Ca sĩ Ái Vân và bài hát Hãy đến với em

22/03/2016

Nhận xét về cuộc đời Ái Vân, nhà báo Đinh Thu Hiền, người chắp bút ghi lại hồi ký của nữ ca sĩ, đã nhận xét: “Chị là điển hình của điển hình thân phận người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, nhưng đã bị những xô đẩy của thời cuộc, của môtíp “trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” vùi dập.

Cho đến tận thời khắc hiện tại, có lẽ trong tâm hồn sâu thẳm của người nghệ sĩ, hạnh phúc vẫn là điều thật khó nắm bắt”.

Ít ai biết 28 năm trước đó, ca khúc “Hãy đến với em” nhạc sĩ Duy Thái viết tặng Ái Vân đã “tiên tri” tình duyên lận đận ba đời chồng như thế: “Hãy đến với em dù chỉ một lần nữa thôi. Hãy đến với em, trong nỗi cô đơn, trên con đường về lạnh lẽo đầy sương…”.

Ngày bài hát ra đời, nữ ca sĩ được đánh giá “tài sắc trời đất hờn ghen” khi ấy mới 31 tuổi.

Nhạc sĩ Nguyễn Duy Thái (SN 1954, ngụ phố Kỳ Đồng, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng, tác giả của nhiều bản tình ca nổi tiếng như “Lời của gió”, “Tìm tên anh trên bờ cát”) cùng tuổi, quen biết Ái Vân từ thời sinh viên. Chiều lãng đãng sương mờ, ông cười không trả lời khi được hỏi ngày xưa có phải vì yêu mà lặng lẽ viết tặng Ái Vân ca khúc “Hãy đến với em”.

Bản nhạc “lưu lạc”

Câu chuyện của Duy Thái giản dị như những bản tình ca nhẹ nhàng, sâu lắng, tiếc nuối vu vơ ông sáng tác. Gần 40 năm trước, chàng nhạc sĩ trẻ là sinh viên trường sân khấu, cô gái Ái Vân theo học trường nhạc đối diện. Qua bạn bè giới thiệu, hai người trở thành bạn.


Nhạc sĩ Duy Thái

Tuổi quá lục tuần, ông cho hay vẫn giữ nguyên sự ngưỡng mộ tài sắc của nữ danh ca từ thời ngồi ghế giảng đường.

Ca khúc “Tình yêu đầu tiên” đánh dấu sự hợp tác đầu tiên của nữ ca sĩ với chàng nhạc sĩ. Thấy cô gái tâm đắc ngỏ lời “Có bài nào hay, hợp giọng, anh viết tặng em”, Duy Thái chỉ cười cười gật đầu. Lời nói tưởng như bâng quơ ấy có thể Ái Vân đã quên, chàng nhạc sĩ 31 năm sau vẫn nhớ.

Lời nói “bâng quơ” ấy là nguồn cảm hứng để Duy Thái viết “Hãy đến với em”. Nhiều năm sau đó, ca khúc ra đời năm 1985. Ái Vân không biết bài hát được viết tặng riêng mình. Bản nhạc được ông gửi về địa chỉ Ái Vân, nhưng không đến tay người nhận. Vì lý do nào đó bản nhạc “lưu lạc”, rồi ai đó trong Đoàn Ca múa nhạc Trung ương mở xem.

Ái Vân cũng không phải là người đầu tiên thể hiện ca khúc này. “Hãy đến với em” được tiếng hát của Hồng Nhung, Thanh Lam cất lên đầu tiên. Rồi sau đó đến lượt Thùy Dung, Nghệ sĩ Ưu tú Quang Thọ, Khánh Linh, Thu Phương thể hiện lại. Ái Vân mãi sau này mới có lần thể hiện bài hát. Trả lời báo chí, cô nói “thấy hình bóng, tâm sự của mình trong đó”.

Khi bài hát nổi danh, Duy Thái mới công khai trước công chúng rằng dành tặng bài hát cho Ái Vân. “Lúc đầu sợ bài hát không nổi tiếng nên không dám nói”, ông cười.

Đến bây giờ có lẽ ông mới giải thích thật lý do chậm trễ công bố ai là người được tặng bài hát. Năm 1985 Ái Vân đã nổi danh trên sân khấu, ông chỉ là một nhạc sĩ, mà nhạc sĩ tài hoa cỡ nào, cũng khó có thể nổi tiếng như người hát. Sợ dư luận nghĩ “thấy người sang bắt quàng làm họ”, nhiều năm ông chưa dám công bố ai là người được tặng món quà này. Ông phải đợi đến khi ca khúc chứng tỏ có sức sống mới dám công bố, để ít nhất cho mọi người hiểu đó là một món quà “tương đối xứng tầm”.


Ca sĩ Ái Vân

Đồng cảm số phận

Lại hỏi phải chăng ông yêu đơn phương Ái Vân, Duy Thái phủ nhận. Ông giải thích “chưa từng dám nghĩ đến chuyện yêu Ái Vân, đó chỉ là sự đồng cảm số phận”.

31 năm sau ngày sáng tác, chính “cha đẻ” ca khúc nhận xét sự thành công của bài hát nếu có, là nhờ tính chân thực, nhờ chữ tình lắng đọng. Quá trình viết ca khúc, Duy Thái đã âm thầm tìm hiểu quá khứ, hiện tại của nữ ca sĩ mình mến mộ.

Trong ký ức của Duy Thái quãng thời gian viết “Hãy đến với em”, Ái Vân là người: “Ở thời đỉnh cao sự nghiệp, cô được mọi người yêu mến, nam thanh nữ tú đều mang theo tấm ảnh Ái Vân bên mình. Trên sân khấu thành công, nhưng khi bức màn nhung hạ xuống, trở về cuộc sống đời thường, Ái Vân lại gặp nhiều trắc trở”. Vì thế ông mới viết “Và một mình em giữa cô đơn. Trong tim em từng cơn mưa lá rơi”.


Ái Vân (trái) đã chứng tỏ tài năng ca hát từ khi còn nhỏ

Hơn ba thập kỷ đã qua, Duy Thái chiêm nghiệm cuộc đời người bạn cũ là hai mảng đối lập. Nếu Ái Vân tài hoa, xinh đẹp, hào nhoáng trước ánh hào quang sân khẫu chừng nào; thì cuộc đời thực của nữ ca sĩ lại khổ đau bấy nhiêu.

Duy Thái kể, qua ca từ bài hát, ông muốn tin rằng cuộc đời ai cũng những lúc thăng trầm, nhưng cuối cùng cũng sẽ quay về với chữ “tình”. Và vì thế người con gái trong bài hát mới luôn khát khao khắc khoải: “Trong trái tim em, tình yêu vẫn cháy. Hãy đến với em bằng lời ca anh hát, bằng lời ca anh hát yêu em”.

Thông điệp của bài hát, theo tác giả, là dẫu cuộc đời này thời gian trôi đi rất nhanh trong nỗi mừng vui hay nỗi buồn, thì người ta vẫn ánh lên trong trái tim là tình yêu, niềm khát vọng hạnh phúc. Điều này được thể hiện ở điệp khúc “Hãy đến với em dù chỉ một lần nữa”. Đó là sự níu gọi trong nỗi buồn, sự hẫng hụt khi suy ngẫm thân phận, tình duyên.

Hơn ba thập kỷ đã qua, nhạc sĩ và người được tặng món quà đặc biệt có khi nào gặp lại, có khi nào cùng nói về ca khúc đặc biệt? Duy Thái không trả lời cụ thể. Ông chỉ nói Ái Vân có lẽ biết ơn tình cảm của ông gửi qua ca khúc. nhưng nữ ca sĩ ít khi biểu lộ. Nhưng cuộc đời này đâu phải nói khi đã “tri âm tri kỷ”, khi đã đồng cảm số phận, khi lời ca đã cất lên thay tiếng lòng.

Ái Vân sinh năm 1954 trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật ở phố Huế, Hà Nội. Mẹ là nghệ sĩ Ái Liên, bố là Hà Quang Định, chủ hãng Việt Film (Hãng phim tư nhân đầu tiên tại Việt Nam).

 

Từ năm 1969 đến năm 1978 Ái Vân học nhạc tại Nhạc viện Hà Nội rồi tham gia công tác tại Đoàn Ca múa nhạc nhẹ Trung ương. Năm 1990 Ái Vân được cử sang Cộng hòa Dân chủ Đức học, cô đã quyết định ở lại. Theo nghệ sĩ Mạnh Hà, nguyên giám đốc Đoàn Ca múa thì Ái Vân xin ở lại vì hoàn cảnh riêng chứ không phải vì rời bỏ quê hương. Ái Vân chỉ ly dị sau khi đã sang Đông Đức và cô ở lại cũng theo xu hướng thời đó khi Bức tường Berlin sụp đổ chứ không phải vì có chuẩn bị từ trước. Tới năm 1994, Ái Vân chuyển từ Đức sang Hoa Kỳ sinh sống và biểu diễn. Đến năm 2002 cô mới quay trở lại Việt Nam biểu diễn ở quê nhà tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội.

 

Được xem như một trong những ca sĩ nhạc nhẹ đầu tiên của Hà Nội, tên tuổi của Ái Vân gắn liền với nhiều ca khúc nhạc nhẹ như Triệu bông hồng hay Bài ca xây dựng, ca khúc đã đem lại cho Ái Vân Giải thưởng lớn tại Liên hoan Âm nhạc quốc tế Dresden, giải thưởng nhạc nhẹ đầu tiên trên trường quốc tế của Việt Nam.

 

Ngoài sự nghiệp ca hát, Ái Vân còn tham gia một số bộ phim của Điện ảnh Việt Nam là vai chính trong Chị Nhung và hai vai phụ trong Chú rể đi đâu, Bản danh sách mật. Tuy nhiên, theo cô thì do không tìm được vai diễn phù hợp và lại được đào tạo bài bản về âm nhạc nên Ái Vân quyết định đi theo con đường này.

 

Trong thời gian ở Việt Nam, Ái Vân đã hai lần lập gia đình với nghệ sĩ kịch câm Đặng Dũng và sau đó là nghệ sĩ Trần Bình vào năm 1982. Cô ly hôn Trần Bình sau khi đã sang Đức năm 1990. Sau khi sang Hoa Kỳ, Ái Vân lập gia đình lần thứ ba với một kỹ sư tin học. Cô có với Trần Bình một con trai và có với người chồng hiện tại một con gái.

(Nguồn: http://baophapluat.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...