Nửa thế kỷ độc hành cùng cây đàn Violon
Trong giới biểu diễn âm nhạc đặc biệt là những người chơi violon và khán giả yêu âm nhạc ở Hà nội, ít ai không biết đến NSƯT Khắc Huề, một nghệ sĩ violon xuất sắc của ngành biểu diễn ở Việt Nam.
NSUT Khắc Huề (ảnh: Nguyễn Thị Minh Châu)
Xuất thân từ gia đình có truyền thống hoạt động âm nhạc với những người thân cùng là các nghệ sĩ nổi tiếng như: anh trai Khắc Văn - một nghệ sĩ violon và còn là chỉ huy dàn nhạc tại Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, tác giả ca khúc: Mùa hạ cuối cùng và Chèo thuyền trên Phong Châu; em trai Khắc Hoan từng tu nghiệp tại Nhạc viện Traikopsky; em gái Tuyết Trang là giáo viên dạy violon ở Nhạc viện hiện sống và dạy violon tại Caliphonia - Mỹ; em trai Khắc Hân là họa sĩ học trường đại học Mỹ thuật tại Canada.
Những người con, cháu ông cũng đã và đang là những nghệ sĩ xuất sắc trong và ngoài nước như nghệ sĩ violon, chỉ huy dàn nhạc Khắc Uyên (con trai NS Khắc Văn) sống tại London - Anh quốc; nghệ sĩ Sầm Thi giảng dạy violon ở London. Con trai Khắc Quân là nghệ sĩ biểu diễn violon ở SanJose - Mỹ, cháu nội cũng là một ca sĩ nhí tại thành phố Sanjose... Một đại gia đình nghệ thuật tạo thành một dòng nghệ sĩ violon khá độc đáo.
Bản thân nghệ sĩ đã bước qua bảy mươi mùa xuân nhưng vẫn rất năng động, trẻ trung. Quá trình hoạt động nghệ thuật âm nhạc và cuộc đời ông trải qua bao thăng trầm với những niềm vui, nỗi buồn âm thầm của người nghệ sĩ... Về công tác tại Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam từ năm 1963, năm 1978 ông được cử sang nhạc viện Budapet - Hungari làm thực tập sinh, về nước năm 1982 ông công tác tại Nhà hát Kịch Việt Nam. Năm 1984 là một trong những nghệ sĩ đầu tiên của Việt Nam được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, ông còn là một trong những nghệ sĩ đầu tiên tham gia các chương trình biểu diễn âm nhạc cổ điển, thính phòng, giao hưởng được tặng thưởng nhiều huy chương vàng trong thời gian hoạt động nghệ thuật với những tác phẩm của các nhạc sĩ như: Tây Nguyên chiến thắng (Nguyễn Văn Thương), Biến tấu trống cơm (Đỗ Nhuận), Bài ca chim Ưng (Đàm Linh), tứ tấu Vắng quê hương (Hồng Đăng), Vũ Khúc Tây Nguyên (Hoàng Đạm), Quê Hương (Lưu Cầu), Trỗi dậy (Nguyễn Văn Nam), Đường về thôn (Đào Việt Hưng)... Vào dịp giải phóng Sài Gòn ông độc tấu concerto mi thứ của nhạc sĩ người Đức (Mendelssohn) với Dàn nhạc giao hưởng do NSND Trọng Bằng chỉ huy. Ông là solist nổi tiếng trong nhiều chương trình âm nhạc được tổ chức trên sân khấu Hà Nội và cả nước.
Năm 1988 NSƯT Khắc Huề thành lập CLB Khúc hát trữ tình tại trụ sở Hội nhạc sĩ Việt Nam - 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Với niềm đam mê nghệ thuật, ông ý thức được sân chơi sẽ mang ý nghĩa giáo dục, văn hóa nghiêm túc trong thưởng thức âm nhạc, CLB đã quy tụ phần lớn các nghệ sĩ chuyên và không chuyên, nơi đây cũng là cái nôi đào tạo trưởng thành nhiều ca sĩ rất nhiều người sau này thành danh. Từ những nghệ sĩ gạo cội đầu tiên tham gia CLB như các nghệ sĩ: tài tử Ngọc Bảo, NSND Trần Hiếu, NSND Tường Vy, NSƯT Tuyết Thanh, NSND Quang Thọ, NSƯT Dương Minh Đức, NSND Thanh Hoa, NSƯT Quốc Đông, NSƯTTrọng Thủy, và vợ ông ca sĩ Dương Thúy Nga... đến các ca sĩ trẻ như Việt Hoàn, Đức Long, Trọng Tấn, Tấn Minh, Lan Anh, Minh Thúy, Thanh Hằng, Quỳnh Hoa, Tuyết Tuyết... Đây cũng là sân chơi đầu tiên của Hà Nội và cũng có thể nói là của Việt Nam vừa mang tính chuyên nghiệp vừa là nơi giao lưu học hỏi của các thế hệ ca sĩ trong một môi trường nghệ thuật âm nhạc lành mạnh. CLB Khúc hát trữ tình mang đến cho các tầng lớp khán giả yêu âm nhạc lãng mạn, trữ tình những ca khúc nổi tiếng của Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Đoàn Chuẩn, Nguyễn Văn Thương, Trịnh Công Sơn..., với các tác phẩm: Sông Lô, Thiên thai, Gửi người em gái miền Nam, Đêm đông, Dư âm, Người Hà Nội, Nhớ mùa thu Hà Nội... và cả những bài hát nước ngoài như: Triệu bông hồng, Dòng sông xanh, Khúc hát nàng Solvey, Mặt trời của tôi, Trở về Su-rien-to, Người yêu dấu, Đôi bờ, Tình ca du mục... Các nghệ sĩ có thể hát những ca khúc theo yêu cầu khán giả. CLB nhiều khi cũng gặp khó khăn song với lòng nhiệt huyết, đam mê của mình, ông vẫn quyết tâm trụ vững sân chơi mà ông đã dày công vun đắp. Cho đến nay chương trình Khúc hát trữ tình đã có thời gian hoạt động trên 26 năm. Những năm gần đây ông chuyển sang mở lớp dạy violon cho các cháu học sinh, những nghệ sĩ nhí. Lớp học trò nhỏ được thầy truyền dạy từng bước đang trưởng thành đứng trên sân khấu biểu diễn với lòng tự tin và đạt được những thành tựu nhất định, nhiều em đã được du học hoặc được vào biểu diễn tại các dàn nhạc lớn. Để truyền dạy cho các học trò của mình có thêm kiến thức về âm nhạc nước nhà, ông đã chuyển soạn nhiều bài dân ca và ca khúc quen thuộc cho violon như: Trèo lên đỉnh núi Thiên Thai, Trống cơm, Em yêu trường em, Người Hà nội, Bóng cây Kơ-nia...
Ông là người nghệ sĩ luôn mong muốn kiếm tìm những điều mới lạ trong nghệ thuật đã cùng cây violon tới các vùng miền của đất nước từ thành thị tới nông thôn, từ vùng núi cao Tây Bắc tới đồng bằng duyên hải, với tâm nguyện mang những kiến thức nghệ thuật âm nhạc của mình truyền lại cho các thế hệ yêu thích tiếng đàn violon.
Và tôi vừa được biết ông đang gấp rút chuẩn bị cho chuyến công du lên Bắc Giang dàn dựng giúp những người nông dân làng Then (một vùng quê rất nổi tiếng với những nghệ sĩ nông dân chơi đàn violon từ khá lâu) cùng dàn nhạc dây mười người đã vào vòng sau của giải Talent Việt Nam. Ông tâm sự: “Tất cả những việc tôi làm là đều muốn giúp đỡ họ một cách vô điều kiện, chỉ mong muốn môn nghệ thuật này ngày được nhân rộng và sẽ đào tạo được nhiều tài năng mới”.
Hơn nửa thế kỷ cùng cây đàn violon ông đã làm một cuộc hành trình đầy ý nghĩa đi về muôn ngả đời sống âm nhạc, đóng góp nhiệt tình, sáng tạo vào sự nghiệp phát triển của ngành biểu diễn violon nước nhà. Chúc điều mong muốn của NSƯT Khắc Huề thành hiện thực. Chúc ông có thật nhiều sức khỏe để giữ vững CLB Khúc hát trữ tình và đào tạo, giúp đỡ các thế hệ nghệ sĩ violon phát triển ngày càng tốt hơn.
Hà Nội, 20/11/2014