Cuộc đời bất hạnh của 'Chim sẻ nhỏ' nước Pháp
Nữ danh ca Edith Piaf qua đời từ năm 1963, nhưng vẫn để lại dấu ấn sâu đậm ở nước Pháp. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Piaf, người Pháp đã mở cuộc triển lãm quy mô lớn về cuộc đời đầy bi kịch của bà ở Thư viện Quốc gia tại Paris.
Triển lãm mới được khai mạc hôm 14/4. Đến đây, khách tham quan sẽ hiểu sâu thêm về cuộc đời nữ ca sĩ đã trở thành ngôi sao quốc tế thời hậu chiến, với hơn 400 hiện vật trưng bày, nhiều đoạn phim, áp-phích hòa nhạc, thư từ và các ca khúc của bà.
“Piaf vẫn là hiện thân cho một Paris của quá khứ, đại diện cho cả một thế hệ. Nhưng hình ảnh của bà không cũ kỹ mà vẫn hợp với thời nay” - Julie Mirasola, một người hâm mộ Piaf, cho biết.
Từ ca sĩ đường phố thành ngôi sao quốc tế
Đáng chú ý tại cuộc triển lãm này là chiếc váy đen giản dị mà Piaf thường mặc trên sân khấu trình diễn. Piaf từng giải thích, bà thích mặc chiếc váy này bởi không muốn ngoại hình của mình khiến khán giả mất tập trung với màn diễn.
Edith Piaf năm 1936
Joel Huthwohl, giám tuyển triển lãm, cho biết “đây là chiếc váy may mắn” của Piaf. Bà mặc nó để che đi đôi tay xanh nhợt và cơ thể gầy yếu của mình. Với chiếc váy đen mang tính “thương hiệu” ấy, Piaf đã lôi cuốn khán giả khi trình diễn các ca khúc bất hủ như La Vie En Rose, Hymne À L’amour và Milord - khúc ballad kể về một cô gái thuộc tầng lớp hạ lưu, đem lòng yêu một người đàn ông Anh thượng lưu hào hoa.
“Lối diễn của bà luôn khiến khán giả xúc động. Những ca khúc của bà đơn giản, với giai điệu đáng yêu, như nói thay nỗi lòng của khán giả, khi họ đứng trước những thời khắc quan trọng trong cuộc sống” – Huthwohl nói.
Tên thật Edith Giovanna Gassion, Piaf sinh ra vào ngày 19/12/1915 trong một gia đình nghệ sĩ trình diễn đường phố. Cha bà là một nghệ sĩ nhào lộn, mẹ bà là một ca sĩ hát trong các quán cà phê. Sau này, khi bị mẹ bỏ rơi, Piaf phải sống cùng bà nội, vốn là một chủ nhà chứa.
Năm 1929, ở tuổi 14, Piaf đã cùng cha trình diễn trên các đường phố để kiếm sống. Nhưng do bất đồng, 3 năm sau Piaf tách ra trình diễn riêng. Năm 1935, bà được Louis Leplee, chủ một câu lạc bộ tạp kỹ ở Paris, phát hiện ra và góp sức tạo dựng sự nghiệp cho bà. Ông Leplee chính là người đã đặt cho Piaf biệt danh “Chim sẻ nhỏ”.
Triển lãm ảnh Edith Piaf tại Thư viện Quốc gia ở Paris (Pháp)
Cuộc đời đầy biến cố bất hạnh
Cuộc sống sau khi thành công sự nghiệp của Piaf cũng khó khăn và đầy trắc trở như thời thơ ấu. Trong Thế chiến thứ 2, bà tổ chức các buổi hòa nhạc phục vụ lính Đức đóng ở Paris. Việc này khiến Piaf bị chỉ trích thậm tệ, song bà vẫn khẳng định mình đã bí mật hợp tác với phong trào kháng chiến Pháp nên được tha thứ phần nào.
Sau chiến tranh, danh tiếng của Piaf nhanh chóng lan tỏa ở hải ngoại, khi bà lưu diễn châu Âu, Nam Mỹ và Bắc Mỹ. Nhiều nhạc sĩ cầu cạnh để bà hát ca khúc của họ. “Tôi không còn phải tìm đến các nhạc sĩ nữa mà họ tìm đến tôi” – Piaf từng hãnh diện nói.
Đáng buồn là từ sau năm 1951, Piaf có 3 lần bị tai nạn ô tô. Những cơn đau khiến bà phải sống lệ thuộc vào thuốc giảm đau và rượu, dẫn tới việc sức khỏe bị suy giảm.
Piaf trải qua nhiều mối tình say đắm, song bà không bao giờ nguôi được nỗi đau mất người tình, võ sĩ quyền Anh Marcel Cerdan. Ông qua đời trong vụ tai nạn máy bay hồi năm 1949, khi đang trên đường từ Paris tới New York để gặp bà.
Năm 1952, Piaf kết hôn với người chồng đầu tiên, ca sĩ Jacques Pills, nhưng 5 năm sau 2 người ly hôn. Năm 1962, Piaf gây xôn xao khi kết hôn với người chồng thứ 2 là nhà làm tóc kiêm diễn viên Hy Lạp Theo Sarapo - người kém bà tới 20 tuổi.
Piaf chỉ sinh ra một cô con gái tên Marcelle. Nhưng về sau Marcelle đã chết do bệnh viêm màng não, lúc mới 2 tuổi.
Piaf qua đời do bệnh ung thư gan tại dinh thự của bà ở vùng Riviera thuộc Pháp hồi tháng 10/1963, hưởng thọ 47 tuổi. Công chúng đặc biệt yêu quý và thương tiếc bà. Đường phố Paris đã tắc cứng do hàng chục ngàn người đổ xuống đường tiễn biệt bà về nơi an nghỉ cuối cùng, tại nghĩa trang Pere Lachaise.
(Nguồn: http://thethaovanhoa.vn)