Đừng để cái tôi làm hỏng đời mình

20/05/2015

Mỗi năm, nghệ sĩ dương cầm Nguyễn Bích Trà lại về Việt Nam để thăm mẹ, viếng cha và kể về cuộc sống qua những buổi trình diễn. Lần này, cô trò chuyện về tiến trình hoàn tất con đường âm nhạc được khởi đầu từ năm cô lên bốn tuổi.


Nghệ sĩ dương cầm Nguyễn Bích Trà

Điểm đặc biệt trong câu chuyện của cô là những trải nghiệm về thân phận con người thật mong manh giữa một thế giới đầy bất trắc. Cô đã tìm được con đường để có những giây phút bình an trong tâm hồn bằng một cuộc sống tràn đầy tình yêu thương và chia sẻ qua những tác phẩm âm nhạc.

Có bao giờ cô nghĩ nếu không sinh ra trong gia đình mà bố là nghệ sĩ violon Nguyễn Bích Ngọc, mẹ là diễn viên điện ảnh Trà Giang, thì đã không có một Bích Trà hôm nay?


Nghệ sĩ Bích Trà - Tranh: Hoàng Tường

Hồi tôi còn bé, nhiều cô chú hỏi tôi thích theo nghề mẹ hay nghề bố, tôi còn nhớ mình đã trả lời: “Mẹ làm nghề mẹ, bố làm nghề bố, con thích làm nghề của con. Con sẽ làm cô giáo, sẽ được trả lương đàng hoàng”.

Nhưng tôi lại thích nhạc từ nhỏ. Tôi có tai nghe rất tốt, rất nhiều bài chỉ cần nghe một lần là nhớ. Khi bố phát hiện ở tôi khả năng này, ông cho tôi đi học violon. Nhưng mỗi lần kéo đàn, nghe những âm thanh thô mộc phát ra dưới bàn tay non nớt của mình, là tôi không muốn học nữa.

Cuối cùng bố chiều tôi và cho tôi học piano. Sau đó tôi học cùng các bạn ở nhạc viện và chỉ may mắn hơn họ một chút vì có người bố chơi nhạc, vì thế tôi được nghe nhiều hơn, được theo bố đi xem những buổi biểu diễn ở nhạc viện thường xuyên. Tôi không tập nhiều nhưng lại nghe rất nhiều.

Được sang Nga học, nơi từng đào tạo rất nhiều tài năng âm nhạc thế giới, đó có phải là một trong những yếu tố giúp cô thành công? Người thầy nào ảnh hưởng nhiều nhất đến sự nghiệp của cô?

Năm 1987, tôi mười bốn tuổi. Khi có hiệp định về văn hoá và giáo dục giữa hai nước, một đoàn chuyên gia Nga sang Việt Nam tuyển chọn học sinh năng khiếu. Đợt đó họ chỉ chọn mười học sinh của cả nước. Các thầy cô ở Nga rất thương yêu học trò, quan tâm đến cả bữa ăn, giấc ngủ của chúng tôi… Và tôi còn may mắn được một người thầy rất giỏi hướng dẫn: thầy Naumov.

Ông chỉ cho chúng tôi làm thế nào nhìn ra vẻ đẹp của mọi thứ chung quanh, và cách để chúng tôi tự cảm nhận được cái đẹp bằng ý thức tự do nhất. Ông luôn khuyến khích mỗi người chúng tôi nên có cái nhìn riêng và lòng say mê âm nhạc. Ông dạy: “Nghệ thuật như cuộc sống, luôn luôn phải sống động, uyển chuyển”. Mỗi bài giảng của ông là một cái nút ấn vào để mở ra một thế giới khác.

Thời điểm cô học ở Nga gắn liền với sự xoay chuyển chế độ chính trị. Lúc đó, những du học sinh như cô làm thế nào để tồn tại?

Năm ấy tôi tròn 18 tuổi. Không đơn giản chỉ là khủng hoảng mà là sự nhận biết từ từ nhiều cảm xúc khác nhau trong những tâm hồn vốn chỉ là những trang giấy trắng, chủ yếu được viết bằng những thanh âm bay bổng, giờ đối mặt với một thế giới đang sụp đổ…

Bích Trà tốt nghiệp nhạc viện Tchaikovsky (Nga) năm 24 tuổi. Năm 1999, cô học ngành biểu diễn ở nhạc viện Hoàng gia Anh và đoạt giải danh dự của nhạc viện Hoàng gia London. Cô còn tham gia trình diễn với nhiều dàn nhạc danh tiếng ở đây… Sau ba năm nghiên cứu về nhạc sĩ Joachim Raff (1822 – 1882), năm 2009, Bích Trà được hãng Sterling (Thuỵ Sĩ) mời thu đĩa các tác phẩm của Joachim Raff, tháng 3.2010 phát hành CD thứ hai trên toàn cầu. Hiện Bích Trà đang sinh sống ở Anh.

Nước Nga lúc đó tăm tối và nghèo đói đáng sợ. Tôi còn nhớ các thầy cô được trả lương bằng… giày dép, phải đem chúng ra chợ bán để lấy tiền mua bánh mì. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy đó là thời gian chúng tôi chiêm nghiệm cuộc sống nhiều nhất: sự sợ hãi, nỗi âu lo, thèm khát tình thương, những mất mát và niềm hy vọng.

Trước đấy, bản thân tôi chỉ thấy thế giới qua tủ sách của bố mẹ. Bây giờ mới là sợ hãi thật, lo âu thật, hiểm hoạ thật. Lương sinh viên không đủ mua gạo.

Có khi hàng tháng trời, mấy anh em ăn uống tằn tiện từng chút một, để dành tiền mua một con heo sữa khoảng ba ký đem về quay. Hai mươi mấy người ăn ba ký thịt, mỗi đứa một miếng vừa nhìn ngắm thèm thuồng vừa tiếc vì cho vào miệng một lần là không còn nữa.

Chúng tôi học xong, ở lại chia nhau đi đánh đàn ở các tụ điểm, nhà hàng kiếm tiền cầm cự. Bản thân các nghệ sĩ Nga cũng bỏ đi hết. Cảm giác thường trực là không thể thấy được đích đến là gì, rồi mình sẽ ra sao.

Vậy cô đã vượt qua như thế nào?

Những lúc đó, mới thấy chỉ có nghệ thuật mới cứu rỗi được. Tinh thần chúng tôi mạnh lên để chống lại những cơn đói và nỗi sợ hãi. Rồi tôi bắt đầu hỏi và tìm kiếm câu trả lời – như một trò chơi rèn luyện tinh thần và sức chịu đựng. Nếu không thể trả lời câu hỏi lớn thì cố gắng trả lời từng câu hỏi nhỏ, rồi từ từ hệ thống, xâu chuỗi các sự kiện để sự nhận biết của mình được sâu hơn.

Tôi tự tồn tại với tinh thần đó cho đến năm 1997, khi Nhà nước mở cửa với Tây Âu, tôi được sang Anh học. Tự thấy mình là người may mắn, vì thế ở Anh tôi càng phải học ngày học đêm để nắm lấy cơ hội, không chỉ tập đàn mà còn học bao nhiêu thứ khác, từ ngoại ngữ đến triết học. Tôi làm đủ thứ nghề để kiếm sống, từ phiên dịch cho người Việt đến nhận giữ trẻ.

Cô từng nói để đưa được âm nhạc của những cái đầu và tâm hồn lớn như Beethoven, Mozart, Brahms… đến với những người bình thường nhất, ngoài việc luyện tập còn phải đọc sách, tìm tư liệu và hiểu cuộc đời họ?

Phải khởi nguồn từ sự tự ý thức. Phải tìm hiểu tác giả, tác phẩm và không gian sống của họ để diễn đạt. Kỹ thuật chỉ là thứ yếu. Câu chữ điệu đà quá thì mất ý. Nốt nhạc chỉ là phương tiện trình bày những cảm xúc của tâm hồn. Tôi nghiệm ra những ngày tháng ở Nga, bài học lớn không chỉ ở trường âm nhạc mà chính là học được từ những biến cố đau thương của cả một xã hội mà mình tận mắt chứng kiến sự tan rã của nó.

Môi trường được chiêm nghiệm ấy giúp tôi thấy rõ sự tốt – xấu, cái thiện – ác rất rõ và cả sự vô thường của cuộc đời. Từ một nước Nga huy hoàng giờ là hình ảnh các cụ già đeo huân chương đi ăn xin đầy đường lẫn trong những thanh niên đầu trọc tụ họp băng đảng cướp bóc, tệ nạn diễn ra khắp các đường phố. Đi qua những đau thương đó, tôi càng nhận ra mình cần phải yêu thương cuộc sống.

Âm nhạc giúp chúng ta làm điều này. Khi chơi nhạc, tôi cảm thấy mình được cân bằng vì giải toả được mọi dồn nén, ức chế của bản thân. Tôi nghiệm ra rằng mỗi con người có sức cháy khác nhau và khi cháy được hết thì mình cân bằng trở lại. Cũng giống như đam mê lớn thì phải có lý trí lớn, đó cũng là kỹ thuật biểu diễn đỉnh cao.

Một nghệ sĩ khi chơi một bản nhạc, phải có trái tim nồng cháy nhưng cái đầu vẫn tỉnh táo để phân tích những âm thanh đã được sắp xếp thật tinh tế.

Để tìm được sự đồng cảm với những con người đã sống cách mình hàng trăm năm, tôi phải biết cả hạnh phúc lẫn nỗi đau, và cả sự tuyệt vọng của họ.

Qua những trải nghiệm đó, cô đã nhận ra mình cần phải sống như thế nào?

Khi còn trẻ, tôi thấy cái tôi của mình là quan trọng. Nhưng lớn hơn, tôi lại thấy quan trọng nhất là sự đồng cảm, đồng điệu với những cảm xúc khơi lên từ chính tâm hồn của những trái tim và khối óc lớn cách mình cả trăm năm. Đó là khoảnh khắc của sự giao hoà, không còn cách biệt bởi không gian, thời gian, ngôn ngữ. Nếu không chia sẻ được, chúng ta sẽ rất cô đơn và trở thành những thực thể cô độc lầm lũi giữa thế giới này.


“Điều mong mỏi duy nhất của tôi là sự đồng điệu với dàn nhạc”. Ảnh: An Dung

Trong âm nhạc cũng vậy, không chỉ có những giai điệu đẹp, không chỉ có những chương viết về hạnh phúc, tình yêu… mà còn có những đau thương, mất mát, tan vỡ cùng với những xung đột của tinh thần và thể xác. Cũng có những nhạc sĩ tách rời đời sống, nhưng tôi thì không. Tôi luôn sống cùng với mọi thứ chung quanh mình, thậm chí sống một cuộc sống thật mãnh liệt.

Vậy có lúc nào cô có cảm giác chán chường và tắt ngấm những cảm xúc có lửa ấy?

Đó là những ngày tháng tôi chịu đựng cảm giác mất cha. Khi nhìn ông chống chọi với đau đớn, tôi thấy rõ nhất sự bất lực của mình, sự hữu hạn của con người. Ba tôi lúc đó mới 59 tuổi.

Với tôi, ông luôn mang trong mình một sức sống mãnh liệt và niềm đam mê âm nhạc mà ngay cả tôi, đôi khi cũng không thể bùng cháy dữ dội được như ông trong những lúc chơi đàn. Từ đó tôi thấy cuộc sống thật ngắn ngủi. Tôi bắt đầu sống đầy đủ hơn với tất cả. Đừng để cái tôi làm hỏng đời mình.

Thật ra, mỗi khi trình diễn, cô có nghĩ mình là tâm điểm, là ngôi sao?

Điều mong muốn duy nhất của tôi mỗi khi trình diễn là đồng điệu với dàn nhạc. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình là một nghệ sĩ lớn hay nhỏ, đơn giản mình đang làm công việc của mình, như bao nghệ sĩ khác cũng đang cố hoàn tất phần chơi của mình một cách tốt nhất.

Với nghề nghiệp, cô là người thành công. Vậy tại sao điều tưởng chừng như đơn giản nhất là yêu một người đàn ông và lấy họ làm chồng để có một gia đình bình thường như bao người khác, cô lại thoái thác?

(cười) Yếu tố gia đình rất quan trọng. Nhưng chuyện lập gia đình, với tôi chắc chưa có duyên số. Nếu bạn hỏi về tình yêu, tôi cảm nhận rất rõ điều này. Yêu và nhận biết mình yêu sâu sắc điều đang đeo đuổi, cũng là tham vọng lớn nhất đời mình rồi.

Tôi có một căn hộ chỉ hơn 50 mét vuông. Một chiếc dương cầm mà tôi mới mua cách đây hai năm sau thời gian dành dụm khá dài. Một cuộc sống an bình và nhiều chia sẻ. Ngoài âm nhạc, tôi còn bạn bè và những cuốn sách mà tôi yêu thích, và Lão Tử đang là cuốn gối đầu giường của tôi.

Tôi thấy mình hạnh phúc và chưa nghĩ mình cần có thêm điều gì nữa.

Cám ơn cô rất nhiều vì buổi trao đổi thú vị này.

Nghệ sĩ ưu tú Trần Vương Thạch – Nhạc trưởng:

 “Bích Trà có nhân cách đáng quý của một nghệ sĩ đích thực: vừa gần gũi lại chân thành. Với công việc, cô rất nghiêm túc và hết lòng. Tôi chắc chắn cô còn thành công hơn nữa, không chỉ với tài năng thiên bẩm mà chính là ở sự chín chắn trong cuộc sống”.

 

Lê Hồ Hải – Quyền Trưởng khoa piano Nhạc viện TP.HCM:

 “Bích Trà có tất cả các tố chất của một nghệ sĩ như năng khiếu âm nhạc, cảm thụ âm nhạc rất riêng… cộng thêm lòng say mê âm nhạc và nghị lực. Nghệ sĩ biểu diễn phải thường xuyên đương đầu với những tác phẩm khó và các cuộc thi đầy sức ép về mặt tâm lý. Tôi rất thông cảm với Trà khi thấy cô vượt qua được thử thách nghề nghiệp, nhất là môi trường mà Trà đang làm việc có tính cạnh tranh lớn nên đòi hỏi bản lĩnh lớn. Nói về Bích Trà như một người bạn thân thiết, tôi chỉ có thể mô tả rất đơn giản: đó là người bạn sống chân thành”.

 (Nguồn: http://www.doanhnhansaigon.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...