Chuyện kể về NSND Quốc Hương

18/12/2015

ười nghệ sĩ ấy có một giong hát cao vút trong vắt và sâu lắng đén mức sau 25 năm ông đi xa rồi mà tiếng ca với những ca khúc bất hủ “Tiểu đoàn 307”, “Du kích Long Phú”, “Tình ca”, “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”, “Những ánh sao đêm”, “Hà Tây quê lụa”… vẫn còn ngân vang trong lòng người yêu âm nhạc Việt Nam. Đó chính là nhạc sĩ, ca sĩ, NSND Quốc Hương, một nghệ sĩ lớn của đất nước thế kỷ XX.


Nghệ sĩ Quốc Hương

Sinh năm Thân 1920 tại làng Kiến Thái, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, Quốc Hương đã có một tuổi thơ dịu dàng trên đất Bắc. Nhưng rồi không biết duyên cơ nào mà mới 17 tuổi, vừa qua thời niên thiếu, ông bắt đầu quãng đời lưu lạc của mình. Lúc đầu là miền Trung dằng dặc, rồi một ngày bỗng trôi dạt vô tận Sài Gòn. Từng lao động cật lực để mưu sinh bằng nghề khuân vác, thợ đầu máy hoả xa. Tại Sài Gòn, khi vừa tuổi đôi mươi, Quốc Hương đã bắt gặp phong trào xuống đường của thanh niên trí thức miền Nam đòi độc lập, tự do. Quốc Hương sắn có tài sản quý giá nhất là giọng hát và ông là một trong những ngươì đầu tiên hát Tiếng gọi Thanh niên của Lưu Hữu Phước. Đó là lần ông biểu diễn ở rạp Lê Văn Hảo năm 1944. 


Hà Tây quê lụa - (Nhật Lai) - Quốc Hương

Cách mạng tháng Tám bùng nổ, ông tham gia phong trào ca hát của Ban tuyên truyền Sài Gòn - Chợ Lớn. Nam Bộ kháng chiến, Quốc Hương vào Vệ quốc đoàn, tham gia chiến đấu và ca hát trên các chiến trường Khu VII, Khu VIII, Khu IX. Tiếng hát Quốc Hương bắt đầu nổi lên sau khi ông hát Tiểu đoàn 307, bài ca là cuộc kỳ ngộ của ba tên tuổi lớn. Cái tên gây bất ngờ đầu tiên có lẽ là tác giả của ca từ, thi sĩ giang hồ Nguyến Bính, thi sĩ chân quê đến từ đồng quê miền Bắc. Tác giả Lỡ bước sang ngang danh tiếng không ngờ lại là người viết bài thơ Cửu Long Giang với những lời thơ mạnh mẽ, hùng tráng, đầy chất Nam bộ như vậy. Những năm tháng kháng chiến ở bưng biền Nam bộ, với những gian khó cùng những chiến công hiển hách của vùng đất phương Nam đã cho Nguyễn Bính những cảm xúc mạnh mẽ kỳ lạ...Ai đã từng đi qua sông Cửu Long Giang, Cửu Long Giang sông trào nước xoáy, ai đã từng nghe tiếng tiểu đoàn, tiếng tiểu đoàn ba trăm lẻ bày …

Bài thơ ấy lần đầu được in trên báo Tổ quốc của Khu Tám đã tạo cảm hứng cho người nhạc sĩ gốc công giáo Nguyễn Hữu Trí để ông viết nên ca khúc bất hủ Tiểu đoàn307. Nguyễn Hữu Trí sinh năm 1917 ở Sài Gòn, từng tốt nghiệp tú tài năm 17 tuổi, được học nhạc trong trường dòng Mỹ Tho, có năng khiếu âm nhạc từ sớm. ông từng là cán bộ chỉ huy trong biên chế Tiểu đoàn Ba lẻ bảy anh hùng, giữ chức đại đội phó. Nhân vật thứ ba tát nhiên là ca sĩ Quốc Hương. Ông đã hát ca khúc ấy đầu tiên và cũng là người hát hay nhất ca khúc ấy trong hơn 60 năm qua. Từ khi bài hát được phổ biến qua giọng hát Quốc Hương qua đài Tiếng nói Nam bộ kháng chiến phát lần đầu tiên ngày 1/10/1954 cho đến khi người ca sĩ này đã đi xa, người đời vẫn chỉ thích nghe Tiểu đoàn 307 bằng giọng hát Quốc Hương. Quốc Hương đã được gọi bằng một cái tên trìu mến: ông Ba lẻ bảy.

Quốc Hương là ca sĩ, ai cũng biết. Nhưng ít ai biết Quóc Hương còn là một nhạc sĩ. Thời đầu quân ở Tiểu đoàn Ba lẻ bảy, Quốc Hương còn là một nhạc sĩ với những ca khúc được nhiều người nhắc nhớ: Tầm vu, Du kích Long Phú, Đoàn ngừơi đi tòng quân, Cô gái Vĩnh Hanh. Sáu mươi năm đã trôi qua mà lời ca của bài Du kích Long Phú vẫn như còn âm vang đâu đây: Ai về Cửu Long Giang/Vững chí lướt sóng ngàn/Có đoàn quân du kích/Đón đưa được an toàn/Quân thù tuy hung hăng/Nhưng nào thắng anh hùng…Tên tuổi của Quốc Hương đã trở thành một huyền thoại của văn nghệ Nam Bộ kháng chiến.

Năm 1954, Quốc Hương tập kết ra miền Bắc, được về làm việc trong Đoàn Ca mua Nhân dân Trung ương. Thời kỳ sống trên đất Bắc, là những năm tháng khẳng định tài năng của Quốc Hương khi ông được coi là ca sĩ hàng đàu của âm nhạc cách mạng. Tiếng hát Quốc Hương vang trên sóng phát thanh, vang xa ở tận nước ngoài trong nhiều lần biểu diễn ở nhiều nước…

 

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ từng cảm động kể với tôi câu chuyện Quốc Hương “đặt hang” ông viết bài hát mừng sinh nhật Bác Hồ vào tuổi 70. Ngày ấy, Quốc Hương đương tu nghiệp tại Hung ga ry. Nhân nghỉ hè, anh về nước anh em gặp nhau, lại vui chuyện như ngày nào cùng công tác. Tự nhiên anh Quốc Hương bàn: Tuệ ơi, sắp đến là sinh nhật Bác lần thứ 70 rồi. hay Tuệ viết một bài hát mừng sinh nhật Người cho mình hát đi!

- Nhưng em còn chưa hiểu biết nhiều về lãnh tụ, làm sao viết…

- Tuệ và mình hãy cùng nhau về lại Việt Bắc, đi tìm cảm hứng từ nơi chiến khu một thời Bác về lãnh đạo đất nước gìanh Độc lập…

- Nhưng đi bằng cách nào? Đường sá xa xôi, hiểm trở.

- Không lo. Mình sẽ mua môt cái xe đạp tốt, sẽ đèo Tuệ cùng đi lên đấy. Ta sẽ tìm dấu chân Bác Hồ …

Kế hoạch mua xe đạp lên Việt Bắc đi thực tế của hai anh em bắt đầu thì một sự cố ngoài ý muốn xảy ra. Số là sau khi mua được cái xe đạp Trung Quốc, anh Quốc Hương đã thử làm một vòng Hồ Hoàn Kiếm. Nào ngờ bánh xe lọt xuống ray tàu điện bị gãy khung. Làm sao bây giờ. Sửa xe hồi ấy thì mất rất nhiều tiền trong khi toàn bộ vốn liếng dành dụm Quốc Hương đã “đầu tư” hết vào việc mua xe. Thế là chuyến đi đành huỷ bỏ. Không còn mộng lên thăm Việt Bắc, nhưng lời đề nghị thiết tha viết bài hát mừng thọ Bác của Quốc Hương luôn thao thức nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ. Anh dành thời gian tìm đọc những tác phẩm viết về thời gian Bác Hồ ở Việt Bắc. Khi “vốn liếng” về xứ Cao Bằng xa lạ ấy khá khá, Nguyễn Tài Tuệ bắt đầu viết ca khúc mừng thọ Bác mà Quốc Hương đặt hàng anh. Nguyễn Tài Tuệ tự nhủ: Phải viết thật tình cảm, giai điệu thật thiết tha sâu lắng để dâng Người và cũng để thoả lòng người ca sĩ đàn anh đáng kính. Và một trong những bài hát hay nhất về Bác Hồ. bài Tiêng hát giữa rừng Pác Bó được Nguyễn Tài Tuệ hoàn thành: Trông vời lưng núi, Khuổi Nậm rì rào núi cao tầng mây, chiều nay sáo ai đang dập dìu trên đèo, kể rằng Người về đây, Người cao hơn núi… bóng dáng Người còn in lưng đèo…

Bài hát viết xong, Nguyễn Tài Tuệ liền giao cho Quốc Hương. Quốc Hương mừng lắm, sau khi hát thử, ông bào Nguyễn Tài Tuệ: Hay lắm. Hoan hô Nguyễn Tài Tuệ. Cậu viết giỏi lắm, ngoài tưởng tượng của mình…Rồi chính Quốc Hương là người đầu tiên hát bài Tiếng hát giữa rừng Pác Bó và ông cũng là ca sĩ hát hay nhất bài hát này. Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ nói rằng nếu không nhờ việc đặt hàng và động viên thúc giục của NSND Quốc Hương, anh đã không có bài ca dâng Bác bất hủ này.

Người ca sĩ được coi là danh ca số 1 của đất nước trong thế kỷ 20 ấy đã cống hiến trọn vẹn tài năng cho đất nước, cho cách mạng. Và sự nghiệp ca hát vì cách mạng ấy đã hai lần làm ông đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Lần thứ nhất, vì tập kết ra Bắc, ông đã gạt nước mắt để lại ở miền Nam người vợ trẻ đẹp và đứa con trai đầu lòng. Những tưởng chỉ hai năm sẽ trở về sum họp nào ngờ là cuộc chia ly kéo dài đến 20 năm, vợ ông và ông đã không chờ đợi nhau được. Ở miền Nam, bà đã có chồng khác. Trên đất Bắc, Quốc Hương cũng đã gặp một tình yêu mới với một thiếu nữ xinh đẹp, nghệ sĩ điện ảnh Lịch Du. Lịch Du yêu ông vì giọng hát hút hồn khó cưỡng của chàng Trương Chi Nam bộ. Dù hai người cách nhau đến 20 tuổi và dù bị gia đình phản đối quyết liệt, Lịch Du vẫn quyết tâm đến với Quốc Hương. Hai người đã lập gia đình và có với nhau một cô con gái. Nhưng khi đất nước thống nhất, Quốc Hương nói với bà Lịch Du: "Mình ơi, tôi phải về Sài Gòn. Đó là nơi tôi đã hẹn sẽ về hát đến tận cùng hơi thở". Vì còn theo đuổi nghiệp điện ảnh trên đất Bắc, bà Lịch Du đã không thể theo ông về Nam và hai người đành chia tay nhau trong nước mắt.

Quốc Hương trở về Nam năm 1975 cùng Đoàn ca múa Bông Sen, được thoả sức ca hát trên quê hương thứ hai của mình. Ngày trở về, thật bất ngờ khi có một người đàn ông dẫn theo một chàng thanh niên đến tìm Quốc Hương tại trụ sở đoàn Bông Sen. Người đàn ông tự giới thiệu là chồng của người vợ đầu của Quốc Hương và chàng thanh niên kia chính là con của Quốc Hương được đặt tên là Đại Thắng. Với tất cả sự chân thành và cảm mến đối với Quốc Hương, người đàn ông ấy đã ôm lấy ông mà nói: "Nếu anh muốn, tôi trả lại chị ấy cho anh". Quốc Hương cũng nghẹn ngào: "Cảm ơn anh. Tôi cũng đã có vợ con ở miền Bắc…".


Vợ chồng Quốc Hương -Thu An

Trong cuộc đời ca hát của mình, bản Tình ca của nhạc sĩ Hoàng Việt là một trong những bài hát tâm đắc nhất của Quốc Hương. Chính sự đồng cảm sâu xa với tác giả đã khiên ông thành người hát đầu tiên và cũng là người hát hay nhất bản tình ca được coi là hay nhất thế kỷ 20 của âm nhạc cách mạng VN này. Quốc Hương cũng không ngờ chính nhờ bài hát bất hủ của người bạn nhạc sĩ anh hùng đã giúp ông gặp hạnh phúc bất ngờ cuối cuộc đời mình trong tình yêu đắm đuối của một người con gái Sài Gòn, chị Nguyễn Lê Thu An.

Nguyễn Lê Thu An là con của một gia đình trí thức Sài Gòn. Cha chị từng là là chủ bút tờ báo Tiếng Dân, mẹ là thi sĩ Ngọc Sương, cậu ruột là thi sĩ Bích Khê. Chị từng tham gia phong trào học sinh sinh viên ở Sài Gòn những năm chống Mỹ, bị bắt và bị đày ra Côn Đảo khi mới 16 tuổi. Năm 1975, đất nước thống nhất, chị là phó bí thư quận đoàn Bình Thạnh, TPHCM. Khi hoạt động phong trào ở Sài Gòn, Thu An đã được nghe Quốc Hương hát Tình ca qua đài Tiếng nói VN và tiếng hát của Quốc Hương đã đeo đuổi chị suốt một thời tuổi trẻ.

Thu An được gặp Quốc Hương lần đầu tiên khi ông xuống quận đoàn của chị hát cho thanh niên nghe. Trong cuộc giao lưu với ca sĩ thần tượng, Thu An đã yêu cầu ông hát bản Tình ca. Không hiểu sao, Quốc Hương đã đến đứng trước Thu An và cất giọng hát như dành riêng bài hát này cho chị. Khi ông hát đến câu cuối: Giữ lấy đức tin bền vững em ơi, giữ lấy trái tim đòi sống yêu đời… thì Thu An không sao cầm được nước mắt và trái tim chị như lặng đi khi nghe Quốc Hương nói: “Anh hát bài hát này để tặng riêng em”.

Hai người đã quen nhau và yêu nhau từ buổi gặp gỡ đầu tiên ấy, khi Quốc Hương đã 58 tuổi, còn Thu An mới 29 tuổi. Thu An kể rằng đó là những ngày chị mê Quốc Hương một cách kinh khủng. Bất chấp cơ quan ngăn cản, bạn bè dè bĩu, Thu An nói với mọi người: “Quốc Hương không hề quá già so với tôi mà ngược lại, tôi thấy anh quá trẻ, anh luôn sống như một thanh niên xung kích, sức sống của anh thật mãnh liệt … Ở bên Quốc Hương, tôi luôn cảm thấy anh ấy làm mình trẻ lại”.

Và hai ngưòi tổ chức đám cưới vào đầu năm 1978. Trong lễ cưới, Quốc Hương không có nhẫn, Thu An sẵn có chiếc nhẫn vàng bạn tù cho ngày xưa đã đem đánh ra thành hai chiếc mỏng để trao nhau. Quốc Hương đã có 9 năm cuối đời êm ấm trong tình yêu và sự nâng niu của Thu An cho đến năm 1987, khi Quốc Hương mất vì căn bệnh ung thư vòm họng. Thu An kể trong những ngày cuối cùng ở bệnh viện, Quốc Hương luôn cầm tay chị mà hỏi: “Em từ đâu tới? Vì sao em lại dến với anh”. Chị nói rằng dù chỉ được chung sống với Quốc Hương trong một thời gian ngắn ngủi, nhưng đó là những tháng ngày thật hạnh phúc của cuộc đời chị. Quốc Hương đã có với chị một bé gái đặt tên là An Hương. Tài sản duy nhất Quốc Hương để lại cho mẹ con chị, một cây đàn piano, khi Quốc Hương lâm bệnh, Thu An đã phải gán nợ để lấy tiền chữa bệnh cho ông. Sau này, khi có tiền chị đã chuộc về và lúc An Hương 5 tuổi chị đã cho bé học đàn với cây đàn của bố. Cho đến nay, khi đã 25 tuổi, An Hương vẫn theo đuổi sự nghiệp âm nhạc với cầy đàn này…..

(Nguồn: http://baicadicungnamthang.net)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...