Khúc mở màn ra đời khi tác giả bị nhốt

13/03/2014

Gioachino Rossini có lẽ là một trong những nhà soạn nhạc có tốc độ sáng tác opera nhanh nhất thế giới.

Bản nhạc: Overture "La gazza ladra"
Tác giả: Gioachino Rossini
Thể hiện: Dàn nhạc giao hưởng Berlin (chỉ huy: Herbert Karajan)

Trong vòng 19 năm (từ 1810 đến 1829), ông đã sáng tác gần 40 vở opera và thường chỉ hoàn thành phần overture vào đêm trước buổi công diễn lần đầu.

Do thời gian gấp gáp, có lần nhà soạn nhạc người Ý này phải sử dụng lại overture của một vở opera cũ để mở màn cho vở một opera mới sáng tác. Overture nổi tiếng "Il Barbiere di Siviglia" (Người thợ cạo thành Seville) mà ta nghe ngày nay ban đầu không được soạn dành cho chính opera này. Nó vốn là overture mà Rossini đã viết trước đó cho một vở opera khác là Aureliano in Palmira.

Một overture khác cũng rất nổi tiếng của Rossini có tên "La gazza ladra" (Con chim ác là ăn cắp). Vở opera La gazza ladra gồm hai màn với libretto do Giovanni Gherardini viết dựa trên vở kịch La pie voleuse (Con chim ác là ăn cắp) của hai tác giả J. M. T. Badouin d'Aubigny và Louis-Charles Caigni. Tác phẩm được công diễn lần đầu vào ngày 31 tháng 5 năm 1817 tại nhà hát La Scala, Milan.

Trong La gazza ladra, cô hầu gái Ninetta (người đem lòng yêu chàng Fernando con ông bà chủ) bị buộc tội ăn cắp một chiếc thìa bạc. Do phải che giấu người cha đào ngũ, cô không thể chứng minh sự vô tội của mình. Cuối cùng cô thoát chết trong gang tấc vì người ta khám phá ra thủ phạm thực sự. Một con chim ác là đã lấy cắp chiếc thìa bạc cùng nhiều vật lấp lánh khác và đem giấu ở tổ của nó trên tháp nhà thờ.

Ngày nay một câu chuyện thế này nghe hoàn toàn phi lí nhưng vào thời Rossini cả tội trộm cắp và tội đào ngũ đều có nguy cơ phải nhận án tử hình. Thực tế đã có chuyện một cô hầu gái bị hành hình vì tội trộm cắp rồi người ta mới khám phá ra rằng chính chim ác là mới là kẻ chôm chỉa vật bị mất. Vụ oan sai đã dẫn tới sự hủy bỏ án tử hình đối với tội trộm cắp trên toàn châu Âu.

Overture "La gazza ladra" bắt đầu bằng hai hồi trống dây (snare drum) thu hút sự chú ý của thính giả. Sau đoạn hành khúc là trích dẫn giai điệu một bản duo tình yêu từ nội dung opera. Rossini sử dụng ký hiệu crescendo (tăng dần âm lượng) để dẫn vào một đoạn nhạc đặc biệt náo động trước khi hai chủ để chính được tóm tắt lại.

Người ta kể lại rằng nhằm buộc Rossini viết xong khúc overture này cho kịp thời gian công diễn opera, ông bầu của nhà hát đã phải nhốt Rossini trong một căn phòng có khóa vào ngày trước buổi công diễn lần đầu. Mỗi khi hoàn thành một tờ tổng phổ, nhà soạn nhạc lại ném nó ra ngoài cửa sổ để những người chép nhạc có thể nhanh chóng chép lại thành các bản phân phổ cho từng nhạc công.

Vở opera La Gazza ladra của Rossini rất nổi tiếng ngay từ những buổi đầu công diễn nhưng đến nay thì hầu như không được các nhà hát opera trên thế giới dàn dựng nữa. Riêng khúc overture trứ danh "La gazza ladra" ra đời khi tác giả bị nhốt thì vẫn được biểu diễn thường xuyên trên các sân khấu hòa nhạc cổ điển.

(Nguồn: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn)

Tin liên quan

18/02/2021
hỉ với ba bản sonata piano viết trong độ tuổi 20, sau đó không bao giờ viết tiếp nữa, nhà soạn nhạc Johannes Brahms đã xác lập danh tiếng ở thế loại mà hàng thập kỷ trước, Beethoven đã truyền vào một sức sống mới mẻ, qua đó báo hiệU ...
18/02/2021
Màn 1. Trong ngôi đền Solomon ở Jerusalem, những người Do Thái đang than vãn về số phận của họ: Nabucco (Nebuchadnezzar), vua Assyria, đang tấn công họ với đoàn quân hung bạo của ông ta, xúc phạm thành phố linh thiêng của họ.
17/02/2021
“…Đôi khi bất chợt ta nghe một bản nhạc của Mozart và có ý nghĩ: làm sao nó lại hồn nhiên, trong trẻo, thanh nhã, hài hoà đến như vậy? Phải có một ý chí lớn lao đến mức nào, lòng yêu đời và yêu con người sâu sắc đến ...
12/07/2020
Tác giả: Pyotr Ilyich Tchaikovsky Thời gian sáng tác: năm 1880 Công diễn lần đầu: ngày 20/8/1882 tại Thánh đường Chúa Cứu thế, Moscow Thời lượng: khoảng 14 phút Tổng phổ: tác phẩm được viết cho một đội kèn đồng ...