9 khúc ca tình yêu
Chương trình Bài ca tình yêu tối 19-4-2016 tại Phòng hòa nhạc Học viện Âm nhạc Việt Nam đã mở màn cho chuỗi hoạt động kỷ niệm 60 năm thành lập Trường Âm nhạc Việt Nam (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) do Hội Nhạc sĩ VN và Học viện Âm nhạc đồng tổ chức.
Photo: Nguyễn Lê Tâm
Đêm tác giả này thuộc về một nhạc sĩ mặc áo lính: về tuổi đời - ông sắp tròn 83, tuổi quân - đã bước sang năm thứ 66, tuổi nhạc - cũng 66 năm kể từ bài hát đầu tay năm 1950. Một cây đại thụ! Song, như ta vẫn nói: còn cảm hứng sáng tác, còn viết về tình yêu nghĩa là vẫn còn yêu, mà tình yêu thì làm gì có tuổi.
Chùm romance gồm 9 bài hát phần lớn là mới, còn toàn bộ phần piano vừa được hoàn thiện trong hai năm 2014-2015, cũng là thời gian tác giả hoàn thiện opera cùng tên với chương trình này: Bài ca tình yêu. Cường độ làm việc như thế chỉ có thể là của một người còn trẻ. Và người còn trẻ ấy là ai? Tôi đang nói đến nhạc sĩ không tuổi, đại tá quân đội nhân dân VN, tiến sĩ nghệ thuật, nhà soạn nhạc, nhà lý luận âm nhạc Doãn Nho.
“Một nền âm nhạc khỏe mạnh bao giờ cũng đứng trên cả hai chân, trụ vững trên cả hai lĩnh vực thanh nhạc và khí nhạc” - đó là câu tôi trích dẫn của nhà lý luận âm nhạc Doãn Nho.
Nhạc sĩ Doãn Nho đi bằng hai chân trên con đường âm nhạc của mình - chặng đường còn dài hơn lịch sử Học viện Âm nhạc. Trong hơn 6 thập kỷ qua ông đã làm gì?
Trong lĩnh vực khí nhạc, ông làm nên tên tuổi mình với liên khúc giao hưởng 3 chương Chiến Thắng, các giao thơ Tháng Tám lịch sử và Thánh Gióng - những tác phẩm giao hưởng này đã và chắc chắn sẽ còn được chọn làm đề tài luận văn cử nhân, cao học và tiến sĩ của sinh viên Học viện.
Trong lĩnh vực thanh nhạc hình thức lớn, ông để lại dấu ấn của mình qua các hợp xướng Sóng Cửa Tùng, Có một khu rừng như thế; Khúc tưởng niệm viết cho dàn nhạc và giọng soprano là tác phẩm giao hưởng thanh nhạc không lời mà giọng hát vocalise được xem như nhạc cụ solo; cách đây 6 năm (vào dịp Hà Nội tròn 1010 năm tuổi) oratorio Hoa Lư Thăng Long - Bài ca dời đô ra mắt và được ghi nhận là sự kiện đặc biệt trong đời sống âm nhạc Thủ đô. Năm 2014 ông hoàn thành opéra Bài ca tình yêu - ra mắt vở diễn lớn không đơn giản nên chính tác giả chỉ biết chờ đợi mà thôi.
Riêng về ca khúc, Doãn Nho nổi tiếng ở nhiều mảng: hành khúc (Tiến bước dưới quân kì, Bài ca dân quân tự vệ Thủ đô, Năm anh em trên một chiếc xe tăng), ca khúc trữ tình (Chiếc khăn piêu, Người con gái sông La) và một thể loại hiếm trong nên ca khúc Việt, đó là hài khúc (Quả bom câm, Bài ca xe ba cầu). Ngoài ca khúc phổ thông còn có romance - nơi mà mối quan hệ giữa nhạc hát và nhạc đàn thể hiện khá rõ quan điểm sáng tác và ngôn ngữ âm nhạc của nhạc sĩ Doãn Nho.
9 romance viết cho baritone và mezzo soprano là hai giọng hiếm ở Việt Nam kèm theo phần đệm piano. Hoàn toàn khác với ca khúc đại chúng hiện nay, đây là những tác phẩm âm nhạc thuần túy, không cần đến sự khuếch trương không gian và âm thanh, không cần đến hiệu ứng ánh sáng và múa minh họa hoặc bất kỳ yếu tố “ngoài âm nhạc” nào khác. Đây không phải là chương trình để nhìn bằng mắt, mà thuần túy để nghe chỉ bằng tai - cứ nhắm mắt mà nghe càng tốt, càng cảm nhận rõ hơn qua ngôn ngữ âm thanh.
Bài 1: Màu tím chiến khu (2015): về với cội nguồn thuộc đề tài tình yêu lớn, nhưng thay cho những lời hô hào rầm rộ, thay vì ngợi ca cái cao cả hào hùng thường gặp, tác giả muốn dẫn dắt người nghe vào trạng thái ngất ngây với “hoa tím và cô gái lưng ong”. Lời ca ngắn lặp lại nguyên xi ba lần, có khác chỉ ở phần piano và lần cuối được dịch giọng lên quãng 3 thứ (từ C-dur sang Es-dur). Có thể nói sự phát triển ở đây thuộc về nhạc đàn - hết sức giản dị, khiêm tốn, tiết kiệm năng lượng. Chất trữ tình làm tăng tính thuyết phục cho đề tài chính luận, cái đẹp tôn cao cho sức mạnh, tính nghệ thuật làm bền vững cho tính thời sự - đó là điều tác giả muốn hướng tới.
Bài 2: Hãy cùng ta biển ơi (2015) nối tiếp tinh thần công dân trong trong đề tài thời sự nóng bỏng hiện nay: bảo vệ biển Đông. Bài hát viết cho mezzo soprano này có phần piano rất thoáng, kiệm nốt, kiệm cường độ âm thanh. Vài nốt nhạc mở đầu như sóng gợn lăn tăn; kết (cũng như bài trên) nhỏ dần - kết lịm, hoàn toàn khác với cách thể hiện đầy tính chiến đấu thường gặp trong đề tài biển đảo. Bản nhạc một lần nữa cho thấy sự giản dị, súc tích, ít lời ít nốt trong ca khúc nghệ thuật của Doãn Nho.
Bài 3: Người lính mùa xuân về (2015), đứa con tinh thần của hai người lính - nhà thơ Thụy Kha và nhạc sĩ Doãn Nho. Người lính đã được báo tử bỗng trở về, ngơ ngác giữa quê mình. “Mẹ sững sờ trước ngõ/ Còn trai nép bên tường/ Vợ đã đành bước nữa” - những câu thơ ngắn mà rất điện ảnh, làm thắt cả tim ấy được hát lên trên cùng một âm hình tiết tấu chấm - giật và nghịch phách. Tính kịch, sự tương phản còn tăng thêm khi đặt xen kẽ hai điệu tính trưởng - thứ cùng tên (a-moll và A-dur). Đoạn vocal không lời ở giọng trưởng như mở ra hy vọng về một mùa xuân trở lại, hy vọng về một cái kết đầy nhân ái sẽ tìm thấy trong nghịch cảnh thời hậu chiến này.
Bài 4: Nụ - “Cái nụ xinh/ Như cúc áo/ Như hạt táo/ Như giọt sương/ Cứ âm thầm/ Mà uống nắng/ Cứ im lặng/ mà chờ mưa” ¬- bài thơ mỗi câu 3 từ giản dị như đồng dao của Tạ Hữu Yên gắn với phần piano đơn giản, thoáng như tấm ren thưa, trong như màn sương mỏng. Khúc đồng dao nho nhỏ xinh xinh ấy được nhắc lại dịch lên quãng 2 trưởng, sáng hơn, rực rỡ hơn, cứ như nắng đang lên và nụ bỗng xòe hoa…
Bài 5: Hai chị em (thơ: Vương Trọng 2007-2014) thêm một nghịch cảnh gia đình, một khía cạnh đau lòng ngày càng trở nên phổ biến trong cuộc sống đương đại, nhưng ít được nói đến trong AN.
“Nín đi em, bố mẹ bận ra tòa/ Chị lên 7 dỗ em lên 3”. 1 cách kín đáo và kiệm nốt, piano nối giữa các câu thơ hoặc tạo nền tremolo trong trạng thái bất an.
Bài 6: Có một Thăng Long (phổ thơ: Đỗ Trung Lai, 2000-2015). Qua nhiều sáng tác đậm chất miền Trung, rất nhiều người nhầm tưởng nhạc sĩ Doãn Nho xuất thân đâu đó xứ Thanh xứ Nghệ. Thực ra ông là người Hà Nội gốc, sinh ra ở làng Cót (nay là khu vực Nguyễn Khang - Cầu Giấy). Xưa quê ông là đất chèo và trống quân. Ông thân sinh của nhạc sĩ nổi tiếng có giọng hát hay và thuộc nhiều làn điệu chèo. Đây là một trong những sáng tác mà nhạc sĩ dành tặng nơi chôn rau cắt rốn của mình.
Bài 7: Bản thiên thai trần gian (thơ Hiền Mặc Chất 2015). Nếu như Có một Thăng Long có phần piano được viết bổ sung cho ca khúc đã ra đời trước mười mấy năm, thì Bản thiên thai trần gian là sáng tác mới mà phần đàn được viết cùng lúc phần hát. Có thể cảm nhận được chất hội họa với phần đệm thoáng nhẹ, phảng phất màu sắc Á Đông trên các quãng 4 và 5.
Bài 8: Mướp con (thơ: Phạm Đông Hưng 2015). Chúng ta quá quen với một Doãn Nho người lính với những tác phẩm hoành tráng, hào hùng; chúng ta đã biết một Doãn Nho của hành khúc, tình khúc, hài khúc. Còn một khía cạnh có lẽ là mới với đa số khán giả: Doãn Nho của thiếu nhi. Đây là một bài hát xinh xắn, ngộ nghĩnh, điểm những nét vuốt của piano vừa giống như cái đuôi mèo ngo ngoe, vừa tựa như chuyển động thoăn thoắt của chuột nhắt ẩn hiện quanh chú mèo là giọng hát. Nếu phần hát giao cho giọng soprano hoặc giọng thiếu nhi thì rất hợp với hình ảnh chú mèo nhép, nhưng Mướp con lại được thể hiện qua giọng baritone, tựa như ông đang kể chuyện cho cháu nghe, đang diễn trò chơi với cháu.
Bài 9: Bài ca tình yêu (2015). 8 bức tranh âm nhạc trên tôn vinh lòng nhân ái - tình yêu thiên nhiên, tình yêu quê hương, tình thương gia đình. Và bức tranh cuối trong chùm romance này thuộc về tình yêu lứa đôi. Viết cho đồng đội, viết cho con cháu rồi, giờ là cho vợ. Bài ca tình yêu tác giả dành tặng một nửa của mình, một người vừa là đồng đội trong cuộc chiến vào sinh ra tử, vừa là đồng nghiệp trong sự nghiệp âm nhạc, vừa là bạn đồng hành suốt cả đường đời.
Với người sáng tác, không gì bằng được sẻ chia, được nghe nhau. Thêm nữa, đây cũng là cơ hội học hỏi giống như sinh hoạt ngoại khóa cho sinh viên sáng tác, thanh nhạc, piano và lý luận. Chương trình khép lại, vẫn còn đó những câu hỏi về kết quả thử nghiệm, còn đó những trăn trở mà tác giả rất muốn trao đổi cùng đồng nghiệp:
1/thế nào là một ca khúc nghệ thuật với phần piano không đơn thuần chỉ là đệm, ai muốn đệm thế nào cũng được? Làm thế nào để có phần nhạc đàn là nhân tố cấu thành tác phẩm và không thể tách rời khỏi phần hát?
2/làm thế nào để bứt khỏi tư duy đơn âm, nhưng không lệ thuộc vào cấu trúc và hòa thanh phương Tây? Làm thế nào để vận dụng hợp lý màu sắc ngũ cung Á Đông với tiết tấu linh hoạt, với chồng âm trên các quãng 4-5 và cách tiến hành bè chú trọng phát triển theo chiều ngang đặc trưng Việt Nam?
Mạo muội thay ông nhấn mạnh vài điểm theo cảm nhận của riêng tôi và hy vọng là trúng ý ông - nhạc sĩ Doãn Nho.
19-4-2016
Xem thêm ảnh tại đây: Chùm ảnh chương trình Bài ca tình yêu