. Giống như số phận, ngày đó tôi ở cách xa Hà Nội nửa vòng trái đất.
(Nguồn: http://antgct.cand.com.vn)