Lang Lang với sứ mệnh thay đổi cách dạy nhạc cho trẻ nhỏ

17/11/2014

 Từ những khổ luyện đã trải qua trong thời thơ ấu, Lang Lang, nghệ sĩ piano siêu sao người Trung Quốc, đang tự đặt ra cho mình sứ mệnh phải thay đổi cách trẻ em được dạy nhạc.

Khi Lang Lang bắt đầu chơi piano, tất cả mọi thứ dường như trở nên ý nghĩa. Khi những ngón tay của anh bay bổng một khúc nhạc tuyệt đẹp của Ravel, ta hiểu những gì anh muốn nói: đối với anh, chơi nhạc không phải là một công việc mà là một cách để thoát khỏi những rào cản ngôn ngữ thường ngày, khỏi lịch lưu diễn không ngừng nghỉ, và khỏi những người luôn săn cơ hội hợp tác với thương hiệu Lang Lang.

“Khi còn nhỏ, tôi rất rụt rè. Âm nhạc trở thành một cách để tôi giao tiếp. Nhờ cây đàn piano, mọi người có thể bắt đầu hiểu được tôi đang nghĩ gì,” Lang Lang chia sẻ.

Tuổi thơ khổ luyện

Chơi đàn trở thành một cách để cậu bé Lang Lang thoát khỏi áp lực từ những hi vọng và ước mơ của bố mẹ mình. Cha của Lang Lang quản thúc việc học nhạc của cậu theo một cách có thể nói là tàn bạo, ép cậu tập gam và các bài luyện liên tiếp hàng giờ. Có lần, vì một thất bại của cậu mà ông thậm chí còn bắt Lang Lang phải tự tử vì danh dự.

“Tôi từng có ý định bỏ chơi đàn ba lần. Nhưng khi tôi bắt đầu chạm tay vào các phím đàn và âm nhạc vang lên, tôi lại bị xúc động. Thế là tôi nghĩ, sao mình lại có ý định ngu xuẩn như vậy?” Lang Lang nhớ lại.

Những vật lộn với nghiệp đàn xảy ra từ rất sớm, trước cả khi Lang Lang tròn 10 tuổi. Thời điểm khó khăn nhất là năm đầu tiên khi anh rời quê lên Bắc Kinh để học tập.

Cha của Lang Lang từng chơi đàn nhị, còn mẹ anh cũng từng là một ca sĩ có tài, nhưng họ đều phải từ bỏ giấc mơ làm nghệ thuật khi xảy ra Cách mạng Văn hóa. Bởi vậy mà họ đổ dồn mọi mơ ước của mình vào đứa con duy nhất. Người cha đã bỏ công việc tốt để đưa anh lên thành phố khi còn nhỏ, chấp nhận sống trong nghèo khổ và ép anh tập đàn 10 tiếng một ngày để anh thi vào Học viện Âm nhạc Bắc Kinh danh giá bằng được. Còn mẹ anh phải ở lại quê làm việc kiếm tiền nuôi cả nhà.
Thế rồi khi một giáo viên nói với cha Lang Lang rằng anh chẳng có tài năng gì và sẽ không thể thi đỗ Học viện, cha Lang Lang gần như phát điên và bảo con trai hãy uống thuốc hoặc nhảy lầu tự tử cùng mình, bởi nếu anh hỏng thi, tương lai của họ coi như khép lại và bố con anh sẽ không còn mặt mũi nào quay về quê nữa. Rất may là tuy mới tám tuổi nhưng Lang Lang đã rất bản lĩnh và nhất quyết bắt cha mình phải tỉnh táo suy nghĩ lại.

“Hiệu ứng Lang Lang”

Giờ thì Lang Lang đã 32 tuổi và đang là một trong những nghệ sĩ nổi danh nhất làng nhạc cổ điển thế giới. Sau khi giành nhiều giải thưởng quốc tế, Lang Lang chuyển đến Mỹ để học tập tại Philadelphia. Năm 18 tuổi, anh đã phát hành những album đầu tiên và trở thành một siêu sao trong thời kỳ mà nhạc cổ điển bắt đầu được quảng bá dữ dội như nhạc pop. Lang Lang từng ký hợp đồng trị giá ba triệu USD với hãng Sony, biểu diễn trong buổi lễ khai mạc Olympics ở Bắc Kinh, chơi đàn tại Nhà Trắng và Điện Buckingham v.v.

Thời Lang Lang còn là một cậu bé, rất ít trẻ em ở Trung Quốc được học piano. Còn bây giờ, người ta ước tính có khoảng 40 triệu trẻ em ở Trung Quốc học đàn với ước mong sẽ thành công như Lang Lang. Họ gọi đó là “hiệu ứng Lang Lang”.

Để đáp lại, Lang Lang đang chuẩn bị xuất bản một bộ sách nhằm giúp các “nghệ sĩ piano nhỏ tuổi đầy cảm hứng” đến gần với âm nhạc hơn và kết nối với những cảm xúc trong nó chứ không chỉ tập trung dùi mài kỹ thuật.

“Chúng tôi muốn tìm một hướng đi tốt hơn cho trẻ em, giúp các em vượt qua những khó khăn mà chính tôi đã từng phải vật lộn khi còn nhỏ. Tôi tin rằng mọi người có thể học nhạc theo một cách vui vẻ và dễ chịu hơn,” Lang Lang nói.

Anh cho rằng giáo viên cần bớt áp đặt và nghiêm khắc. Một số giáo viên rất hẹp hòi trong suy nghĩ và luôn bảo học sinh phải đánh như thế này, đánh như thế kia, y như binh sĩ hành quân tập trận. Nhưng không thể dạy trẻ con như vậy.

“Giáo viên có thể nghiêm khắc nhưng không thể thiếu nhạy cảm đối với trí tưởng tượng và những cảm giác của trẻ được. Thất bại của giáo viên là không nhận thức được rằng học sinh của mình có bản ngã riêng, không giống như họ. Nhiều giáo viên cho rằng chỉ có một cách thể hiện một bài nhạc, và nếu học sinh đánh theo cách khác thì họ làm như chúng phạm điều sai trái vậy.” Một số giáo viên thậm chí còn có thái độ dọa dẫm học sinh rằng họ sẽ không nhận dạy nữa nếu học sinh không chịu đánh đúng như được bảo. Khó tin nổi là chuyện này đã từng xảy ra với chính Lang Lang.
Lang Lang cho rằng các bậc cha mẹ cũng cần dừng thái độ thúc ép quá mức đối với con cái, nếu không các em sẽ khó có thể bám trụ và thành công với cây đàn piano. Thường khi trẻ bị ép học đàn, chúng sẽ trở nên căm ghét việc học. Cha mẹ đóng vai trò quan trọng không kém giáo viên. Nhiều khi lý do trẻ không thích học đàn là bởi cha mẹ không biết cách khơi gợi niềm yêu thích trong con mình. Lang Lang nhận thấy nhiều phụ huynh, đặc biệt là phụ huynh châu Á, thường có thái độ thúc ép con cái. Họ quá mong ngóng nhìn thấy và nghe được kết quả, điều mà đôi khi trẻ em không thể thể hiện ngay được. Tâm lý của họ là: “Bố mẹ đã dành bao tiền của cho con học đàn nên bố mẹ muốn xem con biểu diễn.” Kết quả là có những em ban đầu thực sự thích học piano, nhưng vì những áp lực từ bố mẹ mà trở nên căm ghét việc học đàn. Các em đã bị chính bố mẹ đẩy đi sai hướng.

Vậy làm thế nào để đốc thúc trẻ một cách đúng đắn?

Từ kinh nghiệm của bản thân, Lang Lang thấy rằng giáo viên cần đặc biệt quan tâm đến những cảm xúc và tính cách cá nhân của từng học sinh. Tất cả chúng ta đều là con người chứ không phải những cỗ máy. Đặc biệt là trẻ nhỏ lại càng nhạy cảm và cần được khích lệ thường xuyên.

Người lớn cần tìm ra cách khiến trẻ chơi nhạc một cách thoải mái nhất. Đối với những em quá tự do và thiếu tính kỷ luật thì giáo viên cần chỉnh đốn lại, ví dụ như nhắc trẻ ngồi thẳng lưng và nghiêm túc khi tập đàn. Nhưng nếu các em quá cứng nhắc, chơi đàn như một cỗ máy mà không bày tỏ cảm xúc gì thì cũng cần góp ý cho các em, chỉ cho các em cách thả lỏng và biểu cảm hơn khi đánh.

Tất cả những lời này không chỉ là lý thuyết suông. Lang Lang thường trực tiếp dạy đàn cho trẻ em ở trường riêng của anh ở Trung Quốc khi có thời gian. Anh dạy cả những học sinh chỉ mới ba, bốn tuổi. Và Lang Lang không bao giờ thúc ép, làm học sinh sợ như người cha đã từng làm với anh.

Nhà tâm lý học Andrew Solomon nhận xét rằng Lang Lang là một ví dụ điển hình của sự “khổ luyện thành tài”, sự lỗi lạc của anh được mài giũa bởi áp lực kỷ luật và tinh thần cạnh tranh gần như điên cuồng của cha Lang Lang. Nhưng Lang Lang cho rằng đó không phải là điều duy nhất dẫn đến thành công của anh. Đúng là cha Lang Lang đã rất nghiêm khắc với việc luyện tập kỹ thuật hằng ngày của anh, và người nghệ sỹ cần khổ luyện kỹ thuật như thế. Nhưng về nhạc cảm thì họ cần được tự do.

Thất bại của giáo viên là không nhận thức được rằng học sinh của mình có bản ngã riêng, không giống như họ. Nhiều giáo viên cho rằng chỉ có một cách để thể hiện một bài nhạc, và nếu học sinh đánh theo cách khác thì họ làm như thể chúng phạm điều sai trái vậy. - Lang Lang

Sự khổ luyện đã cho Lang Lang những kỹ thuật để có thể chơi đàn một cách tự do nhất: chơi bất cứ bản nhạc nào theo bất cứ phong cách nào mà anh thích. Âm nhạc giúp tâm hồn thời thơ ấu của Lang Lang thoát ly khỏi căn hộ khủng khiếp ở Bắc Kinh và tất cả những kỳ vọng đặt vào anh. Các nhà phê bình thường nhận xét rằng những gì mà Lang Lang trải qua trong thời thơ ấu bộc lộ rõ trong âm nhạc của anh. Nhưng thực chất, đối với Lang Lang, âm nhạc lại mang đến và thể hiện niềm vui được trốn chạy khỏi thực tại.

Hiện mẹ Lang Lang thường theo anh đi lưu diễn, trong khi cha anh ở nhà. Lang Lang tâm sự: “Tôi rất vui vì bây giờ tôi có thể làm điều gì đó cho cha mẹ mình, họ đã hi sinh quá nhiều cho tôi. Mặc dù đôi khi họ quá cực đoan. Mẹ tôi thì rất tuyệt vời, nhưng cha tôi đôi khi có những hành động không cần thiết. Ông đã hi sinh mọi thứ cho con trai mình. Nhìn từ góc độ nào đó thì đây là một tình yêu nguy hiểm.” Quả thực, nếu Lang Lang không đủ bản lĩnh và gục ngã trước áp lực thì chắc chắn chúng ta sẽ phải phán xét cha của Lang Lang theo một cách khác, gay gắt hơn nhiều.

(Nguồn: http://tiasang.com.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...