Khí nhạc chuyên nghiệp: Từ nốt thăng xuống nốt trầm
Khí nhạc Việt Nam ngay thuở trứng nước trong thời buổi chiến tranh đã làm nên kỳ tích, như cậu bé làng Gióng gặp lúc gian nguy biết vươn mình lớn dậy. Đó là thời của những “nốt thăng” tươi sáng, bay bổng và ngân vang.
Nếu tính từ những tác phẩm giao hưởng một chương chào đời vào những năm 59-60 thế kỷ trước, thì “cậu bé Phù Đổng” ấy nay đã quá tuổi ngũ thập. So với một đời người, thế cũng đủ chín để “tri thiên mệnh”, để hiểu người biết ta, nhưng so với truyền thống gần ba trăm năm của bậc “đại lão” giao hưởng châu Âu thì khí nhạc ở ta vẫn là trẻ thơ.
Mà đúng là trẻ thơ thật!
Ta vẫn giữ nguyên cái tự tin của tuổi mới lớn, hồn nhiên thơ ngây trong những tác phẩm còn mang dáng dấp bài tập thực hành, chủ yếu vận dụng kiến thức của các thế kỷ XVIII-XIX pha chút phá cách của nửa đầu thế kỷ XX.
Ta luôn có niềm khao khát muốn khẳng định mình trước nhiều ngả rẽ, nhưng chưa kịp định hình định tính thực sự, nên rẽ ngả nào, theo hướng nào xem chừng vẫn chỉ là “mới ta” nhưng đã “cũ người”.
Ta chưa có được sức hấp dẫn của một bản lĩnh chững chạc để giành được chỗ đứng vững vàng trong một đời sống xã hội luôn chao đảo theo những cơn lốc thị trường ca nhạc giải trí đại chúng.
Ta còn non tay non sức trong cuộc chinh phục công chúng bao nhiêu, thì càng ít bấy nhiêu khả năng tiếp cận người nghe, thế là gần như mất hẳn sự phản hồi, cọ xát, đụng độ..., tóm lại những gì làm nên sự từng trải giúp ta lớn thêm, vượt qua thời kỳ non nớt.
Ta tràn đầy tinh thần cởi mở hội nhập với thế giới bên ngoài, tuy những cuộc mang chuông đi đánh xứ người quá hiếm và chưa thực sự tạo được một tiếng nói ấn tượng trên diễn đàn quốc tế, nhưng cũng khiến ta tự hào nhiều hơn là nhận ra rằng sự góp mặt của ta ít nhiều xuất phát từ nghĩa cử của bè bạn, giống như họ làm “từ thiện” cho ta vậy.
Vì thế, nhìn lại cái thuở vươn vai lớn bổng, không ít nhà chuyên môn ngậm ngùi rằng khí nhạc của ta hôm nay đang có những bước... lùi. Đứa trẻ sau đận “chín ép” đã bị tước dần môi trường thuận lợi để trải nghiệm và tiếp tục tung hoành xứng với bước đầu đáng kỳ vọng đó.
Tôn vinh quá khứ bằng cách liệt kê thành tựu là việc ta quen làm và làm đã nhiều. Nói đến thực trạng ta cũng thường dành phần ưu tiên cho khúc ngợi ca những “nốt đúng nốt chuẩn” trước đã, rồi mới động tới vài ba “nốt chênh nốt phô”, cho dù ta thừa biết với nhau rằng cái được còn quá ít so với cái chưa được. Trong “gia cảnh” khí nhạc lúc này mà chỉ ngắm nghía cái đã có, chưa chắc cải thiện được tình thế bằng mau chóng đối mặt với cái đang thiếu.
Cái thiếu trầm trọng nhất, đáng bận tâm nhất là môi trường khí nhạc, là không khí nghề nghiệp, từ đó dẫn đến những cái thiếu khác như đội ngũ kế tiếp, cập nhật thông tin...
1. Môi trường khí nhạc:
Đa số tác phẩm khí nhạc được tài trợ hoặc đoạt giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam hằng năm vẫn theo nhau chui vào tủ lưu trữ của Hội, không xuất bản, không dàn dựng, không mấy ai tới hỏi mượn.
Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia ở ta đang được đánh giá “tầm cỡ khu vực” nhưng chưa tận dụng “nội lực” đó cho nhạc nội địa. Dù các nhạc sĩ ta không ngừng viết nhạc giao hưởng thính phòng, dù các dàn nhạc ta đều mong muốn quảng bá cho đội nhà, nhưng loanh quanh vẫn chỉ vài tác phẩm Việt Nam lọt vào danh mục biểu diễn, vì ngoài những chương trình kỷ niệm lễ lạt ra mà cứ tiếp thị sản phẩm “cây nhà lá vườn” thì cầm chắc đại lỗ về doanh thu.
Sự phổ cập, dẫn giải tác phẩm nhạc đàn vừa mang tính nhà nghề vừa có sức hấp dẫn đông đảo công chúng không được đặt ra thành mục tiêu. Vai trò “cầu nối” giữa tác phẩm với người nghe mặc nhiên thuộc đặc quyền của những cây bút không chuyên ngành lý luận âm nhạc, và muốn hiểu tác phẩm không lời nói gì, công chúng chỉ biết nhờ cậy những tay “thông ngôn” chưa chắc đã thông tỏ ngôn ngữ khí nhạc. Báo chí cần những bài được viết trước các chương trình biểu diễn nhằm kịp thời đưa tin, chứ không thiết đăng những bài viết sau mang ý nghĩa đánh giá chất lượng. Viết sau khó hơn viết trước vì đó là công việc của các nhà phê bình âm nhạc chuyên nghiệp. Song giọng văn khô khan nặng nề của các nhà nghiên cứu lý luận thiếu hẳn cái duyên câu khách nên không mong có ngày đột nhiên lại “hợp nhãn” ban biên tập các báo.
Công chúng hoàn toàn không có thói quen và nhu cầu thưởng thức nhạc giao hưởng thính phòng. Đấy là hậu quả đương nhiên của nhiều năm chỉ chú trọng đào tạo người viết và người diễn mà quên “đào tạo” người nghe. Khả năng tưởng tượng khi nghe nhạc không lời vốn rất lớn ở trẻ nhỏ, nhưng không được khơi gợi nuôi dưỡng nên cứ teo đi rồi mất dần theo tuổi thơ. Giới trẻ (chiếm số đông trong công chúng nghe nhạc) nói chung ngày càng dị ứng với cái gọi là nhạc hàn lâm, nhạc bác học. Giới trí thức biết nghe giao hưởng kinh điển thế giới (chiếm phần nhỏ nhoi so với công chúng bình dân) vẫn gần như không biết đến tên tuổi tác giả Việt Nam và tác phẩm khí nhạc Việt Nam.
2. Không khí nghề nghiệp:
Thiếu hỗ trợ từ bên ngoài, không ít nhà soạn nhạc vẫn say sưa mài bút trên tổng phổ. Song thiếu tinh thần động viên lẫn nhau trong nghề quả là mất đi một sự khích lệ không nhỏ. Trong giới nhạc với nhau, những anh tỉnh vẫn thường lấy làm ái ngại cho những anh say (say nghề!): “Ôi dào, viết làm gì, ai dựng, ai nghe?”.
Người chuyên viết khí nhạc mà chẳng viết bài hát nào thì không được công chúng coi là nhạc sĩ. Còn người chỉ viết giai điệu ca khúc quần chúng không phần đệm thì lại không được “dân nhạc viện” coi là nhạc sĩ với đúng nghĩa của từ này. Có phải vì sự khác biệt đó mà khó có được mối đồng cảm giữa những người anh em sáng tác?
Lực lượng nhạc sĩ viết ca khúc đông hơn, được công chúng biết tiếng hơn các nhà soạn nhạc không lời. Có phải nhờ thế nên có những “ca khúc gia” cảm thấy tự tin hơn và cứ rập rình muốn đẩy mấy ông khí nhạc đi chỗ khác chơi, đi mà lập ra hội khác để “viết giao hưởng cho nhau nghe”?
Giữa “giới hàn lâm” với nhau cũng thiếu một không gian nghề nghiệp để nghe nhau và trao đổi trực tiếp. Nhận xét sau lưng thường nặng về chê bôi khó gây được hiệu quả mong muốn. Dễ mang tiếng quá “đát”, già cỗi nếu cứ trung thành với bài bản tiếp nhận từ các trường phái châu Âu của các thế kỷ trước, nhất là trường phái Nga - Xô viết. Dễ bị chỉ trích ít học, chỉ biết làm ba cái thứ lăng nhăng không giống âm nhạc nếu cố tân tiến theo xu hướng đương đại.
3. Đội ngũ kế tiếp:
Các cụ xưa đã nói: “Con hơn cha là nhà có phúc”. Một nền khí nhạc có phúc là thấy được cảnh con cháu đề huề và sự đầu tư dư dả cho thế hệ nối dòng nối dõi, thấy được sự sẻ chia và tôn trọng cả kinh nghiệm của lớp “cha truyền” cùng những bứt phá của lớp “con nối”.
Nhạc sĩ được đào tạo bài bản từ các nhạc viện ngày càng đông mà đội ngũ trẻ viết khí nhạc lại mỏng tang là do đâu, có sự bất cập giữa giáo trình đào tạo với yêu cầu xã hội, hay tình trạng ế ẩm khí nhạc khiến các nhà khí nhạc tương lai không đủ can đảm hành nghề đã học?
Số nhạc sĩ trẻ còn giữ được niềm đam mê khí nhạc chỉ đếm trên đầu ngón tay và họ gần như phải chấp nhận thế đơn độc trong cuộc dấn thân này. Đời còn dài, sức còn dai, lớp sinh sau đẻ muộn chưa đến tuổi được coi là đối tượng cần ưu tiên hỗ trợ cả về tinh thần lẫn vật chất, nên chủ yếu vẫn mạnh ai nấy làm. Họ chưa nhận được gì nhiều, ngoài sự lãnh đạm thờ ơ với những sản phẩm ít mới hoặc phản ứng gay gắt với những thử nghiệm quá mới của họ.
4. Cập nhật thông tin:
Ở thời đại công nghệ thông tin toàn cầu mà vẫn tồn tại một khoảng cách không gian và thời gian khó vượt qua giữa giới nhạc chuyên nghiệp trong nước với những trào lưu sáng tác khí nhạc hiện nay trên thế giới. Thêm nữa, còn có những rào cản vô hình trong ý thức, trước hết là thói quen đề cao cảnh giác thời hậu chiến chưa mất hẳn, dẫn đến khó chấp nhận bất kể yếu tố lạ lẫm nào từ bên ngoài.
Khác với các nhạc sĩ trẻ thuộc lĩnh vực ca khúc giải trí phổ thông, không phải nhà soạn nhạc nào cũng có điều kiện bước chân vào thế giới phẳng và coi việc truy cập internet như nhu cầu cơm bữa để kịp thời nắm bắt tình hình khí nhạc chuyên nghiệp thế giới hiện ra sao, đi tới đâu.
Càng ít người có điều kiện mắt thấy tai nghe tác phẩm âm nhạc đương đại và các xu hướng thể nghiệm trên thế giới, mà âm nhạc là nghệ thuật phải được vang lên, chứ không thể chỉ diễn tả bằng thông tin chữ nghĩa. Nhạc sĩ trẻ có dịp tham dự liên hoan quốc tế thì cũng chỉ một mình mình biết, một mình mình hay.
Thông tin bên ngoài hạn chế, thông tin giữa ta với ta cũng không kém mù mờ. Bác này vừa hoàn thành giao hưởng hợp xướng, chú nọ đã viết xong tác phẩm thính phòng, toàn là nghe nói vậy thôi, dù tác giả chỉ mong sớm giới thiệu tác phẩm mới cho đồng nghiệp mà chẳng biết bằng cách nào.
Vài nét kể trên đủ cho thấy những thiếu hụt trong lĩnh vực khí nhạc không chỉ là chuyện riêng của người viết khí nhạc. Việc điều chỉnh cho bức tranh khí nhạc ngày mai bớt đi sắc màu ảm đạm của hôm nay còn tùy thuộc vào nhiều mắt xích, từ cách nhìn thoáng hơn, mở hơn của người trong cuộc cũng như tất cả những người liên quan, đến sự hợp lực đồng bộ của nhiều cơ quan nhà nước, trong đó có các tổ chức nghề nghiệp. Một tổ chức nghề nghiệp mang tính xã hội cao với số thành viên lớn như Hội Nhạc sĩ Việt Nam phải là nơi trước tiên và thường xuyên có những tác động cụ thể và thiết thực cho sự sống còn của khí nhạc chuyên nghiệp.
Ai nỡ để những người đại diện đích thực của âm nhạc nước nhà trên trường quốc tế bị rơi vào tình cảnh của những người Mohican cuối cùng?
Ai mà không mong sớm có ngày khí nhạc của ta lại lấp lánh những nốt thăng đẹp đẽ?
2008
Tác giả: Nguyễn Thị Minh Châu