Hát ở chiến trường, hát trên giường bệnh
Trang "Tiếp lửa truyền thống", Báo Quân đội nhân dân vừa nhận được những dòng hồi ký đong đầy cảm xúc của Trung tá QNCN Ngô Thị Bích Hạnh (Ban Phụ nữ Quân khu 5), kể về những năm tháng tham gia đoàn văn công, biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ ở Chiến trường K. Xin được lược trích và giới thiệu cùng bạn đọc.
Năm 1985, nhờ có chất giọng bẩm sinh, tôi may mắn được tuyển vào Đội Tuyên truyền văn hóa cơ sở của Bộ CHQS tỉnh Nghĩa Bình (nay tách thành 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định) và cùng đồng đội sang nước bạn, thực hiện nhiệm vụ biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam tại tỉnh Prếch-vi-hia (Cam-pu-chia).
Bích Hạnh cùng đồng đội hát phục vụ bộ đội ở Chiến trường K, năm 1985.
Ảnh do tác giả cung cấp
Lần đầu tiên, một cô gái trẻ măng vừa rời ghế nhà trường như tôi hiểu thế nào là chiến tranh và gian khổ, hy sinh. Trên đường hành quân, giữa đường, cầu bị gãy, cả đoàn quân phải dừng lại, chờ khắc phục. Nhân lúc này, Trung tá Nguyễn Trọng Lư, Trưởng ban Tuyên huấn Bộ CHQS tỉnh, Đội trưởng Đội Tuyên truyền văn hóa tỉnh Nghĩa Bình (Trưởng đoàn công tác lúc bấy giờ) quyết định tổ chức ngay buổi biểu diễn, phục vụ bộ đội trong thời gian chờ đợi qua cầu. Không mi-crô, không loa đài, chỉ với những cây đàn thùng, sáo trúc và bộ gõ đơn giản, những bài ca của chúng tôi đã làm dịu đi cơn khát, vơi đi những giọt mồ hôi trên vai người lính trước khi vào trận. Cả đoàn quân lặng im phăng phắc, rồi sau mỗi tiết mục, cả cánh rừng như vỡ òa trong tiếng vỗ tay. Cả người hát lẫn người nghe như quên đi cái nắng như thiêu như đốt, làn gió thổi khô khốc và cả thời gian dài chờ đợi. Tranh thủ thăm hỏi các chiến sĩ, tôi càng cảm phục bởi họ còn rất trẻ mà phải sống chung với những mùa khô giữa cánh rừng sâu, nước độc trên đất bạn, cùng chia lửa mỗi khi vào trận, có người đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây vì nhiệm vụ quốc tế cao cả.
Hôm đoàn chúng tôi đến phục vụ thương bệnh binh ở Bệnh xá K18 (Cam-pu-chia), khi đồng chí phóng viên bấm máy, vì tia chớp của đèn máy ảnh, mà một thương binh vùng dậy hô to “Xung phong!” rồi chạy quanh sân như chính mình đang ở trận địa. Chứng kiến cảnh đó, tôi đã hát trong nước mắt, lòng trào dâng nỗi cảm thương vô hạn, mong sao tiếng hát của tôi làm vơi đi phần nào nỗi nhớ quê hương và cả nỗi đau về thể xác của các anh.
Ngày vừa hành quân vừa phục vụ, đêm mắc võng ngủ rừng, cuộc hành trình của đoàn chúng tôi kéo dài suốt hơn một tháng với hơn 30 buổi biểu diễn. Có lúc ánh sáng là những chiếc đèn dầu, sân khấu là một sườn dốc, bờ khe, âm thanh không được mở to, có khi tôi chỉ ăn vội bánh lương khô để kịp giờ diễn. Một hôm, vừa diễn xong vở dân ca, một chiến sĩ đến bên tôi nói trong ngắt quãng: “Bích Hạnh à. Em cho anh xin cái nón được không? Anh xa quê đã 5 năm rồi mà chưa một lần về. Nhớ mẹ, nhớ nhà quá em ơi. Có chiếc nón của em, anh sẽ thấy mẹ anh đang ở rất gần và động viên anh trên chặng đường chiến đấu”. Trước tình cảm chân thành, mộc mạc của anh, tôi đã tặng anh chiếc nón duy nhất mà tôi mang theo làm đạo cụ biểu diễn.
Ở Chiến trường K, có người xa quê lâu ngày, thư từ lúc có lúc không; bố mất không kịp về chịu tang. Có người vợ sinh, hay con ốm cũng chẳng thể nào chung tay đỡ đần; có chiến sĩ, người yêu ở quê không chờ đợi được đã đi lấy chồng. Thương nhất là mỗi khi nghe tin ở quê có bão lụt, lại cả đêm không ngủ vì lo mái tranh nghèo chưa kịp sửa sang, mẹ già thân cò lặn lội ngoài đồng. Chúng tôi hiểu sự hy sinh của người lính ở chiến trường Cam-pu-chia lớn biết nhường nào. So với các anh, chúng tôi còn hạnh phúc hơn rất nhiều. Càng thương các anh, những văn công “hỏa tốc” chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh, cất cao tiếng hát phục vụ người lính.
Có lần tôi nhập Bệnh viện Quân y 13 (Quân khu 5). Lúc đó ở bệnh viện cũng có rất nhiều thương binh, bệnh binh từ chiến trường về điều trị, trong số họ có vài người đã gặp và trò chuyện với tôi trong chuyến công tác tại Cam-pu-chia. Mới ngày nào lành lặn, tràn đầy sức trẻ, nay gặp lại, tôi sững sờ vì một phần cơ thể của các anh đã gửi lại trên chiến trường. Vậy mà các anh vẫn lạc quan, vô tư, hồn nhiên kể chuyện vui như Tết. Tôi xin các bác sĩ chuyển lịch mổ để tôi được đến từng phòng bệnh hát cho các anh nghe với mong muốn được phục vụ các anh thêm một lần nữa. Có lẽ đó là lần hát đặc biệt nhất trong cuộc đời tôi khi bệnh binh hát cho thương binh nghe. Những ngày sau mổ, các anh lại tận tình chăm sóc tôi thật chu đáo. Với cặp nạng gỗ, anh Hội quê ở Thanh Hóa hằng ngày chịu khó lên phòng xét nghiệm xin từng ít nước đá để tôi uống sữa. Anh Hải chỉ còn một cánh tay vẫn hăng hái giặt khăn lau mặt cho tôi, thỉnh thoảng lại động viên tôi bằng những mẩu chuyện vui thật dí dỏm. Nghĩa cử bình dị giữa đời thường của các anh đã truyền cho tôi hơi ấm của tình đồng chí, đồng đội, niềm lạc quan và cả ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Chính các anh đã cho tôi thêm động lực, tiếp lửa cho tôi đi tiếp cuộc đời quân ngũ, thấy mình sống có ích hơn.
(Nguồn: http://www.qdnd.vn)