Bản giao hưởng ca ngợi Tổ quốc của NS Nguyễn Thiện Đạo

23/09/2014

Bản Giao hưởng “Điểm hẹn” sẽ được trình diễn tại “Festival Âm nhạc mới Á – Âu 2014”, diễn ra tại Hà Nội và Hạ Long từ 8-12/10.

Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam mà còn trên thế giới với 93 tác phẩm thuộc nhiều thể loại như Giao hưởng, Opera, độc tấu, song tấu… Nhiều tác phẩm của ông đã được trình diễn ở những địa điểm nổi tiếng như Nhà hát Champs Elysees, Quảng trường Lille, Liên hoan âm nhạc Avignon, Nhà hát lớn Hà Nội, quảng trường Oliver Messien của đài phát thanh Pháp.

Trở về Việt Nam lần này, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo sẽ đóng góp tác phẩm “Điểm hẹn” cho “Festival Âm nhạc mới Á – Âu 2014”, được tổ chức tại Hà Nội và Hạ Long (Quảng Ninh) từ ngày 8-12/10. Nhân dịp này, phóng viên VOV.VN đã có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo.


 Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo

PV: Được biết, trước đó, “Điểm hẹn” đã được trình diễn tại “Điện Biên Phủ Concert” vào tháng 5/2014. Vì sao nhạc sĩ lại quyết định đưa tác phẩm tham gia vào “Festival Âm nhạc mới Á – Âu 2014”?

NS Nguyễn Thiện Đạo: “Điểm hẹn” là tác phẩm được Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam đặt tôi viết từ hơn một năm trước để chào mừng 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Tác phẩm cũng từng được trình diễn tới công chúng trong “Điện Biên Phủ Concert” do nhạc trưởng Honna Tetsuji chỉ huy.

Tác phẩm bao gồm 4 chương với độ dài 26 phút, giống như một chặng đường lịch sử của Việt Nam được viết bằng âm nhạc. Tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều để có thể sáng tác một tác phẩm hoành tráng mà không đi vào tả thực. Âm nhạc là ngôn ngữ trừu tượng, nó không thể miêu tả được toàn bộ những chi tiết của lịch sử mà chỉ có thể tạo cảm xúc, thể hiện khí phách, linh hồn và cốt lỗi của dân tộc Việt.

Về cái tên “Điểm hẹn”, tôi trích từ tiêu đề cuốn sách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mang tên “Điểm hẹn lịch sử”. Chương mở đầu có tên “Rồng tiên”, chương thứ 2 là “Tình ca”, tiếp theo là “Thời nô lệ” và cuối cùng là “Điểm hẹn”.

Tôi muốn mang “Điểm hẹn” đến “Festival Âm nhạc mới Á – Âu 2014” để giới thiệu với đông đảo khán giả Việt Nam và với bạn bè quốc tế. Tác phẩm sẽ được trình diễn chương 2 và chương 4 tại đêm khai mạc “Festival Âm nhạc mới Á – Âu 2014” (8/10 tại Hà Nội).

PV: Mỗi chương của “Điểm hẹn” đều có một cái tên và một chủ đề riêng. Xuyên suốt tác phẩm, nhạc sĩ muốn nhắn gửi điều gì đối với khán thính giả?

NS Nguyễn Thiện Đạo: Trong tất cả các tác phẩm của mình, tôi đều muốn mang được sự “hào khí” và “trữ tình” vào. “Điểm hẹn” cũng vậy, là bản giao hưởng ca ngợi Tổ Quốc, ca ngợi dân tộc Việt Nam theo lịch sử chiều dài của đất nước.

Ngay từ chương một “Rồng tiên”, đã thể hiện cội nguồn “con cháu rồng tiên”. Sự thể hiện của dàn dây và bộ gõ tạo nên điều rất huyền bí về nguồn gốc của dân tộc Việt. Chương 2 đặc biệt dành riêng cho sáo và tiếng cồng, đưa vào đó chất dân ca của Việt Nam. Đến chương 3, dàn nhạc dây hùng hồn, đanh thép diễn tả lại quá khứ nô lệ. Và cuối cùng là “Điểm hẹn” – như khúc khải hoàn, mang đến hòa bình để xây dựng đất nước Việt nam tươi sáng

PV: Trong tác phẩm có chất nhạc dân gian Việt Nam với tiếng sáo, tiếng cồng bên cạnh dàn nhạc giao hưởng tiêu chuẩn của phương Tây. Nhạc sĩ đã làm thế nào để dung hòa những yếu tố đó vào trong “Điểm hẹn”?

NS Nguyễn Thiện Đạo: Đối với tôi, một nhạc sĩ sáng tác bắt buộc phải học về kỹ thuật sáng tác của Tây Âu, tức là cách phối âm, phối khí – đó là nền tảng cơ bản nhất. Rồi sau có thêm vào tinh thần, tiếng nói của dân tộc. Ngoài ra, nhạc sĩ phải có tình yêu vô bờ bến với quê hương, đất nước và phải hiểu tường tận nhạc dân tộc mới có thể vận dụng và đưa nó vào trong sáng tác.

Tôi có may mắn được sang Pháp học từ năm 13 tuổi. Trong các tác phẩm, tôi đều dung hòa giữa nền tảng sáng tác phương Tây và chất nhạc phương Đông. Đó là một tổ hợp âm nhạc được xây dựng trên vi khoảng thời gian, màu sắc âm thanh, cấu trúc nhịp điệu và độ dài thời gian.

Cũng phải nói thêm rằng, những nhạc sĩ của Việt Nam có năng khiếu và khả năng phát triển rất tốt. Thế nhưng, trong suốt những năm tháng chiến tranh, họ không được học hành bài bản mà hầu hết là viết theo bản năng. Sau hòa bình, chúng ta mới bắt đầu xây dựng một nền khí nhạc và nhạc sĩ sáng tác tử tế.

PV: Ông có đánh giá như thế nào về những nhạc sĩ Việt Nam và tác phẩm lần này tham gia “Festival Âm nhạc mới Á – Âu 2014”?

NS Nguyễn Thiện Đạo: Theo tôi thấy, có rất nhiều nhạc sĩ tài năng tham gia “Festival Âm nhạc mới Á – Âu 2014” được tổ chức tại Việt Nam. Có thể kể đến Nguyễn Văn Nam, Vũ Nhật Tân, Hoàng Cương, Trọng Đài… Tác phẩm khí nhạc của số đông tác giả bây giờ có cảm giác rất bình dị và ngôn ngữ hơi cổ điển. Dĩ nhiên, cổ điển không phải là không hay mà còn tạo ra được nhiều cảm xúc, nhưng khán giả bây giờ chuộng những cái mới. Do vậy, khí nhạc của chúng ta vẫn còn khó để mang ra thế giới.

“Festival Âm nhạc mới Á – Âu 2014” có lẽ là cơ hội tốt để các nhạc sĩ nhìn nhận lại nền khí nhạc của Việt Nam và tìm ra những xu hướng âm nhạc bây giờ.

PV: Cảm ơn nhạc sĩ./.

Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo sinh năm 1940 tại Hà Nội. Ông đến Pháp năm 1953 và tham gia nhạc viện quốc gia Paris vào năm 1963. Ông tự coi mình là "người thừa kế hai nền văn minh: phương Đông và phương Tây" và hy vọng sẽ được xem như tác giả của một loại nhạc "trữ tình và đam mê của một nhân vật anh hùng".

Ông đã giành nhiều giải thưởng danh tiếng như: Giải nhất giải thưởng Olivier Messiaen Erasme Fondation của Hà Lan), giải caplet André (Académie des Beaux-Arts) của Hàn lâm Viện Mỹ thuật Pháp, Huân chương kháng chiến, giải thưởng vinh danh nước Việt và các giải thưởng khác.

Hơn 93 tác phẩm của ông với nhiều thể loại giao hưởng, opera… trong đó hơn 10 tác phẩm được viết cho nhạc cụ dân tộc Việt Nam đã được xuất bản và in ấn bởi 2 nhà sản xuất Jobert và Salabert (Paris).

(Nguồn: http://vov.vn)

Tin liên quan

18/02/2021
hỉ với ba bản sonata piano viết trong độ tuổi 20, sau đó không bao giờ viết tiếp nữa, nhà soạn nhạc Johannes Brahms đã xác lập danh tiếng ở thế loại mà hàng thập kỷ trước, Beethoven đã truyền vào một sức sống mới mẻ, qua đó báo hiệU ...
18/02/2021
Màn 1. Trong ngôi đền Solomon ở Jerusalem, những người Do Thái đang than vãn về số phận của họ: Nabucco (Nebuchadnezzar), vua Assyria, đang tấn công họ với đoàn quân hung bạo của ông ta, xúc phạm thành phố linh thiêng của họ.
17/02/2021
“…Đôi khi bất chợt ta nghe một bản nhạc của Mozart và có ý nghĩ: làm sao nó lại hồn nhiên, trong trẻo, thanh nhã, hài hoà đến như vậy? Phải có một ý chí lớn lao đến mức nào, lòng yêu đời và yêu con người sâu sắc đến ...
12/07/2020
Tác giả: Pyotr Ilyich Tchaikovsky Thời gian sáng tác: năm 1880 Công diễn lần đầu: ngày 20/8/1882 tại Thánh đường Chúa Cứu thế, Moscow Thời lượng: khoảng 14 phút Tổng phổ: tác phẩm được viết cho một đội kèn đồng ...