Những thủ pháp biến tấu trong việc phát triển âm nhạc truyền thống qua tác phẩm “Duyên phận” của nhạc sĩ Phúc Linh

28/08/2014

Nhạc sỹ Phúc Linh là người say mê nghiên cứu, tìm tòi những thủ pháp mới trong sáng tác âm nhạc trên cơ sở khai thác những đặc trưng của âm nhạc dân gian - dân tộc cổ truyền của các nền âm nhạc phương Đông nói chung và của âm nhạc dân gian cổ truyền Việt Nam nói riêng. Trong các sáng tác của mình, ông sử dụng những nguyên tắc cấu trúc hình thức và thể loại của âm nhạc kinh điển và âm nhạc hiện đại, nhưng tuân thủ các nguyên tắc ấy một cách tự do, có tính khuynh hướng, không bị gò bó bởi những nguyên tắc ấy. Xu thế kết hợp Đông, Tây, kim, cổ trong sáng tạo là xu thế nổi bật trong phong cách sáng tác của ông. Điều này thể hiện ra trong việc sưu tầm khai thác những chất liệu đặc trưng tiêu biểu về thang âm- điệu thức, về cách tiến hành giai điệu dựa trên những quãng đặc trưng, khiến giai điệu trong các tác phẩm của ông mang đậm màu sắc dân gian-dân tộc ngay cả khi ông không trích dẫn nguyên vẹn một giai điệu dân gian dân tộc cụ thể nào.

Trải qua hai cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc, trong hơn 50 năm qua, nền âm nhạc Việt Nam không ngừng phát triển. Bên cạnh việc bảo tồn những tinh hoa truyền thống, chúng ta còn lựa chọn và tiếp thu những nhân tố mới nhằm bổ sung và làm giàu thêm cho nền văn hoá âm nhạc của dân tộc mình. Nhiều nhạc sỹ sau khi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài trở về nước, họ đã tìm thấy ở nền âm nhạc truyền thống một nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận. Nói như nhạc sỹ Nguyễn Văn Nam trong một cuộc hội thảo "Tôi đã thử tất cả những dạng âm nhạc đương đại như: Meessian, Bulez nhưng không thấy hợp cuối cùng tôi vẫn quay trở về với cội nguồn dân tộc". Trên con đường quay về cội nguồn ấy, có nhiều nhạc sỹ đã khá thành công khi kết hợp giữa hình thức âm nhạc phương Tây với âm nhạc cổ truyền. Có thể kể đến những tác giả - tác phẩm như: Concerto cho Violon "Thăng Long" của nhạc sỹ Đàm Linh; Tổ khúc cho Cello và dàn nhạc "Tiếng hát Sông Hương" của nhạc sỹ Hoàng Dương; hai Concerto cho đàn tranh với dàn nhạc giao hưởng "Quê tôi giải phóng" và "Đất và Hoa" của nhạc sỹ Quang Hải; Concerto cho sáo trúc và dàn nhạc của nhạc sỹ Trí Thanh…

Nhạc sỹ Phúc Linh nguyên là Viện trưởng Viện Âm nhạc, nguyên Phó Giám đốc Nhạc viện Hà Nội (Nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Ông là nghệ sĩ độc tấu kèn Basson, nhà sư phạm và là người tham gia tâm huyết trong việc duy trì bảo tồn nền âm nhạc truyền thống. Không chỉ có vậy, ông còn tham gia sáng tác âm nhạc trên nhiều lĩnh vực: Giao hưởng; nhạc thính phòng; (Concerto; Kèn) và sáng tác cho các nhạc cụ dân tộc... Trên tất cả các lĩnh vực ông đều gặt hái được nhiều thành công. Nhạc sỹ là một người được đào tạo rất chính qui tại trường âm nhạc Việt Nam (nay là Nhạc viện Hà Nội) và sau đó được tiếp tục đào tạo ở Hungary nên các sáng tác của ông luôn gắn liền với nền móng folklore cùng sự trăn trở với nền âm nhạc truyền thống. Bởi vậy, trong các sáng tác của ông ở nhiều lĩnh vực đã mang được phong cách riêng khá độc đáo. Vì thế ông đã có không ít tác phẩm được giải thưởng trong và ngoài nước, đã được khán giả đón nhận nồng nhiệt như: Ngũ tấu "Gánh lúa" tham dự trong "Liên hoan âm nhạc Thái Bình Dương" tại Nhật Bản, tam tấu "Improvisation" tham gia "Liên hoan âm nhạc Châu Á". Hai tác phẩm "Đêm đông" và "Hội mùa" đã tham gia diễn đàn nhạc sỹ sáng tác cho nhạc truyền thống Đông Nam Á tại Bangkok-Thái Lan (1997) và nhiều tác phẩm khác...

Phát huy truyền thống, tiếp thu tinh hoa nhân loại trong lĩnh vực hình thức cấu trúc và thể loại âm nhạc

Qua sự tìm hiểu về hình thức biến tấu trong âm nhạc châu Âu các thời đại, trong âm nhạc dân tộc - cổ truyền Việt Nam cũng như trong âm nhạc đương đại Việt Nam, có thể thấy phương pháp nhắc lại có biến đổi, hoặc cao hơn nữa, phương pháp biến tấu, biến hóa một chủ đề có trước, là phương pháp rất phổ biến được dùng trong nhiều nền âm nhạc dân gian cũng như chuyên nghiệp của nhiều dân tộc, cho dù những dân tộc ấy ở rất xa nhau, có thể không có điều kiện giao lưu trực tiếp, và phương pháp này nảy sinh xuất phát từ nhu cầu tất yếu của sự phát triển âm nhạc, từ sáng tạo của nghệ nhân trong từng dân tộc. Hình thức, phương pháp biến tấu của châu Âu cũng như phương pháp biến hóa lòng bản trong âm nhạc dân tộc - cổ truyền Việt Nam đều nảy sinh từ nhu cầu đa dạng hóa, làm phong phú thêm, mở rộng thêm một giai điệu gốc. Châu Âu gọi đó là chủ đề, các nghệ nhân Việt Nam thì gọi là "giai điệu lõi" hoặc "lòng bản". Chính vì tính phổ biến ấy của hình thức biến tấu, hoặc biến hóa lòng bản, cho nên dù trải qua nhiều thế kỷ, phương pháp, kỹ thuật, hình thức này vẫn được sử dụng, nhưng tất nhiên không đứng yên, mà được bổ sung làm phong phú thêm. Điều này được thể hiện trong sáng tác của nhiều nhạc sĩ của nhiều nền âm nhạc trên thế giới cũng như trong âm nhạc đương đại Việt Nam, mỗi người đều có những đóng góp riêng. Nghiên cứu tác phẩm "Duyên phận" (chủ đề và biến tấu) của nhạc sĩ Phúc Linh nhằm mục đích tìm ra những thủ pháp sáng tác, tìm tòi của một nhạc sĩ Việt Nam trong lĩnh vực này.

Tác phẩm "Duyên Phận" (Chủ đề và Biến tấu)

"Duyên Phận" là tác phẩm được viết ở hình thức biến tấu: Gồm chủ đề và 5 biến khúc chất liệu chính của tác phẩm được lấy từ làn điệu "Duyên phận phải chiều" trong Chèo. Đây là tác phẩm viết cho nhạc cụ dân tộc thể hiện với thành phần dàn nhạc như : Sáo trúc/Bầu/Nhị/Nguyệt - Tỳ/Tranh/36 Dây 1/36 Dây 2/Tứ đại. Trong đó : Sáo - Bầu - Nhị xếp vào nhóm 1; Nguyệt - Tỳ - Tranh xếp vào nhóm 2; 36 Dây 1 - 36 Dây 2 - Tứ đại xếp vào nhóm 3.

Mở đầu tác phẩm là một nét lưu không (gồm 4 nhịp) của Chèo với đặc điểm giai điệu vận động theo hình lượn sóng cùng bước đi liền bậc được điểm xuyến bằng những nết luyến láy kết hợp với tiết tấu nhấn lệch đã tạo phần mở đầu có âm hưởng vui vẻ vừa dí dỏm hài hước rất đặc trưng cho âm nhạc truyền thống của người Việt, nét nhạc lưu không do Nhị - Nguyệt - Tỳ - 36 Dây 2 diễn tấu theo kiểu đồng âm. Phần trầm do Tứ đại đảm nhiệm với nét giai điệu được nhắc đi nhắc lại trên cơ sở hình tiết tấu đặc trưng tạo hiệu quả khá đặc biệt, đó là vừa giữ nhịp, vừa khắc họa yếu tố đảo phách (nhịp ngoại) của nhạc Chèo, vừa tạo hiệu quả hòa âm theo lối trình bày âm hình hóa. Bè còn lại đi chồng quãng 3 với chức năng đệm rất rõ ràng và do đàn 36 dây 1 thể hiện. Với cách xây dựng phần mở đầu như đã miêu tả, âm vang khá đầy đặn với tư duy giai điệu theo kiểu chiều ngang trên giọng rê vũ. Sáo bầu nghỉ chưa tham gia diễn tấu ở phần mở đầu.

Sau nhịp mở đầu, giai điệu bài "Duyên phận" nhạc Chèo được vang lên ở các nhạc cụ: Sáo trúc Bầu sau đó một nhịp là sự xuất hiện của đàn Nguyệt -Tỳ - Nhị - Tranh đuổi nhau theo kiểu Canon tạo thành những tuyến sóng giai điệu dượt đuổi nhau. Chủ đề của hình thức biến tấu viết ở dạng đoạn nhạc (10 nhịp) gồm 2 câu nhạc mỗi câu 5 nhịp. Trong phần trình bày chủ đề của tác phẩm "Duyên phận", có thể nhận thấy rõ những thủ pháp sáng tác của tác giả.

Theo đúng truyền thống, âm nhạc của phần lưu không đã được tác giả dùng để xây dựng các thành phần phụ của tác phẩm. Đó là: Mở đầu - Nối - và Kết bổ sung. Ngoài nét giai điệu lưu không được vang lên ở một số nhạc cụ có thiên hướng đi giai điệu như: Nhị - Nguyệt - Tỳ - Tranh... Các thành phần phụ này còn được hỗ trợ bởi một số bè cùng vang có chức năng khác nhau như: Âm hình hóa hòa âm ở bè Tứ đại, chồng quãng ở bè 36 Dây.

Chủ đề chính của tác phẩm được vang lên bởi bè Sáo trúc và Bầu, sau mở rộng sang các nhạc cụ khác. Đây là nét giai điệu chính làn điệu "Duyên phận phải chiều" nhạc Chèo đã được nhạc sĩ Phúc Linh dùng làm chủ đề cho tác phẩm biến tấu của mình.

Chủ đề chính khi xuất hiện tạo nên dạng "Phức điệu phương đông" hay còn gọi là âm nhạc đa bè truyền thống (theo cách gọi của tác giả). Bởi trong phần xây dựng chủ đề, nhạc sĩ đã khai thác triệt để lối hòa tấu của âm nhạc truyền thống như lối hòa tấu đồng âm, dựa trên tính năng của từng nhạc cụ, có sự tòng theo những âm chính của bè trầm (Tứ đại). Ngoài ra, nhạc sĩ Phúc Linh còn kết hợp một phong cách sáng tạo với các thủ pháp sáng tác châu Âu như: canon, đệm quãng... đã tạo cho chủ đề của tác phẩm vang lên đầy đặn, giàu tính hình tượng nhưng không phá vỡ truyền thống.

Trên cơ sở kết cấu chiều ngang với những nét giai điệu ngũ cung đã hình thành nên kết cấu chiều dọc, hòa âm biến cách (Plagalis Hannonia), tác giả đã thể nghiệm những âm hưởng mới trong thế giới hòa âm này thông qua bè Tứ đại và các chồng âm ngẫu nhiên do các bè đem lại.

Âm nhạc của phần lưu không đã được tác giả dùng để xây dựng phần mở đầu và kết cho chủ đề: Nhạc Lưu không cùng một số chất liệu khác còn làm nền cho chủ đề "Duyên phận" xuất hiện. Tuy nhiên, ở phần mở đầu và kết, chất liệu Lưu không có thể coi là chất liệu chính (chất liệu 1), các chất liệu khác chỉ có tính phụ họa. Chủ đề chính của tác phẩm được vang lên bởi bè sáo trúc. Đây là làn điệu của bài "Duyên phận phải chiều" nhạc Chèo; sau đó mở sang các bè khác do các nhạc cụ luân phiên thể hiện. Chủ đề "Duyên phận" khi xuất hiện đã tạo nên dạng "Phức điệu phương Đông" hay còn gọi là âm nhạc đa bè truyền thống. Trong việc thể nghiệm theo dạng chiều ngang này của tác giả không tuân thủ theo đối vị châu Âu (Phức điệu nghiêm khắc và Phức điệu tự do).

Sự hình thành của hai bè: Bè giai điệu và bè trầm tạo nên cấu trúc âm nhạc chính. Từ đó, theo kết cấu chiều ngang đã hình thành nên kết cấu chiều dọc (hoà âm), trên cơ sở có sự kết hợp giữa thang 5 âm Việt Nam và hoà âm biến cách (Plagalis Harmonia), tác giả đã thể nghiệm những âm hưởng mới trong thế giới hoà âm này.

Trong lịch sử thể nghiệm của các nhạc sĩ Việt Nam, nhiều nhạc sĩ đã kết hợp dạng điệu thức 7 âm và các thang 5 âm Việt Nam. Đây là một thể nghiệm mới của tác giả trong việc vận dụng cách tiến hành hoà âm biến cách (Plagalis Harmoma).

Một thể nghiệm mới nữa trong tác phẩm đó là việc biến phương pháp diễn tấu trong Chèo (làn điệu Lưu không) thành thủ pháp sáng tác và tạo nên cấu trúc của tác phẩm. Trong diễn tấu lòng bản, thường nghệ nhân hát xong thì nhạc công mới diễn tấu lưu không nối tiếp. Trong tác phẩm này, tác giả đã đưa phần Lưu không xuất hiện cùng một lúc với làn điệu chính, từ đó tan ra âm nhạc đa bè trong sự thống nhất của thang âm có sẵn.

Thay vì lấy bộ khung hoà âm của phương Tây làm nền tảng phân tích tác phẩm thì tác giả đã chọn lựa cấu trúc có sẵn trong âm nhạc dân gian truyền thống Việt Nam nói chung và trong Chèo nói riêng để thể nghiệm một cấu trúc mới Việt Nam (thay vì cho nhiều dấu hoá bất thường nhiều chuyển điệu thì chỉ sử dụng làn điệu và lưu không tạo ra âm hưởng mới).

Nhạc sỹ Phúc Linh là người say mê nghiên cứu, tìm tòi những thủ pháp mới trong sáng tác âm nhạc, trên cơ sở khai thác những đặc trưng của âm nhạc dân gian - dân tộc cổ truyền của các nền âm nhạc phương Đông nói chung và của âm nhạc dân gian cổ truyền Việt Nam nói riêng. Trong các sáng tác của mình, ông sử dụng những nguyên tắc cấu trúc hình thức và thể loại của âm nhạc kinh điển và âm nhạc hiện đại, nhưng tuân thủ các nguyên tắc ấy một cách tự do, có tính khuynh hướng, không bị gò bó bởi những nguyên tắc ấy. Xu thế kết hợp Đông, Tây, kim, cổ trong sáng tạo là xu thế nổi bật trong phong cách sáng tác của ông. Điều này thể hiện ra trong việc sưu tầm khai thác những chất liệu đặc trưng tiêu biểu về thang âm- điệu thức, về cách tiến hành giai điệu dựa trên những quãng đặc trưng, khiến giai điệu trong các tác phẩm của ông mang đậm màu sắc dân gian-dân tộc ngay cả khi ông không trích dẫn nguyên vẹn một giai điệu dân gian dân tộc cụ thể nào.

Trong các tác phẩm của ông luôn chứa đựng một tình yêu cháy bỏng đối với nền âm nhạc truyền thống, lòng khát khao muốn được tìm về với cội nguồn dân tộc. Nền móng folklore luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong các tác phẩm của ông cùng với sự trăn trở để tìm một con đường đi riêng cho mình.

Học tập truyền thống, tiếp thu tinh hoa từ bên ngoài nhưng phải luôn bám chắc lấy nguồn gốc dân tộc, biết cải biến, sáng tạo và không dừng lại mới có thể đóng góp được cái của riêng mình cho cái chung của dân tộc. Phải biết tìm tòi, thể nghiệm, bạo dạn, nhưng không phá cách một cách tùy tiện, có thế mới tìm được sự đồng tình, sự hỗ trợ của những người trong giới cũng như của công chúng. Đó chính là bản lĩnh cần có của người nghệ sĩ sáng tạo trong đó có sáng tạo âm nhạc./.

(Nguồn: http://www.spnttw.edu.vn)

Tin liên quan

18/02/2021
hỉ với ba bản sonata piano viết trong độ tuổi 20, sau đó không bao giờ viết tiếp nữa, nhà soạn nhạc Johannes Brahms đã xác lập danh tiếng ở thế loại mà hàng thập kỷ trước, Beethoven đã truyền vào một sức sống mới mẻ, qua đó báo hiệU ...
18/02/2021
Màn 1. Trong ngôi đền Solomon ở Jerusalem, những người Do Thái đang than vãn về số phận của họ: Nabucco (Nebuchadnezzar), vua Assyria, đang tấn công họ với đoàn quân hung bạo của ông ta, xúc phạm thành phố linh thiêng của họ.
17/02/2021
“…Đôi khi bất chợt ta nghe một bản nhạc của Mozart và có ý nghĩ: làm sao nó lại hồn nhiên, trong trẻo, thanh nhã, hài hoà đến như vậy? Phải có một ý chí lớn lao đến mức nào, lòng yêu đời và yêu con người sâu sắc đến ...
12/07/2020
Tác giả: Pyotr Ilyich Tchaikovsky Thời gian sáng tác: năm 1880 Công diễn lần đầu: ngày 20/8/1882 tại Thánh đường Chúa Cứu thế, Moscow Thời lượng: khoảng 14 phút Tổng phổ: tác phẩm được viết cho một đội kèn đồng ...