Festival Âm nhạc Mới "Á - Âu" 2016: THÔNG CÁO BÁO CHÍ

05/10/2016

Để triển khai thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu văn hóa dân tộc, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực.

Festival Âm nhạc Mới “Á - Âu” lần thứ nhất được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 10 năm 2014, với sự tham gia của hơn 200 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ 32 quốc gia. Đại diện các đoàn nhạc sĩ đã vinh dự được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp và nói chuyện thân mật. Festival đã thành công rực rỡ, khẳng định vị thế vững chắc của nền âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam, là bước phát triển mới trên con đường xây dựng một nền âm nhạc tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Từ thành công của Festival Âm nhạc Á - Âu lần thứ nhất, các nhạc sĩ, nghệ sĩ quốc tế đều bày tỏ sự hài lòng về công tác tổ chức, tiếp đón, nội dung và chất lượng nghệ thuật, đặc biệt đánh giá cao nền âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam (tác phẩm, đội ngũ nghệ sĩ, cơ sở biểu diễn, nhà hát, phòng hòa nhạc, an ninh - an toàn tuyệt đối...), đều có nguyện vọng chung là tiếp tục được có mặt tại Việt Nam trong những dịp Festival tiếp theo.

Tháng 11 năm 2014, tại Tokyo, Hiệp hội các nhà soạn nhạc Châu Á - Thái Bình Dương (ACL) đã quyết định kết nạp Việt Nam vào Hiệp hội và đề nghị Hội Nhạc sĩ Việt Nam đăng cai Hội nghị ACL lần thứ 34  vào năm 2016.

Từ những kết quả tốt đẹp của hai sự kiện nêu trên, Hội Nhạc sĩ Việt Nam với tư cách là thành viên chính thức của Hiệp hội các nhà soạn nhạc châu Á - Thái Bình Dương (ACL), được sự đồng ý của Ban Bí thư quyết định tổ chức Festival Âm nhạc Á - Âu lần thứ 2 và Hội nghị Hiệp hội các nhà soạn nhạc châu Á Thái Bình Dương (ACL) lần thứ 34 từ ngày 12 đến 18/10/2016 tại Hà Nội và Vĩnh Phúc.

 Đây là một cơ hội thuận lợi để giới thiệu những thành tựu của nền âm nhạc cách mạng, âm nhạc mới của Việt Nam, quảng bá những tác phẩm mới của các nhạc sĩ Việt Nam với bạn bè quốc tế. Đây còn là dịp để các nhạc sĩ, nghệ sĩ nước ngoài giới thiệu những tác phẩm âm nhạc đương đại, những xu hướng phát triển âm nhạc của các nước Á - Âu. Bên cạnh đó, là dịp để bạn bè hiểu sâu hơn về đất nước, con người Việt Nam, về nền văn hóa, âm nhạc lâu đời của dân tộc ta, góp phần củng cố và thắt chặt mối quan hệ tốt đẹp với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới.

Festival Âm nhạc Mới “Á - Âu" lần thứ 2 và Hội nghị Hiệp hội các nhà soạn nhạc châu Á - Thái Bình Dương (ACL) lần thứ 34 bao gồm chuỗi chương trình hòa nhạc, từ giao hưởng, thính phòng, nhạc kịch, vũ kịch, hợp xướng đến ca khúc đại chúng. Tiêu chí của Festival là giới thiệu những tác phẩm mới sáng tác trong những năm gần đây của các nhạc sĩ tiêu biểu cho các trường phái âm nhạc đương đại trên thế giới. Một Festival Âm nhạc lớn, hội tụ những tài năng âm nhạc thế giới tại Việt Nam với chủ đề “Âm nhạc - hội tụ và lan tỏa”, sẽ đem đến cho khán giả những tác phẩm âm nhạc mới mẻ và hấp dẫn.

Tham dự Festival lần này cũng có khoảng trên 200 nhạc sĩ, nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc công… đến từ 30 quốc gia trên thế giới: Anh, Ấn Độ, Ba Lan, Canada, Colombia, Đài Loan, Đức, Hồng Kông, Hy Lạp, Nga, Malaysia, Mỹ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Pháp, Úc, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Idonesia, Israel, Philippines, Singapore, Thailand, Trung Quốc, Tatarstan, Lào, Campuchia, Việt Nam…

Với quy mô lớn, Festival gồm 11 buổi hòa nhạc chính, mà trong đó có hơn 100 tiết mục chọn lọc, một số chương trình và các hoạt động khác sẽ diễn ra từ ngày 12 đến 18 tháng 10 năm 2016, tại thủ đô Hà Nội và thành phố Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc).

 1. Lễ khai mạc và Chương trình Hòa nhạc Giao hưởng sẽ diễn ra vào lúc 20 giờ, tối 12/10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

2. Lễ bế mạc - Lễ trao giải thưởng và Chương trình hòa nhạc Giao hưởng hợp xướng vào lúc 20 giờ, tối 18/10, tại phòng Hòa nhạc Lớn, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Festival huy động một lực lượng đông đảo các nghệ sĩ chuyên nghiệp trong lĩnh vực âm nhạc giao hưởng, hợp xướng, thính phòng, đó là Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Viện Âm nhạc châu Á - Mỹ, Tam tấu đến từ Moskva, song tấu Violon - Piano từ Tây Ban Nha…, cùng  các solists nổi tiếng như: NSND Nguyễn Thiếu Hoa (chỉ huy), NSND Nguyễn Thế Dân (đàn nhị), NSƯT Bùi Công Duy (Violon), ca sĩ Đào Tố Loan (Soprano),...

Bên cạnh đó, còn có hai cuộc tọa đàm với chủ đề Giao lưu âm nhạc mới giữa các nước Á - ÂuCây đàn Bầu Việt Nam, với sự tham gia của các giáo sư, tiến sĩ, các nhà soạn nhạc, các nhà nghiên cứu, đào tạo âm nhạc của quốc tế và Việt Nam.

Ngoài ra, Ban tổ chức còn có chương trình tham quan Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên và các địa danh nổi tiếng của tỉnh Vĩnh Phúc dành cho khách quốc tế.

T/M BAN CHỈ ĐẠO FESTIVAL

PGS.TS.Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân
Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam

 

  

 

 

 

Tin liên quan

06/03/2021
Tối 5 tháng 10 năm 2020, tại Nhà hát Chèo Việt Nam, Hà Nội, đã diễn ra Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020, do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du ...
06/03/2021
Nhạc sĩ Phú Quang đã được vinh danh ‘Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội 2020’ tại lễ trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái vừa diễn ra chiều 7/10.
23/02/2021
Chín ca khúc gồm: Thị, Mía, Khế, Cà rốt, Sầu riêng, Na, Thuyền giấy, Thả diều, Em yêu tổ quốc em. Cố nhạc sĩ phổ nhạc dựa theo lời thơ Phạm Hổ, xoay quanh những loại quả, trò chơi tuổi thơ với lời ca trong trẻo, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ ...
23/02/2021
Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) đã hoàn thành việc mua bản quyền âm nhạc của vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” và sẽ công diễn tác phẩm vào đêm 21-22/11, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.