Những thông điệp bất hủ

22/12/2015

 Ngày 19/12 tại Nhà hát lớn Hà Nội, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Nhật Bản Honna Tetsuzi, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, các dàn Hợp xướng Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Hợp xướng Quốc tế Hà Nội, Hợp xướng “Hanoi Freude” cùng bốn ca sĩ solo tài năng đã trình diễn Giao hưởng số 9 của Beethoven - nhà nhân văn vĩ đại luôn sáng tác với tinh thần “Dù người tài trợ là ai và dù được chi trả theo cách nào thì âm nhạc vẫn dành cho tất cả mọi người.”


Carl Wenzel Zajicek (1860–1923), Nhà hát Kärntnertor, Vienna (1923),
màu nước trên giấy.

Ngày 7/5/1824, bản giao hưởng hợp xướng bất hủ của Ludwig van Beethoven - Giao hưởng số 9 giọng Rê thứ, Op. 125 - được công diễn lần đầu tại nhà hát Kärntnertor, Vienna.

Người ta kể lại rằng, trong buổi hòa nhạc, Beethoven đã cùng chỉ huy với Michael Umlauf - giám đốc âm nhạc của Nhà hát Kärntnertor. Do chứng kiến Beethoven thất bại trong việc chỉ huy buổi tổng duyệt vở opera Fidelio hai năm trước nên ở buổi này Umlauf chỉ thị cho các nhạc công và ca sĩ lờ đi “sự chỉ huy” của nhà soạn nhạc đã mất thính lực hoàn toàn. Giao hưởng số 9 được các nhạc công kết thúc trong tiếng vỗ tay vang dội của thính giả khi mà Beethoven vẫn đang “chỉ huy” vài ô nhịp nữa trong tổng phổ. Vì thế ca sĩ giọng nữ trầm Caroline Unger phải bước tới bên Beethoven và xoay người ông lại để ông có thể nhìn thấy thính giả đang tung hô mình. Công chúng thành Vienna đã đón nhận vị anh hùng với lòng tôn kính và cảm phục sâu sắc nhất.

Giữa Cổ điển và Lãng mạn

Giao hưởng số 9 bắt nguồn từ hai tác phẩm riêng biệt - một bản giao hưởng với chương kết có hợp xướng và một tác phẩm khí nhạc thuần túy giọng Rê thứ. Beethoven đã làm việc với hai tác phẩm này trong gần 10 năm trước khi quyết định kết hợp chúng lại thành một với lời thơ An die Freude (Tụng ca niềm vui) của Schiller ở chương kết.

Đây là tác phẩm quy mô và có tầm nhìn xa trông rộng, là biểu trưng cho tột đỉnh của độ khó kỹ thuật vào thời đó. Tác phẩm có các đoạn, nhất là đoạn solo kèn horn trong chương chậm, dường như không thể chơi được trên các nhạc cụ đồng không có van truyền thống vào thời của Beethoven. Nhà âm nhạc học Dennis Matthews nhận xét về Giao hưởng số 9 của Beethoven: “Như với các tác phẩm thời kỳ cuối, có các đoạn mà không gian phải rung lên dưới sức nặng của tư tưởng và tình cảm, nơi mà nhà soạn nhạc khiếm thính dường như chiến đấu chống lại hoặc vươn ra ngoài các giới hạn của nhạc cụ và giọng ca.”

Bản giao hưởng này cũng là hiện thân của tính nhị nguyên trong âm nhạc đã trở thành cuộc xung đột ở thế kỉ 19 giữa chủ nghĩa Cổ điển và chủ nghĩa Lãng mạn, giữa cái cũ và cái mới. Ba chương đầu của tác phẩm rõ ràng vẫn còn cắm rễ vào thế kỉ 18, trong khi Chương 4 - hân hoan và thấm nhuần ý nghĩa thi ca - dường như đập tan khuôn vàng thước ngọc của chủ nghĩa Cổ điển, đưa toàn bộ tác phẩm vào trong lãnh địa của âm nhạc chương trình, một khái niệm được xác nhận của chủ nghĩa Lãng mạn thế kỉ 19. Chẳng thế mà trong cuộc luận chiến âm nhạc thế kỉ 19 giữa phe ủng hộ âm nhạc chương trình và phe ủng hộ âm nhạc tuyệt đối (còn gọi là âm nhạc thuần túy), chương hợp xướng trong Giao hưởng số 9 của Beethoven được cả hai phe đem ra làm bằng chứng cho luận cứ của mình.

Những nhà chủ nghĩa hình thức cự tuyệt các thể loại như opera, ca khúc nghệ thuật, thơ giao hưởng vì chúng bộc lộ ý nghĩa rõ ràng. Với họ, chương nhạc này cũng như Giao hưởng số 6 của Beethoven là “có vấn đề” mặc dù họ vẫn coi Beethoven là một trong những nhà tiên phong của âm nhạc thuần túy (đặc biệt là với các bản tứ tấu đàn dây thời kỳ cuối). Còn ở phe ủng hộ âm nhạc chương trình, Richard Wagner coi chương hợp xướng trong bản Giao hưởng số 9 của Beethoven là một minh chứng cho thấy âm nhạc sẽ hay hơn nếu có lời ca bằng câu nói nổi tiếng: “Nơi âm nhạc không thể đi xa hơn nữa, thì lời ca sẽ tới… Lời ca đứng cao hơn tiếng nhạc.”

R.Rolland và D.Barenboim nói gì về Giao hưởng số 9?

Bài thơ An die Freude, được thi hào Đức Friedrich von Schiller viết năm 1785, ngợi ca lý tưởng hòa hợp và tình huynh đệ của toàn nhân loại. Một số nhà soạn nhạc đã phổ nhạc bài thơ này trong đó có Franz Schubert (năm 1815). Beethoven cũng đã ấp ủ dự định phổ nhạc bài thơ này trong nhiều năm. Khi sáng tác Chương 4 của Giao hưởng số 9, Beethoven đã trăn trở rất nhiều để tìm cách bắt vào phần mở đầu đoạn tụng ca của Schiller. Ông viết đi viết lại đoạn đó nhiều lần cho đến khi nó thành hình như chúng ta nghe thấy ngày hôm nay. Nhà văn, nhà âm nhạc học Romain Rolland, miêu tả chủ đề niềm vui trong Giao hưởng số 9 của Beethoven thật xúc động:

“Vào khoảnh khắc chủ đề Niềm vui sắp sửa xuất hiện lần đầu tiên, dàn nhạc ngừng lại bất thình lình; sự im lặng đột ngột chính là thứ mang lại dấu ấn huyền bí tuyệt trần cho tiếng hát tham dự vào. Và điều đó đã đúng: chủ đề này chính là một vị thần. Niềm vui từ trời cao giáng thế, được bao bọc bởi một sự yên ắng siêu nhiên: bằng hơi thở nhẹ nhàng, nó xoa dịu những khổ đau; và ấn tượng đầu tiên mà nó tạo ra thật dịu dàng, khi nó lẩn vào trái tim đang hồi sức như là người bạn của Beethoven “muốn khóc khi nhìn vào cặp mắt dịu dàng của ông”.

Khi chủ đề lướt tới tiếp sau đó bằng giọng hát thì thoạt tiên nó được giọng trầm thể hiện với tính chất nghiêm túc và hơi ngột ngạt. Nhưng dần dần từng chút một, Niềm vui chiếm lĩnh con người. Đó là một cuộc chinh phục, một cuộc chiến chống lại khổ đau. Và đây những nhịp điệu hành khúc, những đội quân đang di chuyển, tiếng hát thiết tha và khao khát của giọng ténor, toàn thể khúc nhạc rung động nơi ta tưởng như nghe thấy hơi thở của chính Beethoven, nhịp điệu của hơi thở và những tiếng kêu hứng khởi của ông trong lúc lang thang qua những cánh đồng, lúc đang soạn nhạc, bị kích động bởi một cơn thịnh nộ quỷ ám tựa như vua Lear già cả trong cơn giông tố. Sau đó niềm vui hiếu thắng chuyển thành niềm ngây ngất trang nghiêm; rồi một cuộc truy hoan thiêng liêng, một cơn cuồng nhiệt yêu đương. Toàn thể nhân loại run rẩy giơ cánh tay lên trời thốt ra những tiếng kêu uy lực, ào tới hướng về Niềm vui và ôm chặt nó vào lòng.”

Những thính giả hiện đại chưa từng nghe toàn bộ bản giao hưởng này sẽ nhận ra giai điệu An die Freude ở Chương 4. Nhạc trưởng Daniel Barenboim giải thích về mặt âm nhạc những gì đã dẫn tới Chương 4 đó:

“Chương một khởi đầu mà không có phần khởi đầu. Nó bắt đầu chẳng từ đâu cả với một sự kỳ vọng mang ý nghĩa lớn lao bằng một hợp âm đơn giản và dòng chuyển dịch run rẩy và sôi sục của bè đàn dây. Với những người thích liên hệ tới các ý tưởng thì tôi nghĩ đó là một chương nhạc về sự đau khổ, về sự hỗn độn và rối loạn, về sự phản kháng và về tất cả mọi điều. Chương thứ hai ở tốc độ Scherzo là một chương nhạc phóng túng với một khía cạnh mới trong âm thanh không có mặt ở chương một. Chương thứ hai là một chương nhạc hoang dại. Chương ba ở tốc độ chậm có lẽ là một trong những chương nhạc gây ấn tượng sâu sắc nhất mà âm nhạc có thể tạo ra, nó có một giai điệu không bao giờ kết thúc. Khi nghe, bạn sẽ nghĩ nó có thể tiếp tục mãi mãi. Nếu âm nhạc có thể đem đến cho chúng ta một ý niệm mơ hồ về cái vĩnh cửu, cảm giác về cái vĩnh cửu, về cái không bao giờ kết thúc thì đó chính là chương nhạc này. Đây là lý do tại sao ba thế giới khác thường này lại hàm chứa trong đó sự chuẩn bị cho chương thứ tư. Chương thứ tư không bắt đầu bằng giai điệu “Tụng ca niềm vui” mà bắt đầu bằng một kiểu tự sự hùng hồn ở bè contrabass. Nó tiếp tục trích dẫn các chương nhạc trước và luôn bị bè contrabass và cello cắt ngang một cách thô bạo như thể thốt lên “Không, không, đây không phải là thứ tôi muốn!” Và rồi chúng ta nghe thấy từ xa giai điệu của “Tụng ca niềm vui”, chưa có ca từ mà chỉ bằng bè cello và contrabass trần trụi không có hòa âm. Chỉ giai điệu thôi. Và rồi nó phát triển lên, trở thành một bản tụng ca mà ngày nay là bài ca chính thức của Liên minh châu Âu.”

Tuy nhiên, nếu phải xác định rõ ràng thông điệp của Giao hưởng số 9 của Beethoven với một thính giả hiện đại thì nhạc trưởng Daniel Barenboim - chủ dự án âm nhạc “Beethoven dành cho tất cả” - có lời khuyên: “Hãy tìm lời giải đáp ở bản thân bạn!”

Nước nào biểu diễn Giao hưởng số 9 của Beethoven nhiều nhất?


Với người Nhật, năm cũ chưa thể kết thúc nếu thiếu những màn biểu diễn Giao hưởng số 9. Trong ảnh: Nhạc trưởng Yutaka Sado, người đã chỉ huy biểu diễn Giao hưởng số 9 hơn 150 lần.

Hầu như bất kỳ dàn nhạc chính quy nào trên thế giới cũng muốn thử sức với Giao hưởng số 9. Tác phẩm đặc biệt này chưa lúc nào ngừng cất tiếng ở khắp nơi trên thế giới, nhưng nước nào mới thật sự là “fan cuồng” của Beethoven?

 

Giao hưởng số 9 từng được Adolf Hitler yêu thích và cho biểu diễn vào những dịp sinh nhật mình và Wilhelm Furtwängler, nhạc trưởng đã chỉ huy tác phẩm này ở Đức thời kỳ Quốc xã, cũng chọn biểu diễn nó khi Liên hoan Âm nhạc Bayreuth được tổ chức trở lại vào năm 1951. Những năm 1970, chương kết của bản giao hưởng được chọn làm bài ca chính thức của Liên minh châu Âu.

 

Nhạc trưởng Đông Đức Kurt Masur đã biểu diễn Giao hưởng số 9 trong lễ kỷ niệm sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ. Năm 1989, nhạc trưởng người Mỹ Leonard Bernstein cũng biểu diễn tác phẩm trong buổi hòa nhạc “Tụng ca tự do” vào lễ Giáng sinh tại Phòng hòa nhạc Berlin (Berlin Konzerthaus) với các nghệ sĩ trong dàn nhạc, dàn hợp xướng và các ca sĩ solo đến từ Đông và Tây Đức cũ, Liên Xô, Pháp, Hà Lan và Hoa Kỳ - đại diện cho tất cả các bên xung đột trong Thế chiến thứ hai.

 

Người Nhật lần đầu tiên biết tới tác phẩm bất hủ của Beethoven trong Thế chiến thứ nhất khi các tù binh người Đức biểu diễn nó tại trại tù binh chiến tranh Bandō. Các dàn nhạc Nhật Bản, nhất là Dàn nhạc giao hưởng NHK, bắt đầu biểu diễn Giao hưởng số 9 từ năm 1925. Trong suốt Thế chiến thứ hai, chính phủ Thiên hoàng khuyến khích biểu diễn tác phẩm này, kể cả trong đêm giao thừa. Đến những năm 1960, việc biểu diễn Giao hưởng số 9 của Beethoven vào dịp cuối năm ở Nhật đã trở thành một truyền thống và có sự tham gia của các dàn nhạc và dàn hợp xướng địa phương. Chỉ riêng tháng 12/2009, cả nước Nhật có tới 55 buổi biểu diễn bản giao hưởng này do nhiều dàn nhạc và hợp xướng lớn thực hiện. Vậy nên, sẽ không quá hàm hồ khi nói rằng, Nhật Bản là nước biểu diễn Giao hưởng số 9 của Beethoven nhiều nhất

 

 

(Nguồn: http://www.tiasang.com.vn)

 

Tin liên quan

18/02/2021
hỉ với ba bản sonata piano viết trong độ tuổi 20, sau đó không bao giờ viết tiếp nữa, nhà soạn nhạc Johannes Brahms đã xác lập danh tiếng ở thế loại mà hàng thập kỷ trước, Beethoven đã truyền vào một sức sống mới mẻ, qua đó báo hiệU ...
18/02/2021
Màn 1. Trong ngôi đền Solomon ở Jerusalem, những người Do Thái đang than vãn về số phận của họ: Nabucco (Nebuchadnezzar), vua Assyria, đang tấn công họ với đoàn quân hung bạo của ông ta, xúc phạm thành phố linh thiêng của họ.
17/02/2021
“…Đôi khi bất chợt ta nghe một bản nhạc của Mozart và có ý nghĩ: làm sao nó lại hồn nhiên, trong trẻo, thanh nhã, hài hoà đến như vậy? Phải có một ý chí lớn lao đến mức nào, lòng yêu đời và yêu con người sâu sắc đến ...
12/07/2020
Tác giả: Pyotr Ilyich Tchaikovsky Thời gian sáng tác: năm 1880 Công diễn lần đầu: ngày 20/8/1882 tại Thánh đường Chúa Cứu thế, Moscow Thời lượng: khoảng 14 phút Tổng phổ: tác phẩm được viết cho một đội kèn đồng ...