Để năm mới ít scandal...
Cơ quan quản lý không chỉ mạnh tay xử phạt mà cần phải có những biện pháp quản lý thích hợp, hiệu quả; khán giả cần phát huy hơn nữa quyền lực của mình trong việc tẩy chay những nghệ sĩ phản cảm; báo chí cần những biên tập viên vững vàng, thẳng tay chỉ mặt vạch tên những nhân vật gây sốc để nổi tiếng. Nếu tiến hành được đồng bộ những biện pháp như thế, môi trường showbiz sẽ trở nên sạch hơn!
Ca sĩ Đức Tuấn: Nghệ thuật nghiêm túc phải được đối xử tử tế!
Showbiz Việt quá nhiều những chiêu trò phản cảm. Nhưng, thế nào là lố? Thế nào là phản cảm? Có những người ăn mặc kín như bưng nhưng vẫn phản cảm đó thôi… Hay phản cảm đối với người này nhưng lại không phản cảm đối với người khác nên thật khó để phân định và có những tiêu chí xử phạt đích đáng. Trong khi đó, một sự thật là ai cũng muốn hoạt động nghệ thuật tử tế, ra những sản phẩm chất lượng, nghiêm túc nhưng ở thời điểm hiện tại những cái tử tế đó không hoặc khó có “đất” để sống. Những giá trị ảo lấn lướt giá trị đích thực nên Đức Tuấn mong rằng, công chúng phải là người giám khảo sáng suốt để lựa chọn cách thưởng thức nghệ thuật một cách đúng đắn. Ở thời điểm nào thì Tuấn cũng tin rằng việc đào thải từ chính khán giả là hợp lý nhất.
Kể ra chính một số báo mạng cũng có lỗi trong việc này. Những thông tin tốt đẹp, có ích cho nghệ sĩ thì ít được báo chí quan tâm nhưng những trò lố, những chiêu trò thì lại được săn đón và đăng tải quá nhiều. Mỗi một chiêu trò mà được hàng chục tờ báo quan tâm, thế nên những tên tuổi mới thừa tham vọng muốn được công chúng biết đến thì họ ngại gì mà không làm!? Sự thiên lệch ở chính những giá trị đó cũng làm nghệ sĩ nhiều khi cũng cảm thấy hoang mang lắm!
Ca sĩ Hồ Trung Dũng: Công chúng chưa mạnh tay đào thải
Các quy định xử phạt trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn hiện nay của ta đã có nhiều, nhưng nhiều điểm chưa được rõ ràng. Điều này cũng khó trách phía cơ quan quản lý bởi quản lý hoạt động biểu diễn là vô cùng khó. Nội chuyện đẹp - xấu, dài - ngắn, kín - hở thôi cũng đã đau đầu rồi! Bởi đẹp - xấu, phản cảm hay không là những phạm trù không mang tính bất biến. Đẹp của hôm nay có thể là vẻ xấu xí của ngày mai, đẹp với người này nhưng xấu xí, phản cảm với người khác.
Đối với việc ăn mặc hở hang cũng vậy, mỗi người đều có một gu thẩm mỹ và phông văn hóa riêng. Nên khó để phân định đâu là phảm cảm, đâu không phản cảm. Tất nhiên, nhà quản lý có vai trò quan trọng đối với việc định hướng cho nghệ sĩ và cả với khán giả. Việc tăng hình thức xử phạt hành chính đối với các trường hợp vi phạm quy định nghệ thuật biểu diễn Trung Dũng cho rằng cũng là tăng hy vọng làm showbiz trong sạch hơn.
Khó lý giải khi công chúng có khi thừa biết đó là những chiêu trò của nghệ sĩ nhưng họ vẫn tò mò quan tâm mà chưa thực sự mạnh tay đào thải. Những việc lập lờ như vậy vô tình lại cổ xúy nhiều người muốn được công chúng biết đến thì phải sử dụng chiêu trò. Bản thân Dũng thì vẫn cho rằng những nghệ sĩ nổi bằng chiêu trò sẽ không được lâu bền, hình ảnh của họ sẽ xấu đi và có muốn quay lại để xây dựng hình ảnh đẹp cũng rất khó.
Nên việc định hướng thẩm mỹ cho người nghe bằng cách tẩy chay của khán giả là điều tốt nhất. Làm được điều đó cũng cần có sự định hướng của các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan truyền thông và là con đường lâu dài chứ không thể mau chóng được!
Diễn viên Trịnh Kim Chi: Duy tình hay thẳng tay đây?
Từ trước tới nay những chế tài xử phạt trong lĩnh vực nghệ thuật còn khá nhẹ tay, chưa thực sự triệt để. Đúng là tư duy “trong cái lý, có cái tình” khiến nhiều công tác quản lý xử phạt bị coi nhẹ. Phạt nặng, đánh vào kinh tế tôi cho cũng là một ý kiến hay, một tia hy vọng lập lại trật tự biểu diễn trong năm mới của nhà quản lý. Nhưng thực sự trong giới hoạt động nghệ thuật, những chế tài, những tiêu chí đều khó đạt kết quả một cách triệt để và để nói rằng nên làm thế nào thì cũng vô cùng khó. Rõ ràng việc xử phạt nằm ở các cơ quan quản lý đầu tiên nhưng để chấn hưng giới showbiz đang nhiễu nhương như hiện tại lại cần sự tiến hành đồng bộ. Đó là tác động từ các nhà quản lý cũng như từ phía khán giả và cơ quan truyền thông báo chí.
Trong khi các nhà quản lý vẫn còn “duy tình” thì khán giả của ta cũng có phần dễ dãi. Chúng ta có đối tượng khán giả phong phú nên cũng rất đa dạng ở thị hiếu thưởng thức. Với những chiêu trò thì không hẳn cổ xúy, nhưng do tò mò mà họ vẫn quan tâm. Những hiện tượng ngày càng nhiều những scadal cũng là vì thế mà ra. Các cơ quan quản lý mạnh tay với nghệ sĩ không thôi thì chưa đủ, cần phải mạnh tay hơn cả với các mạng truyền thông, những tranh tin “lá cải” đang thả nổi, không được kiểm soát sát sao… kéo theo những thông tin không được kiểm chứng. Một vấn đề nhỏ có thể bị thổi phồng nên khán giả bây giờ cũng nghi ngờ nghệ sĩ, hình ảnh nghệ sĩ không còn được coi trọng như trước nữa. Đó cũng là điều rất oan uổng cho những nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật chân chính!
Ca sĩ Hoàng Bách: Nhà quản lý - nghệ sĩ - báo chí và khán giả cần thống nhất tiêu chí!
Chiêu trò thật ra cũng như gia vị trong một món ăn, thiếu nó thì showbiz sẽ nhạt! Nhưng những năm vừa qua, chiêu trò đã xuất hiện ở mức đáng báo động về số lượng và bản chất nên sự mạnh tay của các nhà quản lý là cần thiết. Tất nhiên, cũng tùy vào từng trường hợp để thấy những khung hình phạt là hợp lý hay không.
Trách nhiệm và phương pháp quản lý của các cơ quan chức năng là vô cùng quan trọng. Bởi làm sao cho đúng, cho hợp lý là rất khó, nhất lại là quản lý về mặt văn hóa biểu diễn. Các nhà quản lý làm sao phải tạo được một hành lang pháp lý quản lý hữu hiệu để không quá nặng tay cũng không quá nhẹ nhàng với nghệ sĩ. Mạnh tay thì rất có thể sẽ làm thui chột sự sáng tạo, còn dễ dãi lại là nguyên nhân sản sinh những sự vụ đáng tiếc, sự gia tăng ngày càng nhiều những chiêu trò như đã thấy ở thời gian qua. Nên thiết nghĩ, bên cạnh những điều khoản xử phạt thì cũng cần nâng cao tư duy nghiệp vụ của người quản lý. Từ đó mới có thể đưa ra những phương pháp hữu hiệu…
Còn làm sao để dẹp yên sự lũng đoạn trong hoạt động nghệ thuật ở thời hiện tại thì bốn đối tượng: Nghệ sĩ - nhà quản lý - báo chí và khán giả cần có sự thống nhất với nhau về các tiêu chí. Trong đó, công tác quản lý báo chí cũng phải sát sao hơn vì xét cho cùng thì để những hiện tượng như vậy nổi cộm một phần là do những trang thông tin “lá cải” tiếp tay. Nếu các trang báo, chương trình cứ thẳng tay gạch tên những nhân vật scandal thì chắc chắn họ sẽ không dám làm trò lố để tiến thân nữa. Còn khi báo chí vẫn còn tung hô họ thì họ vẫn nghĩ sự phản cảm, lố lăng của mình vẫn còn phù hợp với không ít người!
(Nguồn: http://petrotimes.vn)