Nhớ Rơ Châm Blớt
Anh là một trong số những nghệ nhân mà những lần gặp gỡ, tôi có thể đếm chi ly, với số ít những kỷ niệm quý giá. Vì anh ở xa lắm, mãi tận trên dãy Trường Sơn Tây Nguyên hùng vĩ, nơi in hằn lối đi hoang dại của những đàn voi rừng, nơi ẩn chứa biết bao huyền thoại từ thủa hồng hoang, với những mái nhà rôông cao vút, những đêm người già hát kể trường ca bên bếp lửa bập bùng… Và, dường như vượt lên tất cả là những dàn cồng chiêng nổi tiếng với tiếng nhạc linh thiêng, lúc trầm mặc, dãi bày, lúc rực lửa hùng tráng trong những lễ ăn trâu mừng lúa mới, trong những lễ bỏ mả linh đình, sợi dây kết nối kỳ diệu giữa con người với thế giới thần linh. Thứ âm nhạc kỳ vĩ ấy, không phải của riêng ai, mà được thể hiện bằng cả cộng đồng những nghệ nhân tài hoa, những người lưu giữ, truyền đời vốn âm nhạc mà cha ông họ đã sáng tạo tự ngàn đời. Trong số những người đánh cồng chiêng, luôn nổi lên những tài năng hàng đầu. Họ là những người thuộc nhiều bài bản nhất, có khả năng tiết tấu vững vàng nhất để có thể chơi mọi chiếc cồng chiêng thuộc vào loại “hóc hiểm” nhất trong dàn. Và anh- Rơ Châm Blớt là một trong số những nghệ nhân giỏi nhất đại diện cho tộc người Gia Rai Aráp vùng Bắc Tây Nguyên.
Lần đầu tôi gặp anh trong chuyến điền dã lịch sử tháng 5/2004 để thu thập tư liệu xây dựng hồ sơ Vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Ngày ấy, đã có những kỷ niệm không thể nào quên. Lúc xe ôtô chúng tôi vừa mới đáp xuống buôn Mrông Ỹo- xã Iaka- Chư Păh- Gia Lai, đoàn cồng chiêng Gia Rai của anh đang dạo những khúc mở màn, rạo rực và bốc lửa. Ông trưởng đoàn quay sang tôi hất hàm bảo: “Cậu thấy nhạc cồng chiêng Gia Rai hay chưa?” Thú thực, đây là lần đầu tiên trong đời tôi được mục sở thị một đoàn cồng chiêng Gia Rai sống động, song nghe tiếng nhạc mới lạ đó mà lòng vẫn gờn gợn niềm hoài nghi bản năng nghề nghiệp. Soạn sửa đồ nghề, tôi nhanh chóng bắt tay vào đo đạc từng chiếc trong cái dàn cồng chiêng được xem là lớn nhất Tây Nguyên ấy. Các nghệ nhân xúm quanh giúp tôi làm việc. Sau độ nửa giờ, niềm hoài nghi của tôi đã nhanh chóng “hiện hình”- có lẽ đây là dàn cồng chiêng cải tiến theo hệ thang âm do- re- mi- fa… Tây Phương. Mặt mũi nóng bừng, tôi quay sang phỏng vấn nhanh những nghệ nhân vây quanh, nhưng sau một hồi trao đổi, ngôn ngữ giao tiếp không đủ để giải quyết vấn đề. Nghĩ một lúc, tôi liền chọn vài người trong số họ mà nhìn vẻ bề ngoài có vẻ tin cậy nhất. Và Rơm Châm Blớt là một trong số đó, với nước da nâu sạm nắng gió cao nguyên, một khuôn mặt chân thành, đôn hậu, ánh mắt sáng, Blớt có vẻ đẹp nguyên bản kiểu tộc người bản địa thuần chủng nhất, một thân hình không cao lớn nhưng rất cân đối với những bắp thịt rắn chắc, cuồn cuộn như thừng chão, rất đang nể! Có lẽ cảm giác đó đã không đánh lừa tôi. Sau một hồi tìm cách hỏi vòng vo bằng lối nói chậm rãi, thật đơn giản và dễ hiểu, kiểu như “dàn cồng chiêng của ông bà người Gia Rai mình ngày xưa có giống như cái dàn cồng chiêng này?”; hay “âm thanh, cái tiếng chiêng này nghe có giống, có đúng như các dàn cồng chiêng thời xưa?”… Và, nghi vấn của tôi đã có câu trả lời. Dàn cồng chiêng mà các nghệ nhân đang chơi để dùng làm tư liệu đưa vào hồ sơ UNESCO đúng là dàn cồng chiêng cải tiến, không hiểu sao lại có sự nhầm lẫn này, vì mục tiêu của chuyến điền dã lần này là đệ trình những giá trị cổ truyền nguyên bản. Thiết nghĩ, tôi mà còn nhận ra cái âm thanh lai Tây ấy thì mấy vị thẩm định bên trời Tây hẳn cũng không kém cạnh gì.
Ngay tức khắc, tôi phản ánh với ông trưởng đoàn của mình, nhưng ý kiến của tôi bị gạt phát: “Văn hóa phải phát triển, ông không nên đem quan điểm nghiên cứu của ông ra áp đặt cho đồng bào, người ta… chấp nhận chơi nó là nguyên bản rồi!”. Thấy thế, cực chẳng đã, tôi nhanh chóng tìm hướng giải quyết riêng. Không lẽ vượt biết bao dặm đường, mới có cơ hội vào buôn làng, chẳng lẽ chịu về tay không hay sao? Thế là tôi gọi Rơm Châm Blớt và Rơm Châm Hmút (nghệ nhân chủ trì buổi lễ) ra nói chuyện riêng. Các anh cho biết, bộ cồng chiêng “của ông bà xưa” cất ở trong nhà. Và họ nhanh chóng giúp tôi tiếp cận. Nó đây, bộ cồng chiêng cổ xưa của người Gia Rai đây rồi, nằm nguyên trọng rọ tre, phủ đầy bụi và mạng nhện. Mừng như bắt được vàng, tôi cùng Blớt, Hmút và các nghệ nhân khác tãi từng chiếc cồng chiêng ra dưới trưa hè nắng gắt, đo đạc ghi chép cẩn thận. Trong bộ này, Blớt giảng giải cho tôi từng chiếc một, đây là cồng Bà (Na chêng) còn được gọi là chêng Lao vì nó được mua lại của người Lào. Tuy kích thước không lớn (đường kính khỏang 65cm) nhưng nó rất nặng, da cồng đen trùi trũi, lòng láng sáp ong bóng lộn, núm như pha vàng ròng sáng bóng… Rồi cứ thế, mạnh ai nấy làm. Những người cùng nhóm nghiên cứu thì theo lệnh ông trưởng đoàn, quay phim buổi lễ với bộ cồng chiêng cải tiến, tôi thì cứ một mình thâu tóm tư liệu vang từ bộ cồng chiêng cổ truyền. Cả ngày trời vất vả đó, “2 phe nghiên cứu” giành giật nghệ nhân của nhau để làm việc. Và, Rơ Châm Blớt là một trong số các nghệ nhân đã giúp tôi rất nhiều. Cũng may, về sau ý kiến của tôi cũng được chấp nhận phần nào. Và khi ra Hà Nội biểu diễn phục vụ hội thảo khoa học xây dựng hồ sơ, người ta đã buộc phải dùng dàn cồng chiêng cổ truyền đó. Nhưng trong chuyến lưu diễn tại Thủ đô lần ấy, Blớt ốm không ra được.
Lần thứ 2 gặp Rơ Châm Blớt là buổi truyền hình trực tiếp của Đài truyền hình kỹ thuật số VTC đón chào năm mới 2006 lúc giao thừa, cũng là dịp ăn mừng sự kiện cồng chiêng vinh danh- được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Lãnh đạo đài VTC đã quyết định “chơi sang”, “vượt mặt” các đài bạn bằng việc mời cả đoàn cồng chiêng Tây Nguyên ra biểu diễn đón chào năm mới. GS.TS Tô Ngọc Thanh và tôi được mời làm cố vấn cho họ, và tôi đã quyết định mời đoàn cồng chiêng của Rơ châm Blớt lên đường. Ngày đó sẽ không thể nào quên, tôi chạy ào đến khách sạn gặp các nghệ nhân, anh em ôm chầm lấy nhau, mừng vui hết cỡ. Chương trình biểu diễn đêm đó thành công mỹ mãn. Lần đầu tiên, cồng chiêng Tây Nguyên được vang vọng trên sóng truyền hình trực tiếp, lại đúng vào phút giao thừa, thật thiêng liêng và sống động, ý nghĩa biết mấy. Dẫn đầu đoàn cồng chiêng là Rơ Châm Hmút đánh trống hùng dũng với các động tác vũ đạo đi kèm thật hấp dẫn. Theo sát anh là Rơ Châm Blớt. Dường như mỗi lần góp mặt, Blớt luôn đảm nhiệm chiếc Na chêng (chêng Lao) đen bóng- chiếc cồng to nhất, nặng nhất, luôn dẫn đầu đoàn cồng chiêng Gia Rai Aráp. Cách chơi chiếc cồng này của Blớt cũng là cách chơi đặc trưng hình như chỉ thấy có ở nghệ thuật cồng chiêng Gia Rai. Mỗi lần kích âm. Bao giờ Blớt cũng xoay, lắc, giật chiếc cồng để cho âm thanh của nó có thể lan tỏa nhiều chiều trong không gian. Như đã biết, độ vang của cồng chiêng bao giờ cũng vượt trội ở phía mặt trong. Cách đánh xoay, lắc sẽ tạo nên một hiệu quả âm thanh hết sức đặc biệt. Tiếng cồng sẽ lan tỏa ra nhiều hướng trong không gian tùy theo việc người chơi cồng hướng mặt trong về phía nào. Chiếc Na chêng mà Blớt sử dụng, như đã giới thiệu là chiếc cồng đặc biệt nhất mà tôi gặp trên Tây Nguyên. Âm thanh nó trầm hùng với sức biểu cảm thật đặc biệt, lừng lững lan tỏa trong không gian với độ vang xa và độ ngân dài đáng kinh ngạc. Có thể nói, mỗi lần Na Chêng cất tiếng, nó thực sự gây ấn tượng khá mạnh, hơn là hiệu quả âm thanh của một cây ghita bass, được khuyếch đại qua dàn amply vô công suất mà các nhóm nhạc rock thường sử dụng. Trong dàn Cồng chiêng Gia Rai, Na Chêng được xem như kiểu dạng bè trầm một âm, làm tầng nền cho toàn bộ dàn nhạc. Có thể điều đó tương ứng với ý nghĩa cái tên “người bà” (Na) - người chủ gia đình trong chế độ mẫu hệ. Thông thường, người chơi Na Chêng luôn phải là người có thể lực tốt vì nó khá nặng. Và Rơ Châm Blớt chính là người như vậy. Thêm nữa, do các động tác biểu diễn xoay, lắc nên người chơi Na Chêng luôn có phong cách biểu diễn thật đặc biệt, với sự pha trộn những động tác giống với dáng vẻ của một vũ công, mà chiếc cồng đeo bên vai là đạo cụ. Tất cả những điều đó khiến Na Chêng và người chơi nó luôn gây ấn tượng mạnh mẽ nhất khi đoàn cồng chiêng trình diễn chuyển động. Buổi biểu diễn truyền hình trực tiếp phút giao thừa của Blớt và các bạn anh đã gây ấn tượng rất mạnh với khán giả. Nó khiến các nhân viên kỹ thuật, các biên tập của VTC lúc đó dường như quên mất vị trí của mình, cũng nhún nhảy, hú hét hòa vào những âm thanh hùng tráng, kích động vũ điệu.
Sáng ngày hôm sau, ngày 1/1/2006, anh Hà Ngọc Thắng, Trưởng Phòng nghiệp vụ, Sở Văn hóa Thông tin Gia Lai gọi điện cho tôi báo tin đoàn cồng chiêng sẽ biểu diễn vào buổi chiều tại khách sạn Kim Liên- nơi đài VTC thuê cho cả đoàn nghỉ trọ. Hóa ra đêm hôm trước, đám nhân viên ở khách sạn có xem chương trình đón giao thừa của VTC, họ rất sửng sốt và vô cùng thích thú khi lần đầu tiên được nghe nhạc cồng chiêng Tây Nguyên, lại càng khoái hơn khi được biết đó chính là đoàn khách trọ đang lưu trú ở khách sạn của họ. Bởi vậy, các chị làm ở nhà ăn cùng các nhân viên bảo vệ, dọn phòng quyết định mở một tiệc rượu chiêu đãi các nghệ nhân và mời họ đánh cồng chiêng ở sân nhà ăn của khách sạn. Thấy vậy, tôi liền rủ thêm đám sinh viên, nhà quay phim, nhiếp ảnh và cánh phóng viên yêu nhạc cổ truyền đến dự, như Trần Ngọc Hà báo Pháp luật Việt Nam, Nguyễn Mạnh Hà báo Tiền phong và Lê Thoa ở VTC... Cuối giờ chiều, cả bọn kéo đến khách sạn, mấy anh em nẩy sáng kiến, quyết định xin các nghệ nhân đóng khố - nguyên bản trang phục dân tộc, rồi bắt đầu đánh cồng chiêng ngay từ cầu thang nhà nghỉ tầng 2 trở đi, chứ không đến ngay “sân diễn” như dự kiến. Và đó thực sự là buổi buổi trình diễn “nghệ thuật đường phố” với thật nhiều cảm xúc bất ngờ, sửng sốt, kinh ngạc không bút nào tả xiết.
Vừa rời khu nhà nghỉ, đoàn cồng chiêng và chúng tôi vô tình diễu hành qua vài tiệc cưới ở khu nhà bên. Thế là cả tứ bát họ nhà trai nhà gái cùng mấy cặp cô dâu chú rể cùng đổ xô ra xem cồng chiêng. Các nghệ nhân lần lượt diễu hành trình diễn qua các tòa nhà cao tầng của khách sạn, qua hàng dẫy xe ôtô, nhà hàng sang trọng. Đi đến đâu, gây náo nhiệt đến đấy. Thật là một buổi biểu diễn hy hữu, những tiếng vọng thủa hồng hoang trên Trường Sơn Tây Nguyên hùng vĩ một lần nữa vang vọng giữa lòng thủ đô, nhưng lần này là cuộc “trình diễn đường phố”, như “trêu ghẹo”, như “thách thức” những “vật chứng” của thời đại văn minh công nghiệp. Tất cả như say, như điên lên với những bản cồng chiêng rực lửa, với những tiết tấu chu kỳ mang tính vũ điệu đặc trưng.
Như mọi lần, H’Mút vẫn đánh trống đi trước, còn Blớt vẫn xách Na chêng tiếp bước, dẫn đầu đoàn cồng chiêng nối đuôi nhau. Nhìn Blớt lom khom xoay người lắc cồng để tiếng nhạc hào hùng của đại ngàn lãng đãng, ùa vào các tòa nhà hiện đại, các nhà hàng sang trọng ven đường, không nhịn được, mấy anh em chúng tôi cùng hú lên những tiếng thét hoang dại cùng các nghệ nhân. Cuộc trình diễn trụ lại ở sân nhà ăn khách sạn. Quây tròn quanh đoàn cồng chiêng, bàn rượu bày bên cạnh, đám đông nhân viên và chúng tôi vừa nhảy múa theo vũ điệu cồng chiêng, vừa tranh thủ học mót một vài chiếc cồng đơn giản để tham gia chơi cùng nghệ nhân. Tới tối mịt, tới đêm khuya, tất cả đều say mèm, Blớt phải dìu tôi lên phòng nghỉ cùng già làng.
Sau đó khoảng hơn tuần, tôi may mắn lại được gặp Blớt lần nữa. Đó là chuyến điền dã thứ 2 trở lại Gia Lai để lấy thêm tư liệu. Sáng hôm đó, anh Hà Ngọc Thắng lấy ôtô của Sở VHTT đưa tôi đến thẳng nhà H’Mút. Biết tin, già làng và các nghệ nhân nhanh chóng tụ hội, như những người khác, Blớt chạy ào đến ôm chầm lấy tôi trong mừng vui khôn xiết.Trưa hôm đó, tiệc rượu lại bày ra, và tôi lại say mềm, chính anh đã khiêng tôi vào giường nhà H’mút, để tôi ngủ một mạch đến không còn biết giời đất gì nữa. Gần 4g giờ chiều, tiệc rượu mới tàn, Blớt lúc đó cũng đã lè nhè, mặt đỏ gay vào lay tôi dậy: “Đi thác Công Chúa thôi, tắm với già làng, tắm với mọi người cho zui!” Thế là vùng dậy, vã nước vào mặt cho tỉnh rồi cả đoàn lên đường. Đây là lần đầu tiên tôi được các nghệ nhân Tây Nguyên cho đi chơi. Nhường già làng và phụ nữ đi ôtô, Blớt đèo tôi đi xe máy, hơi rượu vẫn chưa hả toàn phần, đại ca tôi lái xe đánh võng liên tục, vừa đi vừa ngoái lại bảo: “Mình là anh em rồi, thương em lắm, Blớt là anh trai của em Hiền”.
Rơ Châm Blớt và Bùi Trọng Hiền |
Vốn tiếng Kinh của Blớt cũng như của đa số đồng bào nơi đây còn khá hạn chế, tôi thì lại dốt đặc tiếng Gia Rai, vậy mà vẫn đủ để anh em tôi thương nhau bằng cả tấm lòng nhân hậu. Tắm thác xong, tôi và mấy cán bộ Sở VHTT được Blớt mời về nhà ăn cơm. Cũng như Blớt, cả nhà anh cũng chân thành, thật thà, đôn hậu và hiếu khách. Anh hỏi tôi thích ăn gì, tôi nói: “Ở Hà Nội đang có dịch cúm gà, cho em gà nhà anh với!” Blớt phẩy tay hất hàm: “Ôh, đơn giản thôi, để anh bảo vợ anh và con chó đi bắt gà cho em ăn!” Tôi phá lên cười ngạc nhiên! Quả đúng vậy, chị vợ anh một đầu, còn chú chó tinh khôn chặn đầu vườn bên kia sủa ầm ĩ vây đuổi đàn gà về hướng bà chủ. Tóm được 2 con, chị làm thịt kiểu bản xứ, cầm chân gà quật vào cây hóa kiếp rồi làm thịt chứ không cắt tiết như người Kinh. Bữa cơm thật ấm cúng. Khác với nhiều nhà, Blớt gọi vợ lên ăn cùng chúng tôi, sau khi đã trịnh trọng giới thiệu chị với các vị khách mời. Cơm nước xong, Blớt đèo tôi quay lại nhà H’mút, luôn được coi là nơi hội họp và sinh hoạt của đội cồng chiêng Mrông Yõ- Ia Ka –Chư păh. Tối nay tôi dự kiến sẽ thu thanh và phỏng vấn cả đoàn cồng chiêng. Tới nơi, thấy vắng teo! H’mút cho biết, giờ rất khó tụ tập, vì mọi người đều ăn cơm và uống rượu ở khắp các buôn, rải rác ở nhiều thôn khác nhau, rất khó tìm được vì “thời gian biểu” vui chơi của người nông dân thật tùy hứng. Tôi hoảng hồn, vì biết mình không có nhiều thời gian và điều kiện để ở lại, đành quay sang năn nỉ các anh. Thế là Blớt và H’mút chia nhau tỏa vào đêm tối. Chừng độ gần nửa giờ, mới tìm thêm được độ dăm người nữa, vẫn chưa đủ lực lượng để thu thanh. Như đã biết, dàn cồng chiêng Tây Nguyên cơ cấu theo biên chế dàn nhạc hợp tấu, mỗi người chơi một chiếc. Tính toán thật nhanh, tôi liền huy động, sắp xếp anh Thắng, anh lái xe ở Sở và cậu phóng viên đi cùng vào vị trí những chiếc cồng đệm hòa âm – là loại đánh nhịp đồng độ, hầu như ai cũng có thể chơi được. Các nghệ nhân thì chia nhau đảm nhiệm bộ 3 cồng trầm và dàn chiêng đi giai điệu. Vẫn không đủ, thấy vậy, Blớt đứng ra đảm nhiệm diến tấu 2 chiêng cùng lúc. Thế là ổn, tôi bắt đầu tiến hành thu thanh, nhạc cồng chiêng bắt đầu vang lên... Được khoảng 15 phút, từ trong đêm tối, lại có thêm mấy bóng đen xuất hiện lướt đến. Tới khoảng sáng le lói, mới nhận ra đó là các nghệ nhân còn lại. Hóa ra, thay vì đi tìm, chỉ cần đánh cồng chiêng lên là họ sẽ mò tới, tự nhiên như tiếng gọi của nhạc lòng vậy. Rồi chả mấy chốc, đã hội tụ đủ mặt anh tài. Cả tối thu thanh, khi gặp những bài chiêng không thuộc (phần vì lâu không chơi, phần vì chỉ có một số người nắm vững), đương nhiên, anh Blớt của tôi luôn là người giỏi nhất và chỉ đạo, hướng dẫn những người còn lại điều khiển các chiêng thành viên. Cứ chiêng nào thuộc vào loại khó nhất, không ai chơi được thì lại “đến tay” Blớt. Xem họ dượt bài, mới thấu hiểu thêm rất nhiều điều mà trước đây tôi chưa thể tưởng tượng. Sau khi đã “vơ vét” hết sạch vốn liếng bài bản của họ, tôi quay sang học kỹ thuật chỉnh âm cồng chiêng, vài người trong số họ có khả năng đó. Lần này nói chuyện mới biết, cũng như những nghệ nhân cồng chiêng khác, Rơ Châm Blớt có thể chơi thành thạo tất cả các nhạc cụ khác của người Gia Rai... Ngay trong đêm đó, tôi buộc phải chia tay Blớt và những nghệ nhân Gia Rai thân yêu, mặc dù rất muốn thức thâu đêm cùng họ, nhưng hoàn cảnh công việc không cho phép.
Đằng đẵng cả hơn một năm sau đó, cuộc sống cứ cuốn trôi đi với biết bao điều nhọc nhằn. Hồi tháng 7 năm nay, vào một buổi chiều, tôi nhận được cú điện của anh Nguyễn Hiền- Trưởng phòng VHTT Chư Păh: “Hiền ơi! Nói chuyện với Blớt này!” Mừng rú lên, hóa ra Blớt lên huyện công tác, được anh Hiền cho gọi nhờ điện thoại để hỏi thăm tôi. Hai anh em mừng mừng tủi tủi. Anh nói “vụ mùa năm nay cũng được, nhà anh thu được nhiều thóc lắm, trời đang mưa, cà phê năm nay chắc cũng tốt, đội cồng chiêng mình vẫn khỏe hết, tốt hết, mọi người nhớ em lắm, già làng nhớ em, anh cũng nhớ em”. Tôi nói: “Thì em đây nè, đang nói chuyện với anh nè”, nhưng Blớt bảo tôi “phải vào đây để mọi người nhìn thấy cái mặt em, để uống rượu ghè với anh...!” Tôi không thể ngờ được đấy là lần cuối cùng tôi được nghe thấy giọng nói chân thành, mộc mạc và thật ấn tượng của Blớt.
Cuối tháng 11-2007, tôi lại lên với Trường Sơn Tây Nguyên một lần nữa. Trong chương trình làm phim cồng chiêng với hãng phim TFS, tôi lại được trở về với các nghệ nhân Ia Ka (Chư Păh- Gia Lai). Xe ôtô chạy qua Phòng VHTT huyện làm thủ tục, Trưởng phòng Nguyễn Hiền nói: “Blớt mà biết em về là nó mừng lắm!” Thế nhưng khi xuống tới buôn, vào lại mái nhà xưa, Rơ Châm H’mút buồn rầu báo tin: “BLớt nó bị bệnh nặng rồi, nó đau mấy tháng nay, Blung em nó mới đưa đi bệnh viện Plei Ku hôm qua”. Tôi hoảng hồn hỏi kỹ, nhưng các anh cũng chỉ nói được loáng thoáng, hình như Blớt bị đau gan nặng, mà tôi đoán là ung thư vì nghe nói anh chỉ còn da bọc xương. Cả nhóm làm việc tới quãng 1g trưa thì rút về Plei Ku, tôi thì ở lại tranh thủ học việc với Kơso Wëk, già làng chỉnh chiêng nổi tiếng trong vùng. Một lát, Nguyễn Hiền xuống buôn, hóa ra anh không hề hay tin Blớt lâm bệnh trọng. Anh hẹn sẽ thu xếp đưa tôi vào bệnh viện Plei Ku thăm Blớt, “Thế nào Blớt nó cũng sẽ khóc khi gặp em!” - Nguyễn Hiền khẳng định. Thế rồi những ngày ở Gia Lai cuốn đi như cơn lốc với biết bao công việc gối đầu của đoàn làm phim, tôi không thực hiện được cuộc viếng thăm Blớt như dự kiến. Rồi khi trở ra Hà Nội, vào một buổi tối trung tuần tháng 12 lạnh lẽo, Nguyễn Hiền gọi điện báo tin dữ: “Hiền ơi! Blớt chết rồi, mới hôm qua thôi, mai đưa ma, anh đang ở dưới buôn”, rồi anh chuyển máy cho H’mút và Blung, em trai Blớt. Nhưng rào cản ngôn ngữ khiến chúng tôi chẳng biết nói gì nhiều. H’mút bảo: “Blớt chết rồi, đang ở đây”. Nghẹn ngào trong nước mắt, tôi chỉ có thể nói ngắn gọn: “Em buồn lắm..!” vì biết các anh không thể hiểu hết những gì tôi muốn nói qua điện thoại!
Ôi, có thể thốt lên bao nhiêu cái “giá mà” hay “nếu như…”, cảm giác nợ nần với nghiệp cổ nhạc, với các nghệ nhân tài danh hẳn sẽ đeo đẳng suốt đời. Rơ Châm Blớt- người anh Tây Nguyên của tôi đã ra đi quá sớm ở cái tuổi chưa tròn 60 mùa rẫy, cái độ tuổi thực thụ chín rộ của một nghệ nhân cổ nhạc với biết bao năng lực nghệ thuật tiềm ẩn. Dàn cồng chiêng buôn Mrông Yõ rồi đây sẽ phải có người thay thế, nhưng liệu còn được bao nhiêu tài năng như Rơ Châm Blớt - người nghệ nhận Gia Rai Aráp tài hoa, đã được ghi tên trong danh sách của hồ sơ UNESCO?!