Niềm đam mê cháy bỏng

09/02/2015

Dân ca Nghệ Tĩnh thuộc về những giá trị văn hóa phi vật thể, giá trị tinh thần, đó là bản sắc của một miền văn hóa nằm trên dải đất Miền Trung Địa linh - Nhân kiệt. Vừa qua, vào lúc 23 giờ 10 phút, ngày 27/11/2014 tại Thủ đô Pari (Pháp), Hội đồng liên chính phủ UNESO đã bỏ phiếu công nhận chính thức vinh danh Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. Ấy là điều mừng, là niềm tự hào cho quê hương, cho tất cả mọi người. Hòa trong niềm vui chung ấy, tôi lại nhớ đến một người luôn tâm huyết, cần mẫn, có công không nhỏ trong việc bảo tồn gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đó là NSƯT Xuân Năm, tên tuổi của O (O là tên thường gọi thật gần gũi của mọi người dành cho NSƯT Xuân Năm) đã gắn liền với Ví, Giặm, với các làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh.


NSƯT Xuân Năm – người đã có công đưa Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh
lên sân khấu chuyên nghiệp

Với O dân ca luôn chan chứa những tình cảm trong sáng, giản dị, từ những gì thân quen mộc mạc trong từng câu hát để con người tìm đến mà trao gửi, gắn bó với nhau, cùng chia sẻ, an ủi nhau. Những câu hát dân ca luôn thấm đượm tình yêu quê hương xứ sở, cho người dân lam lũ thêm sức sống lạc quan mà vươn lên trước những khắc nghiệt của thiên nhiên, để chở che ôm ấp nhau, dìu dắt nhau vì sự sinh tồn nối tiếp từ đời này qua đời khác.

Câu hò, điệu ví quê hương lúc vút cao thênh thang trên đỉnh núi, lúc âm thầm thăm thẳm đáy sông sâu, hay nhịp điệu câu giặm mùa màng cữu kịch, hối hả đã trở thành đời sống tinh thần không thể thiếu, cái hồn cốt ấy luôn thấm đẫm và bồi đắp nuôi dưỡng tâm hồn O, nó hiện hữu ngay trong từng hơi thở, từng công việc, trong những câu hát đắm say tình đời, tình người, nó đã gắn bó với O, để về sau này O trở thành một người nghệ sỹ đích thực, một người con của quê hương Hà Tĩnh luôn được mọi người trân trọng, yêu mến và ngưỡng mộ.

O kể rằng, O rất tự hào được lớn lên từ dân ca, từ những câu hát ru của mẹ, những câu ví, câu giặm của ông bà. Những câu hát được sinh ra trong công việc đồng áng, trong sinh hoạt cộng đồng, trong giao tiếp hàng ngày, đó là những gì thật giản dị, thân quen như củ khoai, hạt lúa, mà những người nông dân chân lấm tay bùn cứ hát cho nhau nghe mọi lúc, mọi nơi. O tự hào vì bản thân mình đã có công đưa dân ca lên sân khấu chuyên nghiệp, từ một khoảng cách rất thực của đời thường được nghệ thuật hóa để rồi những câu ca dân dã ấy được thăng hoa. Dân ca là tiếng lòng chân thật, là cội nguồn tình cảm quê hương để cho tiếng hát của O được chấp cánh bay cao, bay xa. Danh hiệu NSƯT đã khẳng định sự phấn đấu không mệt mỏi của O trong suốt thời gian gắn bó với hoạt động chuyên nghiệp.

Vào những năm tháng chiến tranh ác liệt O đã từng được vinh dự hát cho Bác Hồ nghe ngay trong Phủ Chủ tịch. O không thể nào quên, kỷ niệm ấy đã theo O suốt cuộc đời. Sau khi nghe hát bài vè “Thần sấm ngã” của tác giả Nguyễn Thanh Bình, Bác đã khen và giảng giãi cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng mọi người hiểu thêm những từ ngữ thổ âm Hà Tĩnh, Bác còn động viên “Các cháu nhớ về hát dân ca Nghệ Tĩnh thật nhiều”. Trong niềm hạnh phúc đó O đã ngâm tiếp bài thơ “Chiến thắng trời quê” của nhà thơ Duy Thảo bằng cả trái tim đầy xúc động của mình, để rồi mãi sau này lời dặn ấy của Bác luôn thôi thúc O, đó cũng là lý do O quyết tâm dành hết tâm huyết cho niềm đam mê gắn bó suốt đời mình với dân ca Nghệ Tĩnh.


Niềm vui khi tuổi cao, vẫn say sưa biểu diễn Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh

NSƯT Xuân Năm cho biết hiện nay O đang lưu giữ rất nhiều lá thư của những người hâm mộ giọng hát của O. O kể thời kỳ ấy ở Miền Bắc có nhiều giọng ngâm thơ nổi tiếng như nghệ sỹ Kim Cúc, Trần Thị Tuyết, ở Miền trung tận Xứ Huế có Châu Loan, Lê Lự…, O nghĩ đã có kiểu ngâm “Thơ Bắc”, “Thơ Trung” như rứa thì cũng cần có kiểu “Thơ Nghệ”. O nói: “Dân ca Nghệ Tĩnh mình có nhiều làn điệu hay lắm mi ơi, nó không những hay ở các làn điệu gốc mà còn hay ở sự biến đổi đa dạng vì dân ca cũng mang tính kế thừa và phát triển để luôn phù hợp với từng thời điểm nhất định…”. Rồi O cười: “Hầy hầy… rứa nả, dân ca nó cũng phải được tạo ra những làn điệu, những hơi thở mới mẻ, hấp dẫn để làm phong phú thêm đời sống tinh thần…”. Chính từ những suy nghĩ đó O bắt đầu mạnh dạn tìm tòi, nghiên cứu, đặc biệt là qua các lần đi biểu diễn phục vụ cho bà con ở khắp mọi miền quê, O tranh thủ giao lưu với các nghệ nhân lớn tuổi, có kinh nghiệm để tiếp thu vốn liếng dân ca, từ những cái luyến láy hoa mỹ trong từng câu chữ, từ ngữ âm, ngữ điệu, hoặc cách xử lý tế nhị trong các cuộc hát giao duyên nam nữ. O nói: “Ngày xưa các cụ hát giao duyên nam nữ nỏ được cầm tay chắc mô, phải đứng ngái chắc tề, rồi khi tiến khi lui cứ dùng dằng, rồi mắt chỉ liếc đi, liếc lại như làm bộ e thẹn, tình tứ thôi, mà có liếc chắc cũng cầm lấy cái nón, hay cấy tay áo che đi một chút…ùi… hắn thích rứa mi nả…”.

Cũng từ cái gốc vốn liếng quý báu ấy O bắt đầu pha chế thêm chút mắm muối cho cái chất “Nghệ” nó đằm thắm thêm. Sau một lần được được Ban biên tập Đài tiếng nói Việt Nam mời thu thanh, NSƯT Xuân Năm đã ngâm một bài “Thơ Nghệ” đó là bài “Chiến thắng trời quê” của nhà thơ Duy Thảo, được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, sau lần ấy thì nhiều người khắp mọi miền đất nước mới biết đến một “Xuân Năm” của dân ca Nghệ Tĩnh mượt mà, đằm thắm và cái tên gọi “Thơ Nghệ” cũng được bắt đầu từ đó.

Cuộc đời của người nghệ sỹ tài hoa cũng có nhiều cung bậc trầm bổng, cũng cơm áo gạo tiền lận đận, lao đao. Thời đó NSƯT Xuân Năm về hưu khi tuổi đời còn trẻ, rồi cũng từ những chuyện tưởng như nho nhỏ thường ngày mà "Cơm áo không đùa với khách thơ...", chuyện con cái thơ dại, cuộc sống vất vả, chuyện thiếu thốn trăm đường, gia đình nặng gánh hai vai... Khi nhận quyết định về hưu, bước chân khỏi môi trường hoạt động chuyên nghiệp, với một cảm giác hụt hẫng, nôn nao không tả được, O nói: “Tau buồn lắm mi ạ…chẳng lẹ phải xa rời cái nghiệp mà mình đeo đuổi gắn bó máu thịt một cách nhẹ nhàng như rứa… mấy tháng liền nghe trong ngài hắn cứ trống không a răng a... Ngày xưa cha ông cũng đã nói về cái kiếp xướng ca vô loài, nó nghèo lắm, xác xơ lắm, nó bạc phận, gian truân lắm… biết rồi chơ, biết rồi mà vẫn dấn thân vô chơ, có phải không biết mô, rứa mà khi nghị đến là từ ni không bước lên sân khấu nữa lại cứ thảng thốt, bàng hoàng, xót xa, buồn tủi, nước mắt cứ rơm rớm lưng tròng… có cảm giác như mất một cấy chi đó còn lớn hơn cả của cải, tiền bạc...”. Đó cũng chính là thời điểm mà tình yêu dành cho dân ca Nghệ Tĩnh đã bùng lên mãnh liệt trong lòng O, nó đã bùng lên mãnh liệt hơn bao giờ hết bởi sự khát khao dồn nén, O phải hát lên bởi sự đam mê được cống hiến, hát lên bởi những tâm tư tình cảm của người nghệ sỹ cũng cần được sẻ san với mọi người.

Tại thời điểm ấy niềm vui bất ngờ đã thật sự đến với O, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã mời O tham gia làm cộng tác viên tuyên truyền chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình. O nhận lời ngay mà không chút mảy may suy nghĩ tính toán cân nhắc hơn thiệt. Với bản tính chân thực và bằng vốn liếng dân ca đã tích lũy được trong thời gian khá dài, bằng sự hiểu biết và năng khiếu diễn xuất dí dỏm trước công chúng, O đã vào vai cán bộ tuyên truyền một cách xuất sắc. O xác định "Dân ca" sẽ là cầu nối để công tác tuyên truyền chính sách dân số đến với mọi người hiệu quả nhất.

Cuộc đời này vẫn vậy, nó là vô thường, mọi cái luôn thay đổi, chẳng có cái gì là bất biến cả. Đây cũng là bước ngoặt ghi dấu ấn trong sự nghiệp ca hát của O. Sân khấu lúc bấy giờ không còn lấp lánh những ánh đèn màu, không còn quá phụ thuộc vào các trang thiết bị âm thanh, đạo cụ, phấn son, trang phục, chỉ cần một không gian vừa đủ để O có thể đến giao lưu gần gũi với mọi người, O đã mang tiếng hát của mình đi khắp mọi nơi, từ thành thị đến nông thôn, từ nông trường, xí nghiệp, từ miền xuôi đến miền ngược, từ nơi đô hội đông đúc, đến những hang cùng ngõ hẻm xa xôi... O lại tiếp tục được hát những câu hát của ông bà: “Ơ…(chờ) Tháng một, tháng hai, tháng ba, tháng bốn, (chờ) tháng khốn, tháng nạn, đi vay, đi mạn(*) được một quan (ơ) tiền, (chờ) ra chợ Kẻ Triêng mua được một con gà mái về hắn đẻ được mười trớng(**). Ơ…ơ…(chờ) một trớng ung, hai trớng ung, ba, bốn, năm, sáu, bảy trớng ung, mà còn ba trớng nựa(***) thì hắn nở được ba con… (chờ) con dều tha, con quạ bắt, con mặt cắt lôi… Ơ…ơ…(chờ) đừng than phận khó ai ơi, mà còn da thì lông mọc, mà còn chồi thì nẩy cây…”. Day dứt làm sao, cái nghèo, cái khổ luẩn quẩn, loanh quanh cứ bám víu vào số phận con người, cười đó, khóc đó rồi lại qua đi, cái nghiệp đã đeo đẳng vào cái thân rồi… người nông dân một nắng hai sương bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, quanh năm vất vả, muốn vượt qua muôn nỗi cơ cực chỉ có thể hát lên cho vơi đi những nỗi buồn…


Nghe tin tổ chức UNESO chính thức vinh danh Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh
là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại NSƯT Xuân Năm rất vui mừng.

Dân ca là thế, một không gian gần gũi đủ để lan toả ấm áp cho nhau, người ta dễ nhìn thấy thật nhau hơn, vì vậy người diễn trong từng bối cảnh cụ thể lại phải có những cách xử lý ứng tác bất ngờ, cũng giống như hình thức bẻ chuyện, đối đáp trong không gian diễn xướng của các cuộc hát dân ca. Đây cũng là thời điểm mà hình ảnh NSƯT Xuân Năm lại được mọi người thêm yêu mến mà nhắc đến nhiều hơn, người ta trông ngóng, mong đợi O, mỗi lần O đi đến đâu là làng trên, xóm dưới lại hồ hởi chuẩn bị đón tiếp để được nghe O nói chuyện và đặc biệt là lối dẫn chuyện tùy hứng bằng cách đưa vào đề tài tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình những câu hát dân ca rất gần gũi, dễ nhớ, dễ thuộc, hợp với tâm lý người nghe, nên tạo được sự hiệu quả của nội dung cần chuyển tải. O nói: “Dân ca Nghệ Tĩnh đã gắn bó với O như O đã từng gắn bó với dân ca Nghệ Tĩnh, nó như máu với thịt không thể tách rời nhau, cùng buồn vui, sướng khổ… rồi O lại cười như một người nông dân vừa cày xong thửa ruộng… hầy, hầy…”. Cứ thế, rồi mọi cái sẽ qua đi, tất cả cũng qua đi, chỉ còn lại tấm lòng chân thật với những câu hát mộc mạc, giản dị..., dân ca là thế, như thế và vẫn thế, nó không có tượng đài, lâu đài nguy nga tráng lệ, nó cứ lẫn giữa nắng mưa, lăn lóc để rồi lưu truyền mãi trong nhân gian./.

Chú thích: (*) (mượn); (**) (trứng); (***) (nữa).

(Nguồn: http://nghethuatbieudien.vn)

 

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...