Nhạc sư U100

22/05/2013

Sinh năm 1918, tích góp kiến thức từ 200 người, mà với sự khiêm tốn ông gọi là thầy của mình. Giảng sư âm nhạc dân tộc Nguyễn Vĩnh Bảo vẫn ngày ngày miệt mài dạy nhạc và soạn nhạc như trả món nợ tinh thần mà các bậc thầy đã giao phó cho ông.


Chân dung nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo. Ảnh: T.N.A.

Con đường đã chọn

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo sinh ra trong một gia đình trung lưu ở Đồng bằng sông Cửu Long, kinh tế khá giả. Bố ông là người giỏi về nhạc, thời Pháp thuộc ông cụ giữ một chân trong bồi thẩm đoàn, đại diện cho người dân trong các vụ xử kiện. Cả nhà đều thích nhạc.

“Chúng tôi tự lập một gánh tuồng trong nhà, dựng vở Bao Công xử án, dân tới xem rất đông hò reo cổ vũ. Anh chị em người đóng vai thì khỏi đánh nhạc, vào đánh nhạc thì khỏi đóng vai. Anh tôi quá tay diễn tát chị tôi hơi đau thế là chị tôi khóc òa, vở diễn phải tạm dừng một lúc lâu” – bác Nguyễn Vĩnh Bảo nhớ lại.

Một hôm Vĩnh Bảo ngồi chơi đàn, ông cụ đứng ngoài sân, nghe kỹ, rồi bảo với vợ: “Bảo có năng khiếu về nhạc, để cho theo con đường âm nhạc”. Những người anh chị em khác sau đều học hành và đi làm những công việc khác.

Nguyễn Vĩnh Bảo rời nhà từ sớm, giao du với đủ hạng người, nổi trôi theo các gánh hát gần xa. 18 tuổi ông đã được một hãng ghi âm danh tiếng của Pháp mời ghi âm những bản nhạc cổ truyền Việt Nam để phát hành tại Pháp. Ông nổi tiếng từ đó.

Những người yêu nhạc trong Nam trước năm 1945 ít ai không biết tới ông. Song ông kín đáo và ít khi xuất hiện trước đám đông, tới mức theo ghi chép của nhạc sĩ Trần Quang Hải, có thời gian nhạc sĩ Trần Văn Khê và Nguyễn Vĩnh Bảo cùng giảng dạy trong một trường học, song hai ông không bao giờ nói chuyện âm nhạc với nhau, cho tới khi Trần Văn Khê qua Pháp thì họ mới thư từ liên lạc và cùng nhau ghi âm một số đĩa nhạc phát hành ở Pháp.


Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo và tác giả bài viết cùng tấu chung một bài cổ nhạc. Ảnh: Chị Anh.

Nguyễn Vĩnh Bảo thông thạo năm ngoại ngữ và hiểu biết hàng chục nền âm nhạc trên thế giới. Khi Nhật chiếm đóng, Nhật muốn mời ông cộng tác, ông từ chối. Có người hỏi: “Ông biết tiếng Nhật, lại đúng thời của người Nhật, sao ông không nắm lấy?”. Nguyễn Vĩnh Bảo nói: “Tôi học tiếng Nhật để hiểu âm nhạc Nhật Bản chứ không phải để làm việc cho người Nhật”.

Nhạc viện Sài Gòn được thành lập, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo đã phụ trách mảng âm nhạc dân gian của nhạc viện trong 9 năm, tới năm 1964 ông chủ động xin nghỉ ngơi để làm công việc của mình và ngao du sơn thủy.

Ông nói: “Lúc đó lớp trẻ khá hoang mang, tôi muốn truyền vào họ ngọn lửa âm nhạc dân tộc. Anh em đã vững vàng rồi, tôi thấy mình nên trở lại công việc nghiên cứu sưu tầm, để lớp trẻ họ làm”.

Phẩm giá

Năm 1948, trong một lần nói chuyện, có kỹ sư Pháp nói với nhạc sư rằng năm 1945 chính tay y đã bắn chết nhiều Việt Minh. Nhạc sư kể: “Hắn nói với tôi với giọng rất kinh miệt. Tôi không phải Việt Minh, nhưng qua thái độ hắn chứng tỏ thái độ miệt thị người Việt Nam. Tôi cảm thấy là một người Việt Nam tôi đang bị xúc phạm, tôi định đánh nó, nhưng đã kiềm chế”.

Chưa nghe được ngón đàn tranh nào hay hơn ngón đàn của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo vừa bay bướm, sâu sắc.

GS Trần Văn Khê

Sau nhiều ngày suy ngẫm vị nhạc sư quyết định phải dạy cho tên thực dân một bài học. Ông đã lên đồn cảnh sát gần nhà trình bày sự việc và nói trước là đang đi đánh tên thực dân đó. Hai cảnh sát Pháp liền đi theo ông.
“Chúng tôi tới trước cửa công sở tên thực dân ấy, khi hắn vừa ra khỏi xe tôi bước tới và nói rằng nó có nhớ nó đã nói gì hay không, nếu còn nói thế tôi sẽ đánh, vừa nói tôi vừa tung hai quả đấm trời giáng vào mặt tên Pháp to cao hơn tôi. Hắn loạng choạng té xuống rồi bỏ chạy”. Nhạc sư kể.

Một phiên tòa đã được tổ chức. Trước tòa, bằng thứ tiếng Pháp rất chuẩn của mình, nhạc sư đã lên án sự coi thường người bản xứ của một số tên thực dân. Ông nói: “Bây giờ là năm 1948, không phải năm 1918, không phải năm 1928. Dân tộc Việt Nam đã trưởng thành và chỉ có thể coi người Pháp là một người bạn, một người thầy chứ dứt khoát không thể coi người Pháp là người chủ nô nữa”.

Những người dự phiên tòa đều đồng loạt vỗ tay tán thưởng vị nhạc sư dũng cảm. Kỹ sư thực dân đã bị kết án 3 tháng tù treo vì tội miệt thị người bản xứ. Nhạc sư kể: “Hôm sau các báo tiếng Việt đồng loạt đưa tin một người Việt Nam nhỏ bé đã đánh gục một tên Pháp to lớn”.

Sau đó một thời gian, khách sạn do nhạc sư quản lý xuất hiện một tên thực dân khác, hắn có súng và dí súng vào đầu Nguyễn Vĩnh Bảo nói: “Nếu mày không dẫn tao lên phòng, tao sẽ gửi một viên đạn vào đầu mày”. Nhạc sư dẫn nó lên gác. Đúng bậc thang cuối cùng, với một thế võ cổ truyền, ông vụt quay lại đẩy văng khẩu súng và đánh thẳng vào tên Pháp khiến hắn lăn xuống cầu thang và bất tỉnh.

Cảnh sát xuất hiện áp giải tên lính Pháp kia vào đồn. Nhạc sư nói: “Mình phải nắm lấy lý lẽ là nó dùng súng uy hiếp mình để chống trả, dù là người nghệ sĩ hiền lành nhưng không thể cho chúng cậy thế to xác mà ăn hiếp người Việt Nam”.

Tiếng đàn khoan hòa

Những năm 1970, ông được mời sang Mỹ giảng dạy 3 năm liền về âm nhạc Việt Nam. Năm 1974, người Mỹ đến đề nghị ông chuyển hẳn qua Mỹ để giảng dạy lâu dài, “mọi thủ tục đã xong, chỉ cần ông đồng ý sẽ ra sân bay luôn”. Nhạc sư từ chối. Ông nói: “Nền giáo dục Mỹ tốt, sinh viên chăm chỉ, nhưng quê hương của tôi ở đây nên tôi không thể đi được”.

Năm 1975, nhiều người rời quê hương ra đi, ông vẫn ở lại. Ông nói: “Cả đời tôi làm việc để nuôi 7 đứa con. Sang Mỹ, chúng có thể ảnh hưởng văn hóa bên đó, ít khi gặp bố mẹ, việc dạy dỗ con cái sẽ gặp nhiều khó khăn. Tôi không đi”.

Ông kể chuyện gặp vợ chồng một người bạn Mỹ, con họ đi học xa bố mẹ mười mấy năm, đến lúc gặp nhau thì bố mẹ không nhận ra mặt con nữa. “Tôi không muốn điều đó xảy ra với chính gia đình mình” – ông tâm sự.

Hiện nhạc sư ở trong căn nhà nhỏ trong căn hẻm sâu ở quận Bình Thạnh. Người con gái của ông lập gia đình rồi nhưng vẫn ở cùng cha. Vợ ông đau yếu. Giảng sư vẫn hàng ngày giảng dạy âm nhạc tại gia và qua internet cho học trò khắp nơi trên thế giới. “Có chừng năm, sáu học sinh của tôi ở Việt Nam và các nước đã làm luận án tiến sĩ về âm nhạc Việt Nam. Tôi tự hào về điều đó”.

Cách giảng dạy của giảng sư thật khoa học. Mỗi học trò ông đều có hồ sơ riêng, ông soạn từng giáo trình cho từng người. Tự tay ông đóng đàn cho học trò rồi gửi đi khắp thế giới.

Ông là một trong số những nhạc sư hiếm hoi đã cải tiến thành công nhạc cụ dân tộc và được ứng dụng rộng rãi trong nhân dân. Ông cải tiến đàn tranh từ 16 dây thành đàn tranh 17 , 19 và 21 dây với kích thước và âm vực rộng hơn.

Theo giáo sư âm nhạc Trần Quang Hải thì nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo “là một trong những nhạc sĩ hiếm hoi còn lại ở Việt Nam có lối đờn ứng tấu ứng tác. Ở Việt Nam ông là người duy nhứt vừa là nhạc sĩ trình tấu vừa là giáo sư giảng dạy âm nhạc truyền thống , lại vừa là người đóng đàn sáng tạo”.

GS Trần Văn Khê từng nói “chưa nghe được ngón đàn tranh nào hay hơn ngón đàn của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo vừa bay bướm, sâu sắc”. Năm 2008 nhạc sư Vĩnh Bảo được chính phủ Pháp tặng huy chương nghệ thuật và văn học, cấp bực Officier, ngoài ông có Trần Văn Khê. Trước đó, năm 2005 nhạc sư Vĩnh Bảo và giáo sư Trần Văn Khê cũng đã nhận giải thưởng Đào Tấn của Việt Nam tại TPHCM.

Vị giảng sư cho biết ông không còn khỏe lắm, nhưng công việc mưu sinh đến giờ vẫn chưa kết thúc. Nhân gian vui buồn, từng ngón đàn ông đều truyền dạy hết cho học trò để họ vừa mưu sinh vừa lưu giữ lấy tinh thần của âm nhạc dân tộc.

Tôi tới nhà nhạc sư đúng vào hôm ông giỗ mẹ. Mâm cơm cúng đạm bạc nhưng đúng như sách vở xưa đã ghi chép, rất nghiêm cẩn. Ông giản dị cùng tôi hòa chung một bản đàn xưa, bài Cổ Bản, trong không khí khói hương trầm mặc, giữa thành phố hiện đại náo nhiệt. Tiếng đàn của ông vừa khoan hòa vừa đầy uy lực, như tiếng nói nghiêm nghị của một bậc thầy thường nhận về mình những thiệt thòi.

(Nguồnhttp://www.tienphong.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...