Gia đình hát Văn
Khi được hỏi về nghề hát văn, cô Thanh Nhàn thường nói rằng: “Đó là nghiệp, mà lại là tổ nghiệp, nghĩa là được tổ độ để có thể hát hay, hát giỏi và sẽ phải hát để hầu các bậc thánh, khó mà đổi nghề khác. Thanh Nhàn, cô chánh cung văn của nhiều đền, cũng là một ghế đồng lâu năm ở TP. HCM, vào nghề từ năm lên 6, 7 tuổi tới nay tính ra đã gần 50 năm, với bao buồn vui của nghề hát văn.
Gần trọn đời gắn với nghiệp hát văn, cô Chánh Nhàn chợt ưu tư khi nghĩ lại những năm tháng trong nghề. Cô học nghề từ người mẹ thân yêu - NS Diệu Thường, con gái của ông trùm chèo Phạm Văn Nghị. Thuở thanh xuân, bà vốn là một đào nương tài sắc của ca trù nhưng lại nổi tiếng trong hát chèo với những vai đào lệch, đào lẳng từ những năm 1950. Theo chồng vào Nam, bà lại nổi danh trên sân khấu cải lương, đoàn Kim Chung. Đó là một nghệ sĩ đa tài.
Khi cải lương đang phát triển rực rỡ, bà đã chuyển sang hát văn hầu thánh – là một trong những giọng hát văn nổi tiếng những năm 1960-1970, và được chọn làm chánh cung văn Đền Cô Bơ…
Khi đi hát, bà thường đem con gái rượu là Thanh Nhàn đi theo để cô bé nghe. Ban đầu, cô bé tập gõ nhịp rồi hát tòng theo vài gía chẳng mấy chốc cô gái rượu đó đã trở thành cô cung văn tài sắc vẹn toàn ở tuổi trăng tròn. Cuộc đời hát văn, theo Thanh Nhàn là theo các thanh đồng đi khắp nơi từ TP Hồ Chí Minh đến Biên Hoà, Đồng Nai, Đà Lạt, lên tận Buôn Mê Thuột. Cứ quanh năm ngày tháng, đến nỗi cô thuộc lịch ta hơn lịch tây (các bà thương gọi nôm na là ngày trên-ngày dưới, vì ngày hầu ở các đền là tính theo lịch ta-âm lịch)…Rất ít có dịp Tết nào Thanh Nhàn ở nhà quá một ngày trọn vẹn để ăn Tết cùng chồng con, vì người ta hầu từ đêm giao thừa, mùng một Tết, hầu mở phủ…Nhất là dịp tháng giỗ cha, (tháng 8) và tháng giỗ mẹ (tháng 3)…thì việc cung văn ngủ tại đền là chuyện bình thường.
Với giọng buồn buồn, Thanh Nhàn tâm sự chính vì việc hát hầu nhiều như vậy nên việc chăm sóc chồng con bị lơ là, không trọn vẹn. Có lúc mệt mỏi quá cô đã tính chuyển nghề. Đầu những năm 90 thế kỷ trước, cô đã cùng chồng con chuyển sang Phnông Pênh kinh doanh vàng bạc rồi lại về thành phố Hồ Chí Minh bán cà phê…. Nhưng làm gì cũng nhớ đến hát văn, người cứ mơ mơ màng màng… nên toàn lỗ vỗn, rồi ốm đau triền miên...ấy vậy mà cứ ngồi vào chiếu hầu văn là khoẻ ngay, lạ thế.
Người đàn bà trên 50 tuổi vẫn gửi nhiều nét đẹp, đài các một thời, sôi nổi hẳn lên khi nói về những đứa con, cháu của mình:
- Mẹ tôi được nhiều anh chị em nhưng chỉ có anh ba là theo bà học được nghề đàn Nguyệt và tôi thì nối gót nghề hát. Đến các con tôi cũng vậy, mấy cháu không thích đi hát nên các cháu theo nghề khác, may sao có cháu út. Thanh Nhàn chợt vui nói: “Nhờ tổ độ hay sao, cháu út năm nay 22 tuổi mới theo mẹ được mấy năm nay mà nghề đã khá vững, một mình cháu có thể hát cho cả ván hầu, có thể phụ mẹ đi hát ở cửa đền. Cháu có khiếu về vẽ và âm nhạc nhưng chỉ thích hát văn. Cháu thuộc nhanh các bài bản, xử lý các tình huống nhanh nhạy”.
Về nghiệp hát văn cô Nhàn nói: Hát văn có khoảng 36 giá đồng, tuy vậy mỗi vấn hầu (một lần) chỉ khoảng từ 8 đến 16 giá, (một lần thánh nhập) mỗi giá cần từ 5 đến 10 lời bài hát với một số làn điệu qui định. Bản thân người viết bài này đã nhìn thấy 2 quyển ghi lại bài bản hát văn 36 giá đồng mà cô Nhàn cho một học trò hát để hầu…dày khoảng 300 trang chữ to.
Người hát phải học thuộc lòng các bài bản lại phải uyển chuyển sử dụng các làn điệu, cùng một giá đồng, cùng một lời văn, khi thì điệu này, khi phải chuyển điệu khác… cho hấp dẫn. Nhiều ông đồng rất am hiểu ca từ và làn điệu hát văn (như ông đồng Sỹ, ông đồng Trừ) dễ dàng phát hiện sự yếu kém của cung văn trong làn điệu, trong lời văn, hơi văn. Gần đây có phong trào các cung văn thường đưa thêm vào các làn điệu dân ca các vùng miền như ví dặm, quan họ Bắc ninh, xòe Thái….tùy theo xuất sứ của giá đồng. Tính ra, cung văn phải thuộc cỡ trăm bài bản cùng cỡ hai mươi làn điệu để có thể thay đổi dễ dàng, hoà hợp cho cả vấn hầu. Ấy vậy mà cháu út đã thuộc lòng rất nhanh và hầu như không phải nhìn sách. Cậu theo mẹ và lập tức nắm ngay bí quyết về làn điệu, hò, ngâm…một cách thành thục.
Gần đây, trong một chương trình quay cho dịp tết Quý Tỵ, người ta rất ngạc nhiên thấy một bé gái 9, 10 tuổi gõ mõ hát theo bà Nhàn một cách tự nhiên. Hỏi ra mới biết đó chính là cháu ngoại của bà Nhàn: cô Hai Nguyễn Hoàng Nam Phương.
Không giấu nổi tự hào, cô Nhàn nói: “May mắn là trong số 4, 5 cháu ngoại thì có cháu…hát khá tốt, hy vọng cháu sẽ nối gót bà và cậu sau này…”.
Với giọng hơi buồn, cô Nhàn tâm sự: “Hát văn là cái nghiệp vui nhiều, buồn lắm, lại vất vả. Cô rất vui khi kể chuyện mình đã biết có liên hoan Hát văn khu vực Đồng bằng sông Hồng lại Vĩnh Phúc vào năm 2010 và năm 2013. Chia sẻ niềm vui với cô, chúng tôi được biết gần đây (cuối tháng 9 đầu tháng 10-2013) Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội tổ chức liên hoan các nhóm hát Văn ở Thủ đô Hà Nội…rồi tin vui hát Văn đang được hoàn chỉnh hồ sơ để xin UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể nhân loại. Không dấu được xúc động, cô chánh Thanh Nhàn tâm sự: Cả cuộc đời lăn lộn với hát văn với nhiều buồn vui, tủi cực… giờ mình đã vui và an lòng với công việc mình theo đuổi. Cái tâm của mình được con cái, họ hàng, anh em yêu quý. thấu hiểu. Ngẩng lên nhìn mọi người, cô Nhàn cười nhẹ và nói: thỉnh thoảng tôi cũng được mời ra Bắc hát ở các đền nổi tiếng như Đền sông Tranh, phủ Tây hồ, phủ Dày, đền Sòng… Các cung văn ngoài Bắc hát hay lắm; phần lớn họ trẻ và điêu luyện, vừa đàn giỏi, vừa hát hay, thật là quý, họ đã vào thành phố Hồ Chí Minh hát cho các vấn hầu ở trong này; mình lớn tuổi rồi, nhìn các em cháu nó hát thấy vui lắm.
Chia tay cô cung văn Thanh Nhàn, chúng tôi bị lây cái niềm vui của cô Phải chăng vận hội về văn hoá dân gian của nước nhà đã đến lúc bay cao. Nào hát quan họ, ca trù, hát xoan, Hội lễ đền Gióng, gần đây có lẽ tế đền Hùng lần lượt được tổ chức UNESCO công nhận là những di sản văn hoá phi vật thể thế giới. Chúng ta còn Nhạc tài tử Nam bộ, còn hát Giặm Nghệ Tĩnh.v.v cũng đang được khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ trình lên UNESCO, hy vọng một ngày gần đây Việt Nam sẽ có thêm nhiều giá trị Văn hóa được thế giới biết đến…
Nhớ ơn người xưa đã sản sinh và nuôi dưỡng ghi công, người nay gìn giữ để chúng ta tự hào có một nền văn hóa rực rỡ mang đậm dấu ấn Việt Nam... Trong cái tập thể quần chúng nhân dân rông lớn ấy ta nhận ra những con người cụ thể, họ như được trao cái nghiệp nặng nề hơn như lão nghệ sĩ Hà Thị Cầu của xẩm, các cụ Cả Tam, Năm Ngũ của chèo, Tạ Duy Hiển của xiếc, Quách Thị Hồ của ca Trù, Châu Loan của ca Huế, Phùng Há, Năm Châu của Cải lương v. v và v. v. Những người những gia đình nhiều đời nối tiếp nhau âm thầm lặng lẽ gìn giữ một loại hình nghệ thuật cổ truyền của dân tộc. Họ chăm chút gìn giữ một loài hoa để đóng góp vào vườn hoa đa màu, đa sắc của Nghệ thuật Việt Nam điều đó đáng quý, đáng trân trọng biết bao...
Ở Thành phố Hồ chí Minh, với dân số đông nhất nước, với kinh tế văn hóa phát triển, tiếp thu nhanh các loại hình văn hóa trong nước, ngoài nước; nơi nhịp sông luôn luôn sôi động, nhưng vẫn có những gia đình như gia đình cung văn Thanh Nhàn, cung văn Trần Thị Lan… những gia đình, những con người nâng niu gìn giữ loại hình văn hóa hát Văn… Như gìn giữ những viên ngọc văn hóa sông Hồng ở nơi “hòn ngọc Viễn đông” hoa lệ và sôi động.
Bao năm rồi họ cứ lặng lẽ, lặng lẽ ca hát như vậy để đến hôm nay những người con của đồng bằng Bắc bộ, những người dân của Nam Bộ, các du khách yêu quí Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh có dịp thưởng thức các làn điệu duyên dáng, quyến rũ của Hát văn ngay tại thành phố này với đầy đủ diện mạo, lề lối diễn xướng vẫn giữ được cái không khí xưa cũ và thành kính của hát văn xưa. Đáng qúy biết bao, hạnh phúc biết bao.
(Nguồn: Tạp chí Âm Nhạc Việt Nam số 32)