Tổ khúc Peer Gynt của Grieg
Edvard Grieg sinh ngày 15 tháng 6 năm 1843 ở Bergen. Grieg có năng khiếu âm nhạc từ nhỏ, năm 12 tuổi đã tập sáng tác. Năm 1858, Grieg theo học nhạc viện Leipzig ở Đức cho đến năm 1862 thì trở về nước. Từ đó ông tiếp tục trau dồi nghệ thuật, viết những tác phẩm thấm đượm màu sắc của đất nước phương Bắc xa xôi này, trở thành người đi đầu kiệt xuất nhất của nền âm nhạc kinh điển Na Uy và có ảnh hưởng tốt đẹp cho sự phát triển của dòng âm nhạc lãng mạn của châu Âu trong thế kỷ 19.
Tác phẩm âm nhạc ông viết cho vở kịch nói của văn hào Ibsen, vở ”Peer Gynt”, đã khiến tên tuổi của ông được toàn thế giới biết đến và được sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay.
Nàng Solveigh- người tình trung thủy trọn đời.
Diễn biến, bối cảnh và các nhân vật của vở kịch nói Per Gynt của đại văn hào Henrich Ibsen lấy từ chuyện dân gian Na Uy thể hiện cách nhìn mang màu sắc châm biếm của ông về thân phận một con người. Ở đây, những con quỷ khổng lồ tiêu biểu cho những gì là xấu xa còn tiềm ẩn trong bản chất con người, còn nàng Solveigh tượng trưng một nhân vật phỏng dụ thủy chung và nhân nghĩa. Ngay cả Peer, mặc dù vô lại và ngu đần, cũng có những nét hấp dẫn nhất định, một phần cũng vì tính cách luôn luôn lạc quan, biết thích nghi với mọi hoàn cảnh để tìm ra lối thoát. Có lẽ khi phản ánh cả tính thiện và ác của con người đương đại, Peer đã phản ánh cái mà hầu như ai cũng có thể nhận thấy ở chính mình.
Nhạc sĩ Edvard Grieg đã sáng tác 23 khúc nhạc cho vở kịch nói của Ibsen nhằm khắc họa những khung cảnh trữ tình kịch tính, cảnh sắc thiên nhiên Na Uy và những cảnh sinh hoạt dân gian, do đó đưa nội dung âm nhạc viết cho vở kịch gần lại với nhưng nguồn gốc thơ ca dân gian. Cuối những năm 80, dựa trên những khúc nhạc cho kịch nói này Grieg đã soạn thành 2 tổ khúc cho dàn nhạc, lấy tên là Per Gynt.
Mở đầu câu chuyện là cảnh Peer Gynt đang bịa chuyện với mẹ hắn, bà Ase, rằng hắn đã săn được một con hươu. Chán ngấy thói nói dối của hắn, bà nói rằng lẽ ra hắn phải cưới Ingrid vì của hồi môn của nàng có thể sẽ giúp họ thoát khỏi cảnh nghèo khổ, nhưng nàng lại sắp sửa cưới một người khác vào ngày hôm sau rồi. Peer thề sẽ phá đám cưới. Bà Ase phản đối, thế là hắn ném bà lên mái nhà. Peer đến đám cưới cướp cô dâu Ingrid, vác lên vai chạy lên núi, nhưng sau đó bỏ Ingrid lại đó trong trang phục cô dâu, nói với nàng rằng hắn muốn có một người đàn bà khác. ở đây là khúc nhạc mang tên Cướp đoạt cô dâu Ingrid và những lời than thở của nàng. Khúc nhạc mang đậm màu sắc kịch tính, mở đầu và kết thúc bằng những âm thanh xáo động, đầy phẫn nộ, phần giữa là những âm hưởng xót xa, than vãn. Dân làng làng đổ đi tìm bắt Per Gynt, nhưng hắn được ba cô gái chăn lợn giúp ẩn trốn. Peer lại tán tỉnh cô gái áo xanh, hóa ra cô ta lại là con gái của Quỷ Núi. Peer cùng cô gái cưỡi trên lưng lợn chạy về lâu đài của Quỷ Núi. Khi nét nhạc mang tên Trong lâu đài của Quỷ Núi đầy ấn tượng được lặp đi lặp lại một cách cuồng nhiệt, là lúc những con Quỷ khổng lồ đòi giết Peer vì hắn dám quyến rũ công chúa. Âm nhạc ở đây không mang tính chất sinh hoạt, đùa cợt, mà hoang dã, quỷ quái. Với bản lĩnh bậc thầy, tác giả đã phát triển âm nhạc từ chỗ cho bè trầm dẫn chủ đề một cách bí ẩn, thầm thì ở sắc thái cực nhỏ (pp), tăng dần cường độ và nâng cao dần âm vực, cho đến lúc chủ đề vang lên mạnh mẽ, vang dội.
Peer đang ở trong rừng để trốn tránh dân làng. Hắn dựng một túp lều để cùng chung sống với nàng Solveigh chung thủy. Nhưng bị ám ảnh bởi hình ảnh cô vợ khổng lồ và đứa con quái dị mà hắn đã có với cô ta, hắn rời bỏ Solveigh, nhưng vẫn hy vọng nàng sẽ đợi chờ cho đến khi hắn được cứu rỗi linh hồn. Trước khi ra đi hắn đến thăm mẹ đang nằm chờ chết trong một túp lều lụp sụp vì tất cả của cải trong nhà đã phải đem nộp phạt vì hắn đã bắt cóc Ingrid. Tiếng nhạc thê lương xây dựng trên một môtíp nhạc nhắc đi nhắc lại, báo hiệu Cái chết của bà Ase, đã đi theo những giây phút cuối đời của bà Ase.
Khúc nhạc nổi tiếng mở đầu cho Tổ khúc Per Gynt số 1 của Grieg có tên gọi Buổi sáng miêu tả không phải cảnh mặt trời mọc trên núi đồi Na Uy, mà lại miêu tả cảnh mặt trời mọc trên sa mạc Sahara, vùng đất Bắc Phi mà Peer đến sinh sống sau khi chia tay với nàng Solveigh.
Trong khi đi lang thang trên sa mạc, Peer chứng kiến câu chuyện giữa tên ăn cắp ngựa và tay tiêu thụ đồ ăn cắp. Bị những người A rập truy đuổi, chúng tháo chạy vứt bỏ những đồ ăn cắp lại trong đó có con ngựa trắng của viên tộc trưởng A rập. Peer đã chiếm lấy những của cải này. Được chào đón như một nhà tiên tri tại trại của người A rập, Peer được thưởng thức một màn múa A rập thanh lịch và duyên dáng.
Nàng Anitra, con gái viên tộc trưởng, trình diễn một điệu múa tràn đầy màu sắc phương Đông trong giai điệu và tiết tấu, thu hút lòng người, nhưng không phải vì thế mà Peer tha bắt cóc Anitra, vẫn đặt nàng lên con ngựa trắng và phóng ngựa ra đi.
Peer Gynt cuối cùng cũng trở về quê hương Na Uy trên một con tầu chở những của cải hắn đã kiếm được, nhưng tầu đã va phải đá ngầm và chìm dần. Peer thoát chết nhờ bám được vào một mảnh gỗ để bơi vào bờ. Đặt chân lên đất liền, Peer lại trở về với quá khứ, và một đêm kinh hoàng diễn ra. Thần Chết xuất hiện cảnh báo rằng hắn sẽ chết nếu không chứng minh được sự ăn năn, hối cải của mình. Trong khúc nhạc này,với tên gọi Per Gynt trở về quê Grieg đã sử dụng một phương thức đầy xúc động với sự pha trộn những tiếng thì thầm, những môtíp nhạc kèn đồng, tiếng như gió rít của kèn gỗ độc tấu, tạo nên tiếng gió, tiếng gào thét của sóng biển và sấm chớp.
Cuối cùng Peer quay về với nàng Solveigh, nay đã già nua mù lòa như hắn. Solveigh không một lời kết tội Peer, và với tất cả tình yêu và sự tha thứ bao dung, nàng kéo Peer về phía mình, vỗ về cho hắn nghỉ ngơi trong khi Thần chết thì gào rú lên báo rằng sẽ đến lôi hắn đi khi đường đời của hắn kết thúc.
Chúng ta đã từng được nghe bài hát Bài ca nàng Solveigh trữ tình đằm thắm mà đượm màu sầu thương da diết, có giai đẹp tuyệt vời , một bài hát đã làm rung động bao trái tim, tiếc thương cho một tình yêu say đắm thủy chung, nhưng có lẽ cũng không biết rằng bài hát ấy chính là bài ca kết thúc trong vở kịch cũng như trong Tổ khúc Peer Gynt của người nhạc sĩ Na Uy tài năng.
(Nguồn: Tạp chí Nghe nhìn)