Chào bạn, Tuổi 55!
Vẫn là Sơn, nhưng dường như có một Sơn khác, quyết liệt và bi hùng - một Đặng Thái Sơn trong nhạc Beethoven.
Vẫn là Beethoven, nhưng hình như có một Beethoven khác, tinh tế và quyến rũ - Beethoven của Sơn.
Giới nhạc đợi chờ “Marathon cùng Beethoven” của Đặng Thái Sơn suốt cả năm qua, và Sơn đã mở màn 2013 bằng sự kiện chưa từng có trong đời sống âm nhạc Hà Nội: chơi toàn bộ năm concerto Beethoven! Những người yêu nhạc cổ điển chào đón chương trình đồ sộ này với sự háo hức chen lẫn tò mò, thậm chí không ít người băn khoăn: một Chopinist đậm chất thơ đến vậy bỗng dưng lại chọn người hùng thế kỉ XVIII - một sự liều lĩnh khi tự thách thức mình vượt ra khỏi mặc định “Đặng Thái Sơn chỉ chơi nhạc Chopin” chăng?
Vốn điềm tĩnh và kĩ tính đến mức không muốn làm điều gì chưa chắc chắn, Đặng Thái Sơn bước sang tuổi 55 càng khác xa một kẻ bốc đồng thích chơi ngông. Mặt khác, đầy tự tin và không ngại tự “làm khó” mình, Sơn cũng chẳng hề giống kẻ an bài trong giới hạn vô hình nào đó.
Luôn tin Sơn, tôi không ngạc nhiên về sự “liều lĩnh” của bạn. Tôi còn chắc như đinh đóng cột rằng bạn sẽ tỏa sáng ở các chương II của cả năm concerto, nơi tập trung rõ hơn cả chất ca xướng, trữ tình, suy tư; và các chương III với âm thanh lộng lẫy, hân hoan, hướng thiện - đó cũng là những nơi tiềm ẩn mầm mống của chủ nghĩa lãng mạn, mà chất lãng mạn thì khỏi phải bàn, nó quá gần gũi với bản chất con người Sơn.
Và tôi thấy mình bị cuốn hút không chỉ bởi các chương II và III!
Sức mạnh cơ bắp và sức mạnh tinh thần
Một tuần trước công diễn là thời gian “nạp năng lượng”, Sơn hạn chế tối đa mọi tiếp xúc để dồn cả tâm trí vào Beethoven. Đêm diễn đầu trình tấu 70 phút liên tục hai concerto số 1 và 2 mà không hề có dấu hiệu mệt mỏi ở Sơn; trái lại, một cách sung sức và hào hứng, anh tiếp tục nhập hồn vào bản yêu thích nhất của mình bởi tính kịch cao độ chất chứa trong đó: concerto số 3. Đây cũng là bản được Sơn “cày” sớm nhất, từ thuở còn là cậu sinh viên 19 tuổi mới đặt chân đến nước Nga.
Đêm diễn thứ hai bùng nổ với hai concerto đỉnh cao sáng chói của sự cách tân, rộng mở cả về cấu trúc và cảm xúc. Sơn đã cùng Beethoven dữ dằn, gai góc, tàn nhẫn, rồi lại khôi hài, sắc sảo, nồng nàn. Concerto số 4 được chơi với sự ngẫu hứng tột cùng, đặc biệt xúc động là cuộc đối thoại với dàn nhạc ở chương giữa, trung tâm kịch tính trong tuyệt tác dành cho piano này.
Lộng lẫy chất khải hoàn, uy nghi tính thượng võ - đúng như tiêu đề “Hoàng đế” mà người đời gán cho, concerto số 5 hùng tráng nhất, tưởng rằng khó chơi nhất với Sơn lại là bản được đánh giá thành công nhất của anh.
Từ đâu mà Sơn có được năng lượng tràn trề ấy?
Tác phẩm của Beethoven đòi hỏi ở pianist thể lực tốt, năng lượng lớn. Song sức mạnh có giới hạn của cơ thể làm sao có thể sánh với năng lượng vô biên của ý chí. Sự hoành tráng, tính xung đột, chất anh hùng ca ở đây toát ra từ nội lực, tức là không lệ thuộc vào sức mạnh cơ bắp bên ngoài, không chỉ trực diện ở âm lượng dữ dội, mà chủ yết nhờ vận dụng nguồn năng lượng của tinh thần, của trí tuệ. Thế mạnh của Sơn là cách nhìn tổng thể quán xuyến cả tuyến nhạc dài hơi, là sự tương phản đầy kịch tính trong cách xử lí khéo léo các mảng màu sắc âm thanh và trạng thái cảm xúc.
Sức mạnh tinh thần từng được coi như thứ vũ khí lợi hại trong âm nhạc của người có tầm vóc mảnh mai và thể trạng yếu ớt là Chopin. Với Sơn, làm chủ bí quyết tập trung cao độ để có được “nội lực thâm hậu” là cả một quá trình dày công tập luyện, và phần nào trong đó có thể còn là sự thừa hưởng gène của mẹ - NGND.NSƯT Thái Thị Liên - người phụ nữ nhỏ nhắn mà cương nghị như một biểu tượng ý chí sắt đá trong mắt nhiều thế hệ học trò khoa piano.
Nói đến động lực tinh thần còn phải kể đến hai người đã khuất mà Sơn nghĩ tới trước khi bước ra sân khấu: thầy Natanson và bố của Sơn - nhà thơ Đặng Đình Hưng. Cả hai đều “yêu Beethoven khủng khiếp”. Dự án này là món quà kỉ niệm dâng thầy giáo xưa, người vẫn trông đợi ngày nào đó cậu trò yêu của mình sẽ ra mắt chương trình Beethoven.
Sau 30 năm mới thực hiện mong muốn của thầy cho thấy hành trình đến với Beethoven không hề vội vã. Sở hữu tiếng đàn đẹp và giàu cảm xúc, Sơn dễ tương đồng khí chất một cách tự nhiên với các nhạc sĩ thiên về tình cảm (như Chopin!). Còn đến với Beethoven là hướng tới sự cân bằng, trước hết là cân bằng giữa cảm xúc và lí trí - trí bao gồm cả tri thức và ý chí. Để hài hòa giữa cảm xúc dồi dào với lí trí tỉnh táo hẳn nhiên nghệ sĩ phải đủ bản lĩnh và hiểu biết. Để làm chủ được tác phẩm hình thức lớn hẳn nhiên nghệ sĩ cần cả vốn sống và vốn nghề. Thêm nữa, ở đây còn có sự hài hòa giữa tính nhân đạo tượng trưng cho cái đẹp bất biến và tính cách mạng biểu dương tinh thần dám đổi thay.
Chơi Beethoven chẳng phải là tinh thần dám thay đổi ở Đặng Thái Sơn đó sao!
Cái tôi tác giả và cái tôi nghệ sĩ
Nói đến sự cân bằng, không thể bỏ qua mối quan hệ giữa người sáng tác và người biểu diễn. Nên chơi trung thực với bản nhạc, chính xác về kĩ xảo và cảm xúc, hay là đặt cái tôi nghệ sĩ trên hết vẫn là điều gây tranh luận trong giới nhạc. Cái bất thường, lập dị đến mức gây sốc, đôi khi lại được người phương Tây cổ vũ như biểu hiện của cá tính độc đáo. Còn người phương Đông nói chung thường cố gắng chơi chính xác từng nốt, không thể hiện mình quá nhiều.
Bản chất dung hòa không cho phép Sơn rơi vào bất kì trạng thái cực đoan nào. Sơn không “xung đột” với tác giả theo kiểu làm ngược lại ý tưởng tác phẩm. Song anh cũng lại từng nói: Sơn đàn theo cách chính Sơn muốn nghe, “mình là nghệ sĩ của chính mình”.
Beethoven được ví như người khủng lồ bởi ở ông có tất cả: từ âm thanh thầm thì, run rảy, thánh thiện, cho đến phẫn nộ, cuồng nhiệt, bi tráng; từ vui nhộn, dí dỏm, dân dã, cho đến suy tưởng, lo âu, day dứt với những nỗi đau nhân gian… Biên độ cảm xúc rộng lớn, tính cách âm nhạc đa dạng của tượng đài kì vĩ này tạo cơ hội bộc lộ những khía cạnh mới ở Sơn - “Đặng Thái Sơn U60” theo cách nói vui của anh.
Trước hết vẫn luôn tôn trọng tác giả và biết đặt cái tôi nghệ sĩ ở vị trí nào. Với tác phẩm dài hơi như concerto Beethoven, nghệ sĩ thiếu bản lĩnh dễ sa vào tiểu tiết vụn vặt, làm đứt mạch câu chuyện và đổ bể luôn cả ý đồ sáng tác. Thấu hiểu bố cục, cấu trúc tác phẩm trong tầm nhìn bao quát quả thật chẳng dễ dàng gì, mà như thế vẫn chưa đủ. Nghệ sĩ còn phải hiểu rõ bản thân mình, đặt tác phẩm vào cuộc đời mình, cảm nhận nó qua những nếm trải thăng trầm của chính mình, để rồi thể hiện theo cách của mình sao cho hợp lí và thuyết phục nhất.
Năm concerto - những nấc thang đường đời trong hành trình sáng tác của Beethoven được kể lại theo cách của Sơn: linh hoạt, uyển chuyển, phóng túng, thông minh, và đẹp.
Đáp lại câu hỏi của nhiều người về chương trình này, tôi chỉ nói ngắn gọn: “Tôi thích Beethoven của Sơn!”. Có thể nói thêm như đã nói với Sơn, rằng mỗi khi nghe Sơn xong lại càng thấy yêu quý bạn hơn. Rất mong Sơn sớm ra bộ đĩa chương trình này. Và tôi cũng nóng lòng chờ đợi chương trình kế tiếp của Đặng Thái Sơn vào cuối năm 2013 dành cho âm nhạc thế kỉ XX.
Lại lấy câu cuối trong email gửi bạn ngay sau đêm diễn để kết thúc bài viết tặng tuổi 55 của bạn:
Cám ơn Sơn nhiều - nhiều - nhiều…
28-1-2013